Cư dân sống cạnh bãi rác và cơn ác mộng ung thư

Thứ Tư, 06/07/2016, 13:50
Bao năm nay người dân quanh khu vực bãi rác Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh sống trong ô nhiễm bởi nước rỉ rác, chất thải từ bãi rác thải ra môi trường. Người dân quanh khu vực đã nhiều lần có đơn thư phản ánh, kiến nghị lên các cấp chính quyền yêu cầu có biện pháp xử lý, di dời.

Mặc dù UBND TP Hồ Chí Minh từng có biện pháp xử lý nhưng mọi việc vẫn đâu đóng đấy. Mới đây, sau chuyến thị sát của ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, với những chỉ đạo cụ thể, sâu sát, theo ghi nhận của chúng tôi đã có những chuyển biến tích cực, cho dù vẫn còn đó nhiều mối lo.

Những con số biết nói

Hỏi thăm mãi chúng tôi mới tới được nhà ông Trần Văn Ước (SN 1956), người suốt hơn 20 năm qua kiên trì khiếu nại tới các cơ quan công quyền để giành lại môi trường trong sạch cho bà con sống gần bãi rác. Chẳng chờ chúng tôi trình bày mục đích cuộc gặp, ông nói luôn: “Bà con ở đây khổ quá rồi, rất nhiều người bị ung thư, bệnh ngoài da, hô hấp… thì không thể tính”.

Rồi ông lần mở những lá đơn mà ông từng gửi các cơ quan chức năng phản ánh tình trạng ô nhiễm do bãi rác gây ra, những bài báo đăng tải thông tin liên quan đến bãi rác Đông Thạnh… Chất lính trong con người luôn khiến ông phải hành động. Thay vì giải quyết cho những khiếu nại của ông, nhiều lúc “ai đó” lại quy cho ông tội… vu khống.

Chẳng ngại ngần, ông vẫn tiếp tục đấu tranh đòi quyền lợi không chỉ cho cá nhân ông, mà cho rất nhiều bà con bị ảnh hưởng do bãi rác gây ra. Với người dân quanh khu vực bãi rác Đông Thạnh, ông Trần Văn Ước là một “người hùng”.

Mỗi lần ăn cơm, gia đình ông Trần Văn Ước phải để chai dầu gió để đuổi ruồi.

Ông kể vanh vách từng hộ có người mắc bệnh hiểm nghèo, ai bị bệnh gì, còn hay mất, nhà nào có người bị ung thư rồi dẫn chúng tôi tới từng nhà. Bà Phan Thị Liễu, 74 tuổi sống trên đường Đặng Thúc Vịnh, ấp 3, xã Đông Thạnh. Căn nhà này có 2 cái nhiều: nhiều ruồi và nhiều nỗi buồn. Ruồi bay loạn xạ, bâu kín cả vào mặt khách. Còn nỗi buồn thì hiện hữu trên từng khuôn mặt các thành viên trong nhà. Không buồn sao được khi trong ngôi nhà này có tới 5 người chết, theo gia chủ thì tất cả đều do ung thư.

Bà Liễu cho biết, gia đình bà chuyển về đây sinh sống từ năm 1977. Cuộc sống bị xáo trộn kể từ sau năm 1990, khi bãi rác Đông Thạnh được thành lập. Lần lượt mẹ chồng, chồng, 2 người con rể, gần đây nhất là con dâu bà qua đời đều vì ung thư. Người thì bị ung thư phổi, người bị gan… cứ vậy lần lượt ra đi để lại cho bà và người thân bao nỗi đau. Vượt ngưỡng thất thập, bà là người cứng rắn nhất trong nhà.

Trải qua quá nhiều nỗi đau nên bà có vẻ bình tĩnh hơn, không như con trai bà có vẻ mất bình tĩnh khi chúng tôi hỏi thăm vì sao vợ anh ra đi? Anh trả lời cộc lốc: “Ung thư. Hỏi gì mà như điều tra vậy? Có giúp gì được không mà hỏi”. Vâng chúng tôi không giúp gì được cho anh.

Mà anh mất bình tĩnh cũng phải thôi vì vợ anh vừa ra đi, bỏ lại mẹ già con dại cho anh. Từ nay một mình anh phải gánh vác cả gia đình bất hạnh này. Người dân quanh khu vực đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền di dời bãi rác nhưng tất cả chỉ là để kiến nghị mà thôi.

Xe chở rác thải nguy hại (ảnh do nhân vật cung cấp).

Cách nhà bà Liễu mấy căn là nhà ông Lê Văn Đạp, 64 tuổi. Đèn sáng trưng nhưng ông Hai Đạp vẫn gọi con bật thêm đèn. Mắt ông bị kém nên không nhìn thấy gì. Ông bảo từ ngày có bãi rác, mắt ông cứ cay sè và dần mờ đi. Chân tay ông thì mẩn ngứa suốt 5 năm nay. Bác sĩ kết luận ông bị viêm da, nhưng người thân của ông lại bảo đó là bác sĩ giấu, ông bị ung thư da. Ngực ông luôn đau tức, thở khó. Ông cho biết hiện ông đang điều trị 5-6 thứ bệnh.

Không chỉ có ông mà rất nhiều người quanh khu vực bị nhiều bệnh lạ  sau khi có bãi rác. Cách nhà bà Phan Thị Liễu 1-2 căn còn một gia đình khác cũng có người chết vì ung thư. Và cái danh sách nhà có người mắc những căn bệnh hiểm nghèo ngày một dài ra như nhà ông Tư Thâu, nhà bà Viên, nhà Phúc Lan… con số lên tới hàng chục khiến người ta phải giật mình: sao mà lắm người bị ung thư thế!

Chịu đựng đến bao giờ

Đứng trên cầu Rạch Tra, cách bãi rác Đông Thạnh khoảng 500 m, chúng tôi có thể nhìn vào tận bên trong nhà máy xử lý rác thải y tế, với 2 ống khói vươn lên trời. Thi thoảng lại có cơn gió đưa tới mùi của rác, hôi thối, nồng nặc.

Một phụ nữ sống lâu năm tại đây, cho biết: “Mùi hôi từ bãi rác luôn ám ảnh chúng tôi, suốt bao năm nay. Nhà lúc nào cũng cửa đóng then cài, mở ra không chịu nổi”. Theo bà, trước đây, mỗi khi nhà máy đốt rác người dân còn phải chịu thêm mùi khói khét lẹt. Bây giờ đỡ nhiều rồi, nhưng không biết bao giờ mới hết.

Hàng ngày xe chở nước rỉ rác vẫn ra vào khu xử lý rác thải.

Ruồi nhiều vô kể. Bà Nguyễn Thị Ngọc Thu, vợ “người hùng” Trần Văn Ước, nói, bữa cơm nào bà cũng phải dùng dầu gió để đuổi ruồi. Đồ ăn đem ra quên không đạy ruồi bu kín lại, nhìn không dám ăn. Bà cũng đang điều trị viêm da và có dấu hiệu nghi là bị ung thư vú, đang theo dõi tại bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh. Con trai bà bị bệnh hô hấp kéo dài.

Khi lò đốt rác hoạt động, con bà bị hắt hơi liên tục, ho càng dữ dội hơn. Nhà 4 người thì cả 4 bị bệnh, chẳng thiết làm ăn gì nữa. Bà con sống gần bãi rác, đa số đều có bệnh về hô hấp, nhất là trẻ em.

Trước đây người dân quanh khu vực thường sử dụng nước giếng khoan và nguồn nước từ sông, kênh tự nhiên cho sinh oạt. Nhưng những năm gần đây nước từ sông, kênh tự nhiên không thể sử dụng vì bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nguồn nước giếng khoan cũng chỉ dùng để tắm giặt, tưới cây. Nước ăn uống hàng ngày phải đi mua. Hiện nhiều nhà dân ở đây chưa có nước máy.

“Mỗi lần đánh răng bằng nước giếng khoan cảm giác ê buốt. Nước để một lúc bị đóng cặn, nhớt, tắm xong thấy cay mắt, có khi còn ngứa hơn chưa tắm”, bà Thu trình bày. Người dân sống cạnh bãi rác Đông Thạnh đang hàng ngày hàng giờ sức khỏe bị bào mòn bởi ô nhiễm, khói bụi và thiếu nước sạch.

Ngồi trong nhà ông Ước, thỉnh thoảng chúng tôi lại thấy một chiếc xe tải chạy từ ngoài vào trong khu vực bãi rác. Ông cho biết đó là những chiếc xe chở rác thải nguy hại, nước rỉ rác, rác thải y tế… Suốt từ 6 giờ 30 đến 15 giờ , một ngày không dưới 30 chuyến xe chở nước rỉ rác vào bãi rác.

Ông Lê Văn Đạp (bên phải) hiện phải điều trị 5-6 thứ bệnh.

“Bây giờ bớt nhiều lắm rồi đấy, nhất là sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy. Trước kia những chiếc xe này chở rác vào, xả xong, quay ra không súc rửa, hôi thối không chịu nổi. Nay lưu lượng ít đi, xe cũng được rửa ráy, tuy bớt nhiều nhưng vẫn còn mùi hôi. Sợ nhất là những chiếc xe có vẽ hình đầu lâu và 2 khúc xương chéo. Đó là xe chở chất thải nguy hại, nếu không được xử lý cẩn thận, chôn lấp một cách khoa học, chúng rất có hại cho môi trường” – ông Ước tỏ ra rành rẽ.

“Nguy hiểm nhất là  việc chủ bãi rác vì tiết kiệm nên không chịu đầu tư thiết bị máy móc xử lý rác mà chôn trực tiếp xuống đất, chính từ việc chôn lấp này, nguồn nước mới bị ô nhiễm. Lâu dần môi sinh bị ảnh hưởng, con người còn không sống nổi nói chi đến con vật. Đó là chưa kể đến việc đất đai cằn cỗi, lấy gì mà canh tác?”, ông Ước nhấn mạnh.

Trước đây, người dân sống quanh bãi rác, tùy vị trí xa hay gần bãi  đều được hưởng tiền hỗ trợ độc hại hằng tháng từ 25.000-60.000 đồng/người. Khoản hỗ trợ này gần đây không còn. Mới đây địa phương có đi rà soát nhân khẩu để chi trả lại khoản này. Mức trợ cấp này rõ ràng không còn phù hợp, bởi tồn tại suốt mười mấy năm qua trong khi vật giá tăng từng ngày. Trẻ em sinh sau, dâu rể mới về cũng không được hưởng. Hy vọng sau đợt rà soát này  mọi người đều được hỗ trợ tiền độc hại.

Ngoài bãi rác Đông Thạnh, một phần ô nhiễm là do những bãi rác tự phát do người dân thiếu ý thức vứt bừa bãi quanh khu vực mình sinh sống. Từ rác thải sinh hoạt đến xác động vật chết, nguời ta cứ vô tư vứt ra đường, gây ô nhiễm cục bộ làm ảnh hưởng không ít đến sức khỏe của bà con.

Chính quyền vào cuộc

Ngày 11-5 vừa qua, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã có buổi tiếp xúc bà con trong huyện. Người dân đã phản ánh với ông Đinh La Thăng về tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở khu vực bãi rác Đông Thạnh, kêu cứu nhiều năm nay nhưng không được giải quyết và phải sống trong cảnh ô nhiễm. Đồng chí Đinh La Thăng đã xin lỗi bà con và phê bình lãnh đạo huyện Hóc Môn, đồng thời yêu cầu thành phố chỉ đạo các sở ngành liên quan nhanh chóng lên phương án di dời, xử lý trạm xử lý rác gây ô nhiễm ở bãi rác.

Trước tiên là phải khám, kiểm tra sức khỏe cho bà con, đồng thời kiểm ra xét nghiệm mẫu nước, không khí để tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Ngay sau đó bà con đã được khám bệnh, phát thuốc, bên cạnh đó, UBND huyện Hóc Môn còn xem xét cấp miễn phí thẻ BHYT cho người dân sống quanh bãi rác Đông Thạnh...

Đơn thư kiến nghị của người dân.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, kết quả kiểm tra mẫu nước tại khu vực xung quanh bãi rác cho thấy các chỉ tiêu không đạt trong nguồn nước có thể nguy hại đến sức khỏe người dùng. Trong các mẫu nước được kiểm tra, đặc biệt, hàm lượng nitrat, amoni cao, chứng tỏ nước đã bị nhiễm chất hữu cơ có nguồn gốc nitơ - có khả năng chuyển hóa thành hợp chất gây ung thư.

Để khắc phục hậu quả, trong khi Trạm xử lý chất thải nguy hại ở bãi rác Đông Thạnh chưa chấm dứt hoạt động và di dời, lãnh đạo  UBND thành phố yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các đơn vị quan trắc và giám sát chặt chẽ không khí, đất, nước thải, nước rỉ rác... tại bãi xử lý rác và khu vực xung quanh. Việc giám sát hoạt động của trạm xử lý chất thải nguy hại này do UBND huyện Hóc Môn đảm trách, nhanh chóng phục hồi môi trường sinh thái khu vực.

Đồng thời, UBND thành phố cũng yêu cầu Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn nhanh chóng lắp đặt hệ thống cấp nước sạch đến từng hộ dân, vận động bà con không nên dùng nguồn nước đã bị ô nhiễm. Cần có sự hỗ trợ tích cực từ phía chính quyền, doanh nghiệp, để bà con có cuộc sống ổn định. Các tổ chức y tế cần thường xuyên thăm khám kiểm tra sức khỏe cho người dân theo định kỳ, để phát hiện và điều trị những căn bệnh nguy hiểm kịp thời.

Đức Hà
.
.