Mê hồn trận… nấm lim xanh!

Thứ Ba, 03/11/2015, 10:40
Quá sợ bệnh tật và tân dược với nhiều tác dụng phụ, ngày càng nhiều người tìm đến các loại cỏ cây, nhất là với các loại dược liệu được gắn với cái mác trị ung thư. Một trong những thứ cỏ cây được nhiều người sùng tín, xem là đại biệt dược, là khắc tinh của các chứng bệnh nan y là nấm linh chi với tâm điểm là nấm lim xanh?

Vì tin như thế nên người ta mua linh chi vô tội vạ được người bán quảng cáo ầm ĩ trị bá chứng với giá trên trời nhưng chất lượng thì… hên xui! Phía sau những tai nấm được đồn thổi trị bá bệnh kia, còn nhiều góc khuất.

1. Cùng với nhân sâm, linh chi là loạt biệt dược quý hiếm được sử dụng làm thuốc từ lâu đời, là vị thuốc có từ ngàn xưa được ghi trong tập sách “Thần nông”, bản thảo viết tay từ cách đây 2.000 năm. Trong bản in đầu tiên nổi tiếng thế giới vào năm 1595, danh y Lý Thời Trân (thời Đường) dành khoảng 2.000 từ giới thiệu đến 6 loại nấm linh chi gồm thanh chi (linh chi màu xanh), hồng chi (linh chi hồng), hoàng chi (linh chi màu vàng), bạch chi (hay ngọc chi, linh chi trắng), hắc chi (còn gọi huyền chi, tức linh chi đen) và tử chi (linh chi màu tím). Trong một thời gian dài, những bí ẩn gắn với nấm linh chi chỉ được lưu truyền trong chốn hoàng cung.

Thứ được gọi là nấm lim xanh được bán tràn lan ở Phnôm Pênh.

Qua quá trình nghiên cứu của chính mình và các chuyên gia ngành thực vật học, cố GS-TS Đỗ Tất Lợi đã phác họa bức tranh khá chi tiết về nấm linh chi, rằng đó không phải cây cỏ, mà là loại nấm hóa gỗ có cuống dài hoặc ngắn, mũ nấm có dạng hình quả thận, có khi hình tròn hoặc hình quạt. Như ghi nhận trong “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, các tài liệu y văn giá trị như Dược học cổ truyền của GS-BS Trần Văn Kỳ (nguyên Viện phó Viện Y học dân tộc TP HCM), “Từ điển cây thuốc Việt Nam”, bộ mới (Võ Văn Chi)… vốn nói rất sâu về công dụng của linh chi không đề cập gì đến việc loại linh chi nào tốt hơn linh chi nào.

2. Thị trường nấm linh chi hiện rất loạn! Ai cũng biết linh chi là dược liệu, tiếng là quý hiếm nhưng kỳ thực tràn lan. Nó được bày bán theo kiểu ai mua cũng được, mua bao nhiêu cũng có, giá nào cũng bán và bán dưới nhiều dạng khác nhau! Cách đây 3 ngày, tác giả bài viết tiếp nhận 2 mẫu nấm được gọi là "nấm lim xanh" giống nhau như hai giọt nước nhưng giá cả thì chênh nhau một trời một vực, từ một bạn đọc tên Thu Nga, 52 tuổi, ngụ phường Tân Hưng, quận 7, TP HCM: "Một loại tôi mua theo quảng cáo của một công ty thì họ bán với giá hơn 5 triệu đồng 1kg. Sau có người mách tôi nơi khác thì giá chỉ có 3 triệu/kg. Bên 3 triệu nói nấm bên 5 triệu là nấm trồng gốc Trung Quốc! Bên 5 triệu thì quả quyết loại 3 triệu kia là thứ nấm trồng tào lao? Tôi ghé một số nơi khác thì họ bán cũng loại ấy chỉ với 2,5 triệu đồng và họ nói 2 loại kia kỳ thực là linh chi rác gốc Trung Quốc…" - bà Thu Nga, khổ sở phản ánh.

Nhưng như vậy vẫn chưa hết chuyện. Mỗi người bán linh chi có kiểu chào hàng khác nhau. Người bảo linh chi càng lớn càng nhiều năm tuổi thì dược chất càng nhiều? Kẻ bảo linh chi càng nhỏ thì càng có chất thuốc? Người thì quả quyết linh chi màu hồng (hồng chi) là tốt nhất, kẻ khác phán chắc như đinh đóng cột rằng hắc chi mới là đỉnh cao! Rơi vào mê hồn trận linh chi, ngay cả dân trong giới còn mụ người, nói chi tới bá tánh?

Sau khi được trồng cấp tốc trong các trại nấm, nhiều tai nấm được gọi là nấm lim xanh được bán với giá hàng triệu đồng.

Tại ngôi nhà kín cổng cao tường trên đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5,  trong thư phòng thơm nức hương trầm với vô số loại dược tửu lâu năm chỉ dùng để tẩm bổ và đãi khách quý, ông Trần Văn M., 56 tuổi, một người buôn dược liệu có tên tuổi nay đã giải nghệ, cho hay, ai bán linh chi mà chẳng cam đoan với khách rằng linh chi của mình tốt nhất bổ nhất, có người còn quả quyết mình nuôi hẳn những đội sơn tràng chuyên luồn rừng lùng kiếm linh chi?

Nếu chịu khó làm một vòng quanh Sài Gòn, tìm đến các quầy đông dược, các cửa hiệu dược liệu bán linh chi, kể cả trong các nhà thuốc y học cổ truyền và các siêu thị, sẽ thấy mỗi nơi nói một kiểu. Người bán linh chi Hàn Quốc thì hùng hồn bảo: "Linh chi Hàn chuẩn không cần chỉnh"? Kẻ buôn linh chi trồng bảo linh chi được trồng trong nước mới đảm bảo chất lượng, chứ nấm Hàn toàn hàng trôi nổi uống vào coi chừng bị á khẩu... Người tiêu dùng chẳng biết đường nào mà lần.  

3. Chúng tôi ghé một vài điểm bán nấm linh chi, chủ yếu là nấm “lim xanh”. Tại một cửa hàng đông dược trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 10), cô bán hàng đỏm dáng lý giải: "Nấm lim xanh đắt nhất vì nó bổ dưỡng, nhiều dược chất nhất. Vì nó mọc trên thân cây lim là cây danh mộc nên dược chất ngời ngời! Nhiều người nhờ uống nó mà các chứng ung thư được hóa giải, tưởng chết đến nơi nay khỏe lại, gia đình mừng khôn xiết!".

Một số quầy khác mà chúng tôi đáo qua, những gì ghi nhận cũng tương tự như vậy, nhưng giá bán mỗi nơi mỗi khác, có khi chênh lệch đến hơn 2 triệu đồng 1 kg. Bà L., ngoài 40 tuổi, chủ một đại lý chuyên bán nấm lim xanh trên đường Võ Thành Trang (quận Tân Bình), nơi tập trung đông người xứ Quảng sinh sống, quả quyết rằng, về công dụng, các loại nấm linh chi trồng trong nước và cả Hàn Quốc phải "vái" nấm lim xanh là cụ: "5 năm trước tôi có ông anh là giáo viên cấp 2 bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Được người quen chỉ uống nấm lim xanh mà nay "Ok" rồi... Thấy hay quá nên tôi mới lao vào bán buôn loại biệt dược này, trước cứu người, sau giúp mình" - bà Loan, rỉ rả vào tai khách như thế!  

Quảng cáo bán nấm linh xanh với đủ loại kiểu dáng khiến người tiêu dùng không biết đâu mà lần.

Trở lại với ông M., nếu nói về cái sự loạn của thị trường nấm linh chi nói chung, nấm lim xanh nói riêng, ông có thể nói cả ngày vẫn không hết chuyện: "Vừa rồi tôi sang Phnôm Pênh, ghé chợ đông dược Urussây và phát hiện nơi đây bán loại nấm được bên mình quảng cáo là nấm lim xanh rất nhiều. Giá bán mỗi ký nấm như vậy rẻ hơn bên mình nhiều lắm. Mình bán đến 4-5 triệu một ký, trong khi quầy đông dược của bà Sok ở Urussây bán với giá 80USD. Bên Campuchia họ toàn xài đôla dù đồng tiền bản xứ là Riel. Nếu tính theo tiền Việt thì 1 kg nấm lim xanh ở Campuchia có giá chưa đến 1,7 triệu đồng".

Thế nhưng theo ông M., giá gốc của thứ được gọi là nấm lim xanh thực chất chỉ có dăm bảy trăm ngàn đồng thôi, bán đến 1,7 triệu thì dân buôn lời hơn 1 triệu đồng 1 ký rồi?

Vậy thì đâu là căn nguyên của cái sự chênh lệch giá đến khiếp đảm kia? Ông M. háy mắt cười bảo bí mật là ở chỗ đó và hẹn vài ngày tới sẽ cho tôi có được câu trả lời từ một chiến hữu của ông là dược sĩ Bình, một người rất tâm huyết với việc bảo vệ sức khỏe người bệnh bằng đông dược sạch chứ không phải "hàng rác" - nghĩa là dược liệu bị rút tinh chất, bị tẩm ướp hóa chất, sấy lưu huỳnh, xịt thuốc chống ẩm, chống mốc. Hai ngày sau, cũng tại nhà ông M., dược sĩ Bình đi thẳng vào vấn đề. Ông bảo thứ linh chi được gọi là nấm lim xanh kia ẩn sau nó là rất nhiều khuất tất.

4. "Theo ghi nhận trong các y văn, nấm linh chi còn có tên gọi khác là nấm thần tiên, nấm trường thọ và nấm lim... Điều này có nghĩa nấm lim không phải là loại nấm đặc biệt gì, nó cũng là một dạng nấm linh chi mà thôi! "Linh chi là cách nói chung, chỉ những cây nấm mọc trên thân cây (nên không có chân). Còn nấm lim có thể hiểu là nấm linh chi có chân, chỉ vậy thôi.

Các y sư, y văn không hề khẳng định hay có bất kỳ lời nào nói rằng nấm có chân bổ dưỡng, giá trị hơn nấm không chân. Nấm linh chi nói chung được ghi nhận có tác dụng ức chế khối u, chống tế bào ung thư chứ không chữa được ung thư. Nhưng qua miệng lưỡi dân buôn cùng với sự tiếp tay của một số người thiếu kiến thức, bệnh ung thư nào cũng được gán cho nấm lim xanh "tiêu diệt" hữu hiệu! Nhưng nhân chứng thực sự thì có mấy ai?".

Trong quá trình trò chuyện, dược sĩ Bình cũng nhắc đến chuyện chênh lệch giá cả giữa cái gọi là nấm lim xanh ở Việt Nam và Campuchia. Mới đây, khi sang Phnôm Pênh và ghé chợ đông dược Urussây, đảo qua các quầy đông dược có bán nấm lim xanh, người viết chứng kiến những điều ông M. và dược sĩ Bình nói hoàn toàn chính xác. Có quầy bán mỗi ký nấm hồng chi tươi tắn sấy khô được bọc kín trong túi đựng bằng nilông treo lủng lẳng chỉ với giá 50USD (tương đương 1.100.000đồng/kg). Bác tài xe tuk tuk tên là Chàm Danh, người Campuchia gốc Việt cho biết nếu chịu khó trả giá,  40USD người ta cũng bán!

Mua theo quảng cáo bán nấm lim xanh giá cao nhưng ông Lê sĩ, quận 3, Tp HCM đã phải ôm hận khi thấy nhiều tai nấm sớm mốc meo, biến chất.

"Có nhiều loại nấm người bán gọi là nấm lim xanh đó có nguồn gốc từ Trung Quốc, giá rẻ bèo, chỉ dăm bảy trăm  ngàn một ký lô. Dân buôn bùa phép với khách rằng đó là nấm lim xanh vì nấm đó mọc trên những cây lim! Rừng bây giờ đầy dấu chân người, các loại danh mộc ví như lim đứng trong nhóm tứ thiết bị đốn sạch, vậy thì lấy cây lim ở đâu ra cho nấm nó mọc?" - dược sĩ Bình phân tích.

"Hồi mới bắt đầu sốt, thứ được gọi là nấm lim xanh được dân buôn thu gom từ khắp mọi nơi, chủ yếu từ các cánh rừng có độ cao trên 1.000m so với mặt nước biển. Sau đó nguồn nấm cạn kiệt mà nhu cầu dùng nấm để chữa ung thư của người bệnh quá lớn, vậy là người ta lấy từ nhiều nguồn trôi nổi từ các trại nấm trong và ngoài nước, hay sang Trung Quốc "ăn hàng". Ông M. tiếp lời.

"Còn muốn biết an toàn hay không thì đem phân chất sẽ rõ thôi. Nhưng với tư cách người tiêu dùng, nếu không rõ nguồn gốc nấm, tốt nhất đừng… liều mạng. Ai dám chắc nhiều loại dược liệu, trong đó linh chi được bày bán tràn lan từ chợ ảo đến đời thực không phải có nguồn gốc Trung Quốc, không bị rút tinh chất thì nhiễm đủ loại hóa chất độc hại?! Vấn đề ở chỗ chênh lệch giữa nấm trồng, nhất là nấm trồng gốc Trung Quốc với nấm tự nhiên đích thực rất xa. Nấm linh chi trồng gốc Trung Quốc được bán với tên gọi nấm lim xanh giá chỉ dăm bảy trăm ngàn, nhưng khi đến tay người tiêu dùng với tên gọi nấm lim xanh, có loại đến hơn 5 triệu đồng, lợi nhuận rất khiếp!".

Người tiêu dùng làm sao phân biệt được đâu là nấm rừng, đâu là nấm trồng, và đâu là nấm trồng trong nước, đâu là nấm trồng gốc Trung Quốc? Trong cái tình thế đó, người ta chỉ còn có cách chọn mặt gửi vàng. Nhưng theo ông M., không phải cứ quảng cáo, giấy chứng nhận này nọ là bán linh chi chất lượng: "Thị trường nấm linh chi đến nay chẳng có quy chuẩn chất lượng gì. Nên với người mua, chỉ có thể nói là hên xui, mà xui nhiều hơn hên" - ông M. đúc kết.

N.T.D.
.
.