Viết tiếp vụ chồng mê tín ném hài cốt vợ xuống sông ở An Giang:

Bí ẩn sợi dây cà tha của người quá cố

Thứ Tư, 04/11/2015, 13:35
Theo những người hàng xóm của ông Khỏe thì người vợ quá cố của ông là một pháp sư thuộc môn phái Lục Lèo. Vì trước khi tẩn liệm bà Thơm, ông Khỏe đã không tháo sợi dây cà tha (cà thá) - một đạo bùa được cho là dùng để thu hút các linh hồn? Do đó, sau khi qua đời, bà Thơm không siêu thoát được? Để giải thoát cho bà, ông phải thực hiện nghi thức thủy táng hài cốt?!

Giai thoại về pháp môn Lục Lèo

Tìm hiểu trong giới pháp sư, pháp môn Lục Lèo còn có tên gọi là Chúa Lục - Chúa Lèo hoặc Ông Lục - Ông Lèo. Đó là một nhánh tín ngưỡng dân gian pha trộn giữa văn hóa Kh'mer và Lào. Nhánh tín ngưỡng này là nhánh rẽ của hệ phái Phật giáo Nam Tông xuất xứ tại Myanmar lan truyền dần qua Malaysia, Thái Lan, Lào, Campuchia và điểm cuối cùng là miền Tây Nam Bộ của Việt Nam.

Sư Thích Thanh Thịnh - người theo pháp môn Nam Tông, hiện đang trụ trì một ngôi chùa tại Bình Thủy, Cần Thơ cho biết: "Đó là một trong những hệ phái Tiểu Thừa sử dụng kinh chú của Phật giáo bằng tiếng Pali và tôn thờ thuyết vật linh (vạn vật đều có linh hồn). Khi Nam Tông lan truyền đến Thái Lan thì xuất hiện thêm một dạng sư "ngoại pháp".

Người ta đã gọi những vị sư này là "sư áo trắng" để không nhầm lẫn với sư mặc áo cà sa. Những vị sư áo trắng này xuất thân từ tăng, sãi nhưng hoàn tục. Họ sử dụng những bí pháp Tiểu Thừa để trị bệnh, gỡ thư ếm, bắt ma, cho bùa, ngải. Những vị sư áo trắng này được gọi là pháp sư".

Pháp sư Sáu đang luyện một cà tha trước bàn thờ tổ Lục Lèo.

Những pháp sư này quan niệm, người giỏi cần phải sở hữu càng nhiều hồn ma càng tốt? Vì vậy, hầu hết những pháp sư này đều không ở một nơi cố định mà đi chân trần lang thang khắp nơi để… bắt ma? Khi dòng tín ngưỡng này trôi đến Lào đã hình thành một dạng tôn giáo mới tồn tại song song với Phật giáo chính thống. Những pháp sư này mặc cà sa nhưng không trụ trì hoặc cư ngụ cố định một ngôi chùa nào. Họ vẫn được dân làng và chính quyền tôn kính như những thượng tọa ở các chùa. Một trong những lý do là vì kiến thức của họ không hề thua kém các vị sư trụ trì.

Từ xa xưa cho đến tận bây giờ, hàng năm, những pháp sư Lào đều đến ngôi chùa cổ Watphu để bắt đầu một hành trình dài: Từ chiếc cổng chùa Watphu đi bộ một đường thẳng đến tận ngôi đền Angkor Vat rồi tiếp tục hành trình thẳng đến núi Tà Lơn (Nam Campuchia). Tại Tà Lơn, các pháp sư chọn một hang núi trú ẩn hàng tháng trời thực hiện nghi lễ Hong Vatsa để hấp thu linh khí trời đất. Sau khi ra khỏi hang động, họ tiếp tục đi về vùng Thất Sơn (An Giang) tìm các hồn ma nhốt vào lọ rồi trở về Lào.

Những pháp sư này mang những bí pháp đặc trưng sang Campuchia hòa nhập một lần nữa với những pháp sư trong cộng đồng người Chăm Islam trở thành một hệ phái. Người dân Nam Bộ gọi những pháp sư này là Lục Lèo (Tiếng Kh'mer gọi sư trụ trì là "lục". Lèo là cách gọi xưa ám chỉ người Lào. Lục Lèo: Vị sư người Lào - NV).

Vì vậy, môn phái Lục Lèo ở Việt Nam vẫn còn bị ảnh hưởng khá nặng tín ngưỡng Hồi giáo vùng Tân Châu (An Giang). Người Hồi giáo Tân Châu xưa luôn thủy táng người chết. Đó là lý do, những pháp sư huyền thuật môn phái Lục Lèo đều phải thủy táng.

Tín ngưỡng vật linh

Ở miền Tây Nam Bộ có rất nhiều giai thoại kinh dị về các pháp sư Lục Lèo.

Các giai thoại này đều cho rằng, các pháp sư Lục Lèo có khả năng biến thân thể thành "mình đồng da sắt", đao kiếm chém không đứt; Dùng huyền thuật đưa đinh sắt, côn trùng vào cơ thể đối thủ (thư ếm); Làm "thức giấc" linh hồn các loại thực vật (ngải) để nuôi dưỡng và sai khiến như một loại thú cưng. Đặc biệt, họ có thể sử dụng kinh chú Phật để đưa linh hồn người chết vào trú ngụ trong vật vô tri như nanh heo, móng cọp và trang sức (cà tha)?

Với họ, trong số các linh vật, họ đặc biệt ưa thích cà tha K'se Chonkes - một loại dây có cột những miếng chì dát mỏng dùng để cột ngang bụng. Pháp sư người Việt gọi là dây "Chốc". Họ cho rằng, chỉ những pháp sư đạt được đẳng cấp đại sư hoặc cao hơn nữa là Thượng đẳng sư mới làm chủ được loại cà tha K'se Chonkes bởi đó là một con thú cưng hung dữ và bất kham. Nếu không "cao tay ấn" thì "con chốc" sẽ xua đuổi linh hồn vị pháp sư để làm chủ thân xác hoặc nó sẽ đi khắp nơi quậy phá người khác(?)

Để luyện dây "Chốc", vị pháp sư vẽ một đạo bùa lên những miếng chì dát mỏng rồi trì chú tụng niệm suốt nhiều ngày liền để triệu hồi nhiều linh hồn người chết nhốt vào.

Trước khi luyện cà tha, pháp sư vẽ linh phù vào miếng chì dát mỏng.

Để sợi dây cà tha "sống", vị pháp sư phải cho nó “uống” máu thường xuyên. Thường là máu gà. Để sợi dây cà tha thêm sức mạnh, mỗi khi có người chết oan (chết đuối, tai nạn), vị pháp sư thường đến gần để thu nạp linh hồn(?)

Những linh hồn này trú ngụ trong sợi dây cà tha sẽ răm rắp tuân thủ mệnh lệnh vị pháp sư kể cả… hại chết người!

Pháp sư Sáu - một vị Thượng đẳng sư, đang cư trú ở Tịnh Biên, cho biết: "Khi pháp sư biết mình sắp sửa qua đời, phải chủ động giải thoát tất cả các linh hồn bị giam cầm trong dây Chốc. Sau đó phải thiêu đốt dây Chốc. Khi pháp sư chết, người thân phải đưa tro dây Chốc vào quan tài của pháp sư. Nếu không, sau khi chết, linh hồn của vị pháp sư cũng sẽ bị giam vào dây Chốc và đời đời không siêu thoát. Vì không siêu thoát được nên linh hồn vị pháp sư sẽ hiện diện mãi mãi trong ngôi nhà mà họ đã từng ở khi sinh sống.

Ngày xưa, những người theo pháp môn Lục Lèo, khi qua đời phải thủy táng để những hồn ma đeo đẳng pháp sư sẽ ở lại trên mặt nước và giải thoát khỏi nghiệp chướng. Ngày nay, chính quyền cấm thủy táng thì người thân của họ hỏa táng rồi ném tro cốt xuống sông".

Trở lại với trường hợp vụ việc của vợ chồng ông Khỏe, bà Thơm, nếu theo cách giải thích của pháp sư Sáu thì hiện tượng bà Thơm hiện hồn ma quấy nhiễu ông Khỏe là do sợi dây cà tha "Chốc" vẫn còn nguyên trên thi thể bà Thơm? Và cách duy nhất giải thoát linh hồn bà Thơm là phải thủy táng. Pháp sư Sáu còn cho rằng, việc ông Khỏe ném hài cốt người vợ quá cố xuống kênh là việc… nên làm!

Bà Thơm từng là pháp sư Lục Lèo. Khi vợ chết, vì quá thương, ông Khỏe đã giữ sợi dây cà tha trên thi thể bà với mong muốn linh hồn bà luôn quanh quẩn bên ông. Khi bị linh hồn vợ quấy rối, ông Khỏe nghĩ rằng, đã đến lúc giúp bà siêu thoát. Điều đó khiến ông có hành vi đập ngôi mộ của bà Thơm lấy hài cốt thả xuống dòng sông???

Tân Châu (An Giang) là vùng đất đậm tín ngưỡng dị biệt của nhiều hệ phái pháp sư. Hiện nay người dân Tân Châu vẫn còn lưu giữ phong tục hành xác giống như lễ hội Thaipusam ở Malaysia. Chỉ cách Tân Châu khoảng 10 km nên đa số dân cư xã Phú Long đều bị ảnh hưởng loại tín ngưỡng dị biệt này. Ông Khỏe chắc có lẽ cũng là người bị ảnh hưởng bởi luồng tín ngưỡng dị biệt này?

Vị sư trẻ trụ trì chùa Nam Qui (An Giang) đang trì chú luyện cà tha.

Tín ngưỡng hay mê tín?

Câu chuyện của ông Đặng Văn Khỏe không phải là trường hợp phá mồ duy nhất ở miền Tây Nam Bộ.

Ngày 30/3/2009, người dân ở xã Đường Ranh, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang hãi hùng khi phát hiện ngôi mộ của anh Thuyết (đã thay tên) đã bị kẻ nào đó khai quật. Chiếc quan tài nằm chỏng chơ trên mặt đất còn tử thi của anh Thuyết mất tích. Anh Thuyết vốn là một pháp sư huyền môn đã qua đời trước đó gần một năm.

Sau khi nhận được tin, một số cán bộ địa phương đã đến hiện trường quan sát, trong đó có anh L. - công an viên xã. Anh L rất am hiểu về giới tín ngưỡng huyền thuật. Nhờ đó, anh phán đoán, có thể kẻ trộm đã quật mộ anh Thuyết để thủy táng. Anh bảo mọi người sục tìm ở con kênh gần đó. Quả nhiên mọi người phát hiện thi thể anh Thuyết bị kẻ trộm dìm xuống đáy kênh bằng một mớ cây tràm cừ.

Công an huyện Hòn Đất vào cuộc điều tra. Anh L. đặt nghi vấn, kẻ trộm mộ có thể là đồng môn của anh Thuyết. Căn cứ vào đó, các trinh sát rà soát những đối tượng tại địa phương và biết được một đối tượng tên N.V.T. đã từng học huyền môn cùng anh Thuyết. Khi được mời đến Cơ quan Công an, N.V.T. thừa nhận đã cùng em trai thực hiện hành vi quật mồ anh Thuyết để thủy táng.

N.V.T. khai nhận, trước kia anh ta cư ngụ ở vùng Thất Sơn, An Giang có theo học nghề pháp sư ở núi Cấm. Năm 2008, N.V.T. cùng gia đình về định cư ở Hòn Đất và có thu nhận anh Thuyết làm học trò truyền dạy pháp thuật. Học được một năm thì anh Thuyết qua đời vì bệnh gan.

Sau khi anh Thuyết qua đời, N.V.T. cứ bị ám ảnh hàng đêm. Nghĩ rằng, hồn ma anh Thuyết không siêu thoát nên theo quấy phá, N.V.T. cùng em trai chờ đến nửa đêm, lần mò ra mộ đâm cây tràm cừ thẳng xuống mộ rồi dùng máu chó mực đổ xuống quan tài. Mấy ngày sau, lòng dạ vẫn không yên, N.V.T. sử dụng chiêu cuối: Bí mật quật mồ anh Thuyết rồi lấy thi thể thủy táng.

Các pháp sư Lào đi theo con đường này từ chùa Watphu (Lào) đến thẳng Angkor Vat (Campuchia).

Với án mê tín dị đoan, N.V.T. bị kết án 6 tháng tù treo và phải bồi thường cho gia đình anh Thuyết 6 triệu đồng. Theo đánh giá của người dân địa phương, N.V.T. rất hiền lành và cần cù làm ăn. Khi N.V.T. bị bắt, ai cũng tiếc nuối. Chỉ vì mê tín và thiếu hiểu biết về pháp luật, từ một thanh niên tốt, N.V.T. trở thành người có tiền án.

Rõ ràng chuyện linh hồn bà Thơm hiện hình để hù dọa mọi người là điều không có thật. Có thể có một điều gì đó, vô tình hoặc trùng hợp ngẫu nhiên, đã gợi nên sự ám ảnh về hình ảnh của bà Thơm đối với ông Khỏe và một số người yếu bóng vía mà thôi. Do bị dọa nhát liên tục suốt nhiều năm, ông Khỏe đã lâm vào trạng thái bị ám thị "mãn tính". Từ đó, ông tin rằng hồn ma của bà Thơm có thật(?)

Ông Khỏe hiện bị cơ quan chức năng lập hồ sơ truy xét về hành vi "xâm phạm mồ mả" cũng là một bài học thật chua xót.

Niềm tin tín ngưỡng và mê tín dị đoan gần như không có ranh giới. Việc tin tưởng về một thế giới huyền bí hoàn toàn khác với việc linh hồn hiện hình. Những hành vi tín ngưỡng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác nhằm trục lợi cá nhân là mê tín dị đoan. Vì hầu hết các pháp môn huyền thuật đều nhất quán một mục đích duy nhất là mang lại hạnh phúc cho con người.

Nông Huyền Sơn
.
.