Châu Âu trước vấn đề người di cư: Trống đánh xuôi kèn thổi ngược
Diễn biến về cuộc khủng hoảng được coi là lớn nhất kể từ Thế chiến II này dường như mỗi ngày lại được đẩy lên một mức căng thẳng mới.
Hungary, quốc gia từng mở cửa cho phép người di cư vào nước này như một điểm trung chuyển trước khi tới các nước Tây Âu, đã phải dùng biện pháp mạnh để ngăn chặn dòng người đang cố tình vượt qua hàng rào dây thép gai được dựng lên tại khu vực biên giới với Serbia.
Ngày 16/9, Cảnh sát Hungary đã phải dùng tới hơi cay và vòi rồng để đối phó khi một nhóm người di cư “quá khích" tìm cách phá hàng rào ở biên giới Hungary – Serbia và ném đá, chai lọ và gậy gộc về phía cảnh sát. Đụng độ giữa lực lượng an ninh và những người di cư đã khiến hàng chục người bị thương.
Vài tuần trước, Đức – nền kinh tế số 1 trong EU từng tuyên bố mở cửa biên giới để tiếp nhận những người di cư, sửa đổi quy chế tị nạn cho những người đến từ Syria. Thủ tướng Đức Angela Merkel còn tự hào khi nói rằng, Đức hiện là đích đến mơ ước với người tị nạn.
Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel cũng rất tự tin nói: “Tôi tin chúng tôi có thể đón nhận khoảng nửa triệu người tị nạn/ năm trong vài năm. Nước Đức giàu có hơn nên sẽ nhận nhiều người tị nạn hơn, không có gì để tranh cãi về điều đó”.
Trên thực tế điều này cũng đã được chứng minh do Đức là nước tiếp nhận nhiều người nhập cư nhất châu Âu. Kể từ đầu năm 2015, chính quyền Thủ tướng Merkel đã tiếp nhận hơn 450.000 người tị nạn. Chỉ trong tháng 8 vừa qua, đã có hơn 100.000 người nộp đơn xin tị nạn tại Đức và con số này dự kiến có thể lên tới 800.000 trong năm nay.
Trong phạm vi EU, bà Merkel cũng hoan nghênh kế hoạch của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker về tái định cư người tị nạn tại các nước thành viên EU đang bị quá tải, khẳng định đây là bước đi quan trọng đầu tiên nhằm giải tỏa căng thẳng cho cuộc khủng hoảng người di cư hiện nay.
Còn Thủ tướng Anh David Cameron, từ chỗ phản đối việc nhận người di cư, cũng đã tuyên bố tiếp nhận khoảng 20.000 người tị nạn trong giai đoạn 2015 - 2020 nhằm giảm áp lực cho các nước thành viên khác.
Vậy mà chỉ một tuần sau những tuyên bố trên, Đức thông báo tạm thời nối lại hoạt động kiểm soát tại các chốt nằm trên đường biên giới với Áo, theo đó kiểm tra hộ chiếu đối với tất cả những người đi qua ranh giới này, thay vì tự do đi lại như trước đây. Có lẽ dòng người di cư không thể kiểm soát nổi đã khiến Đức phải thay đổi quyết định. Từ chỗ không bắt buộc người tị nạn phải quay về điểm đến đầu tiên khi đặt chân tới châu Âu, Berlin lại kêu gọi các nước EU tuân thủ Thỏa thuận Dublin, theo đó buộc người di cư phải đăng ký và tiến hành các thủ tục tị nạn ngay khi đặt chân đến quốc gia đầu tiên thuộc EU.
Một người di cư ôm con chạy khi cảnh sát Hungary bắn hơi cay. |
Áo và Hungary, các quốc gia từng mở cửa cho người di cư đi qua trước khi sang Đức cũng tuyên bố đóng cửa biên giới hoặc thắt chặt các biện pháp kiểm tra. Ngay sau bước đi của Berlin, nhiều nước thành viên khác như Áo, Hà Lan, Slovakia tuyên bố tạm dừng thực thi Hiệp ước Schengen, khi cho áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới.
Giới phân tích cho rằng có lẽ đây là bước lùi của EU trong việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng đang tràn qua châu lục. Một châu Âu, với đa dạng các tầng lớp giàu nghèo và truyền thống lịch sử, đang chia rẽ sâu sắc về cách thức xử lý cuộc khủng hoảng di cư, giấc mơ về một châu Âu hợp nhất rất có thể sẽ bị hủy hoại.
Theo các nhà phân tích, quyết định bất ngờ này của Đức cùng với mâu thuẫn của một số nước có thể là nguyên nhân khiến Hội nghị các bộ trưởng Nội vụ và Tư pháp EU diễn ra tại Brussels (Bỉ) vừa qua không đạt kết quả khi không thể thống nhất một thỏa thuận về đề xuất tái phân bổ hạn ngạch 160.000 người di cư mà Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra. Đức tuyên bố sẵn sàng giúp đỡ người tị nạn, nhưng không thể để một mình nước này phải chịu gánh nặng, khi dòng người di cư từ các nước đổ vào Đức vượt quá khả năng của Berlin.
Trong khi Đức và Pháp ủng hộ đề xuất nhằm giúp chia sẻ sức ép với các nước “tiền tuyến” như Italia, Hy Lạp và Hungary, thì Cộng hòa Séc, Slovakia và Romania phản đối mạnh mẽ. Trong khi một số nước ủng hộ việc gia tăng các biện pháp kiểm soát biên giới, Pháp lại cho điều này vi phạm những quy định của Hiệp ước Schengen, ám chỉ việc Đức nối lại hoạt động kiểm soát biên giới với Áo có thể sẽ làm hạn chế đáng kể hoạt động của các tập đoàn kinh tế châu Âu.
Việc Anh và Pháp đề cập đến khả năng can thiệp quân sự nhằm giải quyết tận gốc cuộc khủng hoảng với phần lớn những người di cư đến từ Syria lại gây ra thêm một tranh cãi mới. Giới phân tích cho rằng một chiến dịch quân sự quy mô và bài bản không thể là sự lựa chọn hay, ít nhất là ở thời điểm hiện tại, khi cả Paris, London hay bất kỳ nước nào đều nhận thức được rằng họ không thể đảm bảo hòa bình cho Syria nếu chỉ triển khai các chiến dịch không kích.
Một chiến dịch quân sự hay một giải pháp tạm thời nào nếu được hiện thực hóa, đều sẽ có khởi đầu và kết thúc. Song cuộc chiến lương tâm mà châu Âu phải đối mặt, để vừa làm hài hòa những giá trị nhân đạo vừa thực hiện một chính sách thực tế nhằm kiểm soát cuộc khủng hoảng đang kéo căng toàn xã hội châu Âu, vốn nổi tiếng với mạng lưới an sinh xã hội tiến bộ, sẽ chưa thể kết thúc trong một sớm một chiều.
Để giải được bài toán di cư hóc búa, điều mà châu Âu cần làm là tìm được một tiếng nói chung, và lấy mục tiêu “hội nhập châu Âu toàn diện” làm cơ sở để hành động.