Giải mã ADN truy tìm thủ phạm giấu mặt trong các vụ trọng án rúng động dư luận

Thứ Năm, 18/08/2016, 07:06
1. Với tổng số 26 cán bộ chiến sĩ, trong đó 18 thạc sĩ, 4 nghiên cứu sinh, 3 tiến sĩ, 1 phó giáo sư, Trung tâm Giám định sinh học pháp lý, Viện Khoa học hình sự (C54) Bộ Công an là một tập thể mạnh, đơn vị có đội ngũ "chất xám" đứng đầu C54. Thế nhưng Đại tá, Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Hà, Phó giám đốc Trung tâm lại hết sức khiêm nhường.


Anh nói rằng, giám định ADN là một lĩnh vực hiện đại, công nghệ luôn luôn đổi mới. Do đó, bất cứ ai khi đã đặt chân vào làm việc tại Trung tâm đều phải không ngừng  tự học hỏi và nâng cao trình độ của mình,  đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao và bắt nhịp với công nghệ mới trên thế giới. Với suy nghĩ như vậy nên việc đào tạo, nâng cao trình độ cho cán bộ chiến sĩ luôn được Đại tá Nguyễn Văn Hà quan tâm.

Chỉ riêng anh đã trực tiếp hướng dẫn 2 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, 18 học viên cao học trong và ngoài trung tâm bảo vệ  luận văn thạc sĩ. Ở thời điểm hiện tại, dù bận trăm công nghìn việc nhưng anh vẫn đang hướng dẫn 3 nghiên cứu sinh bảo vệ luận án tiến sĩ và 2 thạc sĩ.

Người làm khoa học bao giờ cũng không thỏa mãn với những thành tích đạt được. Chính vì vậy, Đại tá Nguyễn Văn Hà bao giờ cũng đặt ra những yêu cầu khó đối với các học trò khi hướng dẫn đề tài nghiên cứu. Yêu cầu đầu tiên của vị Phó giáo sư là đề tài phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trong tủ làm việc của Đại tá Hà, quá nửa là luận văn, luận án của các học trò anh đã hướng dẫn bảo vệ thành công. Rất nhiều đề tài lần đầu tiên nghiên cứu được người thầy đầu ngành về giám định ADN của Viện Khoa học hình sự vừa gợi ý, vừa "đặt hàng" các học trò của mình.

Giám định viên Trung tâm giám định sinh học pháp lý - Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an sử dụng các thiết bị hiện đại trong giám định ADN.

Như đề tài "Nghiên cứu một số phương pháp tách chiết ADN từ dấu vết máu trên các vật mang là vải sau khi bị giặt trong các vụ án hình sự phục vụ công tác giám định ADN", "Nghiên cứu tối ưu hóa phương pháp tách chiết ADN từ vi vết biểu bì da và tế bào niêm mạc miệng trên một số vật mang thường gặp trong các vụ án hình sự"...

Và chính những công trình nghiên cứu khoa học ấy khi được ứng dụng vào thực tế các vụ án đã góp phần quan trọng giúp cho các lực lượng điều tra, khám phá thành công các vụ án tưởng chừng như đã rơi vào bế tắc.

Điển hình vào tháng 7-2015, Viện KHHS nhận được quyết định trưng cầu của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An về vụ án sát hại 4 người trong một gia đình tại xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, Nghệ An. Ngày 2-7, người dân bản Phồng khi đi đánh bắt cá đã  phát hiện thi thể của 4 người trong gia đình anh Lò Văn Thọ gồm anh Thọ (28 tuổi), chị Lê Thị Yến (25 tuổi, vợ anh Thọ), con trai 8 tháng tuổi của vợ chồng anh Thọ và mẹ anh Thọ (80 tuổi). Tất cả đều tử vong bởi những nhát chém tàn bạo.

Đến ngày 19-7, cơ quan điều tra đã xác định nghi phạm Vi Văn Hai là thủ phạm gây án. Song để chứng minh Vi Văn Hai là người có mặt tại hiện trường vào thời điểm gây án và trực tiếp hạ sát các nạn nhân, cơ quan điều tra đã gửi Trung tâm giám định sinh học pháp lý bộ quần áo thu giữ tại nhà Vi Văn Hai. Đây là một "mẫu" khó bởi sau khi gây án, trong 2 tuần, Vi Văn Hai đã giặt bộ quần áo này 2 lần. Một thử thách không nhỏ được đặt ra đối với các giám định viên, làm sao để giám định nhanh, lại đảm bảo chính xác. 

Trong quá trình tiến hành giám định, lãnh đạo trung tâm luôn sát cánh cùng các giám định viên, đưa ra những nhận định, chỉ đạo sâu sát, định hướng kịp thời giúp các giám định viên giải quyết tốt quá trình phân tích mẫu khó. Sau rất nhiều nỗ lực, các giám định viên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tìm được dấu vết máu của nạn nhân Yến  trên quần, áo của đối tượng Vi Văn Hai. Kết quả giám định thu được là bằng chứng vật chất rất quan trọng giúp cơ quan điều tra khẳng định Vi Văn Hai là thủ phạm, sớm kết thúc chuyên án.

2. Thành tích của lực lượng Kỹ thuật hình sự nói chung, của các giám định viên Trung tâm Giám định Sinh học pháp lý nói riêng, người dân không mấy khi biết đến, bởi sau khi thu thập dấu vết tại hiện trường thì công việc của giám định viên diễn ra trong phòng thí nghiệm, nơi chỉ có máy móc, hóa chất và những bộ óc con người phục vụ cho việc giải mã những dấu vết ấy. Đằng sau mỗi câu chuyện giải mã ADN, chính là những chiến công thầm lặng của những người làm công tác khoa học.

Tôi đã từng chứng kiến đôi mắt đỏ hoe của Đại tá Nguyễn Văn Hà khi anh kể lại những ngày giám định, tìm ra thi thể chị Lê Thị Thanh Huyền, nạn nhân vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường, từ mẫu xương thu được của một thi thể mất đầu phát hiện tại bến đò Văn Đức, Gia Lâm (Hà Nội).  Anh kể rằng mặc dù chỉ với kết quả giám định ADN mẹ đẻ của nạn nhân thôi đã đủ để kết luận, thế nhưng trước vụ việc có tính chất "hi hữu" được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, những người làm khoa học càng phải thận trọng để đảm bảo kết quả chính xác nhất.

Chính vì vậy, Đại tá Hà đã trực tiếp lấy mẫu ADN của bố đẻ và con trai chị Huyền để so sánh. Sau một đêm thức trắng làm việc,  các giám định viên như vỡ òa khi kết quả kiểu gen của những người để lấy mẫu đã khẳng định có quan hệ huyết thống với mẫu xương của thi thể được phát hiện.

Các giám định viên rất muốn thông báo tin vui này ngay với thân nhân của chị Huyền, bởi gần một năm trời, gia đình đã bỏ ra rất nhiều công sức, tiền của để đi tìm thi thể người nhà nhưng không có kết quả. Chưa tìm được chị Huyền, thân nhân của chị chưa thể an lòng. Thế nhưng, niềm vui ấy cũng chỉ được anh em chia sẻ với nhau trong phòng thí nghiệm. Bởi theo quy định, kết luận giám định sẽ được gửi cho Cơ quan trưng cầu giám định để thông báo cho gia đình nạn nhân. Công việc thầm lặng, chiến công thầm lặng, chính là như vậy.

Trong vụ án Lê Văn Luyện thảm sát một gia đình ở Bắc Giang, cũng ít người biết rằng, kết quả giám định ADN từ những dấu vết máu thu được tại hiện trường đã góp phần quan trọng giúp Ban chuyên án định hướng điều tra, truy bắt chính xác hung thủ Lê Văn Luyện. 

Trung tá Trịnh Tuấn Toàn, Tiến sĩ, Giám đốc Trung tâm Giám định Sinh học pháp lý kể lại, mấu chốt để tìm ra thủ phạm trong vụ án Lê Văn Luyện, đó chính là vết thương của đối tượng. Giải mã ADN từ những dấu vết máu hung thủ để lại, các giám định viên Trung tâm ADN đã góp phần quan trọng giúp cơ quan điều tra "dựng" hình ảnh thủ phạm gây án với những đặc trưng cụ thể.

Theo yêu cầu của cơ quan điều tra, sáng 25-8-2011, một tổ công tác của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an, trong đó có 3 giám định viên của Trung tâm Giám định sinh học pháp lý lên đường tới hiện trường để tiếp tục thu thập, bổ sung một số dấu vết máu của đối tượng để lại ở những vị trí "đặc biệt", nơi các nạn nhân không thể đến sau khi trọng thương. Với tính chất đặc biệt của vụ án nên ngay sau khi thu thập được khoảng hơn 10 dấu vết, buổi trưa, các giám định viên mang về ngay trung tâm tiến hành giám định ADN.

Điều "kinh ngạc" là tất cả những dấu vết ADN này đều khẳng định của 1 đối tượng, không phải 2 đối tượng như lời khai ban đầu của cháu B., nạn nhân duy nhất còn sống sót. Để xác định liệu có kẻ thứ 2 tham gia gây án hay không, 1 giờ sáng ngày 26-8, trực tiếp Trung tá Trịnh Tuấn Toàn và giám định viên Phạm Ngọc Sơn đã "phi xe" lên hiện trường để thu thập thêm dấu vết.

Ngồi nói chuyện suốt đêm với anh em điều tra, đến 6 giờ sáng, khi hiện trường được "mở cửa", các giám định viên lại khẩn trương thu thập bổ sung dấu vết rồi mang về giám định. Trong tổng số 31 dấu vết máu thu được, qua sàng lọc đã xác định 16 dấu vết của đối tượng. Và kết quả giám định ADN những dấu vết máu bổ sung vẫn khẳng định là của 1 người.

Lúc này, câu hỏi đặt ra là đối tượng là ai? Có thể là người quen biết không?  Bởi sau khi vụ án xảy ra, có người cho rằng để "đột nhập" vào gia đình chỉ có thể là người thân thiết, nắm rõ  đường đi lối lại trong nhà và ra  tay hạ sát tất cả nạn nhân bởi sợ nhận ra người quen.

Để giải đáp câu hỏi này, giám định viên Trung tâm Giám định Sinh học pháp lý đã tiếp tục giám định, làm rõ dấu vết máu của đối tượng để lại hiện trường không có quan hệ huyết thống với cả bên nội và bên ngoại của gia đình nạn nhân. Điều này không chỉ giúp người nhà nạn nhân xóa tan những nghi ngờ trong "nội bộ" mà còn giúp cơ quan điều tra trong định hướng điều tra, nhận định và truy tìm thủ phạm.

Bên cạnh đó, dựa vào những đặc điểm, kích thước vết máu, giám định viên nhận định những dấu vết máu này do đối tượng bị tổn thương khá nặng, vị trí tổn thương cao khoảng 80 đến 100cm  so với mặt đất. Với vị trí này và đặc điểm máu vẩy  ở những vị trí khá cao (như cột nhà, trần nhà...) tạo ra trong quá trình vận động thì thương tích  chỉ có thể ở vị trí tay của đối tượng.

Từ nhận định này, Ban chuyên án đã ra thông báo cho tất cả các cơ sở y tế rà soát những người bị thương ở tay đến băng bó vết thương hoặc mua bông băng, dụng cụ để sơ cứu, băng vết thương trong thời gian sau khi vụ án xảy ra. Từ thông báo này, cơ quan điều tra nhận được thông tin quan trọng từ Trạm xá xã Thanh Lâm (huyện Lục Nam) đã tiếp nhận, sơ cứu, khâu vết thương ở tay cho một thanh niên vào sáng 24-8. Từ thông tin này, ngày 29-8, cơ quan điều tra đã xác định được danh tính nghi phạm Lê Văn Luyện và bắt giữ vào ngày 31-8.

Kể lại kỷ niệm nửa đêm "phi xe" lên hiện trường để thu thập bổ sung dấu vết, Trung tá Trịnh Tuấn Toàn nói rằng, khi khám nghiệm hiện trường, anh lặng người đi khi nhìn thấy tấm ảnh cả gia đình nạn nhân hạnh phúc bên nhau trong chiếc cặp sách của bé B..

Rồi anh chứng kiến cảnh những đồng đội của anh được huy động vào cuộc điều tra, người húp vội bát mỳ tôm rồi lên đường, người thiêm thiếp trên ghế đá sau những đêm trắng truy tìm dấu vết hung thủ; hình ảnh Trung tướng Phan Văn Vĩnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát đội mũ cối, thoăn thoắn trèo trên nóc nhà để quan sát, xem xét từng dấu vết... Trách nhiệm với gia đình nạn nhân, với nhân dân, và với cả những  đồng chí, đồng đội là động lực  để các giám định viên của trung tâm hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.

Hương Vũ
.
.