Truyền thuyết về “quái vật” đồng hành với Ông già Tuyết

Thứ Năm, 24/12/2015, 14:20
Truyền thuyết ngày xưa thường nói về một sinh vật rậm lông, đầu sừng, được gọi là Krampus xuất hiện trước cửa nhà đánh những đứa trẻ không ngoan ngoãn và còn bắt chúng đi bằng những móng vuốt nhọn. Người ta có thể nhận ra Krampus trong đêm do âm thanh phát ra từ những chiếc móng chẻ và sợi dây xích.

Phần lạ lùng nhất của truyền thuyết là Krampus đồng hành với Thánh Nicholas (Santa Claus, Ông già Nôen hay Ông già Tuyết). Trong khi Ông già Tuyết cưỡi xe tuần lộc đến thăm và tặng quà cho những trẻ em ngoan vào đêm Giáng sinh thì "người đồng hành" Krampus ra tay trừng phạt những đứa trẻ hư.

Người ta tin rằng sinh vật rậm lông có gương mặt giận dữ, với 2 sừng dài cong trên đầu giống như con dê, đi quanh quẩn ve vẩy chiếc đuôi dài cùng chiếc lưỡi thè dài đỏ lòm, bất ngờ bước vào căn nhà có những đứa trẻ không vâng lời cha mẹ để trừng phạt chúng. Krampus sẽ đánh đòn những đứa trẻ ấy bằng bó cây bạch dương hay lông đuôi ngựa, ném chúng vào bao tải hay chiếc thúng bện bằng cây liễu gai và đưa xuống địa ngục sống trong một năm.

Hình ảnh Krampus trong thiệp chúc mừng năm 1900.
Thánh Nicholas và Krampus thăm một căn nhà ở Vienna, Áo. Ảnh minh họa năm 1896.
Một tấm thiệp mô tả Thánh Nicholas và Krampus ở Áo.

Theo truyền thuyết, Thánh Nicholas thông thái biết được những đứa trẻ hư ở đâu và phái Krampus tìm đến trừng phạt. Các nhà sử học tuy còn chưa chắc chắn về nguồn gốc chính xác của sinh vật Krampus trong văn hóa dân gian, nhưng họ tin rằng Krampus - cũng giống như Santa Claus - xuất phát từ tín ngưỡng của người Norse (cũng được gọi là người Viking hay Danes) ở vùng Bắc Âu và người Đức cổ.

Tương tự như nhiều nhân vật truyền thuyết khác, hình ảnh Krampus tiến hóa theo thời gian và mang nhiều dị bản ở nhiều khu vực. Tuy nhiên, Krampus thể hiện sự cân bằng giữa ánh sáng và bóng tối, sự tồn tại biện chứng giữa thiện và ác. Vào đêm Krampus (tiếng Đức- Krampussnacht), tức đêm trước ngày 5-12, trẻ con Đức cẩn thận để không thu hút sự chú ý của quái vật này với hy vọng Thánh Nicholas sẽ mang quà đến vào ngày Nikolaustag (tức ngày 6-12).

Theo tạp chí National Geographic của Mỹ, Krampus được tin là con trai của nữ thần chết Hel (hay còn gọi là Hela) trong thần thoại người Norse. Hel cai quản địa ngục Nifheim và là con gái của thần phá hoại Loki. Tên của Krampus xuất phát từ tiếng Đức "krampen", nghĩa là "móng vuốt". Krampus có hình dạng tương tự những nhân vật nửa người nửa dê khác trong thần thoại Hy Lạp, như là thần rừng satyr và thần nông faun.

Truyền thuyết về Krampus có thể nghe thấy ở các khu vực nằm trong dãy Alps, Áo, Đức, Hungary, Slovenia và Cộng hòa Czech, thậm chí ở khắp châu Âu cũng như vòng quanh thế giới. Theo truyền thống, các gia đình thường trao đổi những tấm thiệp chúc mừng đầy màu sắc - tiếng Đức gọi là Krampuskarten - kể từ năm 1800, trong đó  đôi khi có hình ảnh của Krampus.

Hình ảnh lễ hội Krampus ở Portschach am Worthersee, Áo, năm 2013.
Minh họa hình ảnh Knecht Ruprecht, năm 1863.

Đầu thế kỷ XX, hình ảnh Krampus bị chính quyền phát xít Áo cấm đoán nhưng truyền thống đã hồi sinh sau khi chế độ thân Hitler bị lật đổ vào cuối Thế chiến II. Những cuộc diễu hành hàng năm theo truyền thống cổ vẫn còn được tổ chức cho đến ngày nay, ở đó thanh niên mặc trang phục giống như Krampus và chạy ngang qua các đường phố với tiếng gầm gừ, rượt đuổi và khua sợi dây xích vào mọi người. Mỗi năm, có hơn 1.000 người Áo tụ tập tại thị trấn Schladming, ăn mặc như Krampus, cầm cây bạch dương sơn màu vàng đánh vào người qua đường và thi nhau rung chuông.

Ngoài Krampus, Santa Claus còn có những người bạn đường khác tùy theo khu vực và văn hóa, phản ánh lịch sử và tín ngưỡng địa phương. Những nhân vật truyền thuyết này thường có nhiều điểm chung, đóng vai trò trừng phạt những trẻ hư. Họ thường cầm theo roi, gậy hay chổi và thường mặc quần áo rách rưới màu đen.

Ở Đức, Knecht Ruprecht (Rupert tá điền hay Rupert người hầu) là ông già râu dài, mặc áo rơm, đi cùng với Thánh Nicholas. Người ta biết Knetcht Ruprecht xuất hiện khi nghe tiếng chuông rung. Nhân vật này thường cho trẻ con trái cây và bánh nếu chúng ngoan ngoãn học giáo lý. Nếu phát hiện trẻ không học bài, Knecht Ruprecht sẽ để vào đôi giày của chúng cây gậy hay hòn than.

Ruprecht là tên gọi phổ biến khi nói về những điềm gở ở Đức. Ở vùng Palatinate (Đức) cũng như bang Pennsylvania (Mỹ) và vùng bờ biển phía đông Canada, sinh vật đồng hành với Thánh Nicholas là Belsnickel. Đó là sinh vật đáng khiếp sợ giống như Knecht Ruprecht, vừa tặng quà vừa trừng phạt trẻ con. Tại một số vùng, Belsnickel ăn mặc giả dạng phụ nữ, trùm khăn che đầu và mặt, mang theo bánh kẹo cùng với cây gậy dài.

Còn Zwarte Piet (Pete Đen) là nhân vật trong truyền thuyết của Bỉ, Hà Lan và Luxembourg. Những người đóng vai Zwarte Piet phải tô gương mặt màu đen, đội tóc giả màu đen và tô môi màu đỏ. Bề ngoài của Zwarte Piet hiện bị phản đối ở Hà Lan do dễ liên tưởng đến chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.

Bức vẽ Mô tả Belsnickel của Ralph Dunkleberger.
Hình ảnh hiện đại của Thánh Nicholas và Zwarte Piet.

Truyền thuyết về Krampus hiện nay vẫn được phổ biến cho dù sinh vật này bị đánh giá là không thích hợp cho trẻ con. Mặc dù có vẻ như quỷ dữ, nhưng Krampus luôn ở bên cạnh Thánh Nicholas - Ông già Tuyết - để bảo đảm rằng khi giáo dục trẻ con, có thưởng thì có phạt và mọi người phải tôn trọng, đối xử với nhau bằng tình tương thân tương ái.

"Ông già Giáng sinh" có xuất xứ từ đâu?

Thời cổ, Thần Neptune là vị thần của biển cả và đại dương, người hộ mệnh cho thủy thủ và ngư dân. Rồi sau Công giáo La Mã đổi thành Thánh Nicholas (bởi họ không muốn giới con chiên gọi tên các thần linh theo lối của thời Hy Lạp cổ nữa). Sự trở về từ biển cả luôn là một ấn tượng lớn. Phụ nữ và trẻ em hết thảy đều vui mừng. Còn những người cha? Họ đem quà về.

Trong thời Trung cổ, đó là ngày lễ Thánh Nicolaus ở Đức, Santa Class tại Hà Lan và Santa Claus ở Anh - thường thiên về ngày lễ cho con trẻ nhiều hơn: qua hình tượng một ông già với hàm râu bạc trắng, vận áo choàng liền mũ đỏ, cưỡi con ngựa bạch hoặc con lừa, cùng cái bao trên lưng đi khắp nơi phân phát quà cho con trẻ.

Ông già Noel - hiện thân của Thánh Nicholas.
Hình ảnh Ông già Tuyết và Công chúa Tuyết thường thấy ở các nước vùng Đông Âu (dân tộc Slavs).

Thời gian Santa Claus đi phát quà ứng đúng với ngày 25-12 và từ đó mang tên Ông già Giáng sinh, hay Ông già Noel cũng vậy (ở Việt Nam còn gọi là Ông già Tuyết).

Có một điều ít ai biết rằng, Giáo hội Thiên Chúa giáo thật ra không hài lòng chút nào về sự xuất hiện của Ông già Noel trùng với lễ Giáng sinh, bởi làm giảm ý nghĩa sự ra đời của Chúa Hài đồng. Vậy là Đấng Christ được biến thành một cô gái trẻ trong bộ trang phục trắng muốt và cũng đi phát quà.

Nhưng dân chúng đã quen với hình ảnh - biểu trưng của Thánh Nicholas, không chấp nhận lễ mừng Năm Mới mà không có ông. Và rồi cả 2 trường phái được hòa hợp lại: Ông già Noel và Công chúa Tuyết cùng đi. Đó là huyền thoại của người Slavs cổ.

Thu Hường

Diên San (tổng hợp)
.
.