Hỏa Lò, những cuộc trở về từ phía bên kia…

Thứ Ba, 06/09/2016, 20:30
Những hiện vật ghi dấu ấn Hỏa Lò của người cha cựu tù binh phi công Mỹ đã được lưu giữ cẩn thận để rồi nhiều thập kỷ sau, người con trai đã kỳ công đi cả vòng trái đất để thực hiện ước nguyện được “trở về” của người cha quá cố…

Một ngày sau buổi lễ tiếp nhận hiện vật của gia đình trung tá hải quân Mỹ Walter Eugence Wilber được tổ chức trang trọng và đầm ấm tại Khu di tích lịch sử Hỏa Lò (Hà Nội), tôi tìm gặp T.S Nguyễn Thị Bích Thủy, Trưởng ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò, chị cho biết: có nhiều cuộc trở về như vậy, nhưng lần trở về nào vẫn luôn đong đầy cảm xúc trong chị.

Giống như tất cả các cán bộ ở khu di tích này, giống như tất cả những nhân chứng còn lại của sự kiện “tù binh phi công Mỹ ở Hỏa Lò”, những cuộc trở về của họ - những cựu tù binh năm xưa - và những kỷ vật quý báu đã và sẽ là những chỉ báo tốt đẹp cho công cuộc khép lại quá khứ, hướng tới tương lai.

1. Sau 93 năm kể từ năm 1896 khi chính quyền thực dân Pháp đặt viên gạch đầu tiên xây dựng, Nhà tù Hỏa Lò đã trải qua nhiều giai đoạn sử dụng, trong đó từ năm 1964 đến 1973, một phần của nhà tù được sử dụng để tạm giam phi công Mỹ, chính những “phi công mặc áo ngủ” đã đặt tên nơi đây là “Hà Nội Hilton” hay “Khách sạn Vỡ tim”.

Từ năm 1997, Nhà tù Hỏa Lò trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia. Cánh cửa sắt nặng nề trông ra con phố nhỏ với những hàng cổ thụ lúc nào cũng im lìm - đã mở cửa suốt tuần để đón khách vào tham quan. TS Nguyễn Thị Bích Thủy và các đồng nghiệp của chị ở khu di tích này, ngày nào cũng bận rộn với việc đón tiếp các đoàn khách. Trong số đó, có không ít các cựu binh Mỹ và một bộ phận trong số họ từng là những vị khách bất đắc dĩ của “Khách sạn Vỡ tim”.

TS Thủy cười khi nhắc đến cái tên gọi đó của Nhà tù Hỏa Lò, cái tên gọi do chính những tù binh phi công Mỹ đặt. Một cách gọi hài hước và chua chát theo ý tưởng của bài hát “Heartbrek Hotel” của vua nhạc rock and roll nổi tiếng người Mỹ.

2. Cần phải nhắc lại dài dòng một chút về đường đến “Khách sạn Vỡ tim” của những người hùng nước Mỹ. Năm 1954 Mỹ quyết định mở rộng phạm vi hoạt động, bắt đầu tiến hành chiến tranh bằng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc Việt Nam. Đế quốc Mỹ đã huy động vào cuộc chiến này một lực lượng quân đội rất lớn bao gồm hàng ngàn máy bay tối tân thuộc 50 loại khác nhau cùng lực lượng không quân và hải quân tinh nhuệ với âm mưu biến miền Bắc Việt Nam trở lại thời kì đồ đá.

Từ ngày 18 đến 29/12/1972, Thủ đô Hà Nội rực lửa, với “đất rung, ngói tan, gạch nát” nhưng quân và dân Hà Nội đã đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích bằng máy bay chiến lược B-52 của Mỹ.

Cựu tù binh phi công Peter Peterson, vị Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam (1997-2001) và “lão chộp” (người nông dân làng An Đoài đã bắt ông làm tù binh năm 1966). Ảnh Tư liệu.

Với hàng ngàn máy bay Mỹ bị quân và dân miền Bắc bắn rơi, hàng trăm phi công Mỹ bị bắt sống, Chính phủ Việt Nam đã sử dụng nhiều địa điểm để tạm giam giữ số phi công Mỹ: khu vực Fafim ở đường Nguyễn Trãi ngày nay, số nhà 17 phố Lý Nam Đế và Nhà tù Hỏa Lò. Trong đó, Nhà tù Hỏa Lò là nơi thường xuyên có số lượng phi công Mỹ bị tạm giam nhiều nhất. Theo số liệu của Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò thì trong thời kì từ 1968 - 1973 đã có gần 500 phi công Mỹ bị giam tại Hỏa Lò.

3. Chị Đào Thị Huệ - Trưởng phòng Nghiên cứu, Sưu tầm đã làm việc tại Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò 17 năm, thế nên, chị nhớ rất rõ từng cuộc trở về của các cựu tù binh phi công Mỹ. Theo các tài liệu mà chị và các đồng nghiệp ở khu di tích thu thập được thì không ít các vị khách của “Khách sạn Vỡ tim” năm xưa đã trở nên nổi tiếng và nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước Hoa Kỳ, có ảnh hưởng lớn.

Douglas B.Peterson là một người như vậy. Ông là vị đại sứ đầu tiên của Mỹ tại Việt Nam, đồng thời là cựu tù binh phi công Mỹ ở Nhà tù Hỏa Lò và là một nhân vật tích cực trong việc kêu gọi Chính phủ Mỹ  bãi bỏ cấm vận và thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển. Peterson có lẽ là cựu tù binh phi công Mỹ đầu tiên quay lại Việt Nam từ năm 1991 để thúc đẩy vấn đề tìm kiếm người Mỹ mất tích (MIA) và đã được Tổng bí thư Trung ương Đảng CSVN Đỗ Mười tiếp.

Sinh năm 1935 tại Omaha, bang Nebraska, 19 tuổi Peterson tham gia lực lượng không quân Mỹ và năm 31 tuổi điều khiển máy bay F-4.C ném bom bắn phá miền Bắc, Việt Nam. Máy bay của ông đã bị quân và dân huyện Nam Sách, Hải Hưng (bây giờ là Hải Dương) bắn hạ. Phải làm khách bất đắc dĩ ở “Khách sạn Vỡ tim” trong 6 năm rưỡi, năm 1973, ông được trao trả về Mỹ, tiếp tục phục vụ trong lực lượng không quân với chức vụ cao nhất là chỉ huy trưởng căn cứ không quân Johnson ở Goldsboro. Cho đến năm 1980 khi 45 tuổi, ông giải ngũ với quân hàm đại tá không quân.

Ở tuổi 56, ông bắt đầu tham gia vào chính trường Mỹ với 3 nhiệm kỳ hạ nghị sỹ của đảng Dân chủ ở bang Florida (từ 1991 đến 1996). Kết thúc nhiệm kỳ cuối cùng, năm 1996, ông được Tổng thống Clinton cử làm đại sứ đầu tiên tại Việt Nam nhưng phải đến hơn một năm sau đó ông mới chính thức nhậm chức tại Việt Nam, đất nước mà lần đầu tiên ông biết đến năm 31 tuổi và đắng cay ở thân phận một tù binh.

Đến Việt Nam làm đại sứ, ngài Peterson đã trở lại xã An Bình, huyện Nam Sách, tất nhiên, không phải bằng lối bung dù như lúc đang là phi công Mỹ ném bom mà bằng ô tô. Theo tường thuật của nhà thơ Trần Đăng Khoa trong tác phẩm “Lão Chộp”, cựu tù binh phi công Mỹ Peterson đã gặp ông Chộp, một người địa phương đã bắt sống ông năm xưa ngay sau khi ông bung dù, thăm lại gian nhà kho chứa thóc, nơi ông từng bị nhốt mà nói như ông lão Chộp là “rất may chúng tôi đã kịp nhốt ông vào kho lúa khóa lại, chứ nếu không thì không chắc chúng tôi đã bảo vệ được ông khỏi cơn thịnh nộ của họ - tức những người có chồng có con bị bom Mỹ các ông giết hại”.

Cuộc trở về của Peterson, không chỉ bước đi trên con đường làng mà trong ký ức của ông “ngoằn ngoèo những vệt trâu đái và ngai ngái mùi cúc tần, rơm rạ” nơi làng An Đoài năm xưa mà còn ở cả Hỏa Lò. Sau này, khi đã hết nhiệm kỳ đại sứ ở Việt Nam, ông vẫn trở lại Hỏa Lò và đây là những dòng lưu bút của ông được viết vào ngày 10-5-2007: “Tôi đã rời Hỏa Lò 34 năm trước đây sau 6 năm rưỡi bị bắt giam vì là tù binh trong chiến tranh Việt Nam... Di tích Nhà tù Hỏa Lò có giá trị làm sống lại trong chúng tôi về những ký ức chiến tranh. Nhưng giờ đây chúng ta đang cùng hướng về tương lai hòa bình”.

Còn nổi tiếng hơn Peterson là cựu tù binh phi công Mỹ John Mc.Cain. Ông sinh năm 1936 tại căn cứ không quân Coco Solo trong vùng kênh đào Panama do Mỹ kiểm soát. Cha và ông nội của McCain đều là đô đốc của hải quân Hoa Kỳ và họ là cặp cha con đầu tiên của nước Mỹ cùng đạt đến cấp bậc đô đốc bốn sao.Năm 1958, ông tốt nghiệp Học viện Hải quân Hoa Kỳ và sau đó 2 năm tốt nghiệp khóa đào tạo phi công, trở thành một phi công hải quân.

Ngày 26-10-1967, John McCain điều khiển chiếc A-4E Skyhawk nhắm tới các mục tiêu trọng yếu như cầu Long Biên, Nhà máy điện Yên Phụ. Và, ông bị vướng vào lưới lửa dày đặc của phòng không Việt Nam. Dù bung được dù và nhảy được xuống hồ Trúc Bạch nhưng ông không thoát. John McCain phải làm khách ở “Khách sạn Vỡ tim” 6 năm. Sau khi được trao trả về Mỹ năm 1973, John McCain là thượng nghị sỹ Mỹ, ứng cử viên của đảng Cộng hòa, một trong hai ứng cử viên từng tranh cử Tổng thống Mỹ vào năm 2008.

John McCain đã trở lại thăm Hỏa Lò nhiều lần nhưng thú vị nhất là năm 1992, với sự nỗ lực tìm kiếm của phía Việt Nam, chiếc mũ phi công mà ông sử dụng khi bị bắn rơi ở hồ Trúc Bạch đã được tìm thấy trong kho của Huyện đội Từ Liêm và được phía Mỹ long trọng tiếp nhận ngay sau đó.

Sau chuyến thăm của thượng nghị sỹ Mỹ John Mc Cain, tháng 6 năm 2010, Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò tiếp tục được đón tiếp một vị khách đặc biệt, đó là thượng nghị sỹ Mỹ Tom Harkin. Chia tay “Khách sạn Vỡ tim” năm xưa, ông viết: “...Chúng tôi không thể thay đổi ngày hôm qua (quá khứ) nhưng chúng tôi có thể học hỏi từ những sai lầm trong quá khứ để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, hòa bình hơn”.

Năm ngoái, ông Charlie Plumb, cựu tù binh phi công Mỹ, người từng ở “Khách sạn Vỡ tim” 6 năm, cũng đã từng về Việt Nam để có một “cuộc hội ngộ dưới đất “ với Anh hùng LLVT - Đại tá phi công Nguyễn Văn Bảy, người đã bắn hạ chiếc máy bay F-4 trong phi đội chiến đấu cơ của hải quân Mỹ xuất phát từ tàu sân bay Kitty Hawk, trong đó có trung úy Charlie Plumb. Charlie Plumb kịp bung dù, may mắn thoát chết và bị đưa về Hỏa Lò.

Sau khi được trao trả năm 1973, Charlie Plumb tiếp tục phục vụ trong binh nghiệp, chức vụ cuối cùng là thiếu tá. Ông cũng là tác giả của 2 cuốn sách I’m no hero (Tôi không phải là người hùng)The last domino (Quân bài domino cuối cùng). Charlie Plumb trong lần trở về Việt Nam cũng đã gặp lại Đại tá quân đội nhân dân VN Trần Trọng Duyệt, Trại trưởng Trại tù binh phi công Mỹ, và thăm lại Nhà tù Hỏa Lò. Ông Charlie Plumb không để lại lưu bút nhưng có trao tặng một số kỷ vật cho Đại tá Trần Trọng Duyệt và những kỷ vật này hiện đã được Đại tá Duyệt trao lại cho Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò.

Còn trung tá hải quân Hoa Kỳ, ông C.Jade Ensch, thì phải mãi 43 năm sau ngày trao trả về Mỹ mới được trở lại thăm Hỏa Lò lần đầu tiên vào ngày 12-4-2016 vừa qua. Viết lưu bút để lại ở Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò, ông vẫn gọi đây là “Khách sạn Hilton” như cách mà các tù binh phi công Mỹ hài hước mà cay đắng gọi năm xưa. Chỉ bị giam ở Hỏa Lò chưa đầy 1 năm (từ 25-8-1972 đến 29-3-1973) nhưng như ông viết “nơi đây đã mang lại cho tôi nhiều kỷ niệm” và với ông “chiến tranh quả thực là tồi tệ”.

Tổng thống Mỹ Richard Nixon bắt tay tù binh phi công John Sidney McCain vừa được trao trả từ Việt Nam trở về, năm 1973. Ảnh Tư liệu.

Vâng, chiến tranh quả thực là tồi tệ khi nó đẩy con người vào những tình thế không ai muốn. Phi công Everett Alvarez Jr không bao giờ có thể biết trước được rằng, ông trở thành người có thân phận đặc biệt nhất ở “Hilton Hà Nội”, nơi mà tôi dám chắc rằng, khi khoác bộ đồ bay lên người cùng với những trang bị tối tân nhất mà nước Mỹ dành cho “những người hùng” để bay tới ném bom tại mảnh đất hình chữ S này, Everett Alvarez Jr không bao giờ ngờ rằng, ông lại phải ở đây lâu đến thế.

Everett Alvarez Jr là phi công đầu tiên bị bắn hạ ở miền Bắc Việt Nam (Hòn Gai, Quảng Ninh). Ông cũng là tù binh phi công Mỹ bị giam lâu nhất tại Hỏa Lò (8 năm 7 tháng) và là người có thời gian bị giam giữ như một tù binh chiến tranh dài thứ 2 trong lịch sử quân đội Mỹ (người đứng đầu là đại tá Floyd James Thompson).

Theo nhà báo Xuân Ba trong bài viết “Lần gặp E. Alvarez ở Hỏa Lò” đã đăng trên Báo Tiền phong thì ngay khi Alvarez bung dù tiếp đất và bị bắt sống thì “người đầu tiên dùng tiếng Anh để hỏi chuyện Alvarez là một người đàn ông đã đứng tuổi, có nước da nâu. Ở ông toát lên vẻ sang trọng, lịch lãm mà sau này E Alvarez mới biết đó là Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng, thời điểm ấy đang đi kinh lý mạn Đông Bắc. Còn người chụp ảnh đầu tiên mà Alvarez không biết được là nhà nhiếp ảnh Công Vượng, một phóng viên của vùng mỏ” và E. Alvarez chính là người trong bức ảnh viên phi công Mỹ bị bắt đầu tiên trong tư thế cụp mắt ngày 5-8-1964 đã truyền đi khắp thế giới.

Alvarez sinh năm 1937, tại Salinas, California, Mỹ. Năm 1960, Alvarez nhập ngũ và được chọn làm phi công. Vào ngày 5/8/1964, trong chiến dịch Mũi tên nhọn, chiếc máy bay Douglas A-4 Skyhawk của ông bị bắn hạ. Sau khi được trao trả về Mỹ, ông đã được trao vô số huân chương vì thành tích phục vụ cho quân đội Mỹ. Ông cũng là tác giả của cuốn sách “Chim ưng bị xiềng”, trong đó kể về cuộc sống của ông trong những ngày bị tạm giam ở Hỏa Lò và những tình cảm trân trọng ông dành cho những người quản giáo tại đây thời ông là tù binh.

Cũng giống như Peterson, ông Everett Alvarez Jr trở lại Việt Nam khá sớm. Nhà báo Xuân Ba, người đã gặp Everett Alvarez Jr  tại Hỏa Lò tháng 3-1993, khi Hỏa Lò vẫn đang còn là trại tạm giam của Công an TP Hà Nội, kể lại rằng, ông ấy đi cùng với đoàn làm phim của Mỹ để thực hiện một số cảnh quay tại Hỏa Lò cho bộ phim “Tết Việt Nam, tết hòa giải”. “Về lại Hỏa Lò - nhà báo Xuân Ba tường thuật - chẳng phải đợi ai hướng dẫn, từ cổng Alvarez xăm xăm đi vào và xộc thẳng vào khu có buồng giam số 6. Alvarez bước dài bước ngắn, mặt lúc thì rạng rỡ, lúc thì ngơ ngác, bần thà bần thần”.

Sau rồi, Alvarez tự nhận ra là đã lầm: “Không phải buồng này, buồng bên”, Alvarez chỉ vào căn phòng bên cạnh”. Và quả quyết: “Chắc chắn. Vì cái này - Alvarez chỉ tay lên cửa sổ tầng 2 (phòng bên không có cửa sổ) thỉnh thoảng anh công an Việt Nam ở tầng trên vẫn ném kẹo và thuốc lá xuống cho tôi, mặc dù anh ta biết không được phép làm như vậy”.

(Còn tiếp)

Đặng Huyền
.
.