Italia bảo vệ di sản văn hóa bằng công nghệ hiện đại

Thứ Năm, 28/04/2016, 10:05
Trong suốt nhiều thập niên qua, du khách đã làm bẩn những bức tường cũng di sản văn hóa khác bằng những câu chữ bày tỏ tình yêu vĩnh cửu, cảm xúc bất chợt, nhận xét ngớ ngẩn… Người ta dễ dàng đọc thấy những câu đại loại như: “Tôi căm ghét những bậc cầu thang”, hay “Cate ơi, Anh muốn cưới em làm vợ”. Để chống lại tình trạng hủy hoại di sản văn hóa, giới chức Florence bắt đầu sử dụng công cụ mới khá hiệu quả - đó là giải pháp kỹ thuật số.

“Không viết trên tường” – thông điệp này được đọc thấy trên bức tường đá thời kỳ Phục Hưng bên trong thánh đường Santa Maria del Fiore nằm ở quảng trường Piazza San Giovanni - trung tâm tôn giáo của thành phố Florence miền trung Italia. Quảng trường Piazza San Giovanni là nơi nổi tiếng với 3 di tích cổ: Thánh đường Santa Maria del Fiore, tháp chuông Giottos Campanile và nhà rửa tội Baptistery.

Thế nhưng, yêu cầu này rõ ràng đã không được du khách tôn trọng. Mới đây nhất, ngày 28-2-2016, cặp đôi du khách “Jackie+Denise” đến từ bang New Jersey miền đông nước Mỹ muốn chắc chắn rằng cả thế giới biết họ đã đến thăm tháp chuông Giotte Campanile được thiết kế bởi Giotto di Bondone - một trong những nghệ sĩ tiên phong của thời kỳ Phục Hưng. Cặp đôi quyết định viết tên của họ bằng bút chì màu đỏ đậm lên quả chuông đồng thế kỷ XVIII.

Du khách để lại thông điệp của mình trên máy tính bảng.

Trong suốt nhiều năm, giới chức thành phố Florence cố gắng ngăn chặn du khách đến từ khắp nơi trên thế giới sử dụng những bức tường đá cổ làm “trang giấy” để bày tỏ cảm xúc cá nhân như thế nhưng cuối cùng vẫn không thành công. Giới chức thành phố Florence quyết định chọn giải pháp kỹ thuật số để giải quyết vấn đề nan giải biết bao nhiêu năm qua.

Bắt đầu từ tháp chuông Giottos Campanile. Sau khi làm vệ sinh sạch sẽ mọi bức tường dọc theo những bậc thang dẫn lên tháp chuông vào đầu năm 2016, giới chức thành phố cho đặt 3 máy tính bảng trong khu vực này với hy vọng du khách sử dụng để ghi lại những dòng cảm xúc của mình mà không còn gây tổn hại cho di sản cổ nữa. Thông điệp mà du khách ghi lại sẽ được lưu trữ mãi mãi trên một trang web. Trong khi đó, bất cứ dấu hiệu mới nào trên tường sẽ bị xóa ngay lập tức.

Ngoài ra, một tấm biển khuyến cáo du khách được đặt ngay lối vào tháp chuông bằng 2 thứ tiếng Anh và Italia. Alice Filipponi, nhà chiến lược truyền thông xã hội của Opera di Santa Maria del Fiore - Viện Giám sát khu phức hợp di sản Duomo của thành phố Florence, phát biểu: “Chúng tôi cần đến công cụ nào đó để răn đe chống lại hành vi viết, vẽ bậy lên tường. Sau khi mọi bức tường được rửa sạch, chúng tôi hy vọng ứng dụng số trên máy tính bảng sẽ giúp cải thiện tình hình. Mục tiêu của chúng tôi là giúp cho du khách tự do để lại dấu vết của họ mà không phải làm bẩn những bức tường nữa”.

Beatrice Agostini (kiến trúc sư của Viện chịu trách nhiệm quản lý và bảo dưỡng di tích) cùng với đội gồm 9 người của bà phải mất đến 3 tháng để tẩy sạch những bức tường bằng loại gel dung môi và laser. Beatrice Agostini nói: “Chúng tôi muốn nói với mọi người rằng một dấu vết không chỉ gây chướng mắt mà còn làm tổn hại di tích văn hóa. Công việc xóa sạch những câu chữ trên tường không hề đơn giản. Bởi vì có những dấu vết không xóa sạch được trên mặt đá hoa cương”.

Trong 3 ngày đầu tiên thử nghiệm với ứng dụng máy tính bảng, Alice Filipponi và Beatrice Agostini ghi nhận có hơn 3.000 du khách để lại 304 thông điệp kỹ thuật số trên thiết bị và không có những dấu vết mới nào xuất hiện trên tường. Với “dấu tích ảo”, du khách có thể chọn nền cho văn bản – đó là nền gỗ hay nền đá hoa cương, sắt hay thạch cao – tương tự như cấu trúc của di tích.

Ngoài ra, du khách cũng có thể chọn loại công cụ để viết – cây son môi hay bình sơn xịt – cũng như các biểu tượng. Du khách cũng được yêu cầu để lại địa chỉ email để sau khi thông điệp của họ được chấp nhận, họ sẽ nhìn thấy được những cảm xúc viết ra của mình xuất hiện trên trang web. Trong những năm sắp tới, thông điệp của du khách sẽ được in và lưu giữ trên giấy trong thư khố được thành lập từ năm 1296 của viện Opera di Santa Maria del Fiore.

Franco Lucchesti, Chủ tịch Viện, giải thích: “Chúng tôi vẫn chưa rõ biện pháp giáo dục như thế có hiệu quả hay không. Song tình hình hiện nay cho thấy trang web của chúng tôi đã đầy tràn những thông điệp của du khách trong khi những bức tường vẫn sạch sẽ”. Do đó, chúng tôi có thể tin tưởng giải pháp kỹ thuật số có sức mạnh”.

Giorgio Moretti, chủ tịch nhóm Angels of Beauty tự nguyện dọn vệ sinh những bức tường thành phố Florence từ nhiều năm, nhận định: “Tôi hy vọng giải pháp sẽ phát huy tác dụng. Bất cứ sáng kiến nào cũng quan trọng và đây là dự án hết sức sáng tạo”.

Tháp chuông Giottos Campanile nhìn từ trên cao.

Ở Italia hiện nay, hành vi làm bẩn những bức tường di tích văn hóa cổ sẽ bị phạt tiền hay thậm chí án tù tùy theo mức độ gây tổn hại. Ở Florence, cuộc chiến bảo vệ di tích đã hình thành từ nhiều thập niên qua nhưng bắt đầu trở nên căng thẳng tột cùng vào những năm gần đây. Một số đoàn du khách nước ngoài nhận thức được hành vi bôi bẩn di tích của họ. Ví dụ, Franco Lucchesi nhớ lại cách đây 3 năm người Nhật Bản đã có lời xin lỗi sau khi đoàn học sinh nước này gây tổn hại di tích do hành vi bôi bẩn.

Laura Bachmann, du khách người Đức đến Florence cùng với một người bạn, nhận xét: “Thật ra, di tích quá sạch sẽ cũng có ích. Bởi vì không ai dám là người đầu tiên làm bẩn nó”. Đối với các chuyên gia, trạng thái sạch sẽ của di tích cũng là một dạng răn đe du khách.

Song Andrea Amato, chủ tịch Hội chống Graffiti (vẽ lên tường) Quốc gia của Italia, bình luận về nỗ lực của giới chức chính quyền thành phố Florence: “Tôi lo rằng máy tính bảng không thể ngăn chặn được hành vi tái phạm của du khách. Hệ thống camera giám sát cũng không ngăn cản được hành vi graffiti. Song về mặt tâm lý, nếu chúng ta vệ sinh sạch sẽ di tích thì mọi người khó mà dám làm bẩn nó lần nữa”.

Duy Minh (tổng hợp)
.
.