Những cuộc đấu trí không khoan nhượng

Thứ Sáu, 25/01/2019, 08:02
Trong lực lượng an ninh có một đơn vị đặc biệt đấu tranh, phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh quốc gia, đó là Cục An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an. Trong những năm qua, cùng với việc điều tra, xử lý các tội phạm thuộc thẩm quyền được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự.

Hiện nay, đơn vị còn tham gia các vụ án về kinh tế và tham nhũng lớn, thu hồi nhiều tài sản có giá trị lớn cho Nhà nước. Với những chiến công, thành tích đã đạt được, Cục ANĐT vinh dự được Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba... Đơn vị hiện đang được đề nghị xét tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Thiếu tướng Lý Anh Dũng, Cục trưởng Cục An ninh điều tra chỉ đạo khám phá một vụ án.

1. Chúng tôi có mặt tại Cục ANĐT vào những ngày năm cũ qua đi, năm mới vừa đến. Khép lại những bộn bề của một năm với bao lo toan, những ngày này, cán bộ, chiến sỹ của đơn vị lại hối hả bắt tay vào nhiệm vụ mới. Mỗi vụ án, mỗi công việc được giao lại có những khó khăn riêng. Nếu tội phạm liên quan đến an ninh quốc gia là những đối tượng chống đối quyết liệt, quá trình đấu tranh đòi hỏi bản lĩnh của người điều tra viên với các đối tượng được huấn luyện, có ý định chống đối đến cùng thì các vụ án liên quan đến kinh tế, tham nhũng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với cán bộ Cục ANĐT.

Một vụ án liên quan đến an ninh quốc gia có thể kéo dài. Và việc khép lại hồ sơ, đưa một vụ án ra xét xử không có nghĩa là đã dừng lại. Quá trình đấu tranh, cơ quan ANĐT Bộ Công an cùng các đơn vị còn phải vạch trần được bộ mặt của các đối tượng phạm tội; đồng thời nắm rõ và ngăn chặn các hoạt động chống phá của bọn chúng. Mỗi vụ án vì thế là một cuộc đấu trí cam go. Ở đó, mỗi cán bộ an ninh phải thể hiện được bản lĩnh, trí tuệ cũng như sự nhân văn trong quá trình phá án.

Một trong những chiến công đặc biệt xuất sắc, ghi dấu ấn của Cục ANĐT phải kể đến là vụ án điều tra hành vi “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, không tố giác tội phạm” xảy ra tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành khác. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia do một số đối tượng của tổ chức phản động “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” thực hiện.

Tổ chức này đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, lôi kéo các đối tượng trong nước tham gia. Đối tượng triệt để lợi dụng mạng xã hội để tuyển lựa, lôi kéo người tham gia tổ chức; chỉ đạo số đối tượng hoạt động nhằm chống phá bằng hình thức bạo lực, vũ trang, khủng bố gây hoang mang đối với nhân dân, làm mất ổn định trật tự an toàn xã hội.

Trong quá trình điều tra vụ án, cán bộ Cục ANĐT gặp nhiều khó khăn bởi các đối tượng trong ổ nhóm ngoan cố, chống đối quyết liệt. Việc thu thập chứng cứ, xác minh gặp nhiều khó khăn do hoạt động của đối tượng chủ yếu diễn ra ở nước ngoài và giao dịch với nhau qua mạng xã hội Facebook...

Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã đưa ra phán quyết với 4 bị cáo trong đại án tham ô xảy ra tại Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương (Vinashinlines).

Cùng với áp lực phải hoàn tất quá trình điều tra, chứng minh làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng; củng cố tài liệu, chứng cứ xây dựng hồ sơ phục vụ tốt công tác truy tố, xét xử, đảm bảo đúng người, đúng tội, còn là việc không để các thế lực thù địch có thể lợi dụng can thiệp, vu cáo. Các cán bộ ANĐT còn có nhiệm vụ phát hiện, ngăn chặn kịp thời âm mưu, kế hoạch khủng bố, phá hoại đặc biệt nghiêm trọng của tổ chức phản động, bảo vệ an toàn tuyệt đối an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội...

Mặc dù trọng trách nặng nề như vậy nhưng dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công an, với tinh thần mưu trí, dũng cảm, trách nhiệm, kỷ luật cao và ý thức kiên quyết đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, đơn vị đã điều tra, làm rõ toàn bộ nội dung vụ án và hành vi phạm tội của các đối tượng. Kết thúc điều tra, Cục ANĐT đã chuyển hồ sơ, đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố 15 bị can về tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”, truy tố 1 bị can về tội “Không tố giác tội phạm”...

Quá trình điều tra đã thu giữ nhiều vật chứng của vụ án, đồng thời, phát hiện và bóc gỡ được tổ chức, “chân rết” của tổ chức này tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam; đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa hoạt động manh động, phá hoại khủng bố của các đối tượng, giữ vững an ninh quốc gia.

Phiên tòa xét xử các đối tượng hoạt động khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân.

2. Cho đến bây giờ, vụ Giang Kim Đạt cùng đồng bọn “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; tham ô tài sản” vẫn được coi là một trong những vụ án điển hình trong công tác chống tham nhũng. Từ kết quả điều tra, cơ quan chức năng đã thu hồi được trên 60% số tài sản thiệt hại; đồng thời có những kiến nghị đối với Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành liên quan khắc phục sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế...

Vụ án Giang Kim Đạt và đồng phạm tham ô tài sản, rửa tiền xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines) là một vụ án hết sức phức tạp, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, nhạy cảm; liên quan đến người có chức, có quyền, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế. Trong vụ án này, truy bắt Giang Kim Đạt đã khó nhưng chứng minh hành vi tham ô tài sản của Đạt và đồng phạm lại càng gian nan hơn nhiều bởi vào thời điểm đó, tội phạm xảy ra đã lâu.

Trước khi khởi tố vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vinashin thì Thanh tra Nhà nước, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có nhiều đợt thanh tra, kiểm tra nên các đối tượng đã có thời gian bàn bạc, đối phó, che giấu tài sản, tiêu hủy, cất giữ tài liệu sai phạm của đồng bọn. Hai đối tượng Bùi Ngọc Tùng và Giang Kim Đạt nắm giữ nhiều thông tin về hành vi tham nhũng bỏ trốn từ trước khi vụ án được khởi tố.

Nhiều hành vi phạm tội xảy ra ở nước ngoài, nhất là việc đàm phán, thỏa thuận gửi giá; việc ăn chia tiền tham nhũng qua chứng cứ điện tử... nên việc xác minh, củng cố chứng cứ đấu tranh gặp rất nhiều khó khăn bởi các đối tượng đã xóa toàn bộ thông tin, thỏa thuận trên máy tính...

Ngay sau khi bắt giữ đối tượng từ nước ngoài về, đơn vị đã cử các điều tra viên có kinh nghiệm trực tiếp đấu tranh với Đạt. Sự mưu trí cùng những lý lẽ thuyết phục của các điều tra viên đã cảm hóa được đối tượng này, buộc Giang Kim Đạt phải thừa nhận hành vi phạm tội. Căn cứ vào lời khai của Giang Kim Đạt, Cục ANĐT đã nhanh chóng đấu tranh với Trần Văn Liêm khi đó đang thi hành án về tội cố ý làm trái quy định trong vụ Vinashin.

Đối tượng Trần Văn Liêm có bề dày công tác, có thời gian tính toán che giấu hành vi phạm tội nhưng bằng sự khéo léo, mưu trí và sử dụng biện pháp nghiệp vụ, các điều tra viên đã khiến đối tượng phải khai báo, thừa nhận việc bàn bạc, thỏa thuận gửi giá để chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Từ lời khai của Đạt và Liêm, Cục ANĐT tiếp tục đấu tranh, khai thác và cũng buộc Trần Văn Khương, Kế toán trưởng của Vinashineline phải khai báo, thừa nhận hành vi phạm tội của bản thân và đồng bọn.

Một trong các bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ án về hành vi "Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” và “Không tố giác tội phạm”.

Kết quả điều tra đã xác định trong thời gian từ năm 2006 đến 2008, các bị can Trần Văn Liêm, Giang Kim Đạt và Trần Văn Khương đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao bằng thủ đoạn thông qua các công ty môi giới đàm phán, thỏa thuận với công ty bán tàu ở nước ngoài; công ty thuê tài chính để lấy tiền hoa hồng, gửi giá vào hợp đồng mua 3 tàu và hợp đồng thuê 9 tàu của Vinashinlines, để ngoài sổ sách kế toán, chiếm đoạt hơn 260 tỷ đồng.

3.Vụ án liên quan đến Giang Kim Đạt như trên chỉ là một trong số các vụ án điển hình về kinh tế, tham nhũng lớn. Việc khám phá thành công và đưa ra xét xử các vụ án trên thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, tạo niềm tin cho nhân dân trong cuộc đấu tranh chống tội phạm nói chung và tội phạm tham nhũng nói riêng. Từ năm 2016 đến nay, Cục ANĐT đã thụ lý 137 vụ án, 601 bị can... Công tác điều tra, xử lý vụ án của lực lượng ANĐT đạt chất lượng, hiệu quả cao, không có trường hợp oan sai...

Bên cạnh các vụ việc liên quan đến tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, đơn vị điều tra nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, điển hình là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi chỉ đạo; các vụ án trên lĩnh vực tài chính, ngân hàng được lãnh đạo Bộ Công an giao thụ lý và gần đây nhất là vụ “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan đến kỳ thi trung học phổ thông quốc gia xảy ra tại tỉnh Hòa Bình”...

Cùng với công tác điều tra, phá án, Cục ANĐT còn làm tốt công tác hướng dẫn các đơn vị địa phương. Cơ quan ANĐT đã chủ động nắm sát tình hình công tác ANĐT của cơ quan ANĐT công an các tỉnh, thành phố, nhất là các địa bàn trọng điểm như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An...

Đồng thời, đơn vị cũng làm tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị địa phương giải quyết các vụ việc phức tạp liên quan đến an ninh quốc gia, thực hiện trên 1.000 lượt hướng dẫn công an các tỉnh, thành phố điều tra, xử lý 531 vụ án, 146 vụ việc trọng điểm phức tạp; các vụ án kinh tế tham nhũng liên quan đến nội bộ, có yếu tố nước ngoài và nhiều vụ án hình sự có vướng mắc trong quá trình điều tra, xử lý, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, phục vụ tốt yêu cầu chính trị, nghiệp vụ.

Công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng pháp luật được đơn vị chú trọng, trong đó có việc phối hợp với các đơn vị chức năng trong và ngoài lực lượng công an tham gia xây dựng Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017...

Với những thành tích đã đạt được, Cục ANĐT Bộ Công an có 30 tập thể và trên 500 cá nhân có thành tích xuất sắc được khen thưởng. Trong đó có một tập thể được Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công hạng Ba; 2 tập thể và 3 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Cục ANĐT đang được đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Những thành tích ấy được kết tinh từ bản lĩnh chính trị vững vàng, kinh nghiệm công tác dày dạn và tư duy nghiệp vụ sắc bén của người cán bộ an ninh điều tra, từ những cuộc đấu trí, cân não để thu phục nhân tâm và tinh thần quyết liệt đấu tranh chống tội phạm, bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Xuân Mai
.
.