Stephen Hawking: Sự nghiệp chói sáng và cuộc hôn nhân không đẹp như phim

Thứ Ba, 20/03/2018, 22:56
Ở tuổi đến trường, cậu bé Stephen say mê chơi bài, làm pháo hoa và mô hình tàu vũ trụ, thảo luận về Cơ đốc giáo và các hiện tượng ngoại cảm. Tố chất của Stephen nhanh chóng được thầy cô và bạn bè công nhận và cậu dần được gọi là “Tiểu Einstein”.

Ngày 14-3-2018, giới vật lý thiên văn học đã mất đi một trong những vì sao sáng nhất: nhà khoa học thiên tài Stephen Hawking. Stephen Hawking sinh ngày 8-1-1942 tại Oxford, Anh quốc. Cha mẹ của ông đều là cựu sinh viên của đại học Oxford danh giá: ông Franklin Hawking là cử nhân ngành Y, còn bà Isobel Hawking theo học ngành Triết, Chính trị và Kinh tế học. 

Gia đình Hawking tuy rất yên ấm và hạnh phúc nhưng lại khá... lập dị: vào bữa tối, thay vì trò chuyện với nhau thì các thành viên lại ngồi im lặng vừa đọc sách, vừa dùng bữa. Tới tuổi đến trường, cậu bé Stephen say mê chơi bài, làm pháo hoa và mô hình tàu vũ trụ, thảo luận về Cơ đốc giáo và các hiện tượng ngoại cảm. Tố chất của Stephen nhanh chóng được thầy cô và bạn bè công nhận và cậu dần được gọi là “Tiểu Einstein”.

Dự đoán chỉ còn sống được 2 năm

Cho dù gia đình Hawking rất khó khăn, cha mẹ cậu vẫn mong muốn con theo học y thay vì học toán vì họ lo rằng sinh viên ngành toán ra trường sẽ khó kiếm được việc làm. Nghe lời cha mẹ, Stephen học hóa học và vật lý. “Tiểu Einstein” tham gia kì thi giành học bổng sớm 1 năm và nhập trường ở tuổi 17.

Ảnh cưới của Stephen Hawking và người vợ cả.

Sau 3 năm nhàn nhã tại Oxford, bi kịch cuộc đời của nhà vật lý vĩ đại bắt đầu: cậu bắt đầu bị ngã liên tục, không leo được cầu thang và dần dần nói lắp bắp. Tại bệnh viện, cậu nhận được tin sét đánh: mắc bệnh thần kinh vận động và chỉ có thể sống được thêm tối đa 2 năm.

Tuy vậy, ông đã sống thêm 50 năm nữa, có 3 con, trở thành giáo sư giảng dạy ở Đại học Trinity, xuất bản “Lược sử thời gian” và “Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ” - 2 trong số những cuốn sách vật lý thiên văn vĩ đại nhất của thế kỉ 20, xuất hiện trong rất nhiều phim truyền hình và phim hoạt hình như “The Big Bang Theory”, “The Simpsons”, được công chúng vô cùng yêu mến vì sự lạc quan và hài hước của mình.

Thế nhưng, ở độ tuổi 21, Stephen trầm uất đến mức muốn tự tử khi biết mình chỉ có thể sống thêm 24 tháng ngắn ngủi. Vào chính thời khắc tăm tối đó, nguồn sống của Stephen đã xuất hiện: cô nữ sinh Khoa văn Đại học Oxford - Jane Wilde. Cô kém Stephen 2 tuổi và là bạn của em gái anh. Jane từ lâu đã hâm mộ tài năng của Stephen và cô càng thương cảm anh hơn sau khi biết anh mắc bệnh nan y. Bất chấp sự phản đối của gia đình hai bên, Stephen và Jane cử hành đám cưới vào cuối tháng 10-1964.

Khi được hỏi về người vợ hiền trong một cuộc phỏng vấn, Stephen đã trả lời: “Jane Wilde và tình yêu vô điều kiện của cô ấy đã thay đổi cuộc đời tôi, cho tôi nguồn sức mạnh để tiếp tục sống”. Chuyện tình của nhà khoa học và vợ đã trở thành nguồn cảm hứng cho bộ phim “The Theory of Everything”. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân của Stephen Hawking và Jane Wilde lại không thực sự đẹp đẽ như trên phim.

Sự khác biệt giữa nhà vật lý thiên thể và cô cử nhân khoa văn đã thể hiện rất rõ ràng khi tờ The Guardian yêu cầu hai vợ chồng nêu cảm nghĩ về bộ phim: Stephen cho rằng bộ phim chưa nêu bật những kiến thức khoa học cần thiết, trong khi Jane lại thấy bộ phim cần khắc họa rõ hơn cảm xúc của một số nhân vật. Hai câu trả lời này đã chỉ rõ sự bất đồng giữa hai cá tính.

Stephen và Jane trải qua những năm đầu bên nhau rất ngọt ngào và viên mãn. Stephen bảo vệ luận án thành công, nhận bằng tiến sĩ của Đại học Cambridge vào tháng 3-1966 và trở thành giảng viên. Đáng tự hào hơn nữa là bất chấp bệnh tật, nhà vật lý đã hoàn thành luận văn một cách xuất sắc: tác phẩm của ông được trao giải Adams (giải dành cho nghiên cứu toán học xuất sắc nhất hằng năm của Đại học Cambridge) và gây được tiếng vang lớn trong cộng đồng khoa học toàn quốc.

Cuộc tình tay tư

Áp lực bệnh tật của Stephen cũng không phải là vấn đề lớn, vì ông đã vượt qua sinh nhật tuổi 25 khá nhẹ nhàng, tuy nhiên, sức khỏe suy sụp trầm trọng vào cuối thập niên 1960. Ông bắt đầu phải dùng nạng để đi lại và liên tục phải hủy các buổi giảng.

Gia đình Stephen Hawking.

Dần dần Stephen phải ngồi xe lăn nhưng ông sớm biến hạn chế của mình thành một cách giải trí: ông rất thích phóng xe lăn thật nhanh khắp sân trường Oxford, thậm chí ông còn thách sinh viên chạy thi với mình. Jane thì lại không được vui vẻ như vậy, bà bắt đầu thấy quá sức khi chăm sóc Stephen, dạy dỗ 3 đứa con và cáng đáng kinh tế gia đình.

Chưa kể, Stephen còn quan tâm đến vật lý hơn cả gia đình. Jane vẫn còn nhớ cảnh ông trầm ngâm ngồi bên cửa sổ, mặc kệ con lớn bị ngã và con bé quấy khóc, chỉ vì đang mải nghĩ về một công thức mới. Chưa kể,dù là giảng viên của một trường đại học danh giá nhất nhì nước Anh, Stephen không hề kiếm được nhiều tiền và mọi gánh nặng đổ dồn lên vai Jane.

Jane từng tâm sự: “Dần dần, tôi cảm giác như cuộc hôn nhân của chúng tôi là một cuộc tình tay tư giữa Stephen, tôi, vật lý thiên văn và bệnh thần kinh vận động. Stephen lúc nào cũng hào hứng giảng giải cho tôi về vật lý nhưng tôi lại chẳng hiểu gì về điều anh ấy yêu thích. Dần dà, tôi cảm giác như anh ấy đã rút về thế giới riêng của anh ấy và chúng tôi chẳng qua chỉ sống chung nhà mà thôi”. Không chỉ sự khác biệt về ngành nghề và đam mê cùng với bệnh tật của Stephen, mà cả sự phản đối của cha mẹ nhà vật lý thiên tài cũng khiến cuộc hôn nhân vô cùng căng thẳng.

Bà Isobel Hawking từng nói thẳng vào mặt cô con dâu khi Jane mới yêu Stephen rằng: “Chúng tôi không ưa cô vì cô không hợp với cái nhà này”. Theo Jane Wilde, hành vi xúc phạm nhất của cha mẹ chồng là khi họ khăng khăng chuyển đến Cambridge sống cùng vợ chồng con trai để có thể tiện giúp đỡ và chăm sóc khi con... ly dị, như thể “họ mong đợi và biết chắc rằng cuộc hôn nhân của chúng tôi sẽ tan vỡ” - Jane cho biết.

Năm 1974, Stephen nhận học bổng ưu tú Serman Fairchild và trở thành giáo sư thỉnh giảng ở Viện Công nghệ California. Lúc này, Jane đã quá kiệt sức với việc chăm sóc chồng gần như 24/7 và bà đề xuất rằng một nghiên cứu sinh hoặc sinh viên của Stephen có thể đến sống chung với gia đình, cùng bà chăm sóc ông cả ở nhà và ở trường.

Sau 1 năm êm đềm ở Mỹ, cả gia đình cùng quay về Cambridge và Stephen được thăng cấp từ tiến sĩ lên phó giáo sư. Một trong những người bạn thân nhất của ông ở Mỹ là nhà vật lý Don Page đã theo ông quay lại Cambridge. Sự trợ giúp của Don và một người trợ lý đã giảm bớt gánh nặng cho Jane, giúp bà có thể theo đuổi đam mê ca hát của mình.

Chính từ đây, cuộc hôn nhân của Stephen và Jane lại càng rạn nứt trầm trọng vì Jane đã gặp gỡ Jonathan Hellyer Jones - người về sau là chồng thứ hai của bà - khi tham gia dàn đồng ca nhà thờ. Đúng như trên phim, Jonathan nhanh chóng trở thành một người bạn thân thiết của Jane và sau đó ông kết thân với cả Stephen lẫn 3 đứa trẻ nhà Hawking. Jonathan cùng Jane làm việc nhà, chăm sóc Stephen và dạy dỗ bọn trẻ.

Đối với Jane, Jonathan khác hẳn người chồng hiện tại của bà. Jonathan tuy không phải là thiên tài vật lý nhưng ông có một tâm hồn nhạy cảm, tình yêu dành cho nghệ thuật và trên hết, ông là người đàn ông Jane có thể dựa vào. Nhưng Jane vẫn còn yêu thương và ngưỡng mộ tài năng của Stephen như ngày đầu, hơn thế, bà biết Stephen khó có thể sống một cuộc sống bình thường nếu thiếu bà và bà muốn những đứa con có một gia đình trọn vẹn, nên bà quyết định giữ một tình bạn trong sáng với Jonathan.

Vào những năm 1975, công chúng đột nhiên trở nên rất hứng thú với hố đen vũ trụ - chuyên môn của Stephen, nên ông thường xuyên xuất hiện trên truyền hình để trả lời phỏng vấn cũng như giải đáp những thắc mắc của người xem về hố đen nói riêng và vật lý thiên thể nói chung. Stephen ngay lập tức được công chúng chú ý vì thể trạng đặc biệt của mình. Thế nhưng, công chúng dần dần bớt tò mò về căn bệnh của ông mà thay vào đó trở nên ngưỡng mộ sự dí dỏm và nghị lực của nhà khoa học.

Bên cạnh đó, những công trình nghiên cứu của Stephen gây được chú ý với giới khoa học quốc tế. Ông nhận liền 5 danh hiệu trong 2 năm, bao gồm Huy chương Eddington, Huy chương vàng Pius XI, Huy chương Hughes, Giải thưởng Daniel Heineman, Giải thưởng Maxwell. Stephen Hawking trở thành giáo sư vật lý năm 1977, khi ông mới 35 tuổi. Các danh hiệu cao quý của Stephen không mang lại nhiều tiền, trong khi gia đình Hawking cần nuôi 3 đứa trẻ ăn học. Gánh nặng kinh tế thúc đẩy nhà vật lý viết một cuốn sách khoa học đủ dễ hiểu với công chúng để có thể bán chạy và ông bắt đầu viết “Lược sử thời gian”.

Đối với Stephen, khoảng thời gian viết cuốn sách này vô cùng vất vả vì ông buộc phải đơn giản hóa những thuật ngữ khoa học phức tạp để người đọc có thể hiểu. Sức ép từ nhà xuất bản và cả gánh nặng tiền bạc đã khiến Stephen trở nên cực kì cáu kỉnh. Năm 1985, khi còn chưa kịp hoàn thành cuốn sách, Stephen bị viêm phổi. Ông suy kiệt đến mức các bác sĩ điều trị đã hỏi ý kiến Jane xem có nên rút thiết bị hỗ trợ của Stephen hay không. May mắn cho nền khoa học hiện đại, Jane đã từ chối.

Sau ca phẫu thuật mở khí quản, Stephen hồi phục, nhưng không thể nói được nữa và ông cần điều dưỡng chăm sóc suốt ngày đêm. Ông được tài trợ một chiếc máy tính với khả năng phát âm những từ Stephen gõ và một quỹ của Mỹ đã nhận trả chi phí điều dưỡng cho Stephen. Bất chấp những khó khăn này, nhà khoa học đã hoàn thành “Lược sử thời gian” năm 1988. Cuốn sách nhanh chóng lọt vào bảng xếp hạng những đầu sách bán chạy nhất ở cả Anh và Mỹ, bán được tổng cộng 9 triệu bản.

Trong vòng tay cố nhân

Tiếc thay, thành công này nhanh chóng khiến Stephen trở nên kiêu ngạo. Jane Wilde cho biết, đỉnh điểm khi nhiệm vụ duy nhất của bà và gia đình là nói cho ông biết, ông không phải là Chúa. Sự dòm ngó của công chúng, những lời nịnh nọt của truyền thông, sự ghen tị của các đồng nghiệp của Stephen... khiến không khí gia đình trở nên vô cùng căng thẳng.

Stephen Hawking và người vợ hai.

Sự hoài nghi của Stephen với tôn giáo, trong khi Jane lại là một tín đồ Thiên chúa giáo khiến hai vợ chồng thường xuyên cãi vã. Trong những năm 1990, càng lúc nhà khoa học càng dành ít thời gian cho gia đình và việc giảng dạy ở Cambridge. Thay vào đó, ông trở nên gần gũi một cách bất thường với Elaine Mason - một trong các hộ lý của ông.

Cuối cùng, đến năm 1995, Stephen quyết định ly dị người vợ đồng cam cộng khổ bên ông hàng chục năm trời để làm đám cưới với tình mới - người ông “thực sự yêu”. Jane cũng nhanh chóng kết hôn với Jonathan. Sau cuộc ly dị, trái ngược với cuộc sống thanh thản của Jane, Stephen đã rất khổ sở.

Theo tố cáo của con gái ông là Lucy Hawking, Elaine đã liên tục bạo hành Stephen bằng cách rạch má ông, để ông ngoài trời nóng lâu đến mức ông ngất xỉu, làm rạn xương cổ tay của ông... Stephen phủ nhận mọi cáo buộc, nhưng ông đã từng phải vào viện với hàng chục vết cắt và thâm tím trên người.

Sau 11 năm chung sống, Stephen đã ly dị Elaine. Ông lại chuyển về sống gần Jane và Jonathan. Gạt bỏ mọi hiềm khích, Jane lại tiếp tục chăm sóc chồng cũ và cùng ông vượt qua những năm tháng cuối đời đầy khó khăn. Họ tiếp tục ở cạnh nhau, cùng đi ăn trưa với cô con gái Lucy mỗi cuối tuần, cùng chơi đùa với đứa cháu ngoại tự kỷ, và thi thoảng ghé thăm cậu con trai Robert đang làm việc cho Microsoft ở Seattle.

Cuối cùng, vào năm 2018, Stephen đã qua đời thanh thản trong vòng tay của người vợ đầu gối tay ấp mà ông từng rời bỏ.

Thi San
.
.