Cảnh báo một cuộc "Chiến tranh Lạnh" mới

Thứ Ba, 20/11/2018, 14:07
Ngày 14-11, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cảnh báo Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một cuộc “Chiến tranh Lạnh” toàn diện với Mỹ và các đối tác của Mỹ. Có rất nhiều dấu hiệu khiến người ta tin rằng, đây không phải lời nói suông. Nếu vậy, thế giới sẽ đứng trước những nguy cơ bất ổn mới.


Trật tự cũ đang bị phá vỡ

Tuyên bố trên được Phó Tổng thống Mike Pence đưa ra trước thềm cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại Argentina vào ngày 30-11.

Phó Tổng thống Mỹ cũng cam kết sẽ tăng áp lực về kinh tế, ngoại giao cũng như về chính trị đối với Trung Quốc nếu như Bắc Kinh không chịu đưa ra những nhượng bộ cụ thể và đáng kể nhằm giải quyết không chỉ vấn đề thâm hụt thương mại giữa hai nước, đồng thời cho rằng Trung Quốc sẽ không đủ "bền" và "đủ mạnh" để  tiếp tục leo thang căng thẳng với Mỹ. Có thể thấy rõ, những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang theo kiểu "ăn miếng, trả miếng" đang thực sự là nguyên nhân gốc rễ khiến quan hệ giữa hai cường quốc kinh tế số 1 và số 2 đang ngày một xấu đi.

Sóng gió đang chờ đón hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc trong cuộc gặp dự định diễn ra vào cuối tháng 11. Ảnh: Usjournal.

Rõ ràng, trật tự thế giới hậu Chiến tranh Lạnh đang đối mặt với nguy cơ bị phá vỡ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là các cường quốc mới nổi liệu đã đủ sức thiết lập trật tự mới theo ý đồ của họ hay chưa. Nếu chưa tìm được câu trả lời thì phải chăng việc điều chỉnh trật tự hiện nay mang lại lợi ích tạm thời cho cả hai bên, giúp các nước lớn, đặc biệt là Mỹ hay Trung Quốc duy trì trạng thái cân bằng về ảnh hưởng cũng như lợi ích.

Có nhiều chuyên gia đã cảnh báo từ sớm rằng, cuộc ganh đua công nghệ Mỹ - Trung có thể sánh với thời Chiến tranh Lạnh!? Việc so sánh với thời Chiến tranh Lạnh cũng không phải là vô lý. Tháng 10-1957, Liên Xô phóng vệ tinh Sputnik lên quỹ đạo Trái đất. Lúc đó, siêu cường Mỹ choáng váng trước bước tiến khoa học của Liên Xô vốn trước đó bị Mỹ đánh giá thấp và lập tức tìm mọi nguồn lực để bước vào cuộc chạy đua với người Nga...

Quay ngược thời gian để hiểu và nhìn vào thực tế sự phát triển lớn mạnh của công nghệ Trung Quốc đang tạo thành một "Sputnik" nữa. Hiện nay, chỉ có cường quốc công nghệ mới nổi Trung Quốc là có thể cạnh tranh với Mỹ. Sự chung sống hòa bình giữa cường quốc mới nổi và cường quốc trị vì từ lâu nay trong lĩnh vực công nghệ đang khiến những cọ xát diễn ra ngày một mạnh hơn. Sự cạnh tranh, vì thế, khiến người ta liên tưởng tới nguyên nhân dẫn tới cuộc Chiến tranh Lạnh lần thứ nhất.

Nguyên nhân tiềm tàng

Ngoài nguyên nhân cạnh tranh về công nghệ và những bước tiến quá nhanh của một cường quốc mới nổi, những vấn đề khó giải quyết liên quan đến các vùng biển trong đó có Biển Đông và eo biển Đài Loan cho thấy sự cạnh tranh về vai trò thống trị ở Thái Bình Dương là nguyên nhân lớn nhất gây xung đột nghiêm trọng giữa hai quốc gia. Điều đó đã trở nên rõ ràng qua các bình luận không thiện chí nhằm vào nhau tại cuộc họp mới diễn ra hồi tuần trước ở Washington, giữa Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis với phía Trung Quốc là ông Dương Khiết Trì và ông Ngụy Phượng Hòa.

Và rõ ràng, phát biểu của Phó Tổng thống Mike Pence khi đang ở châu Á trong tuần này để thảo luận với các nhà lãnh đạo Đông Á và Đông Nam Á liên quan tới Trung Quốc đã cho thấy ý đồ thực sự của Mỹ. Nhìn vào thực tế thấy rõ, hiện cả hai cường quốc này đều muốn tập trung vào việc nước nào có thể khẳng định tầm ảnh hưởng quân sự ở Thái Bình Dương.

Quan hệ Trung - Mỹ có xu thế ngày càng xấu đi, bất chấp những nỗ lực của hai bên tăng cường trao đổi cấp cao nhằm "hạ nhiệt" cuộc chiến toàn diện giữa hai nước hiện nay.

Và rõ ràng, các chính sách của Trung Quốc khiến Mỹ cảm nhận rõ các thách thức thực sự đối với địa vị số 1 thế giới của mình. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu khiến Mỹ mạnh tay thực hiện các biện pháp kiềm chế Trung Quốc, trong đó phát động chiến tranh thương mại nhằm vào Trung Quốc là một bộ phận quan trọng trong chiến lược bao vây, kiềm chế toàn diện của Mỹ đối với Trung Quốc.

Nhiều khả năng Mỹ sẽ đi tới cùng trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Ảnh: CustomsNews.

Ngoài các nguyên nhân trên, việc Trung Quốc ngày càng thắt chặt quan hệ với Nga, cũng như việc Trung Quốc xích lại gần hơn với các nước bị Mỹ cấm vận như Iran trong thời gian gần đây, hay việc Trung Quốc đang tiến gần tới tất cả các nước bị Mỹ liệt vào danh sách gia đối địch hoặc đối thủ cạnh tranh, được các chuyên gia phân tích nhận định chính là nguyên ngân lý giải vì sao Mỹ ra đòn "liên hoàn" và gây sức ép toàn diện với Trung Quốc. Mục đích của Mỹ có thể thấy rất rõ là về lâu dài Mỹ muốn triệt tiêu năng lực thách thức địa vị bá quyền thế giới của Mỹ.

Theo nhận định của giới học giả, việc chính quyền Tổng thống Trump đang gây sức ép toàn diện với Trung Quốc đã phản ánh mâu thuẫn Trung-Mỹ không chỉ đơn thuần là con số thâm hụt thương mại mà Mỹ đang gánh chịu, mà là mâu thuẫn tầng sâu, là cạnh tranh địa vị số 1 toàn cầu và tranh giành ảnh hưởng quốc tế giữa Trung Quốc và Mỹ. Đáng chú ý hơn, việc gần đây các quan chức Chính phủ Mỹ lần lượt lên tiếng chỉ trích Trung Quốc can dự vào cuộc bầu cử của Mỹ có thể là bước dọn đường dư luận để Mỹ chính thức liệt Trung Quốc vào hàng ngũ "kẻ thù" về mặt pháp lý giống như đối với Nga. Theo đó, Mỹ sẽ thực hiện cấm vận toàn diện đối với Trung Quốc và hai nước sẽ bước vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Chồng chất những diễn biến xấu

Các chuyên gia cho rằng, bằng những tuyên bố mới nhất và kết quả không thuận của cuộc đối thoại Mỹ - Trung vừa diễn ra, dự báo Mỹ sẽ không ngừng "ra đòn" nhằm vào Trung Quốc. Theo các chuyên gia, trong 3 đến 6 tháng tới, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể sẽ diễn biến xấu hơn.

Ngày 12-11 vừa qua, tại cuộc họp của Hội đồng Thương mại Hàng hóa thuộc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đã đệ trình phương án cải cách WTO. Phương án chỉ rõ: nếu một nước thành viên nào đó tiến hành trợ cấp phát triển ngành nghề hoặc thực hiện chế độ có thể gây ảnh hưởng tới công bằng thương mại thì phải có nghĩa vụ thông báo với WTO, nhưng quy định này vẫn chưa được tuân thủ.

Vì vậy, phương án kiến nghị trừng phạt được đưa ra là nếu nước nào vi phạm quy định này và trong 2 năm không thông báo cho WTO thì sẽ không được giữ chức vụ như chủ tịch các hội đồng thuộc WTO, còn trong trường hợp 3 năm không thông báo cho WTO thì sẽ bị tạm đình chỉ tư cách thành viên và hạn chế cơ hội phát ngôn trong các hội nghị chủ chốt.

Hãng tin Kyodo dẫn nguồn thạo tin cho biết tại cuộc họp, đại diện Nhật Bản nhấn mạnh rằng nhằm xây dựng cơ chế thương mại đa phương dựa trên các quy tắc, các nước thành viên cần nỗ lực bảo đảm tính minh bạch của thương mại. Đây là lý do phương án này được Mỹ, EU và Nhật Bản thúc đẩy. Hiện nay, Đài Loan đã tham gia phương án; Mỹ, EU và Nhật Bản đang nỗ lực tranh thủ sự ủng hộ của các nước và khu vực trong Đại hội đồng WTO. Có ý kiến phân tích cho rằng phương án này được xây dựng nhằm vào Trung Quốc bởi trước đó, Chính phủ Mỹ từng yêu cầu WTO tiến hành cải cách với lý do WTO không thể xử lý được vấn đề trợ cấp của Trung Quốc.

Trên thực tế, Bộ Thương mại Mỹ từng áp thuế chống trợ cấp đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vì chúng được chính phủ Trung Quốc trợ cấp. Gần đây nhất vào ngày 8-11, Mỹ đã nâng mức thuế chống phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm nhôm hợp kim dạng tấm từ Trung Quốc từ 96,3% lên 176,2%.

Không chỉ có vậy, nguồn thạo tin của tờ Inside US Trade sau cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ còn cho biết Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đang xem xét việc điều tra về các biện pháp đối với người lao động của Trung Quốc theo Điều 301 của Luật Thương mại Mỹ năm 1974. Điều luật này quy định các biện pháp đối với người lao động cụ thể nhằm xác định hành vi thương mại "bất hợp lý". 

Một nguồn tin khác cho biết thêm rằng cuộc điều tra còn nhằm giành sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ đối với các điều khoản liên quan tới người lao động trong các hiệp định tự do thương mại mới. Theo một cựu lãnh đạo đảng Cộng hòa, nếu Lighthizer thực hiện cuộc điều tra này, "đó là một quyết định rất tốt", sẽ nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng trong Quốc hội.

Trong một diễn biến liên quan tới căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, ngày 9-11, khi phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro đã chỉ trích giới tinh anh Phố Wall không ngừng tạo áp lực buộc Tổng thống Donald Trump đi đến thỏa thuận với Bắc Kinh. Phát biểu của ông Peter Navarro được đưa ra trong bối cảnh ông Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuẩn bị gặp gỡ bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Argentina vào cuối tháng này để thảo luận phương thức giải quyết cuộc chiến thương mại không ngừng leo thang căng thẳng.

Theo chuyên gia về vấn đề Trung Quốc Christopher Johnson thuộc CSIS, lời chỉ trích Phố Wall của Peter Navarro cho thấy nội bộ Nhà Trắng đang có một cuộc thảo luận quyết liệt về vấn đề thương mại với Trung Quốc. Phái cứng rắn, trong đó có Peter Navarro, lo ngại Mỹ có thể đạt được một "thỏa thuận tồi" với Trung Quốc nên đã "dựng tường lửa" trước cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump với Chủ tịch nước Tập Cận Bình.

Trong một phát biểu được tờ Economic Journal ngày 14-11 dẫn lời, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc thuộc Công ty dịch vụ tài chính JPMorgan Chase Chu Hải Bân cho rằng thị trường tồn tại những kỳ vọng nhất định vào cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung sắp tới, nhưng kỳ vọng đó không cao. Lý do là bởi hiện nay vẫn chưa xuất hiện khuynh hướng rõ ràng nào cho thấy hai nước sẽ đưa ra nhượng bộ tương đối lớn. Trong 3-6 tháng tới, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có thể sẽ diễn biến xấu hơn. Nhiều khả năng vào đầu năm 2019, Mỹ sẽ áp thuế với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, khiến kinh tế Trung Quốc đối mặt với nhiều rủi ro hơn.

Câu hỏi đặt ra là có phải chính sách bảo hộ của Mỹ là muốn "triệt" kế hoạch "Made in China 2025" của Trung Quốc? Có nhiều dấu hiệu cho thấy chính sách bảo hộ của Mỹ nằm trong chiến lược đối đầu với Trung Quốc. Mục tiêu đầu tiên là ngăn cản Trung Quốc bắt kịp Mỹ về công nghệ. Được công bố năm 2015, kế hoạch "Made in China 2025", sản xuất tại Trung Quốc 2025, là nhằm phát triển các lĩnh vực trong tương lai như công nghệ robot, hàng không vũ trụ, xe hơi điện, năng lượng tái tạo, trí tuệ nhân tạo hay vi điện tử. 

Tham vọng của Trung Quốc là tăng tỉ lệ linh kiện của mình trong các sản phẩm công nghệ từ 40% vào năm 2020 lên thành 70% vào năm 2025. Điều này khiến các cố vấn "diều hâu" của Tổng thống Donald Trump không "hài lòng" và họ cho rằng, Mỹ và Trung Quốc khó mà “chung sống hòa bình”, vì thế họ đã đề ra chiến lược tấn công nhắm thẳng vào các lĩnh vực công nghệ, thương mại... của Trung Quốc.

Hoa Huyền
.
.