Chuyện cảm động đằng sau vụ án

Chủ Nhật, 23/02/2020, 13:47
Hơn 20 năm công tác tại Phòng Cảnh sát điều tra, rồi Cảnh sát hình sự, Thượng tá Ngô Văn Đáp, Đội trưởng Đội Hướng dẫn và điều tra án có yếu tố nước ngoài (Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội) trực tiếp thụ lý và tham gia phối hợp xử lý nhiều vụ trọng án. Trong số đó, có hai vụ án để lại những kỷ niệm rất sâu sắc.

Nghe lại những câu chuyện này, tôi và nhiều đồng nghiệp thấy rưng rưng xúc động và cảm phục trước những nghĩa cử của anh.

1. Cầm tinh con chuột, song có lẽ chị Nguyễn Thị H. (SN 1984, trú tại phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội) không phải là dạng “chuột sa chĩnh gạo” mà luôn phải vất vả mưu sinh. Từ nhỏ đến lớn, cuộc sống của chị đã lắm nỗi truân chuyên, sau lại vướng vào cuộc tình ái với một gã người ngoại quốc. Nhìn bề ngoài gã có vẻ nghệ sĩ, lãng mạn. Chẳng ngờ được hắn lại là kẻ điên tình. Đúng vào thời gian này cách đây 2 năm, một tai họa đã xảy đến với chị.

Chiều tối ngày 15-1-2018, chị H. đang ở nhà trọ của mình trên phố Đặng Thai Mai (phường Phú Thượng) thì đối tượng Iredale Gary (SN 1965, quốc tịch Anh) bất ngờ xuất hiện. Gã cầm một bình xăng tưới vào người chị H. rồi châm lửa đốt. Ngọn lửa bùng lên, còn Gary thì biến mất. Chị H. sau đó được người dân đưa vào bệnh viện cấp cứu. Chị bị bỏng nặng tới 66%, song may mắn thoát chết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều năm trước chị H. cùng gia đình sống tại thị trấn Nam Ban (Lâm Hà, Lâm Đồng). Sau khi lập gia đình và có một đứa con, chị mâu thuẫn với chồng và quay ra Bắc lập nghiệp. Chị thuê một căn nhà trên phố Đặng Thai Mai và mở tiệm may ở đó.

Qua giới thiệu của một người bạn, năm 2017 chị H. quen đối tượng Iredale Gary. Gary giới thiệu với chị là doanh nhân kiêm... nghệ sĩ. Tuy nhiên, mối quan hệ này không đi đến đâu vì chị H. nhận ra Gary không phù hợp với chị.

Thượng tá Ngô Văn Đáp trao lại tài sản mất trộm cho một du khách ngoại quốc.

Khoảng đầu năm 2018, Gary biết chị H. có quan hệ với người khác nên đã tỏ ra rất tức tối. Gã lồng lộn lên và nhiều lần có những hành động không đẹp với chị. Trước khi gây ra vụ việc, Gary đã từng nhắn tin dọa chị H. bằng tiếng Anh, tạm dịch là: “Biến khỏi Hà Nội ngay hoặc mày sẽ chết!”.

Nghĩ rằng hắn chỉ dọa chơi thôi, ai ngờ Gary ra tay tàn độc như thế... Ngay sau khi gây án, Gary bắt taxi bỏ trốn.

Nhận được thông tin về vụ án, lực lượng điều tra hình sự Công an TP Hà Nội đã có mặt tại hiện trường tổ chức điều tra. Song do có sự chuẩn bị từ trước, sau khi gây án Gary đã cuốn gói ra sân bay và rời khỏi Việt Nam. Công an TP Hà Nội ngay sau đó đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh truy nã quốc tế đối với Gary.

Cho đến khoảng tháng 3-2018, Công an Việt Nam nhận được thông tin từ cảnh sát Peru, thông báo đã bắt được đối tượng Iredale Gary khi hắn đang lẩn trốn tại đây. Cảnh sát nước bạn đề nghị phía công an Việt Nam thực hiện một số bước để dẫn độ đối tượng Gary về Việt Nam.

Do chưa có tiền lệ nên việc triển khai công tác dẫn độ Gary về Việt Nam gặp khó khăn. Phía cảnh sát nước bạn đưa ra nhiều yêu cầu, đòi hỏi phải làm việc với rất nhiều cơ quan chức năng khác nhau. Nguyên việc dịch và công chứng các văn bản giấy tờ rồi gửi qua đường ngoại giao cũng mất rất nhiều công sức và thời gian. Mặc dù vậy, với tinh thần quyết tâm phải làm rõ vụ án, bắt đối tượng phải chịu trách nhiệm về tội ác, cán bộ chiến sĩ Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) đã khẩn trương tổ chức thực hiện các yêu cầu phía Peru đưa ra.

Khi mà các văn bản giấy tờ đang trong quá trình hoàn tất, cảnh sát Peru bất ngờ thông báo Iredale Gary đã tử vong trong trại tạm giam, do bị nhồi máu cơ tim. Như vậy cũng có nghĩa là vụ án sẽ phải đình chỉ.

“Khi nhận được thông tin trên, cán bộ chiến sĩ trong Đội rất day dứt. Bởi sau khi vụ án xảy ra, quá trình tiếp xúc lấy lời khai từ bị hại là chị H., anh em nhiều lần rớt nước mắt khi chứng kiến hoàn cảnh của chị. Nhiều phần trên khuôn mặt, thân thể của chị H. đã bị lửa làm cho biến dạng, để lại những vết sẹo rất kinh khủng. Gia cảnh của chị H. cũng nghèo, hy vọng phẫu thuật để lấy lại hình dáng cũ là rất xa vời. Thêm vào đó, vụ án bị đình chỉ cũng có nghĩa chị H. khó có cơ hội nhận được một khoản bồi thường nào từ đối tượng!” - Thượng tá Đáp chia sẻ.

Chiếc xe máy từ thiện được cán bộ Phòng Cảnh sát Hình sự trao lại cho chị H.

Nếu như câu chuyện dừng lại ở đây thì có lẽ chúng tôi cũng không muốn lấy mất thời gian của độc giả thêm nữa. Song, mới đây chúng tôi nhận được thông tin về một việc làm rất nhân văn của CSHS Hà Nội.

Cuối năm 2019 trong quá trình giải quyết một vụ việc có liên quan đến anh Willian B. (quốc tịch Anh), Phòng CSHS có tạm giữ một chiếc xe máy Wave 100 còn mới, chất lượng tốt. Trước đó trong quá trình làm việc tại Việt Nam, anh Willian đã mua chiếc xe này để sử dụng. Tuy nhiên, hiện tại anh Willian đã không còn ở Việt Nam, không có nhu cầu nhận lại chiếc xe. Đồng thời, anh và gia đình có nhã ý muốn tặng lại chiếc xe cho một ai đó có hoàn cảnh khó khăn. Mọi sự đều do Công an Hà Nội tùy định liệu.

Hiện trường vụ cháy khiến chị H. bỏng đến 66% cơ thể và đối tượng Iredale Gary (ảnh nhỏ).

Nhận được thông tin trên, sau khi có ý kiến từ chỉ huy Phòng CSHS, Ban chỉ huy Đội đã thống nhất sẽ liên hệ với chị H. (bị hại trong vụ án Iredale Gary mà chúng tôi đã nhắc ở trên) để nói về việc dự định sẽ chuyển lại chiếc xe Wave của anh Willian cho chị. “Do đối tượng gây ra tổn thất cho chị H. mang quốc tịch Anh, còn người làm từ thiện cũng là người Anh nên chúng tôi muốn mang lại chút an ủi cho chị H.” - chỉ huy Đội giải thích cho sự lựa chọn đó. Và chúng tôi cũng thấy như vậy là hợp lý, hợp tình.

Vậy là, cuối cùng chị H. cũng nhận được một chút an ủi, để có thể vững bước trên đường đời sắp tới.

2. Cũng tại Phòng CSHS, chúng tôi được chứng kiến một câu chuyện cảm động khác.

Hơn chục năm trước tại xã Tiên Dược (Sóc Sơn, Hà Nội) xảy ra một vụ trọng án khiến nhiều người chết và bị thương. Trong số đó có Nguyễn Văn Thơ (SN 1987) bị thương tích lên đến hơn 90%. Khi vụ án xảy ra, Thơ mới đang học THPT.

Hậu quả của vụ nổ khiến cho hai con mắt của Thơ bị hỏng gần như hoàn toàn, sống mũi của cậu cũng bị giập nát. Một bên quai hàm của Thơ cũng tan tành. Rồi còn nhiều vết sẹo ở cổ, ở ngực. Sau vụ nổ ấy, Thơ mất tới 94% sức khỏe, phải trải qua nhiều đợt điều trị dài ngày tại các bệnh viện Bạch Mai, Saint Paul... Sau đó, Thơ được chuyển về bệnh viện ở Sóc Sơn.

Từ một cậu bé nhanh nhẹn, yêu đời, sau cú nổ định mệnh ấy, Thơ trở thành một người hoàn toàn khác. Sau một vài tháng đầu nghỉ học điều trị, có bạn bè, thầy cô qua lại chăm sóc, an ủi, dần dần Thơ chỉ còn một mình với bóng tối thường trực. Bao nhiêu hoài bão, ước mơ tuổi trẻ đều tan biến.

Khi bệnh tình thuyên giảm, Thơ được Hội Người mù huyện Sóc Sơn đến vận động tham gia hoạt động trong hội cho khuây khỏa. Cứ dăm bữa nửa tháng, Thơ lại được người nhà đưa lên thị trấn Sóc Sơn để nghe nói chuyện thời sự, gặp gỡ những người đồng cảnh ngộ để san sẻ niềm vui nỗi buồn với nhau. Thơ được các anh chị trong Hội dạy viết chữ nổi, rồi dạy học công nghệ thông tin...

Nỗi đau dần trôi qua, bình tâm lại, Thơ thấy mình phải đi học tiếp. Có đi học thì mới có thể xây dựng tương lai riêng cho mình. Cũng nhờ các anh chị trong Hội Người mù của huyện mà Thơ làm hồ sơ xin vào học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố (Ba Đình, Hà Nội). Tại đây có một lớp dành cho người khiếm thị. Vậy là cứ cuối tuần Thơ lại tay xách nách mang đi xe buýt từ nhà ra Hà Nội.

Nguyễn Văn Thơ cùng mẹ.

Bất ngờ sau nhiều năm, Thơ nhận được cú điện thoại của gia đình đối tượng đã gây ra vụ án. Họ muốn xin lỗi Thơ và gia đình những bị hại. Đồng thời, họ cũng thông qua ủy ban xã trao cho Nguyễn Văn Thơ số tiền 30 triệu đồng - coi như một chút để khắc phục hậu quả vụ án.

Cùng khi đó, ông Nguyễn Văn Trọng (bố Thơ) phát hiện bị ung thư giai đoạn cuối, lại bị tiểu đường và nhiều bệnh khác. Việc chạy chữa vô cùng tốn kém. Bà Sính (mẹ Thơ) sức khỏe cũng ngày một giảm sút. Nhà có 3 sào ruộng, cũng chỉ đủ thóc ăn và chăm con gà, con lợn chứ tiền mặt thì chẳng bao giờ có...

Tâm sự với chúng tôi, giọng chàng trai nghèn nghẹn: “Nhiều khi em ước ao rằng giá mà trời chỉ cướp đi của em một cánh tay, hay bàn chân thôi thì em đã có thể lao động để giúp gia đình”. Hằng ngày ở nhà Thơ chỉ quanh quẩn dọn dẹp, cắm được nồi cơm điện. Thơ cũng muốn vào bếp giúp mẹ nhưng cứ lại gần bếp gas, thấy lửa là Thơ lại ám ảnh về vụ nổ, lại cảm thấy nhức đầu, đành phải tránh xa. Bố Thơ từ ngày bị bệnh, phải tiến hành nhiều đợt xạ trị và uống rất nhiều loại thuốc đắt tiền. Vậy nên số tiền được gia đình bị can trao cũng chỉ như “gió vào nhà trống”.

Nhưng, niềm tin vào cuộc sống của chàng trai khiếm thị này vẫn chưa hết. Thơ kể với chúng tôi với giọng rất xúc động: “Gần đây em nghe tin các anh trên ủy ban xã nói là Nhà nước có chế độ mới với những người bị thương tật như em. Thế là em vội lên tìm hiểu.  

Đúng là em có đủ điều kiện để được hưởng chính sách đó, mỗi tháng em sẽ nhận được thêm khoảng 1 triệu đồng nữa. Song, để được hưởng thì em phải có giấy chứng nhận thương tật từ cơ quan có thẩm quyền. Đang băn khoăn không biết làm thế nào thì em nhớ ra một chú CSHS. Chú đã giúp đỡ em rất nhiều...”.

Người cảnh sát đó cũng chính là Thượng tá Ngô Văn Đáp. Theo Thượng tá Đáp kể lại thì chính anh là người thụ lý vụ trọng án tại Tiên Dược 17 năm về trước. Và, một buổi sáng nọ anh nhận được cuộc điện thoại từ Thơ. Cậu ta khẳng định: “Chỉ có chú mới giúp được cháu”.

Sau khi biết được đề nghị của Thơ, Thượng tá Đáp đã đến Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) để xin lại một bản giám định thương tật cho cậu. Nhận được văn bản này, Thơ mừng lắm vội mang về xã để làm chế độ. Ít hôm sau, Thơ gọi điện thông báo cho Thượng tá Đáp việc làm chế độ diễn ra thuận lợi và bày tỏ ý định xuống đơn vị để cảm ơn.

“Cháu cứ yên tâm học tập, làm việc ở nhà. Lúc nào có dịp, các chú sẽ đến thăm cháu!... Chúng tôi phải nói mãi thì Thơ mới thôi không thực hiện ý định đó nữa” - Thượng tá Đáp nở nụ cười.

Minh Tiến
.
.