Đến một ngày sổ hộ khẩu không còn nữa

Thứ Bảy, 13/06/2020, 08:19
Sổ hộ khẩu (SHK) hiện là căn cứ để người dân thực hiện các giao dịch, từ cư trú tới công việc, học hành, hưởng thừa kế, tới mua bán điện, nước... Đến nay, SHK đã tồn tại hơn 70 năm. Tuy nhiên, SHK cũng sinh ra không ít hệ lụy và bất cập cho người dân.

Do đó, việc bỏ SHK giấy để quản lý cư trú bằng mã số định danh cá nhân (MSĐDCN) là chủ trương đúng đắn mang tính cách mạng về quản lý nhà nước, tránh phiền hà cho người dân. Dù vậy, để chủ trương này đi vào thực tế thì vẫn còn không ít vấn đề cần tháo gỡ...

Cần điều chỉnh nhiều thủ tục hành chính khi quản lý cư trú thông qua mã số định danh cá nhân.

Nhiều lợi ích khi bỏ sổ hộ khẩu giấy

Chia sẻ xung quanh thông tin về chủ trương đề xuất bỏ SHK giấy, chuyển sang quản lý cư trú bằng MSĐDCN, bà Tuyết Nhung (ngụ quận 12, TP Hồ Chí Minh) cho biết SHK giấy đang làm khổ vợ chồng bà. Lý do theo bà kể là vì vợ chồng bà lâu nay mâu thuẫn với ba mẹ chồng, trong khi mẹ chồng là chủ hộ, sau khi vợ chồng bà dọn ra ở riêng nhưng không được sự đồng ý của mẹ chồng nên không tách hộ khẩu được, cũng không đăng ký tạm trú được ở chỗ mới vì mẹ chồng nhất quyết không cho mượn SHK.

Vì chuyện này mà tất cả những chính sách ưu đãi theo nhân khẩu về giá điện, giá nước ở chỗ hiện tại vợ chồng bà đều không được hưởng. “Vợ chồng tôi muốn mua tài sản, hay muốn làm lại chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe cũng không làm được vì phải cầm SHK bản chính theo... Tại sao tôi là công dân hợp pháp, có đăng kí thường trú tại TP Hồ Chí Minh mà quyền công dân tôi không được hưởng chỉ vì tôi không cầm được SHK? Vì thế, tôi nghĩ việc bỏ SHK giấy là rất hợp lý”, bà Nhung giãi bày.

Trong khi đó, anh Nguyễn Tài (ngụ quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ do hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam khác với các nước nên việc quản lý xã hội bằng SHK, sổ tạm trú (bằng giấy) từ trước đến nay là hợp lý. Nhưng nay, hoàn cảnh đã thay đổi, công nghệ thông tin đã tiến bộ nên anh hoàn toàn tán thành với việc bỏ SHK, sổ tạm trú giấy và thay cách quản lý cư trú bằng dữ liệu điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin như Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đang trình và lấy ý kiến nhân dân.

Cần điều chỉnh nhiều thủ tục hành chính khi quản lý cư trú thông qua mã số định danh cá nhân.

Tuy nhiên, theo anh Tài, vì Luật Cư trú ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội và liên quan đến rất nhiều ngành, lĩnh vực và luật chuyên ngành khác nên các cơ quan có thẩm quyền nên thận trọng, cho rà soát thật kỹ sự liên hệ ấy, tránh nóng vội dẫn đến những xung đột giữa các luật. Khi đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân.

Có thể nói, đa số người dân tán thành đề xuất thay SHK bằng MSĐDCN và mong nhanh chóng thực hiện bởi hầu như ai cũng hiểu rõ lợi ích rất lớn. Nhưng, để đề xuất này đi vào thực tế vẫn còn khá nhiều khó khăn, hạn chế cần tháo gỡ.

Trao đổi xung quanh đề xuất này, luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, cho rằng SHK, sổ tạm trú gắn liền với nhiều thủ tục hành chính (TTHC), nhiều quy định pháp luật. Có 27 TTHC đang được quy định trong các văn bản dưới luật yêu cầu cần phải có SHK, sổ tạm trú. Và theo Bộ Công an, có tới 22 nghị định và 54 thông tư có quy định liên quan đến SHK, sổ tạm trú (văn bản số 1543/BCA-V03 ngày 7/5/2020 của Bộ Công an).

Khi chuyển sang quản lý cư trú thông qua MSĐDCN, sẽ ảnh hưởng lớn tới các quy định về giấy tờ công dân trong nhiều TTHC hiện hành, tới các chính sách, quy định về hộ gia đình (trong các lĩnh vực như giáo dục, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, kinh doanh, đất đai, nhà ở...) cũng như các quy định pháp luật khác như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Căn cước công dân, Luật Hộ tịch, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Thi hành án hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam...

Việc xác định quan hệ nhân thân để hưởng quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ công dân (như về hưởng thừa kế, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng...) vì việc chứng minh hộ gia đình và quan hệ nhân thân hiện đang chủ yếu dựa vào SHK, sổ tạm trú. Các thủ tục này đang được quy định trong một số văn bản luật và nhiều văn bản dưới luật.

Việc quản lý cư trú theo hình thức mới này chỉ có thể được vận hành một cách thông suốt trên cơ sở tất cả công dân Việt Nam đã được cấp MSĐDCN. Vấn đề cấp MSĐDCN cho hơn 90 triệu dân Việt Nam là không hề dễ dàng, cần nhiều thời gian, sự chính xác. Chưa kể, kinh phí xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC) được phê duyệt theo Quyết định số 366/QĐ-TTg là 3.085 tỷ đồng, đến nay mới bố trí được 1.500 tỷ đồng. Để bảo đảm tiến độ về xây dựng, vận hành CSDLQGVDC, Cơ sở dữ liệu về cư trú, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo quyết liệt, nhất là bảo đảm việc bố trí đủ vốn cho dự án xây dựng các cơ sở dữ liệu này.

Theo luật sư Trần Minh Hùng, SHK, sổ tạm trú trong nhiều trường hợp là căn cứ quan trọng để tổ chức, cá nhân thực hiện các giao dịch dân sự, liên quan đến những vấn đề hằng ngày. SHK, sổ tạm trú là phương thức nhằm xác thực thông tin về nhân thân và nơi cư trú. Khi không còn SHK thì việc thực hiện các giao dịch này có thể sẽ khó khăn vì các bên không thể tự mình truy cập Cơ sở dữ liệu về cư trú để xác định thông tin cần thiết; nếu yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin thì phát sinh thêm TTHC, gây phiền hà và tăng thêm chi phí, thời gian.

Việc thực hiện phương án bỏ SHK, sổ tạm trú bằng MSĐDCN mang lại nhiều lợi ích, khắc phục được nhiều thủ tục rườm rà hiện nay. Tuy nhiên, để thực hiện được vấn đề này, đòi hỏi tốn nhiều thời gian, công sức, kinh phí, nhiều quy định pháp luật cũng phải sửa đổi, cần các văn bản hướng dẫn cụ thể đối với các quy định pháp luật liên quan đến SHK, sổ tạm trú.

Việc quản lý bằng sổ hộ khẩu giấy đã bộc lộ không ít bất cập.

Cần giải bài toán vướng mắc

Từ thực tế của TP Hồ Chí Minh, luật sư Trần Minh Hùng nhận định việc bỏ điều kiện đăng ký thường trú vào các thành phố trực thuộc Trung ương cũng như việc thay đổi phương thức mới sẽ dẫn đến tình trạng gia tăng dân số cơ học, di dân từ các tỉnh, nông thôn đến các thành phố lớn, thành phố trực thuộc Trung ương làm việc, sinh sống gia tăng.

Vấn đề chỗ ở, trường học, bệnh viện, việc làm, dịch vụ công cộng cũng dẫn đến tình trạng quá tải. Do đó, mỗi địa phương cụ thể phải có các giải pháp cụ thể về quy hoạch, đầu tư xây dựng các đô thị vệ tinh, vừa góp phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở ưu tiên việc thu hút lao động chất lượng cao, quan tâm các vấn đề trật tự an toàn công cộng, kiểm soát tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội...

Ngoài ra, với người dân, như đã đề cập việc bỏ SHK, sổ tạm trú giấy để chuyển sang quản lý bằng MSĐDCN ít nhiều sẽ có tác động đến mỗi công dân. Nhất là ảnh hưởng tới các quy định về giấy tờ công dân trong nhiều TTHC hiện hành, tới các chính sách, quy định về hộ gia đình (trong các lĩnh vực như giáo dục, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, kinh doanh, đất đai, nhà ở...) cũng như các quy định pháp luật khác. Vì vậy, khi thực hiện bỏ SHK, sổ tạm trú, người dân cần rà soát lại các quan hệ dân sự, giấy tờ liên quan để điều chỉnh cho phù hợp, lưu ý các quy định mới.

Ông Lê Hoài Trung, nguyên Phó Giám đốc thường trực Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh, cũng cho rằng bỏ quản lý hộ khẩu giấy thay bằng quản lý qua MSĐDCN để thuận lợi cho người dân là rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, thực tế cũng có một số khó khăn như Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh từng thực hiện phần mềm quản lý cán bộ công chức, viên chức của thành phố (khoảng 139.000 người) đầu tiên trong cả nước, sau đó Bộ Nội vụ mới nghiên cứu rồi nhân rộng ra toàn quốc.

Tuy nhiên, thực tế các đơn vị đã không cập nhật kịp thời, con số tổng hợp không chính xác... Do đó, với vấn đề hộ khẩu của mấy chục triệu người không cập nhật kịp thời, đồng bộ sẽ khó quản lý được. Chưa kể hộ khẩu còn liên quan rất nhiều TTHC và biến động nhanh, thậm chí cả vấn đề an ninh mạng...

Phương thức quản lý cư trú mới sẽ vận hành thông suốt trên cơ sở tất cả công dân được cấp mã số định danh cá nhân.

Ý kiến này của ông Trung trùng với ý kiến của chuyên gia cho rằng mục tiêu xóa bỏ SHK giấy sẽ phải đối mặt với những khó khăn nhất định cần có thời gian giải quyết. Đầu tiên là vấn đề nền tảng công nghệ để vận hành phương thức quản lý cư trú mới, đó là CSDLQGVDC và Cơ sở dữ liệu về cư trú. Phương thức quản lý cư trú mới chỉ có thể được vận hành thông suốt trên cơ sở tất cả công dân Việt Nam đã được cấp số định danh cá nhân.

Về khía cạnh chuyên môn, Trung úy Võ Chí Nhất, Đội Cảnh sát quản lý hành chính (QLHC) về trật tự xã hội, Công an huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh cho biết việc bỏ SHK, sổ tạm trú giấy sẽ bỏ được 13 TTHC liên quan đến SHK, sổ tạm trú và tạo điều kiện cho người dân trong các giao dịch dân sự và làm TTHC khác một cách nhanh chóng, thuận tiện, không tốn nhiều thời gian và phải khai các biểu mẫu rườm rà.

Cũng theo Trung úy Võ Chí Nhất, dù bỏ hay không bỏ SHK giấy thì vẫn phải thực hiện công tác quản lý cư trú, quản lý con người và việc bỏ SHK giấy không phải là việc một sớm một chiều. Nếu bỏ SHK giấy thì tổ cấp phát hộ khẩu sẽ trực tiếp quản lý và thực hiện việc thu thập thông tin dân cư. Các cơ quan kết nối với nhau khi có MSĐDCN. Khi nhập thông tin của một người cần tra cứu thì sẽ hiện thông tin của người đó và có cả thông tin cư trú, thông tin về cá nhân, nhân thân... như vậy sẽ thuận tiện trong quản lý con người, không phải tốn công sức đi xác minh nhân thân lai lịch của người dân cũng như với những đối tượng ở các tỉnh thành khác.

“Hiện tại, mỗi ngày, Đội Cảnh sát QLHC về trật tự xã hội vẫn tiếp nhận hàng trăm hồ sơ liên quan đến SHK (cấp phát căn cước công dân và thực hiện những TTHC khác như chuyển khẩu, nhập khẩu...), mỗi hồ sơ được tiếp nhận đúng quy trình quy định và trả đúng hẹn theo Luật Cư trú quy định”, Trung úy Võ Chí Nhất cho hay.

Có thể nói, việc đề xuất bỏ SHK, sổ tạm trú giấy để chuyển sang quản lý bằng MSĐDCN trên CSDLQGVDC là một đề xuất hợp lý và hợp lòng dân, rất phù hợp trong chủ trương cải cách hành chính, giảm tất cả những giấy tờ không cần thiết cho công dân, là một bước tiến lớn trong công tác quản lý dân cư, hoàn toàn phù hợp với sự phát triển của xã hội nói chung và áp dụng công nghệ thông tin nói riêng. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng phải giải quyết được những bài toán còn vướng mắc, trở ngại như kể trên để khi luật có hiệu lực thì không bị ách tắc trong thực thi.

Phú Lữ
.
.