Những người “dệt” lưới trời Điện Biên

Thứ Tư, 06/05/2020, 09:54
"Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua đèo/ Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua núi/ Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi/ Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù...”, bài ca một thời hào hùng vang ra từ trong căn nhà nhỏ ngõ 376, đường Khương Đình, phường Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội.

“Đến rồi đấy”, cựu chiến binh Đỗ Tuấn Đạt - Ủy viên Thường trực Ban liên lạc truyền thống Quân khu Trị Thiên, Chi hội trưởng Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam - người đưa tôi đến với ông Lê Gia Tuất, nguyên chiến sĩ Điện Biên năm xưa nói và bấm chuông.

Bộ đội Cao xạ trong chiến dịch Điện Biên Phủ (ảnh Tư liệu).

Lòng căm thù giặc nâng khúc quân hành

Trước đó, trên đường đi, cựu chiến binh Đỗ Tuấn Đạt cũng cho tôi biết, ông Tuất và vợ Hoàng Thị Hồng Nga là một trong những hội viên có nhiều đóng góp và rất tích cực tham gia các hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam. Ông Tuất có dáng người to cao, năm nay đã 86 tuổi nhưng vẫn còn nhanh nhẹn và khỏe khoắn.

Sau khi giới thiệu, vừa bắt tay chào, ông vừa tươi cười nói: “Tôi thích nghe những bài hát về một thời bom đạn. Bởi cái giai điệu hào hùng và ca từ gợi cho tôi về một thời trai trẻ, về tình cảm đồng chí, đồng đội trong chiến tranh. Nó như tiếp thêm sức mạnh về tinh thần để tôi cảm thấy trẻ ra. Đúng không, ông Đạt nhỉ!”.

Sự hoài cổ của ông Tuất không chỉ thể hiện ở cái gu âm nhạc mà còn ở không gian ông sống. Trong căn phòng đa năng vừa làm nơi tiếp khách vừa là nơi ngủ nghỉ... được trưng bày thêm những vật kỷ niệm gắn bó với một thời binh lửa chiến tranh như: Những tấm ảnh chụp hồi còn là chiến sĩ Điện Biên hay chụp cùng đồng đội; khung đựng huân, huy chương được tặng thưởng trong chiến đấu, các đồ kỷ niệm quân đội và chính quyền tặng nhân kỷ niệm các ngày truyền thống...

“Chả vậy thì sao!”, ông Đạt phấn khích trả lời. Hai người cựu chiến binh lâu ngày không được gặp mặt hồ hởi ôm nhau tâm tình. “Úi giời, lần nào gặp nhau là các ông đấy kể chuyện xưa, chuyện chiến đấu đến mai cũng chưa hết”, bà Nga vừa pha ấm chè thơm phức vừa giải thích với tôi.

Ông Tuất sinh năm 1934 tại một gia đình nghèo huyện Thanh Trì (nay là quận Hoàng Mai) thành phố Hà Nội. Thuở ấu thơ, ông Tuất chứng kiến những tội ác không bằng cầm thú của thực dân Pháp đối với nhân dân huyện Thanh Trì. Nên khi toàn dân tộc theo lời hiệu triệu của Bác Hồ đứng lên “toàn quốc kháng chiến”, thay vì theo bố mẹ đi tản cư thì cậu thiếu nhi (lúc đó 12 tuổi) đã lén ở lại, cùng anh trai là Lê Gia Phúc, chị gái Lê Thị Nội và bạn bè tham gia giúp chính quyền cách mạng “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Đầu năm 1947, Gia Tuất cùng anh chị theo đoàn quân rút về chiến khu Việt Bắc và được nhận vào lớp thiếu sinh quân.

Cựu chiến binh Lê Gia Tuất và vợ.

Năm 1952, với những thành tích trong học tập, rèn luyện, Gia Tuất vinh dự được bầu làm đại biểu dự Đại hội Chiến sĩ thi đua và Cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ I. Cuối năm 1952, Gia Tuất được cử sang Trung Quốc học tập.

“Vì nhờ được học văn hóa ở thiếu sinh quân nên khả năng tiếp thu của tôi nhanh và sau đó vài tháng thì tôi được chọn cùng theo đoàn học viên sang Liên Xô (cũ) học quân sự tiếp. Vừa đi được vài ngày thì đoàn nhận lệnh quay ngược về học pháo cao xạ”.

Ông Tuất kể: Trong khóa huấn luyện, cũng nhờ giỏi toán mà ông được huấn luyện làm trắc thủ cao xạ có nhiệm vụ quan sát, nắm bắt cự ly, khoảng cách, độ cao, tốc độ và nhận dạng các loại mục tiêu phục vụ chỉ huy bắn. Việc học tập lúc đó rất khó khăn vì thiếu thốn về giáo án và phải nắm bắt các lý thuyết chuyên ngành cao cấp. Quyết tâm không phụ lòng tin tưởng của Đảng và Bác Hồ giao phó, toàn thể học viên nêu cao tinh thần đoàn kết, hỗ trợ, “học ngày không đủ, tranh thủ học đêm” nắm chắc những khung lý thuyết kỹ thuật.

Tháng 7 năm 1953, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị trong dịp sang làm việc ở Trung Quốc đã đến thăm và kiểm tra việc học tập của anh em. Đồng chí đã chuyển lời hỏi thăm ân cần của Bác Hồ đến cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn: “Không quân là chỗ mạnh của giặc. Muốn thắng giặc, ta phải có bộ đội pháo cao xạ mạnh để trị máy bay của chúng... Muốn bắn rơi máy bay địch phải học tập tốt, giữ gìn súng đạn cho tốt”.

Lời động viên của Bác càng làm cháy bùng ngọn lửa quyết tâm. Chỉ sau vài tháng huấn luyện, đơn vị đã làm chủ được vũ khí trang bị kỹ thuật chuyên ngành cao xạ và đạt kết quả tốt trong đợt diễn tập bắn đạn thật kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập. Cuối năm 1953, ông cùng các đồng đội được lệnh trở về quê hương phục vụ chiến đấu.

Giăng lưới lửa “bắt” tàu bay Pháp

“Ông Tuất năm ngoái vừa đi lên thăm Điện Biên Phủ đấy!”, cựu chiến binh Đỗ Tuấn Đạt cho biết.

“Điện Biên giờ thay đổi nhiều lắm! Trước kia, khi đến cửa khẩu Hữu Nghị, từ đó đơn vị phải đi cả tháng mới kéo pháo lên được Điện Biên. Giờ chỉ mất một buổi là lên đến nơi rồi”. Ông Tuất kể.

Hồi ấy ông được biên chế vào Tiểu đoàn 396, Trung đoàn cao xạ 367 (nay là Sư đoàn 367). Từ cửa khẩu Hữu Nghị, đơn vị hành quân theo hướng, Bắc Giang, Yên Bái, Điện Biên. Khi đến đèo Cà (Bắc Giang), đột nhiên toàn đơn vị phát hiện một máy bay trinh sát của Pháp. Ngay lập tức, trận địa cao xạ được triển khai. Ông Tuất được lệnh bám nắm mục tiêu để tiêu diệt.

Thời gian chầm chậm trôi qua. Chiếc máy bay đã bị “khóa” mục tiêu và theo lệnh của chỉ huy Tiểu đoàn, lưới lửa đã được các khẩu đội cao xạ dệt lên bầu trời. Chiếc máy bay trúng đạn, xịt khói đen, bốc cháy và lao đầu xuống đất.

“Khi máy bay bị hạ, nhân dân quanh vùng vui mừng kéo đến tặng bộ đội cao xạ gạo, thịt. Bởi vì, trước đây, chiếc máy bay đấy đi do thám và đánh dấu mục tiêu. Bọn Pháp ở đồn bốt xung quanh cứ theo tọa độ đánh dấu mà bắn moóc-chê (súng cối - mortier), khiến dân thường, trâu bò bị chết và bị thương la liệt. Nhờ bộ đội cao xạ hạ máy bay nên nhân dân sẽ có những ngày tháng bình an”, ông Tuất nhớ lại.

Đường hành quân, lúc đầu đơn vị có xe kéo pháo. Đến Tây Bắc, gần cứ điểm Điện Biên Phủ, để đưa pháo lên trận địa tất cả đều bằng sức người. Đường nhỏ thì mở cho to, đường chưa có thì vỡ đá làm đường. Tối kéo pháo, ngày tránh bom, những cung đường hành quân gian khổ đã gắn chặt với các địa danh Lũng Lô, đèo Pha Đin, suối Nà Nham, đỉnh Pha Sông, vực Nậm Khô Hu, cánh đồng Nà Hi, Bản Tấu... không bao giờ quên trong ký ức người lính già.

Đôi bàn tay, bàn chân của ông cùng đồng đội tứa máu thấm ướt sợi dây tời, nhuộm hồng bùn đất. Kéo pháo vào rồi, chưa kịp nghỉ ngơi thì lệnh trên lại kéo pháo ra theo chiến lược tác chiến. Lại đổ mồ hôi, lại đổ máu.

Cựu chiến binh Lê Gia Tuất thời là chiến sĩ Điện Biên và sau này.

Thế nhưng, sức mạnh của ý chí, lòng căm thù giặc và độ bền của quyết tâm đã nâng đỡ tinh thần giúp ông và đồng đội hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao. Ông Tuất cho biết: “Điện Biên giờ thay đổi quá! phát triển quá! Chỉ có bầu trời trong xanh là giữ nguyên từ xưa để lại. Còn những cung đường hành quân gian nan và nhiều chiến tích khác đã bị phai mờ.

Đã gần chục lần thăm lại chiến trường xưa nhưng tôi vẫn chưa được một lần ghé chân đến trận địa cũ. Phần vì tuổi cao sức yếu không leo trèo được. Phần vì cảnh vật đã quá thay đổi, khó có thể tìm được. Chỉ biết, ở đâu đó trên sườn núi, sườn đồi xanh thẳm đã có một trận địa pháo của Tiểu đoàn 396 đan lưới lửa diệt máy bay và yểm trợ cho đồng đội tiến đánh các cứ điểm của địch”.

Đơn vị của ông Tuất tham gia chiến dịch bắt đầu từ đợt 2. Tuần đầu tiên ở chiến dịch, cứ sáng tầm 8h trở đi khi sương mờ chưa tan là đã nghe thấy máy bay địch quần thảo bầu trời đánh phá và tiếp tế lương thực vũ khí cho nhóm đang ở các cứ điểm. Với nhiệm vụ trắc thủ, ông Tuất sử dụng các phương tiện trinh sát bầu trời, căng mắt đón bắt mục tiêu phục vụ cho chỉ huy bắn. Đùng đùng, đùng đùng... những khẩu pháo cao xạ 37mm đồng loạt nhả đạn từ các trận địa đan vào nhau đón bắt máy bay địch.

Ông Tuất nhớ lại: “Những ngày đấy càng đánh càng hăng. Có khi mình còn vươn ra khỏi công sự để quan sát và nắm chỉ số thông tin độ cao, độ xa, tầm hướng của máy bay cho tốt hơn. Mỗi lần thấy máy bay địch bốc khói là một lần rạo rực khí thế trong lòng”.

Pháo cao xạ hành quân về Điện Biên (ảnh Tư liệu).

Nhưng, chiến công nào cũng đi liền với tổn thất. Những ngày sau, địch sử dụng bom nổ trên không gây sát thương nhiều cho các trận địa pháo cao xạ. Người sau thay thế người trước, có nhiều đồng đội, ông chưa kịp nhìn mặt đã bị thương đưa về tuyến sau. Rồi có lần, một khẩu đội bị trúng bom, khẩu pháo nặng vài tấn bị lật tung lên trời, những pháo thủ chắc hẳn cũng hi sinh... những tổn thất càng thôi thúc ông quyết tâm phải tính toán chính xác để diệt địch ngay từ loạt đạn đầu, không cho chúng hoành hành, trút bom vào đồng đội.

Ông Tuất tâm sự tiếp: Ngày cùng như đêm, chúng tôi lúc nào cũng căng như dây đàn đón đợi địch và yểm trợ bộ binh tiến công. Theo thống kê sau chiến dịch, Trung đoàn pháo cao xạ 367 đã bắn rơi 52 máy bay (trong tổng số 62 máy bay địch bị bắn rơi và phá hủy), bắn bị thương 153 chiếc khác, trong đó có “pháo đài bay” B.24; tiêu diệt và bắt sống nhiều giặc lái.

Tướng Navarre đã phải thừa nhận trong cuốn hồi ký “Đông Dương hấp hối”, rằng: “Ở Điện Biên Phủ, các máy bay Pháp đã phải vượt qua một lưới lửa dày đặc, tương tự lưới lửa cao xạ bảo vệ những điểm quan trọng của chiến trường châu Âu hồi cuối Đại chiến thế giới thứ hai”.

Sau chiến dịch Điên Biên Phủ, ông Tuất cùng đoàn quân chiến thắng về tiếp quản Hà Nội, sau đó, ông được điều sang chiến trường Lào chiến đấu và kinh qua nhiều vị trí công tác. Đến giờ, tuy 86 tuổi nhưng ông vẫn tích cực tham gia và là nguồn sức mạnh tinh thần cho các cựu chiến binh trẻ tuổi khác trong Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam trên các hành trình tri ân, đền ơn đáp nghĩa.

Việt Thùy
.
.