Ấm tình quân dân trong cơn đại dịch

Thứ Sáu, 17/04/2020, 11:55
Thời gian qua, lực lượng Công an nhân dân vừa nỗ lực phòng chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, vừa đảm bảo giữ vững an ninh trật tự phục vụ phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp... Cùng với các lực lượng khác, nhiều cán bộ chiến sĩ (CBCS) Công an, đứng trước nguy cơ nhiễm bệnh, tuy vậy, họ luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Và trong hoàn cảnh ấy, tình người, tình quân dân lại được lan tỏa.

Sáng 4-4, sau một đêm mưa to, gió lớn bất ngờ kéo đến khu cách ly tại địa bàn huyện Diễn Châu, làm đổ sụp lán tạm dựng ven đường, đây là chỗ ăn nghỉ của 7 CBCS Công an huyện Diễn Châu làm nhiệm vụ đảm bảo ANTT tại khu vực cách ly Trung tâm giáo dục thường xuyên ở xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu. Hình ảnh này đã nhanh chóng được lan truyền, chia sẻ rộng rãi lên mạng xã hội và nhận được nhiều bình luận chia sẻ, động viên của người dân.

Thượng úy Cao Văn Giang, cán bộ Công an huyện Diễn Châu cùng đồng đội đang nghỉ ngơi sau một ngày mệt mỏi làm nhiệm vụ cho biết, đêm mưa to, anh em trong tổ đã buộc dây chằng néo lại lán nhưng đến sáng gió và mưa to hơn đã làm đổ sập lán, anh em chỉ kịp ôm chăn quấn quanh người cho đỡ lạnh.

May mắn hơn đồng đội ở Công an huyện Diễn Châu trong những ngày phòng, chống dịch COVID-19, 13 CBCS Công an huyện Hưng Nguyên trong thời gian đảm bảo ANTT tại khu cách ly được sinh hoạt ngay tại ngôi nhà của Đại úy Lê Xuân Phúc, Công an huyện Hưng Nguyên. Ngôi nhà này là nơi ở của Đại úy Phúc và gia đình nhưng giờ đã được để lại cho anh em sử dụng, còn vợ con anh thì về nhà ông bà nội ở huyện Nam Đàn.

Cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Đô Lương nấu ăn phục vụ người dân cách ly trên địa bàn.

Tôi gặp gỡ Đại úy Lê Xuân Phúc vừa trở về sau khi làm nhiệm vụ tại địa điểm cách ly, anh tâm sự: “Theo dõi trên báo chí và mạng xã hội thấy đồng đội làm nhiệm vụ đảm bảo ANTT tại các khu cách ly chủ yếu sinh hoạt tại các lán, bạt, sau khi bàn với vợ để lại ngôi nhà này cho anh em trong đơn vị sinh hoạt, vợ anh vui vẻ đồng tình ngay”.

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang cách ly cho hơn 5.000 công dân từ nước ngoài trở về tại 26 điểm cách ly. Cùng với đó, công an các đơn vị trong tỉnh đã triển khai 28 tổ công tác với 223 CBCS ứng trực 24/24h.

Tại đây, hằng ngày các anh vẫn luôn nhận được sự ủng hộ của các ban, ngành, đoàn thể và người dân. Đặc biệt là đoàn viên thanh niên công an các địa phương đã phối hợp hiệu quả cùng các lực lượng khác như quân đội, hội phụ nữ, công đoàn cùng tổ chức nấu ăn cho người dân tại các khu cách ly. Mỗi suất cơm đầy đủ dinh dưỡng, thực phẩm sạch được chuẩn bị chu đáo cho từng người. Sau khi hoàn thành thời gian cách ly, nhiều người dân đã có những tình cảm tốt đẹp dành cho các lực lượng làm nhiệm vụ.

Anh Đinh Văn Tiến (quê ở huyện Hưng Nguyên) đã hoàn thành thời gian cách ly tại Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS Kỳ Sơn cho biết: “Tôi vào khu cách ly tập trung từ ngày 24-3, thay mặt bà con tôi xin cảm ơn lực lượng công an, quân đội, y tế đã rất tận tình, chăm chút cho bà con mọi thứ, cơm, nước rất chu đáo”.

Trong lúc khó khăn, hoạn nạn mới hiểu được lòng nhau, câu nói này rất đúng vào thời điểm hiện tại. Nhiều cụ già, sức khỏe yếu, mắt mờ vẫn đến trụ sở Mặt trận Tổ quốc xã, phường để ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch. Đó là cụ Hoàng Đình Bảy (78 tuổi, trú tại xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn) mang số tiền 5 triệu đồng dành dụm từ 2 tháng trợ cấp chế độ chất độc da cam/dioxin đến ủng hộ.

Anh Đinh Văn Tiến gửi lời cảm ơn lực lượng Công an, Quân đội, Y tế đã rất tận tình, chăm lo cho bà con.

Cụ bà Lê Thị Xuân (98 tuổi, trú tại tổ dân phố Tân Ngọc, phường Mai Hùng, thị xã Hoàng Mai) mang tới nhà văn hóa tổ ủng hộ gạo và 50 quả trứng vịt. Đây là tấm lòng cao quý của cụ gửi tới các chiến sĩ làm nhiệm vụ, người cách ly và các bạn tình nguyện viên Hoàng Mai tại điểm cách ly Trường Cao đẳng Giao thông vận tải miền Trung.

Các cơ sở tôn giáo, giáo phận Vinh, đại diện cho bà con giáo dân thuộc nhiều giáo xứ, giáo họ trên địa bàn Nghệ An cũng đã đến ủng hộ kinh phí, lương thực, thực phẩm cùng chia sẻ khó khăn với chính quyền và nhân dân trong phòng, chống dịch COVID-19.

Tại các địa điểm cách ly trên địa bàn tỉnh Nghệ An, nhìn chung cơ sở vật chất đều khang trang, rộng rãi, điện, nước sinh hoạt đầy đủ, các phòng ngủ của công dân đều được lực lượng quân đội, công an bố trí giường tầng chu đáo. Tuy vậy, chỗ nghỉ ngơi của CBCSä làm nhiệm vụ chưa được đảm bảo, nhiều nơi chỉ là những chiếc lều bạt dựng tạm giữa đồng.

Có những CBCS phải tạm gác việc riêng để tập trung phòng, chống dịch. Đó là Trung úy Nguyễn Hữu Tuấn Anh và Thiếu úy Nguyễn Thị Loan, cán bộ Công an huyện Đô Lương. Theo kế hoạch, trong tháng 3, họ dự định tổ chức lễ cưới nhưng vì tình hình dịch bệnh nên cả hai tạm thời gác lại chuyện quan trọng nhất của đời mình để cùng đơn vị triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh.

Trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh COVID-19, nhiều CBCS Công an Nghệ An đối mặt với những khó khăn, thiếu thốn nhưng từ đó đã cho thấy nhiều nghĩa cử cao đẹp, sự chung tay, chia sẻ của các tầng lớp nhân dân, tất cả được lan tỏa vì một mục tiêu cao nhất là cùng cả nước ngăn chặn và từng bước đẩy lùi dịch bệnh.

Đức Vũ
.
.