Gian truân nghề shipper
Xã hội hiện đại có thêm một nghề mới - nghề đưa hàng thuê. Cũng giống như nghề quét rác, cái công việc lương thiện, nắng mưa, nặng nhọc này đôi khi bị coi là tận cùng của xã hội lại cần cho tất cả. Và không biết vì lý do gì chúng ta, đặc biệt là những người trẻ lại thiếu đi tấm lòng đối với họ.
Nhọc nhằn mưa nắng
Trên phố cổ người ta buôn bán ngoài vỉa hè, hàng ăn, trà đá... bên những đống rác. Thế là vì những nhát chổi dọn rác giờ bán hàng, không ít chị lao công thành cái gai trong mắt để dân phố mắng chửi sa sả nếu lỡ tay khua chổi có làm bụi bay cao. Đó là những quan niệm khá cay nghiệt về một nghề nghiệp, công việc thật sự rất cần thiết, có ích cho xã hội.
Quay lại với hiện tại, đã xuất hiện nhiều thứ công việc được cho là hiện đại của thời cuộc, cũng không kém phần vất vả mà phơi mặt ngoài đường mùa nắng nóng hay co ro cái rét thấu xương miền Bắc. Nó có một điểm chung xưa cũ, bị coi thường. Đó là nghề đưa hàng thuê, hay cách gọi tân tiến người ta đọc theo tiếng Anh là nghề shipper.
Cái nghề shipper đã được người tiêu dùng lẫn bán hàng quá quen thuộc thời đại Internet. Khi các cửa hàng, dịch vụ thay đổi hình thức kinh doanh ngoài phố bằng cách tiết kiệm hơn, thuận tiện hơn là giới thiệu hàng hóa, sản phẩm dịch vụ trên mạng xã hội. Shipper, người giao hàng là cầu nối quan trọng. Và cứ thế nó phát triển rất mạnh, tính cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Các shipper luôn sẵn sàng đội nắng đội mưa giao hàng. |
Không ít người cho rằng đây là nghề nghiệp có thu nhập rất tốt, thậm chí còn cao hơn cả lương dân văn phòng cả ngày dán mặt trên màn hình máy tính. Cũng đúng đó chứ nhưng hình như chưa đủ cho cái công việc “xe ôm” cao cấp này.
Không ít sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học, thay vì tìm kiếm công việc theo chuyên môn đã được đào tạo, họ làm công việc đưa hàng như lựa chọn đầu tiên bởi nó quá dễ dàng để nhặt nhạnh những đồng tiền đầu tiên trong đời. Vẫn tốt hơn là lê la đi tìm việc làm ổn định. Chỉ cần có xe máy, chiếc điện thoại thông minh có kết nối Internet, đường sá chưa thông tỏ cũng không là vấn đề vì đã có ứng dụng dẫn đường, thế là trở thành shipper.
Trong giới shipper tại Hà Nội, có một nhân vật không thể không nhắc tới đó là chàng trai Lý Láo Lở (SN 1987, người Pạc Tà, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai). Anh có tên khác dễ đọc hơn là Khang. Khang là người duy nhất tại xã này tốt nghiệp đại học chính quy. Và một sự khác biệt nữa là anh đã mất hoàn toàn hai tay sau một vụ tai nạn điện giật tại quê nhà từ khi còn nhỏ.
Một chàng trai trẻ cụt đến khuỷu cả hai tay vẫn có thể điều khiển xe máy như người bình thường đi giao hàng khiến ai cũng phải ngạc nhiên. Tất nhiên, chiếc xe được điều chỉnh cho phù hợp với thiệt thòi này. Trên tay lái là hai ống nhựa gắn cố định, Khang có thể xỏ phần cẳng tay còn lại vào đó để di chuyển.
Tôi gặp Lý Láo Lở vài lần, lúc nào cũng đang trong tình trạng tất bật với công việc vất vả của mình bên chiếc xe “đặc chủng”. Đôi tay khuyết vẫn thoăn thoắt với trái cây, hàng hóa, sổ sách. Cằm kẹp chặt điện thoại để đọc tin nhắn khách gửi. Tôi luôn thường trực nỗi xót xa lẫn cảm phục.
Công việc lương thiện là thế, cũng thật khó cho cậu tìm được việc phù hợp với những kiến thức sang trọng được học trên giảng đường. Đôi khi tặc lưỡi, tại sao cứ vẩn vơ thứ suy nghĩ này trong khi nhìn anh ta rất hạnh phúc với công việc đang có.
“Khiếm khuyết là điều không ai muốn. Ranh giới giữa mặc cảm và hòa nhập không phải ai cũng có thể vượt qua. Mình chỉ muốn nói với những người đồng cảnh ngộ rằng hãy cứ sống là chính mình, sống có ích mỗi ngày, bạn sẽ tự hòa nhập”.
“Mỹ nhân kế” lừa shipper
Theo giá thị trường, mỗi đơn hàng dưới 10km họ sẽ nhận được khoản thù lao tương ứng 20.000 tới 30.000 đồng, đôi khi nhỉnh hơn được một chút nếu quãng đường xa hơn. Cách đây vài năm, xuất hiện nhiều chiêu trò lừa đảo nhắm vào nhóm đưa hàng thuê này.
Để đảm bảo an toàn cho hàng hóa được giao, bên giao hàng và shipper lần đầu “giao thiệp” sẽ có một giao dịch trước đó là shipper phải tạm ứng đủ 100% giá trị hàng hóa. Sự tiện lợi của điều này là ngay sau khi khách nhận hàng, shipper không cần quay trở lại để thanh toán với chủ hàng.
Nhóm lừa đảo dùng sim “rác” gọi shipper tới vỉa hè, quán nước... giao cho thứ hàng hóa kém giá trị nhưng được khai khống cao lên nhiều lần. Cầm tiền trong tay rồi, chúng sẽ biến mất như chưa từng xuất hiện trên trái đất. Nạn nhân hồ hởi chuyển hàng tới địa chỉ “ma” của những kẻ bất nhân đưa cho lẫn mồ hôi và tiếp theo nước mắt tuôn ròng khi phát hiện bị lừa cay đắng.
Một shipper ngồi ăn những hộp cơm gà do khách bỏ không nhận hàng (ảnh trái); Lý Láo Lở, chàng shipper không tay luôn có niềm tin vào cuộc sống. |
Có một dạo trên nhiều diễn đàn nghề nghiệp này thường xuyên thông báo cho nhau cách phòng tránh, bóc “phốt”, đề phòng. Và không ít vụ việc bắt dính được những cao thủ lừa đảo shipper, thật ngạc nhiên đa số đều là những cô gái trẻ. Phải chăng “mỹ nhân kế” luôn là phương pháp hữu hiệu từ cổ chí kim, dễ dàng hạ gục mọi sự lơ là cảnh giác?
Cách đây không lâu, vào một ngày Hà Nội nắng nóng đến ngạt thở, do tôi có đặt mua hàng trên mạng từ trước nên bên bán chuyển hàng tới. Shipper là một bác khá lớn tuổi khệ nệ bê thùng hàng cẩn thận đặt nhẹ vào trong nhà rồi mới bỏ khăn bịt mặt để tính tiền. Những dòng mồ hôi đen lẫn với bụi rịn trên trán rất vất vả. Tôi cho bác thêm tiền công, ông cảm ơn rồi chúng tôi nói thêm vài ba câu chuyện về cuộc sống, sự nóng bức của thời tiết.
Ông bảo: “Kiếp sau chắc tôi sẽ phải học hành tử tế kiếm cái việc tử tế, chứ như thế này vất vả quá chú ạ”. Ông nói thêm, cái nghề này bây giờ cạnh tranh rất mạnh, ngay cả cái việc đi xe ôm cũng khó mà tranh đến lượt so với những người trẻ thạo công nghệ hơn. Họ biết tìm đến các shop trên mạng từ khi chớm có nhu cầu vận chuyển hàng hóa, điện thoại lăm lăm trên tay đọc những dòng thông tin chữ nhỏ như con kiến.
Việc thường xuyên di chuyển bằng xe máy ngoài đường kèm với áp lực giao hàng đúng giờ, đảm bảo an toàn cho hàng hóa hay thực phẩm luôn mang nhiều rủi ro. Mới đây trên diễn đàn nghề shipper có chia sẻ câu chuyện một bạn trẻ trên đường đi làm công việc này thì lao vào ổ gà lớn trên đường.
Trong bức ảnh, gương mặt người trẻ nằm úp xuống đường, tiền, hàng hóa tung tóe lẫn với máu bên chiếc xe đổ vật sang một bên dưới ánh nắng chói chang. Công việc nào cũng có rủi ro, nghề shipper gánh thêm sự may rủi của việc di chuyển. Cũng có nhiều người cho rằng một phần do họ đôi khi quá tập trung vào chiếc điện thoại di động, vội vàng trong cách tham gia giao thông và còn nhiều lý do khác nữa.
Không ai mong muốn đón nhận những điều này, thế nhưng sự khắc nghiệt của nghề nghiệp đôi khi người ta dễ dàng bỏ lại phía sau. Cũng thật may mắn anh ta đã qua khỏi, tiền lẫn hàng hóa được người dân thu gom bàn giao cho công an phường sở tại không mất mát gì. Đâu phải lúc nào lòng người cũng xấu xa như những gì người ta hay rôm rả bàn luận trên mạng.
Khi shipper kêu cứu
Trong tuần qua, cộng đồng vô cùng bức xúc bởi xuất hiện vài trường hợp bỏ rơi shipper sau khi yêu cầu mua thực phẩm. Cụ thể đơn hàng được đặt là vài chục cốc trà sữa, giá trị đều trên 1 triệu đồng. Ngày 8-6, hàng nghìn người chia sẻ ảnh chụp màn hình tin nhắn cùng lời “kêu cứu” của một shipper có tên Lâm Tú Ngân bị một cô gái “bùng” 1,2 triệu tiền trà sữa hôm 7-6. Cô gái nhờ shipper mua và giao tới nhà 20 ly trà sữa trị giá 1,2 triệu đồng rồi nhắn tin là “bỏ bom nhé”.
Đây là một khoản thu nhập lớn đối với nghề nghiệp vất vả này. Đa số đều đồng cảm với Lâm Tú Ngân và kèm theo những bức xúc của cô gái nọ. Phải chăng những kẻ ác ý đã không thể hình dung được thiệt hại cho những người lao động vất vả này để có thể đùa cợt như vậy.
Và rồi vào tối 9-6, Lâm Tú Ngân đã lên mạng đăng đàn giải đáp thắc mắc, đồn đoán của dân mạng những ngày qua. Anh viết trên tài khoản cá nhân: “Ngày 7-6, lúc 4h chiều, mình có nhận đơn hàng 20 ly trà sữa. Lúc nhận thì cũng hơi sợ vì đơn quá lớn. Rồi mình bắt đầu theo quy trình, điện cho khách xác nhận đơn. Nhưng vẫn còn hơi lo nên cũng nhắn tin cho khách qua app”.
Nghề giao hàng rất vất vả. |
Thấy khách trả lời, nói chuyện bình thường nên Ngân yên tâm mua hàng. Nhưng đến lúc giao, anh không liên hệ được với khách. Kết quả, nam shipper bị “bùng”. Sau khi sự việc xảy ra, Lâm Tú Ngân nhờ sự giúp đỡ của các hội nhóm và được nhiều người ủng hộ. Công ty của nam shipper sau đó đã giải quyết sự việc.
“Trường hợp đặc biệt của mình đã được công ty nơi làm thuê xem xét kĩ lưỡng và linh động, sẽ được bồi hoàn lại 100% số tiền đơn hàng đó”, anh nói. Sau sự việc, anh đưa ra lời khuyên cho những đồng nghiệp của mình cần cẩn thận để tránh rủi ro.
Ngày 10-6, trong phần bình luận dưới bài viết trên trang cá nhân, Lâm Tú Ngân chia sẻ thêm, anh đã gặp mặt gia đình của cô gái bị cho là người gây ra vụ việc và nhận được lời xin lỗi. Trước đó, cô gái trong vụ việc khẳng định mình không phải là thủ phạm, người đặt hàng và hủy đơn là em trai cô. Tuy nhiên, những lời giải thích không rõ ràng của nữ sinh khiến dân mạng càng bức xúc và đặt ra nhiều nghi vấn.
Tôi chợt nghĩ đến hành động khi còn nhỏ đám trẻ hay nghịch với trò bấm chuông cửa những ngôi nhà trên phố rồi bỏ chạy. Không ít shipper khác cũng vào kể câu chuyện bị bỏ rơi của mình và tự ăn những món ăn đối với họ là xa xỉ vì còn hơn là vứt bỏ. Cuộc sống luôn phân chia công việc đôi khi thiếu công bằng.
Nhưng ở góc nhìn khác, những người trẻ đang lao vào thứ công việc bấp bênh này cũng là dấu chấm hỏi cần được giải đáp. Tại sao họ không theo đuổi đến cùng sự lựa chọn nghề nghiệp đã được học, đào tạo bài bản. Phải chăng những đồng tiền “tươi rói” là cám dỗ để dễ dàng quên đi quãng thời gian đẹp nhất đời người, đầy tràn năng lượng tiếp nhận kiến thức, kỹ năng tốt hơn.
Xã hội càng phát triển, lại càng cần thiết sự cảm thông, chia sẻ và hỗ trợ nhau trong đời sống. Những việc làm ác ý với những nghề nghiệp chân tay, đôi khi người làm ra nó không có cảm giác tội lỗi nào bởi nó khuất sau màn hình điện thoại công nghệ. Nhưng đầu bên kia, là những số phận đối nghịch. Sự cảm thông cũng chẳng phải phẩm chất cao cả cho lắm, chỉ là điểm xuất phát của lòng tốt cơ bản nhất trong mỗi con người.