Giấc mơ của “vua cối đá”

Thứ Tư, 22/02/2017, 16:00
Gần chục năm qua, anh Huỳnh Hữu Lộc (43 tuổi, ở thôn Ngọc Hội, xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đã lặn lội nhiều nơi để sưu tầm hàng nghìn chiếc cối đá đồng thời nuôi giấc mơ mở khu du lịch cổ xưa “có một không hai” để ai cũng có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ xưa của văn hóa Việt.

“Quê ngoại tôi ở Huế. Làng quê không nhà nào là không có cối xay, cối giã. Ngày nay những chiếc cối  đã dần đi vào quên lãng”. Theo lời anh Lộc, vào năm 2008, trong một chuyến đi mua cây cảnh ở huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định), tình cờ anh thấy chiếc cối đá nhỏ bị vứt bỏ nơi góc vườn của một gia đình, anh đã mua nó đem về. Đó là chiếc cối anh Lộc tâm đắc nhất trong bộ sưu tập gần 5.200 chiếc cối hiện nay của mình. Còn chiếc cối đá được làm từ năm 1916 của gia đình họ Nguyễn tại xã Diên Sơn (huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa thì có thể là chiếc cối lâu đời nhất trong bộ sưu tập của anh.

Những chiếc cối đá được anh Lộc sưu tầm và xếp thành hàng cao ở làng cối xưa.

Anh Lộc phải lặn lội khắp Tây Nguyên, Trung Bộ, thậm chí ra tận ngoài Bắc, nghe ở đâu có cối đá cổ là anh tìm tới để sưu tầm. Tiền bỏ ra để mua cối không đáng là bao, nhưng công sức và chi phí cho những chuyến săn lùng cối thì không thể kể hết.

“Những chiếc cối thường bị người dân vứt bỏ lăn lóc ở góc vườn, bờ sông, thậm chí trong chuồng gà. Nhưng khi hỏi mua, nhiều người vẫn không muốn bán vì cho rằng nó là đồ cổ, được gia đình họ sử dụng qua nhiều đời. Có những chiếc cối tôi phải đi lại nhiều lần mới mua được”, anh Lộc cho biết.

Anh Lộc tự ví mình như một nhà khảo cổ. Nhiều trường hợp, cối bị vùi lấp hay ở những nơi dơ bẩn, anh phải rất cẩn trọng vì chỉ cần một chút sơ suất sẽ làm cối bị sứt mẻ, mất đi giá trị nguyên vẹn của nó. Và, không ít lần anh gặp tình huống dở khóc dở cười. Trong một chuyến lên huyện miền núi Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) xe va vào đá ngầm trong lòng suối, anh bị thương phải đi cấp cứu tới hơn 200km. Lần khác xe hết xăng khi đang trên núi cao, sóng điện thoại lúc có lúc không, thật là hiểm cảnh ...

Bộ sưu tập cối đá của anh đã có rất nhiều người dân và khách du lịch biết đến, phần lớn là vì hiếu kỳ. Trong khi đó, mong muốn của anh là thông qua các hiện vật, người ta sẽ có một thoáng hồi tưởng đến một phần của đời sống sinh hoạt xưa.

Anh nói: “Cối đá xưa đều được đục đẽo thủ công nên về chi tiết và kích cỡ không cái nào giống cái nào. Thậm chí, có cái mang những vết lõm sâu, có thể là do người thợ đục lỡ tay trong quá trình tạo ra nó. Với tôi, tất cả sự khác biệt và những chi tiết đó lại là sự ngẫu hứng mang tính nghệ thuật. Nhưng có lẽ, nét đẹp nhất của những chiếc cối chính là dấu ấn thời gian, một loại dụng cụ truyền thống trong văn hóa sinh hoạt của mỗi gia đình người Việt suốt hàng trăm năm”.

“Vua cối đá” Huỳnh Hữu Lộc.

Chiếc cối đá còn có một ý nghĩa rất quan trọng, đó là sự hủy diệt và hồi sinh giữ vai trò duy trì và dưỡng nuôi sự sống, sự sáng tạo. Người làm nên chiếc cối là đàn ông, còn người sử dụng chúng nhiều nhất lại là phụ nữ,  như hai mặt của một tờ giấy, chẳng khác nào vợ chồng keo sơn gắn bó.

Nhiều người có cối ở gần nhà anh,  họ đem cối đến đặt, nhớ vị trí để lần sau ghé chơi, còn biết đó là cối nhà mình. Thời xưa, có nhiều nhà cửa xây tạm bợ bằng tre nứa, nên dễ cháy, có nhà cháy hết chỉ còn mỗi chiếc cối đá là không cháy, nên khi đưa cối cho anh, nhiều người cũng tiếc nhưng họ muốn có một không gian trưng bày như vậy. Cối đá thường không đổi chủ, chỉ là vật gia truyền, mỗi chiếc cối là nhân chứng cho số phận của một gia tộc.

Anh Lộc thổ lộ: “Số tiền để bỏ ra sưu tầm 5.200 chiếc cối đá đã ngốn của tôi hàng tỷ đồng. Tôi rất mong sẽ có nhiều người đến đây tham quan và có thể sử dụng cối để xay bột, làm bánh tại chỗ, hồi tưởng lại một nét văn hóa xưa. Như vậy, họ đã cùng tôi đánh thức hồn của những chiếc cối đá”.

Trong ngôi nhà cổ kiểu Huế xưa, đập vào mắt chúng tôi là pho tượng rất trang trọng trên bàn gỗ uy nghi, lồng trong 2 lớp tủ kính cường lực vững chắc. Anh Lộc cho biết: “Pho tượng này được đúc bằng đồng, nặng 9kg, cao 52cm, rộng 17cm; tay trái là An úy ấn, tay phải là Hộ thân ấn. Pho tượng này được xem là “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam đấy. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đây là pho tượng được chế tác dưới chất liệu đồng đổi màu, diện đổi sắc, đây là chất liệu đã thất truyền từ lâu đời. Cái thần kỳ của pho tượng là đổi màu theo thời tiết, ánh sáng, nhiệt độ”.

Pho tượng “độc nhất vô nhị” anh Lộc đang sở hữu đổi màu, đổi sắc thông qua hệ thống đèn chiếu sáng.

Anh kể: “Cha tôi sinh năm 1918, lớn lên ở Huế. Năm 6 tuổi, ông được Đức Từ Cung Hoàng hậu đưa vào ở trong cung Diên Thọ. Năm 14 tuổi, sư thầy Thích Tịnh Khiết vào cung, thấy cha tôi thông minh hoạt bát nên xin Hoàng hậu Từ Cung cho cha tôi theo sư thầy để học đạo Phật. Trước khi rời cung, Hoàng hậu tặng cho cha tôi 2 vật quý, một là pho tượng này, hai là bát nhang làm bằng đồng da cua, đường kính 47cm, cao 27cm, dưới đáy có chạm 4 chữ “Ngọc Đường Thanh Ngoạn” bằng chữ Hán. Hai báu vật này cha tôi luôn giữ bên mình. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, cha tôi không tu tập nữa và xây dựng gia đình rồi chuyển về Nha Trang sinh sống”.

Theo anh Lộc, cha mẹ anh có 6 người con, anh là con trai út nhưng đến tháng 6 năm 2012, thấy sức khỏe yếu, khó qua khỏi, cha anh mới gọi các con lại và kể về nguồn gốc pho tượng. Sau đó, người cha giao pho tượng, bát nhang lại cho anh giữ gìn vì anh là người trông coi gia phả tổ tiên, thờ cúng ông bà ở từ đường.

Không gian làng cối xưa của anh Lộc.

Anh Lộc đã mời một số nhà nghiên cứu văn hóa trong nước đến thăm. Cách đây khoảng hai năm, Thượng tọa Thích Từ Nghiêm, Trưởng Ban Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại TP Đà Nẵng, người sở hữu hơn 200 pho tượng khác nhau, sau khi xem xong, cho rằng pho tượng có tên đầy đủ là Tượng Quán Thế Âm Bồ Tát nguyên thể - Phật giáo Mật tông - hệ Kim Cang thừa. Pho tượng có thần thái, mẫu tượng hoa văn theo phong cách Đôn Hoàng đời nhà Đường ở Trung Quốc.

Rất có thể nguồn gốc pho tượng nằm ở vùng Tân Cương, Trung Quốc. Thượng tọa cũng cho rằng, đây là pho tượng “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam, có giá trị đặc biệt đối với nền văn hóa Phật giáo ở nước ta.

Cách đây khoảng một năm, anh Lộc có mời nghệ nhân đúc đồng nổi tiếng Lê Văn Khang ở Hà Nội đến xem và cho ý kiến về pho tượng. Nghệ nhân này cho rằng, pho tượng có nguồn gốc hơn 200 năm và được chế tác dưới chất liệu đồng đổi màu, diện đổi sắc và chỉ thờ ở trong cung vua chúa, là “báu vật của báu vật”, vô cùng quý hiếm không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới.

Đã có người ra giá hàng tỷ đồng để được sở hữu pho tượng đặc biệt này, nhưng anh Lộc đều lắc đầu. Anh chỉ mong muốn giới nghiên cứu văn hóa trong nước, các nhà khảo cổ học, nhà nghiên cứu lịch sử, chư tăng phật pháp, cơ quan chuyên môn phản biện để tìm ra giá trị chân thực của pho tượng nhằm có kế hoạch gìn giữ, bảo vệ pho tượng.

Hơn 5.200 chiếc cối đá được bố trí trên khu đất hơn 9000m2, khiến mọi người bước vào vô cùng ngạc nhiên như vừa lạc giữa bức tranh làng quê xưa bởi sự sắp xếp tạo hình khéo léo của chủ nhân không gian này. Anh Lộc đang tái hiện một quần thể không gian, kiến trúc xưa với những căn nhà cổ, ao sen và những cây thị, cây đa cổ thụ. Bên cạnh cây thị hơn trăm năm là bộ mã la của người Răglay lấy từ huyện Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa). Phía đối diện là bộ chum cổ anh thu thập được ở đất Tây Nguyên.

Bát nhang làm bằng đồng da cua.

Hiện anh Lộc đang gấp rút hoàn thành những hạng mục cuối cùng của không gian làng cối xưa. Không gian này sẽ vừa là nơi trưng bày hiện vật, vừa là khu nhà hàng sinh thái, từ không gian cho đến các món ăn đều theo phong cách hoài cổ. Anh dự định sẽ mời những người thợ giỏi về một số nghề thủ công như dệt chiếu, gốm, mộc chạm trổ... ở địa phương đến làm nghề trong những căn nhà cổ để phục vụ du khách tham quan và có thể bán trực tiếp sản phẩm cho họ. Qua đó, cũng góp phần gìn giữ nghề truyền thống và tạo được việc làm cho một số người dân.

Phan Nhuận Phin
.
.