Cô gái tàn tật viết văn và làm truyền thông Trần Trà My:

Yêu trên từng ngón tay

Thứ Hai, 09/11/2015, 15:35
Cô gái với gương mặt sáng và bầu bĩnh, lúc nào cũng có thể cười với người đối diện, dù bàn chân đi rất khó, đôi tay phải bám vào chiếc xe lăn tự chế, như một đứa trẻ cần phải có một chỗ dựa để tập đi những bước chân đầu đời của mình.

Cô gái bé nhỏ mang tên một loài hoa ấy, tưởng sẽ bị cuộc sống xô ngã trong bước chân đi không vững, lại là một người đầy tự tin bởi nghị lực và nỗ lực phi thường để viết nên những truyện cổ tích của đời mình, bằng thơ ca, bằng văn chương, bằng một công việc ổn định, sự tự lập cao độ ở giữa mảnh đất Sài Gòn hoa lệ...

Không ai cưỡng được số phận

Trà My sinh năm 1986 tại Đông Hà, Quảng Trị, là con cả trong một gia đình có 4 anh chị em. Khi mới được vài tháng tuổi, trong một  lần bị sốt cao, co giật, bỗng trên người Trà My xuất hiện những chấm nhỏ màu đỏ li ti.

Cứ ngỡ chỉ một thời gian thì sẽ bay đi nhưng không những nó không mất đi mà còn dày thêm, gia đình My mới đưa cô đến bệnh viện điều trị, ở Quảng Trị không đủ thiết bị máy móc, gia đình đưa My vào Huế điều trị. Mới vài tháng tuổi thôi nhưng Trà My đã phải trải qua những ca mổ kéo dài để lấy đi những chấm đỏ trên người. Tuy nhiên, khi mà những chấm nhỏ vừa hết cũng là lúc đôi chân của cô teo đi không thể cứu vãn nổi. Rồi các ngón tay co lại, mềm nhũn.

Cơ thể Trà My vẫn phát triển, nhưng không đồng đều và cô vĩnh viễn mất đi khả năng đi lại bình thường, hai bàn tay thì duy nhất có một ngón cử động được, khả năng nói cũng bị hạn chế, giọng nói bị ngọng và rất khó khăn để có thể buột ra một câu tròn vành rõ chữ.

Trở thành cô bé tàn tật như một trò đùa của số phận, dĩ nhiên, Trà My không thể đến trường, bởi vì chỉ chống chọi với việc đi lại, ăn uống đã là cả một nỗ lực không ngừng nghỉ của gia đình và của riêng cô. Cuộc đời của Trà  My gắn liền với chiếc xe lăn. Khi bé thì tập đi với chiếc xe lăn do ba cô tự làm, ngoài những lúc đó, My chỉ ở nhà suốt ngày làm bạn với những con vật trong nhà. Ba mẹ lần lượt sinh các em và các em cô cũng lần lượt được đến trường đi học.

My thèm khát học chữ, mon men đến gần các em như một đứa trẻ bé bỏng. Rồi những khi cả nhà đi vắng, My lấy sách vở của các em ra xem, tò mò lần từng con chữ lạ hoắc. Sau này, My được các em dạy cho học chữ, đếm số, làm toán. Ba mẹ bận đi làm nên không có nhiều thời gian cho con, họ hoàn toàn không ngờ được rằng, đến một ngày Trà My bỗng chốc biết đọc, biết làm toán, thậm chí còn giảng cho em mình một bài toán khó trước sự ngỡ ngàng của cả nhà, bởi với họ, chỉ cần My sống khỏe đã là cả một sự nỗ lực rồi.

My kể lại: Có lần mẹ cô đi làm về đứng ngoài cửa thấy cô cắm cúi dù là đầy khó khăn để viết chữ, bà giả bộ như không thấy gì rồi lén quay đi lau nước mắt. Tưởng con mình chỉ là đứa trẻ bất lực và buông xuôi trước cuộc sống, vì biết mình thiệt thòi, thường ngày My hay đòi hỏi, đòi gì phải được nấy, nếu không được là dọa... chết, nên mẹ thường rất chiều chuộng cô.

Khi biết My ham học, mẹ đã cho cô học cùng với các em. Ba cô là bộ đội chiến đấu ở vùng lửa Quảng Trị, khi hòa bình, ông trở về và lái xe cho một cơ quan nhà nước. Mẹ chăm chút cho My từng cái nhỏ, thì My lại học được ở ba những điều lớn lao, khi My tập đi lại, bị ngã, ông không đỡ ngay dậy mà khuyến khích cô tự đứng lên bằng đôi chân của mình, ông đã dạy cô những bài học về sự vươn lên bằng tinh thần thép của một người lính cộng với tình yêu của một người cha đã trải qua cái khắc nghiệt của đời sống, những giọt nước mắt đau khổ quá nhiều dành cho đứa con tàn tật của mình, dù cuộc sống khó khăn nhưng My lại được nuôi dưỡng và lớn khôn bởi một tình yêu vô bờ mà cha mẹ và gia đình dành cho con, đó là một điểm tựa giúp My vững bước trong những hành trình của đời sống.

Viết văn ban đầu chỉ là... thay lời muốn nói

My nói chuyện rất khó, để dịch và hiểu được My, phải là một người thân thiết, rất gần, rất hiểu My. Bởi vì giao tiếp khó khăn như thế, nên đến năm 14 tuổi Trà My bắt đầu ý thức về việc viết ra giấy thay vì phải nói.

Cô chia sẻ: “Khi biết đọc, biết viết, biết cộng trừ, nhân chia, tôi bắt đầu đọc sách. Nhất là những truyện cổ tích, tôi say mê và luôn ước giá mà trong cuộc sống cũng có phép màu như trong truyện cổ tích để sau này lớn lên tôi sẽ làm một con người có ích cho xã hội, được đi đây đi đó và có nhiều bạn bè ở khắp nơi... 14 tuổi tôi bắt đầu sáng tác thơ, và 16 tuổi thì có truyện ngắn được in trên tạp chí Cửa Việt của tỉnh Quảng Trị”. Tiếng lành đồn xa, có một cô bé tật nguyền viết văn đã không còn là điều xa lạ với những người viết văn ở Đông Hà.

Ngoài viết văn, Trà My rất thích học vi tính, nhưng hoàn cảnh gia đình lúc đó thực sự không dư giả gì. May mắn thay, có một cặp vợ chồng người Hà Nội vào Quảng Trị công tác biết được hoàn cảnh và niềm đam mê của Trà My đã gửi tặng cô một bộ máy vi tính cũ. Trà My bắt đầu học đánh máy vi tính. Thời gian đầu là cả một thử thách lớn đối với My. Tay rất yếu nên My chỉ có thể gõ bằng ngón cái hoặc ngón giữa.

Cô kiên trì ngồi trước bàn phím hàng giờ, gõ từng chữ kỳ cạch một cách chậm chạp. Nhiều lúc ngón tay mỏi và tê cứng nhưng chưa bao giờ My chán nản. Suốt cả một quá trình dài rèn luyện, đến nay My đã có thể gõ bàn phím bằng một ngón thành thạo, 1.000 chữ cũng chỉ mất 1-2 giờ đồng hồ. Đến năm 19 tuổi, cô đã được nhận vào làm cộng tác viên cho một chương trình của Đài Phát thanh tỉnh Quảng Trị. Cũng từ đó, con đường đến với cuộc đời mở ra cho My những trang mới, cô có thêm bè bạn, có thêm hy vọng vào cuộc sống tương lai.

Trà My kể lại: Có một kỷ niệm vui lắm trong đời viết văn của mình đó là lần tham dự cuộc thi viết truyện ngắn do Trường cao đẳng Sư phạm Quảng Trị tổ chức. Tình cờ, có một người bạn rủ Trà My cùng tham gia. Kết thúc cuộc thi, Trà My được giải Ba và anh bạn kia đoạt giải Khuyến khích. Tất cả mọi người vô cùng bất ngờ trong buổi nhận giải. Tấm bằng khen ghi tên: “Sinh viên Trần Trà My”.

Chính “sự nhầm lẫn” ấy đã thắp sáng trong cô một niềm khát khao vươn đến một chân trời mới mà chỉ có cõi văn chương mới có thể mang lại được. Mọi buồn vui đều có thể viết lên trên trang giấy, thay vì việc phải bắt mọi người tập trung cao độ để nghe My nói, cô đã sử dụng văn chương để có thể giao tiếp với cả thế giới.

Cô gái tàn tật làm truyền thông

Những tưởng là điều không thể, nhưng chiếc máy tính được tặng lại mở ra cho My cả một thế giới trong tương lai. Ngoài viết văn, My học được công nghệ thông tin và lập nghiệp ở TP HCM. Hiện cô đang giữ vị trí copywriter tại Tổ chức Giáo dục PTI (chi nhánh HCM). My cũng đã từng tốt nghiệp lớp Giám đốc PR, Giám đốc Marketing và đang cố gắng để kiếm thêm bằng Giám đốc điều hành. Một nghề của thời hiện đại với những con người năng động dường như không phải để dành cho My, thế mà cô đã làm được, làm không mỏi mệt và một thân một mình ở đất Sài Gòn.

Trà My bảo: Đã có nhiều người hỏi tôi như vậy và một số người họ không tin hoặc nghi ngờ rằng một người như tôi sao có thể đi làm PR. Nhưng nghề PR chỉ cần 2 yếu tố: một là khả năng viết lách và hai là khả năng kết nối. Và tôi may mắn hội tụ cả hai yếu tố này”.

Trà My trong buổi lễ nhận bằng tốt nghiệp lớp Giám đốc Marketting.

Với những nỗ lực của mình, My đã được bình chọn là 1 trong 12 gương mặt khuyết tật tài năng của Việt Nam (năm 2013) do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng. My cũng là nữ tác giả chính của bộ phim tài liệu “Cuộc đời sau trang sách” được nhiều khán giả biết đến. Cô cũng là 1 trong 90 gương mặt người khuyết tật tiêu biểu của Việt Nam trong bộ ảnh “Họ đã sống như thế” của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á.

Trà My đã chia sẻ bằng cái giọng nói không tròn vành rõ chữ nhưng đầy dứt khoát: “Hãy nhìn đời bằng đôi mắt của người hạnh phúc. Đừng bao giờ nhìn đời bằng con mắt của kẻ bất hạnh. Đã từ lâu rồi tôi không coi mình là người khuyết tật”.

Hát ca với từng con chữ

“Yêu trên từng ngón tay” là đầu đề tập truyện ngắn thứ 3 của Trà My sau tập truyện đầu tay “Giấc mơ đôi chân thiên thần” và tập tản văn “Chúng ta chính là mùa xuân”. Truyện ngắn “Yêu trên từng ngón tay” là kể về một cô gái khi đến thăm bạn bị ung thư ở viện và chứng kiến tình yêu của hai người ngồi trên ghế đá, cô gái cũng bị ung thư giai đoạn cuối sau một thời gian vất vả dốc sức để người bạn trai của mình lập nghiệp mở một công ty về phần mềm. Họ cứ ngồi đó và nắm tay nhau, hai bàn tay đan vào nhau ngày ngày trên ghế đá. Và họ đang yêu nhau trên từng ngón tay. Những trang viết của Trần Trà My được chắt chiu từ tâm hồn và khát khao sẻ chia với những mảnh đời bé nhỏ, cũng là hiện thân của chính cô trong đời sống thường nhật với những cảm nhận về cuộc đời, về tình yêu, về hạnh phúc.

Trà My tâm sự: “Với tôi văn chương như một con đường cứu cánh khi đến năm 16 tuổi tôi bắt đầu phát hiện ra mình không thể thực hiện mơ ước trở thành bác sĩ tâm lý. Mọi thứ đã sụp đổ vào năm tôi 16 tuổi và nó đã mở ra một con đường mới. Con đường mà tôi được hát ca, nhảy múa với từng con chữ mỗi ngày và con đường ấy đã đưa tôi đến với mọi người. Dù với tôi mọi thứ đều không trọn vẹn và tôi cũng không trọn vẹn. Nhưng tôi luôn có giá trị của riêng mình, nên tôi sẽ không nương vào cái bóng của mình hay cái bóng của văn chương, mỗi một ngày thức dậy tôi lại háo hức như một đứa trẻ đang khám phá thế giới và sẵn sàng đón nhận cả những nỗi đau và niềm vui”.

Ngoài viết văn, Trà My còn làm thơ. Thơ của cô là những khát khao cháy bỏng về một tình yêu, một gia đình hạnh phúc, tập thơ có tựa đề “Đến bao giờ anh sẽ nói yêu em” với lời đề từ: “Cuốn sách này dành tặng cho những người luôn có khát vọng yêu và dành tặng cho một người đã mang đến cho tôi những cung bậc cảm xúc từ yêu thương, giận hờn, tổn thương… Nhưng sau tất cả tôi vẫn dành cho họ một niềm tin cho người tôi yêu thương nhất!” và với những câu thơ nồng ấm, khát khao: “

Đến bao giờ anh sẽ nói yêu em?/ Cho em thấy những gì mình cố gắng/ Không hoài công khi có anh kề bên!/ Để em sống những tháng ngày hy vọng…/ Khi nghĩ về anh ở phía cuối con đường/ Đến bao giờ anh sẽ nói yêu em?/ Và sẽ nói dù em không xinh đẹp/ Với đôi chân không lành lặn giữa đời/ Anh vẫn biết nhưng trái tim anh không biết/ Bởi tình yêu có lí lẽ riêng mà/ Đến bao giờ anh sẽ nói yêu em?/ Để em biết mình vẫn là con gái/ Dù hình hài không lành lặn như ai/ Tuy là vậy nhưng trái tim vẫn đập/ Nghĩ tới anh với nỗi nhớ cháy lòng...”.

Trà My chia sẻ: “Hiện nay tôi sống ổn với đồng lương do mình kiếm được dù một mình đôi khi đầy cô đơn ở mảnh đất Sài Gòn, nhưng tôi có công việc, có niềm đam mê, có tình yêu. Tình yêu là hơi thở; vậy nên tôi yêu gia đình tôi, tôi yêu tất cả mọi người kể cả những người ghét tôi. Và tôi cũng yêu một người, chỉ đơn giản vậy thôi. Yêu không kỳ vọng sẽ tốt hơn là cứ đòi hỏi hay ràng buộc. Cuộc đời cần cho trước rồi hãy mong nhận về”.

Với riêng tôi, một người đã dõi theo Trần Trà My từ những ngày đầu tiên, tôi tin rằng, phía trước My còn nhiều hứa hẹn, bởi bên trong cơ thể chưa lành lặn ấy là một trái tim ấm nóng, một nội lực phi thường và một niềm tin vào cuộc sống. Và nói như ai đó nếu số phận đã chia cho bạn những quân bài xấu, hãy để sự khôn ngoan biến bạn thành người chơi giỏi, và như nhà văn William Shakespeared đã khẳng định: “Chúng ta nắm giữ vận mệnh của chính mình chứ không phải các vì sao...”.

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.