Tôi và “cô gái Truông Bồn”

Thứ Bảy, 21/11/2015, 19:20
Đó là một nhân vật tôi không bao giờ quên. Một nhân vật mang đến cho tôi nhiều thay đổi suy nghĩ với nghề cầm bút. Và cho tôi ý thức rõ hơn trách nhiệm của người cầm bút.

1. Đó là cô Trần Thị Thông, người duy nhất sống sót của tiểu đội gồm 14 thanh niên xung phong trong trận mưa bom này 31/12/1968, tại mảnh đất Truông Bồn (xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An). Một nhân vật, một nhân chứng mà nhìn vào, là bạn sẽ thấy và hiểu được sự mất mát bởi chiến tranh và thân phận nghiệt ngã của không ít con người trở về từ đạn lửa.

Cô Thông, một người dũng cảm trong chiến tranh và chịu những  thương tật như bao người con của Việt Nam một thời, nhưng lại khác với những nhân vật hậu chiến trong suốt chặng hành trình viết về hậu chiến 6 năm của tôi sau này, chính cô là nạn nhân của hậu chiến, của thói dối trá và bệnh thành tích của một số người ở thế hệ sau.

Lúc đó, tôi là sinh viên báo chí năm cuối. Tôi tình cờ xem trên VTV một phóng sự có tên Ký ức Truông Bồn, một phóng sự thực sự hấp dẫn tôi. Phóng sự ấy, dĩ nhiên đi sâu vào sự kiện Truông Bồn, và đưa người con gái sống sót duy nhất trong trận mưa bom ấy về lại chiến trường xưa. Trong thâm tâm, bằng mọi giá tôi muốn tìm lại người con gái trong phóng sự kia, vì tôi biết sẽ còn nhiều góc khuất trong số phận của nữ thanh niên xung phong (TNXP) Truông Bồn còn sót lại, của cái sự thật lịch sử rất dữ dội đã qua rồi.

Tôi tìm gặp nhà báo Giao Hưởng, khi chú còn công tác tại báo Lao Động, thường trú tại Nghệ An. Chú cho tôi biết một sự thật: “Cô gái còn sống sót trong phóng sự nhà đài nhắc tới, không phải là nhân vật thật đâu cháu”. Tôi đọc bài báo của chú Hưởng, biết được tại sao người ta lại có thể làm như thế đối với một sự kiện lịch sử. Thôi thì, có những điều giờ tôi không muốn nhắc lại vì tôi vẫn xem đó là một tai nạn của đồng nghiệp. Cũng như, những con người làm ra cái sai trái đó, đã chịu nhiều chỉ trích của dư luận rồi.

Theo dòng địa chỉ của chú Hưởng, tôi tìm về Truông Bồn, tìm lại người đã từng nuôi dưỡng những cô gái trong tiểu đội TNXP bi hùng ấy. Bà là Nguyễn Thị Thởm, cầm tay tôi nói: “Con đi tìm con Thông đi. Hắn tội lắm con ơi. Nghe nói giờ hắn sống dưới Vinh, nhưng nghèo đói lắm. Có người lên Truông Bồn, đưa cho bác địa chỉ hắn đây”.

Tìm theo dòng địa chỉ bà Thởm đưa, tôi tìm về khu phố 8, phường Đông Vĩnh (thành phố Vinh - Nghệ An). Nhân vật mà tôi muốn tìm đang nằm trong bệnh viện, điều trị những vết thương còn dai dẳng suốt mấy chục năm. Điểm qua thì có: chấn thương sọ não, ảnh hưởng thần kinh rất nặng, phổi bị ép… Những tai chứng ấy đã cướp đi của cô cả thời thanh xuân, và mang đến một gánh nặng khủng khiếp cho một gia đình mà cả hai vợ chồng là công nhân nghèo, phải nuôi dưỡng 4 đứa con trong chặng đời mưu sinh khốn khó. Nhưng, những tai chứng ấy còn mang đến sự thấp thỏm cho cả một gia đình, rằng ông chồng sẽ mất vợ, những người con sẽ mất mẹ bất cứ lúc nào.

Tôi thu thập tư liệu, phỏng vấn chính quyền địa phương, xác minh nhiều chiều để có được những thông tin đủ tin cậy nhất cho bạn đọc đủ niềm tin rằng cô Thông chính là cô gái còn sót lại. Và đau nặng trên từng con chữ, là một thân phận bi đát đi cùng một số bất cập về chính sách với người có công.

Cô Thông gặp lại đồng đội cũ.

Vì chưa làm cho một cơ quan báo chí nào, nên tôi nghĩ rằng, tôi cần một tờ báo đủ sức nặng, đủ rung chuông mà lay động được trái tim hàng triệu người, để đăng tải bài viết trên, mong tìm lại một số sự công bằng cần thiết cho nữ TNXP Trần Thị Thông. Tôi chọn chuyên đề An ninh thế giới. Thời điểm ấy, Chuyên đề An ninh thế giới vào từng ngõ ngách, từng ngôi nhà dân, mang đến cho họ những thân phận, những con người, những sự kiện đặc biệt, nóng hổi mà rất nhân văn.

Bài viết “Sự thật về cô gái còn sót lại ở Truông Bồn năm 1968” được đăng trên trang nhất Chuyên đề An ninh thế giới, tháng 7/2002. Ngay ngày hôm sau, tôi mang báo đến biếu cô Thông và UBND phường Đông Vĩnh. Điều bất ngờ là gia đình cô cũng như phường đã có báo từ ngày hôm trước. Họ đã khóc khi gặp lại cô Thông với những nỗi đau nhức nhối trong bài viết.

2. Khi bài báo ra, bạn đọc của Chuyên đề An ninh thế giới ủng hộ cô Thông rất nhiều, ít nhất là “nhiều” so với một gia đình “không có gì, chỉ có tai ương” như gia đình cô. Có người vào tận nhà cô để muốn giúp đỡ người con út của cô có điều kiện theo học tiếp cho nên người, lo cho em được học hành đến nơi đến chốn để em có cái nghề cái nghiệp.

Nhắc đến cậu con này, tôi lại nhớ đến câu trả lời của Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có trả lời tôi sau này khi tôi hỏi ông về những đứa trẻ hậu chiến. Ông nói, đại ý rằng những đứa trẻ bị nhỡ tương lai như thế trên đất nước này nhiều lắm. Cha mẹ các em rời cuộc chiến trở về sống với thương tật, không đủ sức làm nuôi con nên con cũng không có điều kiện theo học. Ông Liêu gọi đó là một món nợ chưa trả được, và có thể là “không trả được” cho tương lai những người có công.

Cậu con trai sau đó được đi học nghề, và trở về làm một người thợ. Còn người mẹ, thì vẫn sống với vết thương, chiến đấu từng ngày với những cơn đau. Các đoàn thể thăm hỏi, địa phương vào cuộc giúp đỡ, không chỉ là vật chất mà còn làm tất cả mọi thủ tục để cô Thông được công nhận là thương binh.

Nhân vật cô Thông với bài phóng sự có sức nặng đầu đời đã đưa đời làm báo tôi sang một bước ngoặt quan trọng: Tôi quyết dành một phần thời gian lớn những năm đầu làm nghề để làm công việc của một phóng viên viết về hậu chiến. Vì tôi muốn biết, muốn hiểu, muốn được chia sẻ với bạn đọc những con người trên đất nước vốn bị kiệt quệ từ chiến tranh này, từ đạn bom trở về họ đang như thế nào.

Vợ chồng cô Thông hiện nay. Ảnh: Hoàng Lam.

6 năm lăn lộn với các vùng đất trải qua mưa bom bão đạn, với những nhân chứng bằng xương bằng thịt còn lại trên khắp mọi vùng quê nước Việt, những con người một thời lần lượt hiện hữu trên các trang báo. Từ Điện Biên đến biên giới Tây Nam, chiến trường Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ hay miền Tây Nam Bộ, tôi đã đi và đã gặp, đã cười và đã khóc cùng nhân vật. Họ vẫn vô tư như thời dâng hiến tuổi thanh xuân cho đất nước.

Nhưng thân phận họ, cuộc đời họ, và nỗi đau của họ, đủ để bất cứ ai có lòng trắc ẩn đều hiểu rằng, chiến tranh tàn khốc vẫn chưa qua trong thân phận những con người trở về.

Thỉnh thoảng, tôi vẫn ghé về thăm cô Thông, trong căn nhà tềnh toàng của cô ở Nghệ An. Bao năm đi qua, nó vẫn tềnh toàng. Có lần, tôi còn thấy cô lõa thể nằm sấp dưới sân nắng và chồng cô liên tục dội nước lên người. Hỏi ra thì mới biết, mỗi lần cô bị vết thương hành thì chỉ có cách đó mới giúp cơn đau dịu lại.

Mà cô chú lạ lắm. Nghèo khổ là thế nhưng thấy khách đến nhà là bắt ở lại ăn cơm. Con gà nuôi cả năm chưa giết thịt thì quyết giết đãi khách. Tôi thường lấy lý do bận bịu rồi đi ngay, không ở lại làm cho cô  chú tốn kém. Có lần Tết tôi qua nhà cô chú mừng tuổi. Có mấy gói bánh quy thờ Tết trên bàn thờ, cô lấy gói bánh ngon nhất, xịn nhất xuống bắt tôi phải cầm lấy cho cô vui. Thương lắm...

6 năm đi qua, tôi cũng rời mảng hậu chiến, để vươn đến những “vùng trời” khác. Tôi cũng may mắn có được 2 năm công tác ở Chuyên đề An ninh thế giới, để viết về những thân phận con người với những nghị lực phi thường, hoặc sở hữu những câu chuyện cuộc sống rất đẹp, để nhìn vào họ, chúng ta thấy cuộc đời này thật đáng sống. Sau đó tôi chuyển công tác vào Nam, thay đổi mình làm một phóng viên sự kiện để phù hợp với thị trường báo chí năng động của vùng đất này.

8 năm rồi tôi chưa được gặp lại cô Thông. Cũng không biết cô giờ ra sao. Đã nhiều lần tôi tự hỏi, liệu những cơn đau có còn hành hạ cô không hay cô đã thực sự đầu hàng nó để về cùng với những đồng đội yêu thương để lại những tuổi xuân xanh ám ảnh đến muôn đời?

Nhưng mới đây, trong chuyến công tác ngắn ngủi với tư cách là một chuyên gia phát triển báo điện tử, tôi được đồng nghiệp báo Nghệ An cho biết, những năm gần đây, các cơ quan đoàn thể ở Nghệ An đã tìm đến bằng sự trân trọng và quan tâm những người có công, gia đình cô Thông đã nhận được nhiều ủng hộ về vật chất cũng như tinh thần. Căn nhà cũ đã được xây lại khang trang hơn. Sức khỏe của cô cũng ổn hơn. Đồng nghiệp gửi tặng tôi bức ảnh mới nhất, họ chụp vợ chồng cô vào giữa tháng 10/2015. Vợ chồng cô khá vui vẻ với cuộc sống hiện tại.

Tôi thực sự mừng cho cô. Mừng cho một nhân vật, mà cũng mừng cho một niềm hy vọng của mình gửi gắm qua trang báo năm nào, nay đã toại nguyện.

Điều đáng nói, có không ít nhân vật hậu chiến mà tôi tìm lại, thì sau khi những bài báo lên rồi, cuộc sống của họ cũng chẳng mấy thay đổi. Có chăng là họ nhận được nhiều hơn những niềm đồng cảm, những chia sẻ nhỏ bé của những tấm lòng trong thiên hạ, còn nữa thì họ lại tiếp tục sống, chiến đấu từng ngày với cái nghèo cái khổ, thậm chí với cả nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần.

Nhưng, tôi không buồn vì điều đó. Bởi có những cuộc đời dù bạn viết ra, có thể sẽ không mang đến sự thay đổi nào cho họ. Nhưng bạn hãy cứ viết vì điều đó làm cho họ cảm thấy được chia sẻ, cho bạn được thanh thản. Và để thấy, ở đời, sự đồng cảm còn rất nhiều và cần thiết biết bao nhiêu.

Đọc họ, tôi và bạn thấy rằng, vẫn còn rất nhiều niềm tin lớn, trong cuộc sống bề bộn này.

Hoàng Nguyên Vũ
.
.