Chiến lược chống khủng bố của Tổng thống Obama: “Bình cũ rượu pha”

Thứ Hai, 14/12/2015, 16:40
Bài diễn văn được mong đợi của Tổng thống Obama về cuộc chiến chống khủng bố đã khiến nhiều người thất vọng vì không có điều mới mẻ nào đáng kể cho dù đã có rất nhiều lời chỉ trích về sự yếu kém trong nhiệm kỳ tổng thống này của ông. Dư luận tỏ ra ngán ngẩm trước khả năng là sẽ không có sự thay đổi nào nữa cho đến khi Tổng thống "hạ cánh".

Ngày 6-12, tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng, Tổng thống Obama đã trang trọng đọc bài diễn văn, trong đó ông "không ngớt hứa hẹn" rằng sẽ chiến thắng mối đe dọa khủng bố, rằng sẽ "hủy diệt IS và mọi tổ chức khác đang tìm cách làm hại chúng ta"…

Trong bài diễn văn, ông nhắc lại những trục chính của chiến lược mà ông đã theo đuổi từ đầu nhiệm kỳ: truy lùng bọn khủng bố dù chúng ở đâu; huấn luyện và trang bị cho các chiến binh địa phương để đánh lại IS trên thực địa; làm cạn kiệt các nguồn tài trợ và tuyển mộ của IS. Vài ngày sau vụ xả súng tại Trung tâm Cộng đồng San Bernardino với 35 nạn nhân, có 65% số người khi được hỏi đến đều không đồng tình với cách thức mà Tổng thống Obama đối phó với vấn đề khủng bố.

Từ nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Obama đã cam kết sẽ không lặp lại những sự can thiệp quân sự tai hại của người tiền nhiệm Bush tại Iraq và Afghanistan. Để chống lại phong trào thánh chiến, ông ưu tiên cho việc sử dụng các máy bay không người lái. Tháng 8-2014, sau sự bành trướng nhanh chóng của IS tại Iraq và Syria, ông đã ra lệnh mở chiến dịch oanh kích và phái 3.500 cố vấn quân sự và sĩ quan huấn luyện đến Iraq để hỗ trợ cho lực lượng bản địa.

Đến tháng 10, Washington phái một đơn vị đặc nhiệm gồm 50 người để trợ lực cho quân đội Iraq và người Kurd để mở những cuộc hành quân chớp nhoáng nhắm vào IS, và mới đây vừa gửi thêm 100 lính đặc nhiệm nữa. Sau bài diễn văn dậy mùi "bình cũ rượu pha" đó, những lời chỉ trích lại tuôn ra. Chúng nhắc cho ông nhớ rằng sau một thời gian hân hoan vì đã giết được Bin Laden, Tổng thống vẫn chưa đẩy lui được Al-Qaeda, đặc biệt là tại châu Phi và Yemen, đồng thời cũng không ngăn chặn được sự trỗi dậy của một con quái vật khác, đó là IS.

Chuyển biến duy nhất trong bài diễn văn của Tổng thống Obama là về sự cực đoan hóa. Ông kêu gọi mọi người không nên căm thù người Hồi giáo: "Bổn phận của chúng ta là phải gạt bỏ ý tưởng rằng người Hồi giáo tại Mỹ phải được đối xử theo cách khác. Người Hồi giáo tại Mỹ là bạn bè và láng giềng của chúng ta. Để có thể chiến thắng khủng bố, chúng ta phải kết hợp với các cộng đồng Hồi giáo như là đồng minh tin cậy nhất của chúng ta thay vì đẩy họ ra bằng một thái độ ngờ vực và thù hận. Trách nhiệm của mỗi người dân Mỹ, dù thuộc tôn giáo nào, là phải gạt bỏ mọi sự phân biệt".

Tổng thống Obama cũng kêu gọi người Hồi giáo gạt bỏ bạo lực và cả những cách diễn đạt Hồi giáo không xứng hợp với sự khoan dung, tôn trọng lẫn nhau. "Người Hồi giáo trên khắp thế giới có trách nhiệm loại trừ những tư tưởng lệch lạc dẫn đến cực đoan". 

"Diễn văn của Tổng thống Obama hoàn toàn tập trung vào sự hủy diệt IS mà không nói đến một kế hoạch ổn định và tái thiết Syria, kế hoạch giải quyết các nguyên nhân sâu xa đã dẫn đến sự hình thành IS" - chuyên gia David Alpher ở Đại học George Mason nhận xét - "Chẳng có gì đảm bảo rằng những kẻ tâm thần như ở San Bernardino sẽ không bắn vào một trung tâm xã hội như chúng đã làm".

Mê Linh (tổng hợp)
.
.