Bi hài chuyện ở ghép

Thứ Ba, 15/10/2019, 21:18
Nếu như trước kia chỉ có cánh sinh viên mới thường share phòng, ở ghép thì hiện tại ngay cả người đi làm cũng lựa chọn cách ở trọ này. Không chỉ giảm chi phí, việc ở ghép còn có thể mang lại những mối quan hệ tốt. Tuy nhiên, sự bất tiện khó chịu mà việc ở ghép mang lại đôi khi còn vượt quá chi phí về kinh tế.

Đặc biệt, thời gian gần đây, tại nhiều quận trung tâm thủ đô Hà Nội đã rộ lên tình trạng vờ ở ghép để trộm cắp...

Khốn khổ vì chung đụng

Hoàng Tùng (quê Nam Định, cựu sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội) năm nay đã 30 cái xuân xanh mà vẫn một mình lẻ bóng. Và với những thanh niên “độc thân vui tính” như Tùng thì chuyện thuê nhà ở ghép đã trở nên quá đỗi thân thuộc.

Tùng kể, thời sinh viên thì anh thường tìm đồng hương học gần trường hoặc bạn cùng lớp rồi rủ nhau thuê phòng để giảm chi phí. Nếu như một phòng thuộc dạng “tươm tất” (có điều hòa, bình nóng lạnh, máy giặt, bếp...) phải tầm 3 triệu đồng/tháng, chưa kể chi phí cho điện, nước, Internet... Mà sinh viên thì làm gì có nhiều tiền nên cách đơn giản nhất là rủ thêm 2-3 người bạn nữa vào ở cùng. Vừa giảm được chi phí mà lại vui!

Khi mà đời sinh viên kết thúc, trong khi các bạn người thì về quê, kẻ đi xin việc ở khắp nơi thì Tùng vẫn cố bám trụ tại Hà Nội. Được mách nước từ những người bạn khác, Tùng lên mạng Internet, vào các hội nhóm trên mạng xã hội để đăng thông tin rủ người ở ghép. Và từ đây những chuyện bi hài bắt đầu xảy đến...

Cần nâng cao cảnh giác khi tìm nhà ở ghép qua mạng xã hội.

Thời điểm đó Tùng đang thuê một căn phòng tại khu tập thể Thanh Xuân Bắc. Sau khi đăng tuyển được 2-3 hôm thì có một cậu nói đang là sinh viên học Khoa Văn năm thứ ba trường Đại học KHXH&NV liên hệ để xin ở cùng. Cậu này trông dáng thư sinh nhưng nhanh nhẹn, mau miệng nên Tùng đồng ý.

Đúng là không thể “trông mặt mà bắt hình dong”, Chiến - cậu sinh viên Khoa Văn sống bẩn không thể tả nổi. Cậu không bao giờ biết đụng đến cái chổi quét nhà. Quần áo mặc bẩn chất cao như núi trong chậu... bốc mùi đến phát kinh. Lần đầu Tùng còn nhắc nhở, sau thì không chịu nổi phải mang ném vào máy giặt giúp.

Một lần, hai lần... cuối cùng Tùng trở thành thợ giặt bất đắc dĩ cho người bạn cùng phòng. Đã thế, sau khi về ở thì Chiến chỉ chia sẻ được tiền nong 2 tháng đầu, sau đó cậu ta cứ ì ra mỗi khi đến đợt nộp tiền nhà. Tùng đành phải nói với bà chủ nhà xử lý...

Mãi mới tống cổ được Chiến đi, Tùng định bụng sống một mình, không rủ rê thêm ai nữa, song một mình không cõng nổi chi phí nên tặc lưỡi đăng, bụng bảo dạ lần này sẽ phải test (kiểm tra) kỹ hơn.

Khoảng hai tuần sau thì cậu cũng tuyển được thêm 2 cậu sinh viên năm cuối Đại học Bách khoa. Hai “ông tướng” này không ở bẩn nhưng phải cái thích rượu chè nhậu nhẹt. Cứ 5 ngày một tiệc lớn, 3 ngày một tiệc nhỏ, nhà cửa lúc nào cũng nồng nặc mùi bia rượu. Sau rồi thi thoảng lại thấy có 2-3 “ông kễnh” vác chăn chiếu đến ở một vài ngày. Rốt cuộc thì ở lại luôn, mà chi phí vẫn chỉ “cưa” 3.

Nhân khẩu tăng lên 5 người, lúc nào phòng cũng ồn ã, mất trật tự. Nếu như trước kia là đồng hương hay bạn cùng lớp thì còn dễ nói nhưng đây là người dưng nước lã nên nhắc nhở cũng phải lựa. Những thanh niên “khách” còn thô bỉ đến nỗi lựa khi Tùng đi vắng, rủ bạn gái đến “hành lạc” ngay tại căn phòng. Cực chẳng đã, chính Tùng là người phải khăn gói ra đi, bỏ lại căn phòng cho mấy ông bợm rượu.

Khánh Nga, sinh viên trường Đại học Văn hóa thì gặp phải những ca ở ghép oái oăm hơn. Số là Nga đọc thấy thông tin rủ rê ở ghép tại một nhà trọ trên phố Đê La Thành, xem qua profile của người đăng thấy cũng có thể tin tưởng được nên “inbox” nói chuyện và ít hôm sau thì chuyển đồ sang.

Nhưng vừa mới dọn đồ đến được vài giờ thì Nga bị “shock tập 1”. Cô bạn cùng phòng đưa cho Nga một list ghi lại tất cả các loại đồ dùng sinh hoạt cá nhân, từ dầu gội, sữa tắm, nước mắm, mì chính cho đến cả xà phòng rửa tay, xô đựng rác, lọ đựng gia vị... Bạn nữ kia còn ghi tỉ mỉ xem từng món đồ đã dùng được bao lâu hoặc hết bao nhiêu phần thể tích/trọng lượng, từ đó quy đổi thành tiền và yêu cầu người ở cùng phòng phải thanh toán sòng phẳng.

Một số tang vật cơ quan Công an thu sau khi bắt được Phạm Thị Thanh Thư.

Ở thêm ít ngày thì Nga bị “shock tập 2” vì bạn cùng phòng của Nga (tên Thu Hương) còn có tính lười biếng đến khó tin. Nhà cửa Hương không bao giờ dọn, bát đũa Nga rửa 10 lần thì Hương mới rửa 1. Ra ngoài thì Hương luôn chải chuốt sao cho đẹp nhưng về nhà là bê tha bệ rạc, chả thèm làm gì nhưng thấy Nga không dọn phòng thì lại khó chịu! Cuối cùng, sau 3 tháng ở chung thì Nga cũng phải... xách balo lên và một đi không trở lại.

Có thể nói, một số gia chủ gặp phải những khó chịu khi ở cùng người chi li, ở bẩn, lười biếng vẫn chưa là gì. Đã có nhiều sinh viên, người đi làm vớ phải bạn cùng phòng là những kẻ trộm cắp chuyên nghiệp...

Vờ lập kế hoạch ở ghép để phạm tội

Mới đây, Công an phường Láng Thượng (Đống Đa, Hà Nội) đã phát hiện một “nữ quái” chuyên trộm cắp tài sản thông qua việc ở ghép tại các nhà trọ trên địa bàn phường. Cô ta là Phạm Thị Thanh Thư (SN 1993, thường trú tại huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình).

Theo hồ sơ của cơ quan điều tra, từ khi lên Hà Nội học đại học, Thư liên tục gây ra các vụ trộm cắp tài sản của bạn cùng phòng, nhiều lần đã phải đứng trước vành móng ngựa. Vậy mà cô ta vẫn chưa chừa... Thủ đoạn của Thư là lập nick ảo rồi lên mạng xã hội, vào những trang tìm người ở ghép nhắn tin, liên lạc với những người có nhu cầu ở ghép, lợi dụng sự sơ hở của “bạn cùng phòng” sẽ ra tay cuỗm tài sản có giá trị rồi “biến” khỏi nơi nhà trọ mà mình vừa đến.

Ngày 17-9-2019, Thư lên Facebook, giả vờ cần tìm người ở ghép rồi tìm đến căn phòng tại ngõ 159, phố Pháo Đài Láng (phường Láng Thượng, Đống Đa). Sau vài giờ đồng hồ đến nhà mới, lợi dụng sơ hở của bạn cùng phòng, Thư đã “nẫng” đi chiếc xe máy nhãn hiệu Vision cùng 1 máy tính xách tay hiệu Asus rồi nhanh chóng đánh bài chuồn.

Trước đó ngày 2-6-2019, vẫn với thủ đoạn trên, Thư đến ở cùng một người tên Trần Thanh T., (ngõ 1.194 đường Láng, phường Láng Thượng). Ở chưa ấm chỗ, cô ta trộm 1 xe máy nhãn hiệu Vision và 1 điện thoại iPhone 7Plus của người này...

Danh sách các vụ việc mà nữ quái này gây ra còn khá dài. Điển hình như ngày 4-7-2019, Thư đến ở ghép với một người khác tại phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) rồi trộm cắp 1 chiếc xe máy và ví bên trong có 1,8 triệu đồng. Ngày 14-7-2019, đối tượng tìm đến ở ghép tại nhà trọ trong ngõ 129, phố Vương Thừa Vũ (phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) rồi trộm cắp chiếc xe máy nhãn hiệu Attila, 1 máy tính xách tay nhãn hiệu Dell.

Ngày 4-8-2019, Thư tiếp tục đến ở ghép tại xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì, Hà Nội) thực hiện hành vi trộm cắp chiếc xe máy Honda Airblade, 1 máy tính hiệu HP cùng chiếc ví bên trong có 500 nghìn đồng...

Theo lời khai của Phạm Thị Thanh Thư tại cơ quan Công an, mỗi vụ trộm cắp được đối tượng thực hiện chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ, còn nhiều lắm là từ 2 đến 3 ngày kể từ khi bước chân vào ở ghép cùng.

Thư sinh ra và lớn lên tại một miền quê nghèo của tỉnh Thái Bình. Năm 2011 Thư đỗ đại học và lên Hà Nội. Chỉ trong vòng 1-2 năm, Thư đã quen với lối sống thị thành sành điệu, thường muốn ăn ngon mặc đẹp. Để có tiền ăn chơi, Thư nảy ra ý định tìm người ở ghép để trộm cắp tài sản. Phi vụ đầu đời của nữ sinh này vào khoảng năm cuối đại học (2013), Thư đến phòng trọ của bạn thân cùng quê trộm cắp 3 chiếc máy tính xách tay rồi đem bán và cầm cố...

Ngay sau đó, Thư bị Cơ quan công an bắt. Xét thấy Thư hiện đang là sinh viên năm cuối đại học, lại chưa có tiền án tiền sự nên Tòa án nhân dân quận Hoàng Mai chỉ xử phạt 6 tháng tù (cho hưởng án treo) và không thông báo về nơi Thư đang theo học. Do vậy năm 2014, Thư lấy được tấm bằng cử nhân.

Tuy nhiên, Thư không lấy đó làm bài học để tự răn mình, biết tu chí sống lương thiện. Năm 2017, Phạm Thị Thanh Thư một lần nữa lại dính vòng lao lý khi trộm cắp chiếc xe máy Honda Vision của một người bạn, qua hình thức ở ghép. Lần này, Thư bị Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm tuyên phạt 18 tháng tù giam.

Mãn hạn tù, Thư đi làm thuê cho một cửa hàng bán quần áo trên phố Kim Mã (quận Ba Đình, Hà Nội) nhưng chỉ được vài tháng thì xin nghỉ vì dính líu đến chuyện nợ nần. Sau đó, Thư tiếp tục trượt dài vào con đường tội lỗi với hàng loạt vụ trộm và bị Cơ quan công an khởi tố điều tra về hành vi trộm cắp tài sản.

Phạm Thị Thanh Thư, nữ quái chuyên trộm cắp khi ở ghép.
Đối tượng Nguyễn Anh Linh thường đóng giả nam giới để xin ở ghép rồi ra tay trộm cắp.

Còn nhớ ít năm trước, Công an quận Hoàn Mai cũng khám phá vụ án một đối tượng chuyên ở ghép, song có thủ đoạn rất quái dị. Cô ta là Nguyễn Anh Linh (SN 1995, trú tại xã Quyết Thắng, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên). Linh chuyên cải trang thành nam giới, xin ở ghép cùng nam sinh và thừa cơ trộm cắp.

Lần đầu Linh tìm đến phòng trọ của anh Lê Anh Minh (ở phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) xin ở ghép. Vài tuần sau Linh trộm cắp 1 máy tính xách tay Lenovo Z470 trị giá khoảng 10 triệu đồng, 1 điện thoại di động Oppo R1 trị giá khoảng 5 triệu đồng rồi lặng lẽ rời phòng trọ. Sau khi phát hiện tài sản của mình bị mất, anh Minh đã đến Công an phường Định Công để trình báo sự việc.

Ít ngày sau, đối tượng tiếp tục đến phòng trọ của anh Hoàng Trường Giang và Phạm Đức Lâm (tại ngõ Gốc Đề, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai) xin ở ghép. Ngay hôm sau, Linh dậy trước lục lọi ví của anh Lâm lấy đi 1,7 triệu đồng, đồng thời cuỗm luôn chiếc điện thoại Nokia Lumia 925 trị giá khoảng 8 triệu đồng. Tỉnh dậy, phát hiện tài sản của mình bị mất cắp, anh Lâm đã đến cơ quan chức năng trình báo.

Theo cơ quan điều tra, do ngoại hình của Linh giống đàn ông nên mọi người không dễ dàng nhận ra đó là nữ giới. “Bản thân những người cho ở ghép cũng không hề biết đó là nữ, thậm chí nạn nhân còn ngủ cùng giường nhưng họ không phát hiện ra. Chúng tôi ban đầu cũng không biết Linh là nữ giới, sau khi bắt giữ và tiến hành điều tra tại địa phương mới xác nhận được giới tính thật của Linh” - Công an quận Hoàng Mai chia sẻ.

Cần giấy tờ tùy thân, lý lịch và phải khai báo tạm trú, tạm vắng khi ở trọ, ở ghép

Theo một chỉ huy Đội Chống tội phạm xâm phạm sở hữu Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội, tình trạng trộm cắp tài sản qua việc tìm người ở ghép đã rộ lên trong thời gian gần đây, đặc biệt là với sự bùng nổ của Internet, mạng xã hội.

Những vụ án trên cho thấy nhiều người dân vẫn còn khá chủ quan khi tìm người ở ghép. Không chỉ với những người lao động phổ thông mà thậm chí ngay cả những sinh viên, người đi làm trong các cơ quan, doanh nghiệp, khi cần người ở ghép chỉ cần vào mạng tìm kiếm rồi đến ở với nhau rất đơn giản. Chính sự chủ quan này khiến cho tình trạng tội phạm dễ xảy ra.

Có những vụ, người ở trọ tìm đến ở ghép với nhau chỉ có vài giờ đồng hồ đã gây án, nhiều thì sau 2-3 ngày. Do vậy, những người có nhu cầu ở ghép phải yêu cầu họ có giấy tờ tùy thân, lý lịch và phải khai báo tạm trú, tạm vắng theo quy định. Từ đó mới tránh được tình trạng tội phạm xảy ra.

M.Tiến - M.Trí
.
.