Bản lĩnh của một đơn vị trẻ

Thứ Năm, 09/05/2019, 14:48
Thành lập mới được 3 năm, biên chế ít, cán bộ chiến sĩ có tuổi đời còn trẻ, trang thiết bị còn khiêm tốn nhưng các cán bộ Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực lập nên nhiều thành tích xuất sắc, phát hiện và khởi tố 25 vụ, 57 bị can.

2 tháng sau ngày thành lập, các chiên sĩ trẻ đã phối hợp triệt phá chuyên án lừa đảo qua mạng facebook lên tới một trăm tỷ đồng có liên quan tới đối tượng ở nước ngoài gây nhức nhối trong dư luận. Sau đó, các chiến sĩ trẻ lại liên tiếp phá hàng loạt vụ án người nước ngoài sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông trộm cắp, chiếm đoạt tài sản đã gây tiếng vang ở đất mỏ.

Khám phá những chuyên án lừa tình bạc tỷ

Trò chuyện với Trung tá Phạm Đình Nghĩa, Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PCTPSDCNC) Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ninh vào một buổi chiều, khi chuyên án xử lí đối tượng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo của các anh vừa hoàn thành. Niềm vui sau bao ngày thức trắng đã xua đi nét mệt mỏi trên mỗi gương mặt của các chiến sĩ trẻ trong đội.

Anh Nghĩa kể, đơn vị được thành lập vào tháng 11-2015 nhưng phải đến tháng 1-2016 mới chính thức đi vào hoạt động. Thời điểm ban đầu chỉ có vỏn vẹn 5 cán bộ chiến sĩ kể cả chỉ huy, chức năng nhiệm vụ hoàn toàn mới nên anh em trong đội khá lo lắng. Nhưng với quyết tâm cao, vừa làm vừa học hỏi nên chỉ một thời gian sau mọi việc diễn ra khá thuận lợi. Đến lúc này, Đội có 9 cán bộ chiến sĩ với đủ các chuyên ngành cần thiết.

Chiến công đầu tiên sau 2 tháng thành lập của Đội là xác lập chuyên án phối hợp với Công an TP Cần Thơ khởi tố, bắt giữ nhóm tội phạm do Micheal IkeChukwu Leonard (44 tuổi, quốc tịch Nigieria) là đối tượng cầm đầu cùng 3 đồng phạm người Việt Nam là Huỳnh Hạ Bình, Huỳnh Hạ Uyển, Nguyễn Trần Quỳnh Nhi, trú tại TP Hồ Chí Minh vì hành vi “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Intenet thực hiện lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Đội Cảnh sát PCTPSDCNC trong một cuộc họp đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao để trộm cắp thông tin thẻ ATM.

Các đối tượng này câu kết với nhau sử dụng mạng xã hội Facebook để lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng của nhiều nạn nhân ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Riêng tại Quảng Ninh, đã có 9 nạn nhân bị sập bẫy với số tiền bị lừa hơn 4 tỉ đồng.

Theo các trinh sát kể lại, tháng 1-2016 có 3 phụ nữ ở Quảng Ninh đến Công an tỉnh trình báo bị lừa qua mạng hơn 1 tỷ đồng. Xác định đây là loại hình tội phạm mới, liên quan đến đối tượng người nước ngoài với phương thức rất tinh vi, lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Ninh đã giao cho Đội Cảnh sát PCTPSDCNC, Phòng Cảnh sát kinh tế điều tra, xác minh.

Căn cứ tài liệu thu thập được, nhận định đây là nhóm đối tượng hoạt động liên tỉnh, có cấu kết với đối tượng người nước ngoài, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh xác lập chuyên án đấu tranh và ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra làm rõ.

Để khám phá chuyên án, ngoài thành thạo về công nghệ, các chiến sĩ của đội đã phải di chuyển hàng chục lượt ở khắp các tỉnh phía Nam, với nhiều đầu mối xác minh. Tuy nhiên, tội phạm giả trai Tây lừa tình dụ dỗ những phụ nữ ở tuổi trung niên không chỉ dừng lại ở đó mà liên tiếp có rất nhiều nạn nhân ở Quảng Ninh đến Đội Cảnh sát PCTPSDCNC tố cáo. Càng về sau, hành vi lừa đảo càng tinh vi hơn khiến cho nhiều người sập bẫy, có chị em bị chiếm đoạt vài tỷ đồng.

Trước thực trạng trên, Đội Cảnh sát PCTPSDCNC đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân về phương thức, thủ đoạn lừa đảo trên để có biện pháp phòng ngừa. Bên cạnh đó, lực lượng công an còn triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm này.

Từ thông tin thu thập được, tháng 5-2017, Đội Cảnh sát PCTPSDCNC tiếp tục xác lập chuyên án đấu tranh với nhóm đối tượng lừa đảo qua mạng xã hội. Theo trình báo của chị Đặng Thị M. (50 tuổi, trú tại TP Hạ Long) thì khi được một người đàn ông sử dụng tài khoản Facebook là “Patrick Paul” kết bạn, giới thiệu đang làm trong quân đội Mỹ đóng tại Afghanistan thì chị đã tin tưởng. Paul tiết lộ được cơ quan an ninh Mỹ cho 1,2 triệu USD và nhờ chị nhận hộ tại Việt Nam để tránh thuế, đồng thời mong muốn sử dụng số tiền này để kết hôn với chị.

Một nạn nhân đến trình báo bị lừa đảo qua facebook.

3 ngày sau, một phụ nữ nói giọng miền Nam gọi cho chị M. tự giới thiệu tên Hiền Thu, nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất thông báo có quà gửi từ nước ngoài và yêu cầu chị nộp tiền để nhận quà. Do tin tưởng Paul, chị M. đã chuyển tiền vào tài khoản Ngân hành BIDV chi nhánh Tây Ninh mang tên Ngô Thị Anh Thư 5 lần với tổng số tiền 2.219.727.700 đồng.

5 ngày sau vẫn chưa nhận được gói quà, đối tượng tiếp tục yêu cầu chị M. nộp thêm 120.000 USD. Do không liên lạc lại được với Paul, chị M. nghi ngờ bị lừa nên đã đến Cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh để trình báo.

Xác định đây là đường dây lừa đảo xuyên quốc gia, có sự cấu kết giữa các đối tượng người nước ngoài và một số đối tượng sinh sống tại Việt Nam, Đội Cảnh sát PCTPSDCNC đã xác lập chuyên án, cử một tổ công tác phối hợp với các cục nghiệp vụ phía Nam của Bộ Công an và công an một số địa phương khẩn trương điều tra làm rõ hành vi lừa đảo của các đối tượng trong đường dây này.

Chỉ trong thời gian ngắn, Cơ quan điều tra đã xác định và bắt giữ Trần Thị Bích Tuyền (sinh năm 1982, trú tại ấp Bình Ninh, xã Bình Phú, Gò Công Tây, Tiền Giang) là đối tượng trong đường dây lừa đảo. Tuyền khai nhận, do bị vỡ nợ nên đã bỏ trốn sang Malaysia và quen biết một đối tượng tên Thúy, ngoài 30 tuổi là người Việt Nam. Thúy bàn với Tuyền sự dụng mạng Facebook để lừa đảo.

Để dụ “con mồi” vào bẫy, chúng dùng tài khoản Facebook giả danh là doanh nhân ngoại quốc, hay kỹ sư, sỹ quan quân đội Mỹ đang công tác tại nước ngoài làm quen, kết bạn với các phụ nữ. Ngoài lừa chị M., Tuyền khai nhận từ đầu năm 2017 đến nay đã cùng Thúy lừa đảo 2 nạn nhân khác trú tại Phan Rang (Ninh Thuận) và Đức Trọng (Lâm Đồng) với số tiền gần 100 triệu đồng, Tuyền đã được Thúy chia cho 40 triệu đồng.

Đối tượng Huỳnh Hạ Bình và Micheal IkeChukwu Leonard.

Truy tìm tội phạm người nước ngoài

Trong những năm gần đây, tại Quảng Ninh xảy ra nhiều vụ án sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, trộm cắp có tính chất nghiêm trọng và phức tạp. Nổi lên là tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; mua bán, trộm cắp, sử dụng thông tin thẻ của người khác để chiếm đoạt tài sản... Đặc biệt là các đối tượng người Trung Quốc lắp đặt thiết bị skimming để trộm cắp thông tin thẻ, sau đó làm thẻ giả và rút tiền tại các cây ATM.

Theo kết quả điều tra của Công an tỉnh Quảng Ninh từ tháng 4 đến tháng 12-2017 đã xảy ra 3 vụ sử dụng thẻ ATM giả rút tiền tại các cây ATM trên địa bàn, chiếm đoạt của 97 khách hàng với tổng số tiền hơn 1 tỉ đồng. Sau khi xác lập chuyên án, ngày 22-2-2018, Công an tỉnh Quảng Ninh đã bắt 4 đối tượng người Trung Quốc, thu giữ hơn 100 triệu đồng mà chúng rút tại các cây ATM. Ngày 3-5-2018, tiếp tục bắt quả tang đối tượng người Trung Quốc đang rút tiền tại một cây ATM trên địa bàn TP Hạ Long.

Quá trình điều tra làm rõ, đối tượng đã di chuyển đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước để rút và chiếm đoạt tổng số tiền hơn 500 triệu đồng. Mở rộng chuyên án, Cơ quan điều tra đã bắt giữ 1 đối tượng người Việt Nam có hành vi “tổ chức, môi giới cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép” qua biên giới.

Trước khi thành lập Đội Cảnh sát PCTPSDCNC, Công an Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này. Chỉ tính từ năm 2011 đến nay, Công an Quảng Ninh đã phát hiện, xử lý 17 vụ việc liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao. Trong đó, xác lập, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an phá 4 chuyên án, bắt giữ 41 đối tượng (bàn giao cho Công an Trung Quốc 39 đối tượng), trao đổi 2 vụ việc với Công an tỉnh Bình Dương, Hà Tĩnh để điều tra khởi tố, xử lý hành chính 8 vụ.

Từ kết quả đấu tranh cho thấy, có những vụ án phương thức, thủ đoạn hoạt động rất tinh vi, thiết bị phạm tội lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam. Trong những vụ án này các đối tượng không những có nhiều cách để che giấu hành vi mà quy mô, tính chất cũng vô cùng nghiêm trọng.

Đối tượng Phạm Thị Bích Tuyền khai nhận trước Cơ quan điều tra.

Điển hình như chúng lắp đặt trạm VSAT, vi ba, thiết bị thu phát sóng ngắn UHF lợi dụng vùng chồng lẫn sóng viễn thông giữa Móng Cái (Việt Nam) và Đông Hưng (Trung Quốc) để hoạt động, kết nối đường truyền Internet tốc độ cao, vận chuyển sim, thẻ điện thoại trái phép qua biên giới để trộm cắp cước viễn thông quốc tế; tổ chức đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tiền, sử dụng thẻ tín dụng giả của người nước ngoài...

Cuộc đấu tranh còn nhiều gian nan

Theo Trung tá Phạm Đình Nghĩa, mặc dù nguồn nhân lực đã được quan tâm nhưng trang thiết bị phục vụ công tác đấu tranh với loại tội phạm này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Đây cũng là một trong những khó khăn của đội trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Nhưng với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao, các trinh sát đã khắc phục mọi khó khăn để lập lên những chiến công được nhân dân ghi nhận và đánh giá cao.

Trung tá Phạm Đình Nghĩa cho biết, các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đối tượng chủ mưu thường là người nước ngoài, chúng triệt để sử dụng sim rác hoặc sử dụng các cuộc gọi qua mạng internet bằng giao thức VOIP nên việc phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ đối tượng cầm đầu không hề đơn giản. Các tài khoản ngân hàng sử dụng để nhận tiền do đối tượng mua, thuê người khác đứng tên mở. Sau khi bị hại chuyển tiền, các đối tượng nhanh chóng luân chuyển vòng vèo qua nhiều tài khoản khác nhau rồi chuyển qua nước ngoài để chiếm đoạt.

Trong hầu hết các vụ án, khi bị hại chuyển tiền, đến lúc phát hiện mình bị lừa là cả một quãng thời gian kéo dài vài tuần, thậm chí vài tháng dẫn đến việc ngăn chặn thiệt hại không đạt kết quả.

Vừa làm công tác điều tra, các trinh sát trong đội vừa làm tốt công tác cảnh báo, tuyên truyền đến người dân nhằm nâng cao ý thức cảnh giác. Theo Trung tá Nghĩa, để ngăn chặn tội phạm mạng, người dân cần hạn chế đưa thông tin cá nhân, thông tin về tài khoản ngân hàng lên các trang mạng xã hội. Phải tìm hiểu kỹ thủ đoạn phạm tội của các đối tượng, đồng thời trao đổi với người thân để tìm hiểu rõ sự việc, tìm hiểu rõ người liên hệ với mình, không chuyển tiền đến tài khoản cá nhân mà mình chưa biết rõ người đó là ai.

Việc nhận tiền được chuyển vào tài khoản ngân hàng không yêu cầu xác nhận, do đó phải cảnh giác khi có người yêu cầu đăng nhập vào trang web lạ để xác nhận việc nhận tiền. Từ đó, đối tượng sẽ trộm cắp toàn bộ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.

Trung tá Phạm Đình Nghĩa khuyến cáo, người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin thẻ, thông tin mã giao dịch (OTP)  gửi qua điện thoại hoặc email từ các đối tượng khả nghi hoặc chưa được xác thực như: thư điện tử lạ, cuộc gọi lạ xưng danh là nhân viên ngân hàng, đối tác của ngân hàng; tin nhắn từ người thân, bạn bè qua các trang mạng xã hội; thường xuyên thay đổi mật khẩu đăng nhập Internet banking, mã PIN thẻ ATM rút tiền.

Khi phát hiện nghi vấn phải thông tin ngay cho Cơ quan công an gần nhất để xử lý vụ việc, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, không để đối tượng tiếp tục lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nguyễn Khánh
.
.