Cô con gái nuôi người Việt của nhà bác học Stephen Hawking
- Stephen Hawking: Bộ óc vĩ đại trong thân xác tật nguyền
- Huyền thoại Stephen Hawking sẽ yên nghỉ gần Đại thi hào Shakespeare
- Stephen Hawking: Sự nghiệp chói sáng và cuộc hôn nhân không đẹp như phim
1. Chúng tôi tìm đến làng Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) ít ngày sau khi Stephen Hawking qua đời. Trong ngôi nhà nhỏ ở ngõ 205 Xuân Đỉnh, chị Nhàn dường như chưa vơi nỗi buồn. Kể với chúng tôi những ký ức về người cha nuôi, mắt chị ngấn nước.
Sinh ra tại một gia đình nghèo tại huyện Ba Vì (Hà Nội) Thu Nhàn có một tuổi thơ khá êm đềm. Năm 1989, khi ấy chị Nhàn mới 9 tuổi thì bất ngờ một tai họa giáng xuống, khiến cho cuộc đời chị ngoặt sang một hướng khác. Trong một lần chèo thuyền đánh cá, cha mẹ chị bị lật thuyền và ra đi mãi mãi. Sau đó, chị Nhàn cùng 2 cô em gái được gửi vào Làng trẻ em SOS. Còn anh trai chị được gửi tại Làng Birla gần đó.
Tại Làng SOS, chị Nhàn cùng 2 em được “phân” về một gia đình, nơi có khoảng một chục trẻ có cùng hoàn cảnh, và được “mẹ” Nguyễn Thị Hoa chăm sóc. Thời gian đầu về sinh hoạt tại đây, Nhàn và các em rất nhớ cha mẹ. Nhiều đêm Nhàn không ngủ được vì nhớ cảnh gia đình cùng 4 chị em quây quần. Dần dà được các mẹ động viên, Nhàn đã hòa nhập với cuộc sống. Hằng ngày Nhàn chăm chỉ học tập, lao động.
Thu Nhàn cùng cha nuôi Stephen Hawking tại phòng làm việc của ông. |
Rồi một niềm vui bất ngờ đến với Nhàn, khi mà một buổi sáng mẹ Hoa báo tin Nhàn được nhà khoa học nổi tiếng thế giới Stephen Hawking nhận làm cha đỡ đầu. “Theo quy định của tổ chức S.O.S quốc tế, mọi hồ sơ của những trẻ em được nhận vào làng sẽ phải gửi đến trụ sở chính ở thủ đô Vienna, nước Áo. Sau đó, hồ sơ của trẻ sẽ được gửi ngẫu nhiên đến các gia đình có mong muốn nhận con nuôi ở khắp nơi trên thế giới. Nếu được nhận nuôi, các em sẽ được gia đình nuôi hỗ trợ tài chính cho đến khi các em đủ 18 tuổi. Tình cờ, tập hồ sơ của tôi được gửi đến gia đình của Stephen Hawking và vợ là Elaine Mason. Và tôi đã trở thành con nuôi của cha một cách ngẫu nhiên như vậy” - chị Nhàn chia sẻ.
Cũng từ đó, dù mới chỉ được nhìn qua ảnh, chị Nhàn có thêm một người thân trong gia đình, có thêm một nơi để nhớ về - đó là Stephen Hawking và ngôi làng tại thành phố Cambridge ở tận nước Anh xa xôi. Cứ khi rảnh rỗi hoặc khi có niềm vui, Nhàn lại ngồi viết thư kể cho cha đỡ đầu nghe. Dù rất bận rộn, Stephen Hawking cũng rất chăm viết thư cho cô con gái bé nhỏ. Ông và bà Elaine Mason cũng thường xuyên gửi những món quà nhỏ cho Nhàn vào các dịp Noel, tết, sinh nhật...
Đầu năm 1998, bất ngờ Stephen Hawking cùng vợ xuất hiện tại Làng SOS để thăm cô con gái nuôi bé bỏng. “Qua thư từ, sách vở, tôi đã phần nào mường tượng ra người cha đỡ đầu của mình. Song quả thật khi ông xuất hiện ở làng, thì tôi vô cùng bất ngờ xen lẫn hạnh phúc” - chị Nhàn tâm sự.
Trong 3 ngày ngắn ngủi lưu lại ở Việt Nam, Hawking luôn tranh thủ gặp gỡ, nói chuyện với Nhàn. “Nhìn ông phải ngồi xe lăn, chỉ có thể cử động vài ngón tay. Ngay cả lời nói cũng là giả lập giọng của ông qua máy tính, tôi càng cảm phục nghị lực của ông bội phần. Ông cũng luôn mỉm cười với tôi và đôi mắt thì sáng long lanh. Đó là những giây phút hạnh phúc mà tôi sẽ không bao giờ quên được. Cho đến lúc tiễn vợ chồng ông ra sân bay để trở về nước, tôi cứ ôm bà Elaine mãi không muốn xa rời”.
Sau lần gặp mặt đó, dường như những bức thư không thể nói hết được tình cảm của gia đình Hawking với cô con gái nuôi Thu Nhàn. Nỗi nhớ đã thúc đẩy “ông hoàng vật lý” đề nghị Tổ chức SOS quốc tế cho phép Nhàn sang Anh thăm gia đình cha nuôi. Nếu theo đúng nguyên tắc của tổ chức SOS thì việc này là không thể. Tuy nhiên, trường hợp của Hawking quá đặc biệt nên lời đề nghị này được chấp thuận. Hawking và Ban quản lý Làng SOS Hà Nội đã xúc tiến những công việc cần thiết để Thu Nhàn được đi thăm cha, mẹ nuôi.
Mùa thu năm 2000, Thu Nhàn một mình xách va ly lên máy bay. Sau khi transit tại Paris, Nhàn đáp máy bay sang London và bà Elaine đã chờ sẵn ở sân bay. Dù có một chút rắc rối, song biết Thu Nhàn là con nuôi Hawking nên sự việc đã được giải quyết ổn thỏa. Tự tay bà Elaine lái xe đưa Nhàn về thành phố Cambridge. Cả ngày hôm đó, Hawking nghỉ làm để đợi Nhàn.
2. Cũng xin được giới thiệu vài nét về nhà vật lý Stephen Hawking. Ông là nhà khoa học nổi tiếng thế giới bởi những công trình nghiên cứu đột phá về vật lý lý thuyết, vũ trụ học, đồng thời cũng nổi tiếng vì có nghị lực phi thường.
Ông sinh năm 1942, từng học tại Đại học Oxford, sau đó làm Chủ tịch Toán học của Đại học Cambridge danh tiếng. Khi mới ngoài 20 tuổi, Stephen Hawking mắc căn bệnh ALS quái ác. Nó khiến cho ông bị liệt toàn bộ cơ thể, chỉ vài ngón tay và bộ não của ông là còn hoạt động. Do đó, Stephen Hawking được trợ giúp bởi một chiếc ghế đặc biệt. Ông điều khiển mọi việc, từ đi lại viết lách đến giao tiếp bằng một chiếc máy tính, đặt trên xe lăn và gắn liền với những nút bấm ở hai ngón tay còn hoạt động được.
Stephen Hawking đặc biệt luôn vui vẻ lạc quan với sức khỏe của mình. Ông là người bệnh ALS sống lâu nhất thế giới. Ông từng nói, tôi bị bệnh từ năm 1963, vậy mà vẫn sống được thêm hơn 50 năm nữa. Và, “tôi có một lợi thế hơn mọi người là tôi không bị quên những điều tôi chuẩn bị nói ra”.
Chị Thu Nhàn cùng gia đình nhỏ của mình trong buổi tham dự lễ ra mắt bộ phim về cha nuôi của cô: “The Theory of Everything”. |
Trở lại chuyến thăm nước Anh của chị Thu Nhàn. Chị kể: “2 tháng ở nước Anh cùng cha mẹ nuôi là một trong những khoảng thời gian hạnh phúc nhất của tôi. Mọi người trong gia đình chào đón tôi rất niềm nở, tôi được ở một căn phòng riêng tại tầng hai với nhiều vật dụng rất dễ thương”.
Trước khi sang Anh, Nhàn đã được thuê riêng một gia sư để bồi dưỡng ngoại ngữ. Chính vì vậy mà cô hoàn toàn có thể giao tiếp bình thường với cha mẹ nuôi. Mỗi sáng, cả nhà thường cùng ăn sáng với nhau. Sau đó Hawking đi làm, không quên dặn bà Elaine chăm sóc Nhàn, đưa con gái nuôi đi thăm thú đó đây. Buổi chiều về sau giờ làm, giáo sư thường không quên mua một gói kẹo socola cho Nhàn.
Sau bữa tối, Hawking dành khoảng 60 phút để nói chuyện hoặc chơi game, làm trắc nghiệm tiếng Anh với cô con nuôi. Chưa hài lòng với vốn ngoại ngữ của Nhàn, cha Hawking cho cô tham gia một lớp học tiếng Anh tại trường Oxford. Ông cũng là một người sống rất nguyên tắc, khi mà dù đang chơi game vui đến mấy thì cứ 9 giờ tối là giục Nhàn đi ngủ. Ông thường lên phòng để hôn tạm biệt cô con nuôi. Lúc nào thấy cô vẫn ngồi học, Hawking thường ra lệnh: “Thu Nhan, Go to bed”, rồi lại gần hôn Nhàn, chúc cô ngủ ngon.
Cuối tuần rảnh rỗi, Hawking cùng vợ đưa Nhàn đi chơi, thăm viện bảo tàng, đi xem phim, đi shopping... “Cha Hawking rất kỹ tính trong việc chọn đồ cho tôi. Mẹ Elaine mua váy, áo nào cũng nói tôi phải mặc cho ông xem thử. Và ông luôn thích tôi mặc những bộ đồ màu xanh”. Trước khi sang đây, Nhàn cũng chuẩn bị được một chiếc áo dài bằng lụa tơ tằm để tặng mẹ Elaine, cùng một chiếc cà vạt thật đẹp cho cha.
Hằng ngày, bà Elaine luôn chịu trách nhiệm làm đầu bếp cho cả gia đình. Biết con gái nuôi không quen với đồ ăn ở đây, bà Elaine thường cho cô tự chọn đồ trong phòng lạnh để bà chế biến. Thi thoảng, Nhàn cũng trổ tài làm món nem rán. Cha Hawking không ăn được (ông chỉ ăn qua đường xông), song mẹ Elaine ăn rất nhiều và luôn tấm tắc khen ngon.
2 tháng ở bên cha mẹ nuôi qua thật nhanh, khi mà Nhàn vừa thích ứng với đồ ăn, thời tiết và sinh hoạt nơi đây. Rút kinh nghiệm lần vợ chồng Elaine sang Việt Nam - khi ra về hai mẹ con ôm nhau không dứt ra được, lần này hai ông bà chỉ tiễn Nhàn ra xe. Cha mẹ cùng Nhàn đi trên con đường nhỏ trước nhà, dưới hàng cây cao vút. Cả hai đều rất buồn, quyến luyến cô con gái nhỏ.
Sợ phải khóc trước mặt mọi người, Thu Nhàn chào vội cha mẹ và bước nhanh lên ô tô. “Qua lớp kính mờ sương, tôi thấy mẹ lấy khăn tay lau nước mắt cho cha. Tôi cứ dán mắt vào kính xe, nhìn cho đến khi hai người khuất hẳn. Tôi nhớ lại những khoảnh khắc hạnh phúc, khi được ở với ông bà. Nhất là một hôm tôi đi xem phim về muộn, trời rét tê tái. Vậy mà tôi vẫn thấy cha ngồi ở cửa chờ tôi về. Tôi hỏi tại sao cha không nghỉ mà phải chờ con làm gì. Ông trả lời: “Đó là điều bình thường mà một người cha nên làm”. Những điều tưởng như nhỏ đó khiến tôi càng thêm xúc động, yêu quý ông hơn”.
3. Từ khi được nhà khoa học StephenHawking nhận làm cha đỡ đầu, Thu Nhàn đã luôn noi gương cha phấn đấu học tập thật tốt. Chị lần lượt học qua bậc THCS, rồi THPT. Sau đó chị theo học nghề tại trường Điện tử - Điện lạnh Hà Nội.
Khi bước vào độ tuổi trưởng thành, các trẻ ở Làng SOS đều được tạo điều kiện để từng bước hòa nhập với xã hội. Chị Nhàn sau khi xin được công việc tại một công ty chuyên lắp đặt đồ điện tử - điện lạnh thì cũng xin phép được ra ở riêng. Chị thuê trọ cùng mấy người bạn, bước vào cuộc sống tự lập. “Nhận được tháng lương đầu tiên, tôi có rất nhiều dự định, nào mua cho mình một bộ quần áo mới, rồi mua quà cho anh trai cùng hai em gái. Tôi cũng dành mua tặng cho ba Hawking một chiếc cà vạt thật đẹp, gửi sang nước Anh tặng ông” - chị Nhàn kể.
Thu Nhàn cùng mẹ nuôi Elaine Mason tại nhà của thiên tài vật lý ở Cambridge. |
Tuy nhiên, thiếu một điểm tựa quan trọng trong cuộc sống là cha mẹ đẻ, Thu Nhàn đã gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian đầu rời Làng SOS. Song, mỗi khi cảm thấy buồn bã, mất niềm tin, chị lại nhớ về người cha nuôi, ngẫm về nghị lực của ông và cảm thấy mình cần phải cố gắng hơn.
Rồi cuộc sống của chị Nhàn cũng dần ổn định, khi chị gặp một chàng trai hiền lành chịu khó tại làng Xuân Đỉnh. Đến nay anh chị đã có một cháu gái 12 tuổi và cháu trai 8 tuổi. Chị không làm về điện tử - điện lạnh nữa. Hai vợ chồng mở một quán bán đồ ăn sáng ở gần nhà. Quán khá rộng và rất đông khách. Buổi chiều, chồng chị còn tranh thủ rửa xe máy để tăng thu nhập.
Người anh trai và 2 cô em gái của chị Nhàn hiện cũng đã rời Làng Birla và Làng SOS. 3 người cũng đã có gia đình riêng, cuộc sống ổn định. Chị Nhàn bảo, sau khi lập gia đình và có 2 cháu, vì quá bận rộn nên cũng ít liên lạc với gia đình cha nuôi hơn. Tuy nhiên, chị vẫn luôn nhớ và kính trọng ông.
Năm 2014, khi biết tin bộ phim “The Theory of Everything” (Thuyết yêu thương) kể về cuộc đời của Hawking được công chiếu tại Việt Nam, chị Nhàn đã đưa chồng và 2 con đi xem. “Ngồi trong rạp mà nước mắt tôi cứ không ngừng rơi vì tôi nhớ về người cha, nhớ những kỷ niệm của chúng tôi”. Thời gian gần đây, khi liên lạc với Hawking, chị Nhàn được biết sức khỏe của ông không được tốt. Chị chỉ biết cầu trời phù hộ cho ông được sống thật lâu.
Trước khi chia tay chúng tôi, chị Nhàn kể câu chuyện này: “Ngày 14-3, khi biết tin ông mất, tôi bần thần cả ngày. Buổi tối đi học về, thấy mẹ như thế con gái kéo tôi ra một góc và hỏi: “Mẹ có chuyện gì à, sao con thấy mẹ buồn lắm?”. Lúc đó tôi chỉ biết mang album ảnh của ông ra, chỉ cho cháu xem và nói: “Một người thân yêu của chúng ta vừa qua đời con ạ. Cha mẹ muốn sang nước Anh để nhìn ông lần cuối mà không thể. Mai này con nhớ học giỏi rồi du học sang Anh. Con sẽ thay cha mẹ mang hoa đặt lên mộ ông, con nhé.
Rồi tôi ôm cháu ngồi cạnh cửa sổ nhìn ra bầu trời bao la, cảm thấy dường như có một vì sao đang nhấp nháy với hai mẹ con”.