Kỳ tích của một dự án khai thác dầu khí

Thứ Bảy, 09/03/2019, 13:37
Dự án Biển Đông 01 khai thác khí và dầu condensate ở mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh đã và đang là một mốc son của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Qua 10 năm thành lập và hơn 5 năm đi vào khai thác thương mại đã cung cấp cho đất nước trên 10 tỷ mét khối khí và hơn 17 triệu thùng condensate, đạt doanh thu lũy kế hơn 2,8 tỷ USD trên tổng mức đầu tư và chi phí vận hành cho dự án tới thời điểm hiện nay là hơn 2,9 tỷ USD và đã nộp ngân sách Nhà nước hơn 700 triệu USD.

Bài 1: Những thăng trầm của một dự án

Sau một giờ ba chục phút bay trên chiếc trực thăng Puma, tôi đã nhìn thấy một công trình dầu khí trên Biển Đông của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam lớn nhất từ trước tới nay - đó là giàn xử lý trung tâm PQP-HT và giàn khai thác mỏ Hải Thạch.

Từ độ cao 500m trông xuống, giàn khoan Hải Thạch, giàn xử lý trung tâm PQP xa hơn chút nữa là tàu Biển Đông 01 chứa condensate và vài con tàu dịch vụ của PTSC đang chuyển thiết bị vật tư lên giàn... Tất cả làm thành một bức tranh hoành tráng và nom như một thành phố nổi trên biển.

Xa xa ở khoảng cách hơn 20 cây số là giàn Mộc Tinh. Dòng khí đốt từ Mộc Tinh đã được dẫn về trung tâm xử lý để hòa cùng dòng khí từ Hải Thạch và dẫn vào hệ thống dẫn khí Nam Côn Sơn để rồi hòa chung với dòng khí từ nhiều mỏ khác, cung cấp cho các nhà máy điện ở khu vực miền Đông Nam Bộ và Đạm Phú Mỹ.

Cũng sẽ có bạn đọc thắc mắc rằng, tại sao các mỏ dầu trên biển lại mang tên các vì sao như Hải Thạch, Mộc Tinh...; mang tên các loài hoa lan như Lan Tây, Lan Đỏ; hay các loài thú như Bạch Hổ, Rồng, Tê Giác Trắng, Cá Ngừ Vàng... Vâng, việc đặt tên cho các mỏ là do các tập đoàn khai thác dầu trên thế giới khi thăm dò tại Việt Nam. Cũng phải nói thêm rằng, việc đặt tên cho các mỏ là tùy thuộc hoàn toàn vào sở thích của từng hãng. Ví dụ, Mobil thì có thói quen đặt lô theo tên thú dữ, nào là Bạch Hổ, Đại Hùng, rồi Sói, rồi Rồng... Hãng Shell thì lại lấy tên những dòng sông, nào là Trà Giang, nào là Sông Ba... Hãng BP lại lấy tên các loài hoa phong lan như Lan Tây, Lan Đỏ...

Giàn khoan mỏ Hải Thạch, niềm kiêu hãnh của Tập đoàn dầu khí Việt Nam.

Hoạt động thăm dò, tìm kiếm tại mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh được thực hiện từ năm 1992 giữa Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) và tổ hợp các nhà đầu tư nước ngoài; Hãng BP là nhà điều hành việc thăm dò 2 lô này.

Từ năm 1992, BP của Anh đã phát hiện ra khí đốt ở đây. Suốt một thời gian dài, họ đã đổ vào công tác thăm dò, đánh giá trữ lượng ở Hải Thạch - Mộc Tinh rất nhiều tiền. Nhưng vì thấy việc khai thác khí đốt ở đây quá nguy hiểm bởi áp suất và nhiệt độ cao hiếm có, khiến việc khoan thăm dò sự cố xảy ra liên tục, thêm vào đó lại là những cuộc mặc cả có tính chính trị từ một quốc gia khác nên họ đã phải... “bỏ của chạy lấy người”.

Đến năm 2008, BP chính thức rút khỏi dự án sau khi tốn gần nửa tỉ đôla mà không được một mét khối khí nào.

Tháng 11-2008 và tháng 1-2009, BP và Conoco Phillips đã có thư thông báo cho PVN về việc rút khỏi khu vực này và chuyển giao toàn bộ quyền lợi cho PVN. Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho phép PVN được nhận quyền lợi theo Luật Dầu khí để tiếp tục triển khai công tác phát triển mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh.

Nhận lại toàn bộ tài liệu từ phía BP, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, mà người đứng đầu lúc đó là Tổng Giám đốc Trần Ngọc Cảnh cùng Hội đồng quản trị và Ban Tổng giám đốc đã quyết tâm tiếp tục thực hiện dự án này.

Tất nhiên, cũng đã có không ít ý kiến chưa đồng tình, tập trung vào 2 lý do:

Thời gian này, Trung Quốc tăng cường gây sức ép với ta ở ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Không những đưa tàu chiến, máy bay đến uy hiếp mà phía Trung Quốc còn đưa cả tàu đánh cá tràn xuống để gây mất trật tự trị an trên khu vực biển của ta.

Thứ hai là điều kiện địa chất của mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh cực kỳ phức tạp. Phức tạp đến nỗi không ít chuyên gia dầu khí nước ngoài có cảm tình với Việt Nam đã thẳng thắn khuyên lãnh đạo Tập đoàn không nên làm, bởi mức độ rủi ro là quá lớn. Trước đây, khi BP và Conoco Phillips khoan thăm dò ở đây đã nhiều lần gặp sự cố. Tuy chưa “cháy giàn, chết người” nhưng để giải quyết những sự cố đó thì cũng tốn nhiều triệu đô-la. Và bên cạnh đó, không thể không nói tới thị trường nhân lực ở Việt Nam và các nước lân cận đang có cạnh tranh gay gắt, do có nhiều dự án đang triển khai trong cùng một thời điểm. Lực lượng chuyên gia, cán bộ kỹ thuật trong ngành dầu khí còn thiếu... Cho nên có đủ nhân sự để thực hiện dự án là điều rất không đơn giản.

Việc BP và Conoco Phillips rút khỏi dự án khiến kế hoạch khai thác khí của Tập đoàn bị ảnh hưởng. Theo tính toán, vào cuối năm 2013, nếu không có khí bổ sung sẽ dẫn đến khả năng các nhà máy điện chạy khí khu vực miền Đông Nam Bộ phải dùng dầu thay thế. Điều này khiến cho giá điện sẽ phải đội lên cao. Các nhà máy này đã dùng nguồn khí từ một số mỏ nhưng cũng đã khai thác trên 10 năm nên sản lượng bị suy giảm. Và xa hơn nữa, việc thực hiện kế hoạch phát triển điện theo sơ đồ 6 có thể bị ảnh hưởng. Vì vậy, việc khai thác khí ở Hải Thạch - Mộc Tinh là nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cho nhiều năm sau.

Với quyết tâm giữ vững chủ quyền biển đảo và đảm bảo an ninh năng lượng, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã báo cáo Chính phủ, Bộ Chính trị và tất cả đều cháy bỏng một quyết tâm là đất của ta, biển của ta thì ta phải giữ, phải khai thác tài nguyên phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước.

Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông POC ra đời trong bối cảnh như vậy. Và ngay cái tên Dự án Biển Đông 01 cũng đã thể hiện quyết tâm giữ vững chủ quyền biển đảo của PVN. Ông Đỗ Văn Hậu - nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, khi đó là Phó Tổng giám đốc - được giao trọng trách chỉ đạo trực tiếp Biển Đông POC và Dự án Biển Đông 01.

Để tập trung cao độ sức mạnh nội lực và có điều kiện chỉ đạo trực tiếp, lãnh đạo Tập đoàn quyết định Biển Đông POC là công ty của Tập đoàn mà không nằm trong các đơn vị thăm dò, khai thác chủ lực, danh tiếng như PVEP, Vietsovpetro...

Như vậy, với cách làm này, PVN đóng hai vai: Vừa là người thực hiện dự án, vừa là người giám sát dự án. Cách làm này ngay lập tức bị một số cơ quan hữu quan bày tỏ ý kiến không đồng tình. Nhưng rồi khi được giải thích một cách cặn kẽ, tường tận về sự phức tạp của dự án thì các cơ quan cũng nhất trí. Tập đoàn cũng đã mời một số công ty khai thác khí danh tiếng trên thế giới tham gia nhưng chẳng ai mặn mà, bởi họ thấy dự án này rủi ro quá lớn. Đặc biệt là vào thời điểm năm 2009, những thiết bị công nghệ để đảm bảo khai thác khí ở những nơi có điều kiện địa hình, địa chất đặc biệt như ở Hải Thạch - Mộc Tinh không sẵn.

Rất nhiều ý kiến đưa ra là nên liên doanh với các công ty lớn của nước ngoài làm. Đúng là liên doanh với nước ngoài làm thì cũng có cái thuận là chia sẻ được rủi ro, giảm được sự chi phí đầu tư... Nhưng, việc đàm phán cho ra đời một liên doanh thường rất lâu, có khi phải mất vài năm. Mà như vậy thì đến cuối năm 2017 chưa chắc đã có khí. Và dĩ nhiên, điều đó sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh năng lượng của đất nước. Cho nên phải tự làm. Còn trong quá trình triển khai, nếu có được đối tác phù hợp thì sẽ tính sau. Liên doanh với nước ngoài thì chắc chắn giá thành sẽ cực kỳ cao, hơn nữa, cũng rất không đơn giản bởi dù thế nào, họ cũng chỉ là người làm thuê...

Cho nên, nếu gặp những khó khăn gì khác ngoài các vấn đề kỹ thuật thì họ sẽ bỏ ngay. Và có “Long Vương” mới biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu các chuyên gia cứ đột ngột bỏ về?

“Tự tin nhưng không duy ý chí - Dũng cảm nhưng không liều lĩnh - Khẩn trương nhưng không vội vã - Bám tiến độ nhưng đảm bảo an toàn là tối thượng”.

Tập thể lãnh đạo PVN đã lao vào thực hiện Dự án Biển Đông 01 với tất cả nội lực, trí tuệ  ý chí của mình và theo phương châm hành xử đó.

Phòng điều khiển của giàn xử lý Trung tâm PQP-HT thuộc cụm mỏ Hải Thạch, Mộc Tinh.

Và đây là dự án lớn nhất của PVN do những người thợ dầu khí Việt Nam thiết kế, chế tạo, lắp đặt, vận hành. Đây là sản phẩm thuần Việt, do người Việt làm chủ tất cả các khâu, còn chuyên gia nước ngoài chỉ là người được ta thuê làm từng phần công việc.

Từ vị trí là người đi làm thuê cho nước ngoài, rồi đến vị trí điều hành ngang nhau và đến Dự án Biển Đông 01 này, ta làm chủ - mà lại làm chủ một dự khó nhất, lớn nhất - thì mới thấy sự phát triển thần kỳ của ngành dầu khí Việt Nam như thế nào.

Cho đến bây giờ, giàn PQP-HT và giàn Mộc Tinh là công trình trên biển lớn nhất của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam được xây dựng trong thời gian liên tục từ năm 2010 đến 2013 (Vietsovpetro cũng có rất nhiều công trình lớn nhưng được xây dựng qua nhiều giai đoạn). Xin đưa một vài thông số như thế này để bạn đọc hình dung ra quy mô của giàn xử lý trung tâm PQP-HT và giàn Mộc Tinh.

Các mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh thuộc bồn trũng Nam Côn Sơn, thuộc thềm lục địa Việt Nam, cách Vũng Tàu khoảng 320km về phía đông nam và khi được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện giai đoạn phát triển mỏ thì có một tên chung là Dự án Biển Đông 01 bao gồm 3 giàn chính: Giàn khai thác Hải Thạch (HT1), giàn khai thác Mộc Tinh (MT1) và giàn xử lý trung tâm đặt ở mỏ Hải Thạch (PQP-HT).

Công trình này sử dụng hơn 60 nghìn tấn sắt thép và thiết bị. Số lượng sắt thép này đủ để chế tạo hàng chục giàn khai thác có kích cỡ giống như các giàn khai thác dầu khí phổ biến hiện nay trên thềm lục địa Việt Nam và nếu vận chuyển số thiết bị này thì phải cần đến 3.000 chuyến ôtô siêu trường, siêu trọng. Và nếu số xe này nối đuôi nhau thì xếp hàng trên một đoạn đường gần bằng từ Hà Nội vào tới... Ninh Bình.

Giàn Mộc Tinh và giàn Hải Thạch được đặt trên 8 chiếc cọc thép có đường kính... 2,37m, dài 146m và thép có độ dày 75mm, khối lượng cọc là 4.500 tấn. Nếu tính độ cao từ chân cọc thì HT1 cao 308m, PQP cao 335m, tương đương chiều cao một tòa tháp 85 tầng.

Cách không xa giàn xử lý trung tâm là kho nổi PTSC Biển Đông 01. Đây là một chiếc tàu... không có động cơ. Kho nổi có  chiều dài 170m, rộng 32,4m và cao gần bằng tòa nhà 4 tầng, chứa được 350 ngàn thùng condensate (tương đương 55 ngàn tấn). Kho nổi này được chế tạo tại nhà máy đóng tàu Sungdong của Hàn Quốc và là kho nổi hiện đại nhất cho đến thời điểm hiện tại. Kho nổi được kết nối vào hệ thống neo rất đặc biệt - là hệ thống neo xoay quanh một trục (Internal Disconnectable Turret) có thể tháo lắp nhanh và có hệ thống làm nóng dầu condensate rất hiện đại.

Dầu condensate là loại dầu nhẹ, màu vàng nhạt và trong veo như mật ong, thường đi kèm với khí đốt. Dầu này để chế xăng máy bay rất phù hợp. Nói về xăng máy bay, lâu nay ai cũng nghĩ xăng máy bay là thứ cực kỳ cao cấp và đắt... Nhưng trên thực tế, xăng máy bay chỉ có độ tinh khiết là cao, còn giá thành lại rẻ hơn xăng chạy ôtô, xe máy.

Để phục vụ cho các giàn hoạt động, có hệ thống máy phát điện chạy bằng khí với công suất đủ sức cung cấp cho một thành phố loại nhỏ với khoảng... 20 vạn dân, một hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt tinh khiết có công suất 50m3 mỗi ngày. Trên giàn, luôn có gần trăm cán bộ, kỹ sư, công nhân và được sống, làm việc trong những điều kiện tốt nhất so với tất cả các giàn đã có.

Các giàn đều được thiết kế chịu được siêu bão trên cấp 17 - loại bão mà theo dự báo thì khoảng... 100 năm họa ra mới có một lần ở vùng biển phía Nam. Tất nhiên, nếu gặp phải bão cấp này thì toàn bộ giàn sẽ ngừng hoạt động. Hệ thống an toàn sẽ “khóa” cứng tất cả thiết bị, dòng khí sẽ bị chặn lại từ giếng khoan. Còn công nhân cũng sẽ rời giàn. Và lúc ấy, nếu còn làm nhiệm vụ tại đây thì giàn tiếp trợ PVD-V sẽ rời cách xa giàn chính ít nhất 1.500m. Lý thuyết là thế, chứ còn nếu có siêu bão thì PVD-V sẽ được... kéo ngay vào bờ!

Năm 2017, khi cơn bão Tembin đổ bộ vào phía Nam, giàn đã phải cho đóng các giếng khai thác và cho công nhân về bờ hết. Từ các giàn khoan Hải Thạch và Mộc Tinh, các mũi khoan dũi xuống lòng biển hơn 4 cây số rồi lại khoan ngang tiếp 3 cây số nữa để tới “túi khí”.

Giàn Hải Thạch - Mộc Tinh và giàn xử lý trung tâm được đặt ở nơi có mực nước sâu hơn 140m. Điều kiện địa chất ở mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh, nơi cho những dòng khí dẫn lên giàn xử lý Trung tâm PQP không những phức tạp nhất ở Việt Nam mà còn là vào loại ít có trên thế giới. Từ trong lòng đất dưới đáy biển, với độ sâu hơn 4.000m, dòng khí gas được phun lên với áp suất cực kỳ cao 420-530 atmosphere và nhiệt độ khoảng 120-170 độ.

Trên thế giới, những loại mỏ khí đốt có áp suất và nhiệt độ cao như thế này là khá hiếm và không phải công ty dầu khí nào cũng dám làm, bởi mức độ nguy hiểm và rủi ro quá cao.

(Xem tiếp "Khát vọng mang tên Biên Đông 01)

Nguyễn Như Phong
.
.