Trong thế giới điên loạn của những kẻ “ngáo” đá

Thứ Ba, 20/03/2018, 20:14
Có thể nói các loại ma túy tổng hợp như Methamphetamin (ma túy đá), ketamin, thuốc lắc... đã và đang gây ra những hệ quả hết sức nguy hại. Nó khiến cho người nghiện trở thành những kẻ điên dại, có thể làm những việc mà không ai có thể tưởng tượng ra nổi.

Vụ việc ca sỹ Châu Việt Cường lên cơn “ngáo” đá rồi nhét tỏi vào miệng cô gái Trần Mỹ H. khiến cô này tử vong xảy ra ngày 5-3 vừa qua thêm một lần gióng lên tiếng chuông cảnh báo cho những ai vẫn còn mê cuồng với thứ ma túy chết người này.

Nếu như cách đây khoảng chục năm, khi mà các loại ma túy tổng hợp như thuốc lắc, ketamin, ma túy đá... mới xuất hiện tại Việt Nam, người sử dụng chủ yếu là đám dân chơi thì một vài năm trở lại đây, ma túy tổng hợp đang ngày một thâm nhập vào cộng đồng. Từ giới giang hồ mình đầy “mực” (xăm trổ), cho đến một bộ phận các ca sỹ, diễn viên, thậm chí cả giới công chức cổ cồn, học sinh sinh viên... đã có không ít người bị lệ thuộc vào đá. Ma túy tổng hợp đã và đang gây ra những hệ quả hết sức nguy hại cho bản thân người nghiện, gia đình họ và cả cộng đồng.

TS.BS Tô Thanh Phương: “thời gian gần đây, số lượng người nhập viện vì ma túy đá rất đáng báo động”.

1. Theo một điều tra viên kỳ cựu thuộc Đội Điều tra trọng án, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS), Công an TP Hà Nội, trong khoảng 10 năm trở lại đây, anh cùng đồng đội đã phải trực tiếp tham gia điều tra, xử lý khá nhiều vụ việc mà đương sự có liên quan đến ma túy đá. Bên cạnh đó, anh còn giúp đỡ một số người thân quen có cho con em dính vào thứ ma túy “điên loạn” này, gây họa cho gia đình. Một trong số đó là trường hợp gia đình ông Hoàng Văn T. (trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Một buổi tối nọ, ông T. gọi điện lên cơ quan Công an, giọng vô cùng hốt hoảng. Vốn đã nhiều lần xử lý các vụ việc gây rối trật tự công cộng tại địa bàn nhà ông T., một tổ công tác của Phòng CSHS đã có mặt tại hiện trường. Thời điểm đó, con trai ông T. là Hoàng Văn Q. đang lăm lăm tay đao, tay “phóng lợn” đi “tìm diệt” kẻ thù. Vừa đi, Q. vừa kêu gào chửi bới ầm ĩ cả một khu phố. “Nó vừa chơi đá xong, lại lên cơn đấy các chú ạ” - ông T. run run kể với các trinh sát.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, tổ công tác đã tước được vũ khí của Q. đồng thời đưa đối tượng về trụ sở Phòng CSHS để giải quyết. Về đến nơi, Q. vẫn chưa hết cơn “ngáo”, tiếp tục quậy phá tưng bừng. Lúc thì hắn ôm ghế nện rầm rầm xuống sàn nhà. Rồi lại vơ cốc chén trên bàn ném tứ tung. Lúc thì định xông vào tường đập đầu... Báo hại nhiều chiến sỹ to khỏe phải xông vào giữ chặt rồi khóa tay Q. lại. Vậy mà cũng chưa xong, anh ta vẫn luôn miệng la hét chửi bới suốt nhiều giờ đồng hồ...

Qua câu chuyện với gia đình Q., được biết từ bé đối tượng đã ham chơi, không thiết học hành. Rồi Q. được cho đi học nghề, được cấp vốn để kinh doanh. Nhưng Q. buôn bán gì cũng chỉ được một thời gian ngắn là sập tiệm. Anh ta đánh bạn với một lũ chỉ thích chơi bời, và suốt ngày tụ tập “bay, lắc”. Sau chừng 2 năm chơi ma túy, Q. bị tổn thương thần kinh nặng nề. Anh ta thường xuyên bị ảo giác, nghĩ rằng luôn có kẻ muốn ám hại mình nên “thửa” hàng chục thanh mã tấu, đao kiếm về cất dưới gầm giường. Mỗi lần sử dụng ma túy xong, Q. lại lên cơn “ngáo” và xách hung khí đi tìm giết kẻ thù...

Những người nghiện ma túy đá đang được điều trị tại Bệnh viện tâm thần Hà Nội.

Do đối tượng chưa gây ra hậu quả gì, ông bố lại nước mắt ngắn dài nhờ các anh công an tìm một trung tâm cai nghiện để đưa Q. vào nên Cơ quan công an đồng ý chuyển Q. xuống một trung tâm trên địa bàn quận Tây Hồ. Giám đốc trung tâm này khi nghe điện thoại từ Phòng CSHS thì tỏ ra rất tự tin: “Các anh yên tâm, “đầu bò đầu bướu” vào đây em sẽ cho thành “mèo” ngoan hết!”.

Nhưng chỉ được khoảng 30 phút sau khi Q. được đưa vào, tay giám đốc trung tâm phải mò lên Cơ quan công an van nài: “Xin các anh đưa nó đi ngay cho. Bọn em hết cách rồi!”. Cuối cùng, Q. được lập hồ sơ để đưa lên một trung tâm giáo dục lao động xã hội, thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội.

Một chỉ huy Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm, Phòng CSHS cũng kể cho chúng tôi hàng loạt những vụ bắt cóc con tin, mà đối tượng là những kẻ “ngáo” đá. Điển hình như vụ tháng 10-2017 đối tượng Trần Đức Anh (SN 1994, trú tại Ba Đình, Hà Nội) trong cơn “ngáo” đá đã bắt giữ một nữ điều dưỡng thuộc Bệnh viện Tâm thần trung ương 1 (BVTTTƯ I), ra yêu sách phải thả Trương Kim Hoàng (SN 1996, ở Yên Thái, Hàng Gai, Hoàn Kiếm, Hà Nội) - đối tượng đang được điều trị cai nghiện bắt buộc tại đây.

Vốn Đức Anh và Hoàng từng là bạn tù, thụ án nhiều năm tại một trại giam thuộc Tổng cục Cảnh sát thi hành án và hỗ trợ tư pháp. Sau khi mãn hạn, Đức Anh trở về nhà và được tin Hoàng đang điều trị tại BVTTTƯ I. Do đêm hôm trước Đức Anh sử dụng ma túy đá nên bị ảo giác rằng người anh “kết nghĩa” của mình bị một thế lực hắc ám bắt giữ nên sáng 29-10-2017 Đức Anh đã thuê xe lên BVTTTƯ I, đòi vào gặp Hoàng.

Tuy nhiên, do anh ta không có giấy tờ và cũng không đúng thời gian thăm gặp nên nhân viên bệnh viện đã không cho hắn vào. Bất ngờ Đức Anh dùng súng khống chế một nữ hộ lý của bệnh viện đưa ra ngoài đường, di chuyển ra phía cửa hàng bán hoa ở gần đó. Tại đây, đối tượng đưa yêu sách là phải cấp cho xe ô tô cùng với bị hại và người bạn đang điều trị thoát khỏi hiện trường.

Lực lượng giải cứu đã khéo léo sử dụng chiến thuật “ru ngủ” để hắn không có những hành động thiếu kiểm soát. Khi chiếc xe chở Đức Anh, Hoàng và con tin về đến nhà đối tượng Hoàng tại ngõ Yên Thái, các trinh sát đã giải cứu thành công con tin, đồng thời di lý đối tượng về Cơ quan công an để xử lý.

2. Tiến sỹ, bác sỹ Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc BVTTTƯ I chia sẻ với chúng tôi, thời gian gần đây, tỉ lệ người nhập viện vì ma túy đá nói riêng, ma túy tổng hợp nói chung thực sự rất đáng báo động. Họ có những biểu hiện kích động mạnh, dữ dội. Do ma túy đá gây ra ảo giác, hoang tưởng kinh dị, rùng rợn. Nó làm cơ thể bệnh nhân bứt rứt, khó chịu nên họ luôn muốn cấu xé, đâm chém gì đó để cho nhẹ người đi.

Cũng theo nhận định của TS-BS Tô Thanh Phương, ma túy đá là ma túy của hội hè, hay gặp ở các thanh, thiếu niên, ở các khu vui chơi giải trí, nhà hàng. Song thời gian gần đây nó đã thâm nhập sâu hơn, vào gần như mọi giai tầng trong xã hội. Ma túy đá rất dễ sử dụng và nhanh chóng đưa người ta đến hoang tưởng, ảo giác rất dữ dội, trong đầu họ xuất hiện những tiếng nói xui đâm chém, giết người. Chính vì vậy rất dễ gây ra các vụ án mạng kinh hoàng. “Học sinh, sinh viên nhập viện điều trị vì “ngáo” đá không thiếu. Kể cả thạc sỹ, tiến sĩ cũng có” - Bác sỹ Phương cho chúng tôi biết.

Trong cơn “ngáo” đá, đối tượng Trần Đức Anh khống chế nữ hộ lý để giải cứu người anh giang hồ.

Bác sỹ Phương còn nhớ trường hợp một thạc sỹ tại một viện nghiên cứu tại TP Hà Nội cũng phải đưa vào BVTTTƯ I điều trị nội trú một thời gian dài vì nghiện ma túy đá. Theo người nhà của bệnh nhân Hoàng Đình V., từ nhỏ đến lớn V. luôn là con ngoan trò giỏi của gia đình. Tốt nghiệp đại học, V. còn xin được học bổng thạc sỹ tại một quốc gia châu Âu. “Bước ngoặt” của V. khi bập vào mối tình với một cô gái.

V. vốn là gia sư từ khi cô gái đang học trung học phổ thông. Thế rồi đôi bên nảy sinh tình cảm. Khi cô gái đỗ đại học, mối tình càng thêm sâu sắc hơn. Nhưng V. không ngờ người yêu mình lại đánh bạn với một đám toàn thuộc dạng cậu ấm cô chiêu, thích tìm hiểu những thứ mới lạ. Sau một thời gian rủ rê nhau hút “cần, cỏ”, đám này chuyển sang ma túy đá cho “phê” hơn. V. cũng được rủ rê chơi cùng và nghiện lúc nào không hay. V. thường xuyên lên cơn “ngáo”, cầm dao tìm diệt khắp nơi. Bố mẹ V. vẫn giấu, cho đến khi V. trèo lên cột điện định “bay” xuống đất thì gia đình buộc phải đưa V. nhập viện điều trị.

Chúng tôi từng có mặt tại Khoa H. (Khoa điều trị rối loạn tâm thần liên quan đến nghiện chất) - Bệnh viện Tâm thần Hà Nội và được tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Văn Tuấn - trưởng khoa kể lại trường hợp một thanh niên trú tại phường Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) phê đá rồi gây náo loạn ở khu dân cư, sau đó được chuyển thẳng vào khoa. Khi được đưa vào bệnh viện, bệnh nhân Bùi Tuấn H. vẫn liên tục quẫy đạp, miệng lảm nhảm những từ ngữ vô nghĩa. Phải 4-5 thanh niên to khỏe mới giữ được tay chân của anh ta.

Người nhà của anh ta kể lại khoảng 5 giờ sáng ngày 3-12-2015, sau một đêm “đập” đá tơi bời khói lửa, H. thấy người bứt rứt quá liền trèo từ ban công nhà mình lên cây bàng ở nhà bên. Rồi anh ta cứ thế nhún nhảy trên cành cây, gào thét điên loạn: “Bố mẹ ơi cứu con với”, “Người dân cả phố ơi thức dậy đi”... Lực lượng Cảnh sát PCCC và công an phường đã phải dùng đệm đặt dưới đường đề phòng anh ta nhảy xuống và đứng bên dưới thuyết phục song H. không hợp tác, tiếp tục hò hét, “nhảy múa” trên cây.

7 giờ sáng, lực lượng chức năng mang xe thang đến tiếp cận để đưa anh này xuống. Tuy nhiên, H. đã dùng chân đạp và bẻ cành cây bàng để vụt lại gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng cứu hộ. Đến khoảng hơn 8 giờ cùng ngày, phải cần đến 5 chiến sĩ cảnh sát tiếp cận, khống chế và trói ngay trên cây mới có thể đưa anh ta xuống đất an toàn. Rồi H. được đưa thẳng vào bệnh viện trong tình trạng hoang tưởng nặng nề.

Bác sỹ Nguyễn Văn Tuấn khẳng định, những người nghiện ma túy đá sẽ phải chịu những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Trước hết nó sẽ gây rối loạn hệ thần kinh, do tác dụng dược lý. Nó sẽ gây ra những ảo giác về thị giác, thính giác... khiến người nghiện bị nhầm lẫn. Nó cũng khiến cho cảm xúc hưng phấn, có hành vi kích động hoặc nguy hiểm, kỳ dị khác thường; hoặc bị rối loạn cảm xúc, dẫn tới những hành vi nguy hiểm. Đặc biệt, ma túy đá còn khiến cho người nghiện bị rối loạn tâm thần kéo dài, ngay cả khi không sử dụng.

Ma túy đá (hay ma túy tổng hợp - ATS) cũng gây ảnh hưởng mạnh đến tim mạch, hệ sinh sản, nó sẽ giết chết tinh trùng của đàn ông. Nó còn ảnh hưởng hầu hết đến các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt khi sử dụng trong một thời gian dài dễ dẫn đến suy nhược cơ thể. Bởi khi dùng ATS, người nghiện sẽ mất đi cảm giác thèm ăn, thèm uống nên người sẽ không nạp đủ năng lượng. Bên cạnh đó ATS cũng khiến người nghiện phải vận động nhiều vì thần kinh hưng phấn.

Theo một nghiên cứu với những người bình thường, khi được thích thú ăn một món ăn ngon hay khi hưng phấn trong quan hệ tình dục thì chỉ số dẫn truyền thần kinh là 200 đơn vị dopamine (chất dẫn truyền thần kinh trong não, giúp não bộ kiểm soát chuyển động và phối hợp vận động). Còn với những đối tượng sử dụng ma túy đá thì chỉ số này tăng lên tới 3.000 đơn vị dopamine. Do vậy, các đối tượng khi đã sử dụng ma túy đá rất khó bỏ. Bởi người sử dụng không chỉ lệ thuộc vào những viên ma túy đó về mặt sinh lý mà còn phụ thuộc cả về mặt tâm lý. Nó khiến con người ta cứ thôi thúc tìm đến mặt hàng đó để sử dụng.

“Tình trạng sử dụng ma túy đá đang cực kỳ đáng báo động. Khi người nghiện bị các biến chứng tâm thần vì ma túy đá thì đều phải chạy chữa rất vất vả. Nếu không có biện pháp quản lý tốt thì lại rất dễ dàng mắc lại vì ma túy đá hiện nay rất dễ mua trên thị trường. Thậm chí ngay cả giới trí thức cũng sử dụng ma túy đá rất nhiều. Đây là điều cực kỳ đáng lo ngại” - BS Tô Thanh Phương nhấn mạnh.

Minh Tiến
.
.