Bí mật ở thủ phủ gà đá miền Tây

Thứ Ba, 22/11/2016, 08:45
Nhiều tài liệu xưa đã xác định vùng Cái Mơn thuộc Chợ Lách, Bến Tre là cái nôi của nghệ thuật nuôi gà đá của khu vực Nam bộ. Từ hơn 150 năm nay, các thế hệ nghệ nhân nuôi gà đá cứ âm thầm truyền bí kíp cho con cháu như một thứ tài sản thừa kế vô giá. Nhờ bí kíp ấy, nhiều người thoát được cơn bĩ cực, thậm chí trở thành đại phú hộ.

Trương Vĩnh Ký - ông tổ nghề “nhân bổn”

Cái Mơn cũng là nơi xuất xứ của nhiều giống cây trái, hoa kiểng lai tạo, cấy ghép đã thành danh trên thương trường nông nghiệp từ hàng trăm năm nay. Những bậc trưởng thượng ở địa phương gọi chung cái nghề lai tạo, cấy ghép, nhân giống cây và gà nòi là “nghề nhân bổn”. Họ cũng khẳng định, ông tổ của nghề nhân bổn là Sĩ Tải tiên sinh Trương Vĩnh Ký.

Quê hương của học giả Trương Vĩnh Ký - chủ bút tờ báo quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam “Gia Định Báo” thuộc thôn Cái Mơn, xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Minh, tỉnh Vĩnh Long, nay thuộc tỉnh Bến Tre. Ông sinh ngày 6-12-1837 (Minh Mạng thứ 37) và có tên cúng cơm là Trương Chánh Ký. Cha là lãnh binh triều Nguyễn.

Một góc lò gà của một "sư kê" thuộc xã Vĩnh Hòa.

Năm ông được 8 tuổi, người cha qua đời, một tu sỹ đạo Công giáo là người chịu ơn cha ông đã đưa ông nhập đạo để được học chữ Quốc ngữ. Nhờ thông minh, học giỏi, năm 1851, ông được gửi đi du học ở trường đạo Dulalma ở Polou Penang (Malaysia). Năm 1858 nghe tin mẹ qua đời, ông bỏ dở việc học hành trở về Cái Mơn chịu tang mẹ và cư ngụ ở đó suốt 4 năm.

Thời gian này, ông đã đem kiến thức nông học, cụ thể là phương pháp cấy ghép, lai tạo giống cây ở Malaysia truyền cho nông dân địa phương. Ông cũng đem về địa phương giống gà to xác Malay lai tạo với giống gà ta lai (gà chạ lai gà tre) của xứ Cái Mơn để cho ra giống gà mới.

Giống gà Malay trụi lông, đầu to, mắt lồi, to xác, chân đen, cẳng vuông, thịt đen. Mỗi khi xáp trận, giống gà này đá như điên nhưng không có miếng. Sức nó dai và lỳ đòn đến nỗi 2 con đá nhau suốt 4 ngày liền, ngày đá đêm nghỉ, sáng đá tiếp cho đến khi cả 2 con không đứng dậy nổi nằm nhẹp mà vẫn cựa quậy đôi chân về phía đối phương. Thế là người ta cho phối giống gà này với giống gà chạ - tre. Giống gà mới ra đời gọi là gà nòi.

Giống gà chạ - tre có thế đá đẹp nhưng nhỏ con, mau xuống sức. Giống gà Malay to con, dai sức nhưng “yếu võ”. Hai loại gà lai ghép với nhau đã cho ra đời giống gà dai sức, “võ nghệ cao cường” được dân chơi thuở đó đánh giá là “kỳ kê”, “hùng kê”.

Ông còn hướng dẫn cho người dân cách tạo “bổn bang” (khai sinh, gia phả) cho gà để tránh việc lai tạo trùng huyết thống.

Điều này có thể đúng, bởi Trương Vĩnh Ký còn là “ông tổ” của chiếc áo bà ba, khăn rằn quấn cổ - trang phục tiêu biểu của đồng bằng sông Cửu Long xuất xứ từ Cái Mơn - cách điệu từ loại trang phục của người Bà Ba (Một tộc người có hai dòng máu Trung Hoa và Mã Lai) cư trú ở  Polou Penang. Điều này được nhà văn Sơn Nam xác tín trong quyển “Văn minh miệt vườn”.

Điều lạ là, người dân xứ khác đến Cái Mơn mua gà đem về nhân giống, nuôi dưỡng, luyện, vỗ nhưng hầu hết gà đều không “giỏi võ nghệ” bằng gà được nuôi tại chính xứ Cái Mơn. Một nghệ nhân luyện gà có 82 tuổi đời, 70 tuổi nghề, cư ngụ ấp Vĩnh Bắc, Vĩnh Thành, Chợ Lách - cười khà khà: “Mang dòng máu anh hùng, chưa chắc là anh hùng. Để có được những võ sỹ gà chất lượng, nghệ nhân nuôi gà còn phải biết cách dưỡng kê và luyện kê theo một “bí kíp võ công”.

Hầu hết những nghệ nhân nuôi gà đá nổi tiếng ở xứ Cái Mơn này đều được các thế hệ cha ông truyền thụ một pho kê kinh, hướng dẫn tỉ mỉ phương pháp dưỡng kê, luyện kê”.

Một góc lò gà tỷ phú ở Vĩnh Thành.

Pho bí kíp tưởng chừng thất truyền

Một nghệ nhân tên Đ. cư ngụ ở ấp Hòa Lộc, không muốn nêu nhân thân, cho biết: “Nghệ nhân dưỡng kê, luyện kê ở xứ Cái Mơn gọi đó là “Phạm Công kê kinh”. Không ai biết ông Phạm Công là ai. Có người đoán Phạm Công là đức ông Lê Văn Duyệt. Đức ông bị triều đình nhà Nguyễn liệt vào tội phản nghịch, tru di nên người dân phải gọi tránh né là Phạm Công.

Hiện nay có nhiều dị bản hoặc bị mất rất nhiều đoạn quan trọng. Riêng tôi vẫn còn giữ được 2 bản nguyên gốc. 1 bản chép bằng chữ Nôm, 1 bản chép bằng chữ Quốc ngữ. Bản chữ Nôm là thủ bút của cố sơ tôi. Còn bản chép bằng chữ Quốc ngữ là thủ bút của ông nội tôi”.

Nội ông Đ. là một nghệ nhân luyện gà nổi tiếng thời kỳ cuối của chế độ thuộc Pháp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thuở đó, nội ông Đ., ông Ba Chắc và Tư Lãm (Nguyễn Phụng Lãm) được giới thượng lưu miền Tây gọi là “Tam hùng đầu kê lục tỉnh” hoặc “Tam đại sư kê”. Trong các cuộc thi đấu hội chợ gà của chính quyền thực dân, suốt nhiều năm, 3 ông đều lãnh giải “trạng nguyên đầu kê” nhờ sở hữu những chú gà “vô địch”.

Trên nhiều nẻo đường ở Bến Tre có xuất hiện nuôi gà đá.

Do thời cuộc, cha ông Đ. không nuôi gà đá. Thời trẻ, ông Đ. cũng không quan tâm đến nghề nuôi gà đá.

Năm 1990, sau khi thất bại chuyện làm ăn ở TP Hồ Chí Minh, ông Đ. trắng tay nên trở về quê Chợ Lách “ẩn cư”. Trong một lần dọn dẹp bàn thờ gia tiên, ông Đ. đem quyển “kê kinh Phạm Công ra lau chùi, tiện thể đọc vài trang.

Phát hiện nhiều điều hay trong quyển “Phạm Công kê kinh”, ông Đ. nuôi thử vài con gà để mua vui. Không ngờ, gà của ông không có đối thủ ở xóm. Chỉ sau vài trận thắng bằng những đòn tuyệt đẹp, tiếng lành đồn xa, giới “rước gà” tìm đến đề nghị bán với giá vài triệu. Thế là ông Đ. trở thành tỷ phú nuôi gà đá sau 2 năm phát hiện quyển “Phạm Công kê kinh” của tiền nhân.

Hiện nay, lúc nào trong trang trại của ông cũng có hơn 70 con gà chiến. Trong đó có khoảng 20 con không dưới giá 20 triệu. Số còn lại có giá từ 2 triệu đến 15 triệu/ con. Hầu hết đều đã được các tay “rước gà” đặt tiền cọc, thuê “luyện” thêm một thời gian.

Còn nghệ nhân T. “lửa” - một đại ca giang hồ cũ ở Mỹ Tho trước năm 1975, đang ẩn cư dưỡng già ở tuổi 82 với người vợ thứ 8 tại ấp Vĩnh Bắc - khẳng định: “Cha tôi là đại gia ở Chợ Lách thời Pháp. Ông rất mê nuôi gà đá nhưng chỉ nuôi để chơi chứ không bán. Hồi ông qua đời, tôi lục tìm trong thư phòng của ông thì thấy có quyển sổ chép tay ghi là: “Kê kinh diễn nghĩa tự”. Chép lại từ tờ báo Nông Cổ Mín Đàm. Tác giả bài báo là Giao Hòa Lão Nhiêu Nguyễn Phụng Lãm. Ông Nguyễn Phụng Lãm là người gốc Chợ Lách, sau về sinh sống ở làng Giao Hòa thuộc Châu Thành, Bến Tre.

Bản chụp số báo Nông Cổ Mín Đàm năm 1902 có đăng loạt bài nhiều kỳ “kê kinh diễn nghĩa” của tác giả Nguyễn Phụng Lãm.

Tôi lang bạt kỳ hồ, đi lính không quân cho VNCH ở Nha Trang, bắn bị thương thằng cố vấn Mỹ, chạy trốn về Sài Gòn gia nhập vào băng đảng rồi về Mỹ Tho dạy võ... Vì vậy, quyển chép tay của cha tôi bị thất lạc. May là tôi còn thuộc nằm lòng khẩu quyết nên sau này lấy nghề luyện gà làm kế sinh nhai”.

Sau nhiều năm lang bạt, ông T. “lửa” trở về quê nhà sống trong cảnh nghèo túng và cô đơn với người vợ trẻ. Ông không có vốn nhân giống gà nhưng có “con mắt nhìn tướng gà” và bí quyết luyện gà. Hằng ngày, vợ ông đi khắp xóm làng mua gà thịt bỏ mối lẻ cho các quán cơm. Khi vợ đem gà về, nếu gặp con nào có tướng, ông giữ lại để “dạy võ”.

Qua tay luyện của ông, con gà thịt vài chục ngàn đồng, trở thành “chiến kê” có ngón nghề, bán được vài trăm ngàn đồng cho dân rước gà. Nhờ bí kíp luyện gà, ông T. “lửa” vẫn đủ cơm cháo sống bình thản với cái tuổi kỳ hy.

Nhờ bí kíp luyện gà đặc biệt mà ông Ng. - một đại sư kê ở huyện Châu Thành được Nguyễn Cao Kỳ (Phó Tổng thống VNCH) giao nhiệm vụ nhân giống và luyện gà.

Ngày nay, không chỉ ở vùng Chợ Lách, khắp Bến Tre, nơi nào cũng có những nghệ nhân kỳ kê trở thành tỷ phú.

Phó Giám đốc kinh doanh từ nhiệm để nuôi gà đá

Ông Ba Chắc là một trong “Tam hùng đầu kê lục tỉnh” thời Pháp. Ông Ba Chắc có những danh kê bách chiến bách thắng được chính quyền Pháp tặng huy chương trong các cuộc đấu xảo gà đá ở Nam Kỳ lục tỉnh. Nhiều người trả giá hàng chục cây vàng nhưng ông không bán. Khi con gà chết già, ông giữ lại cặp chân để tưởng niệm. Ông còn thuê họa sỹ vẽ chân dung gà treo khắp nhà.

Con trai ông là thầy giáo Hoàng, giáo viên môn Văn trường THCS Vang Quới, Bình Đại, vẫn còn lưu giữ những kỷ vật của ông Ba Chắc, trong đó có bí quyết nhân giống, dưỡng, luyện gà. Dù bận bịu với việc dạy học, thầy giáo Hoàng vẫn duy trì “lò gà” vài chục con “bổn bang”. Gà “thầy giáo Hoàng” rất nổi tiếng trong giới mê gà đá ở khắp các vùng miền. Hiện tại, truyền nhân của thầy giáo Hoàng là người con thứ có tên gọi là Tân “gà”.

Tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh Đại học Sài Gòn năm 2005, Tân đầu quân cho hãng sữa Vinamilk với chức vụ trưởng nhóm giám sát kinh doanh khu vực TP Hồ Chí Minh.

Phát hiện năng lực của Tân, công ty kẹo dừa Ngọc Thanh mời anh về Bến Tre làm phó giám đốc chiến lược kinh doanh với mức lương hơn 20 triệu đồng/tháng. Làm được vài năm, nhận thấy cha đã lớn tuổi, không đủ sức khỏe gìn giữ truyền thống “văn hóa phi vật thể” của ông nội, Tân xin nghỉ việc về nhà quản lý “lò gà”. Hiện, Tân “gà” mở một lò cung cấp gà đá đã “xổ bồ” tại chân cầu Rạch Miễu thuộc địa phận Bến Tre.

Tân “gà” từ nhiệm phó giám đốc kinh doanh về nhà nuôi gà đá.

Tân “gà” hồn nhiên nêu quan điểm: “Đá gà là một loại hình giải trí tao nhã, thượng lưu. Nuôi, luyện gà đá là một thứ nghệ thuật kỳ công. Các tiền nhân nhiều đời phải kỳ công nghiên cứu nhiều thế hệ mới có được bản kê kinh dưỡng, luyện gà. Đó là thứ văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn. Mượn chuyện đá gà để cờ bạc là do lòng tham, tính xấu của người chơi chứ không phải do con gà. Tuy nuôi gà đá nhưng tôi khẳng định chắc chắn rằng, cha tôi và tôi chưa từng một lần dùng gà để cờ bạc”.

Hàng trăm năm nay, giới chơi gà đá khu vực miền Tây Nam bộ vẫn xem Bến Tre là thủ phủ của những “hùng kê”. Tiếc rằng, chính quyền địa phương không công nhận điều đó.

Thậm chí một cán bộ hội nông dân 1 xã có nhiều tỷ phú nuôi gà đá nhất huyện Chợ Lách còn cáu gắt với người viết: “Tôi khẳng định, ở xã tôi không có nuôi gà đá. Nuôi gà đá là bất hợp pháp vì vậy chúng tôi không xem đó là nghề chăn nuôi”. Cách nơi cư trú của vị cán bộ này khoảng 200 mét có một lò gà đá nuôi gần 100 con! Và tại cái xóm của vị cán bộ này cư trú có hơn 8 nghệ nhân được giới chơi gà gọi là “đại sư kê”! Hóa ra, đó là một phần nguyên do, hầu hết các chủ lò gà đá đều cương quyết không được tiết lộ nhân thân của họ!

Nông Huyền Sơn
.
.