Chiến lược Trung Đông sai lầm Tổng thống Obama

Thứ Hai, 02/11/2015, 21:45
14 năm hiện diện của binh sĩ Mỹ, hàng tỉ đôla được bơm vào để ổn định Afghanistan. Ngày 15/10 vừa qua, vị Tổng tư lệnh quân lực Mỹ (Tổng thống Obama) tuyên bố sẽ duy trì 9.800 binh sĩ Mỹ tại Afghanistan khi bước sang năm 2016. Kể từ năm 2017, sẽ còn 5.500 binh sĩ được giữ lại tại một số ít căn cứ trong khi cho tới nay Washington dự tính chỉ để lại khoảng 1.000 quân.

Chính đà tiến của Taliban đã quyết định cho sự thay đổi này. Nhiều vụ tấn công mới đây, trong đó có thành phố Kunduz, đã cho thấy sự yếu kém của binh lính Afghanistan nếu tự mình chống trả. Tuy ngày 13/10, Taliban tuyên bố rút khỏi Kunduz nhưng cuộc chinh phục chớp nhoáng thành phố lớn này - chiến thắng vĩ đại nhất của Taliban từ năm 2001 - đã in hằn trong tâm khảm mọi người.

Các phương tiện quân sự mà Mỹ đã triển khai để đảm bảo việc đào tạo quân đội Afghanistan vẫn chưa thể mang lại an ninh cho đất nước này. Những trận đánh và tấn công của phiến quân đã gây ra cái chết cho 4.100 binh sĩ và cảnh sát Afghanistan trong 6 tháng qua so với 5.000 người trong suốt năm 2014. Song song đó, các vụ ám sát đã gia tăng 57% với 440 người bị giết trong 6 tháng đầu năm nay.

Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã tăng mức cảnh báo lên "cao" hoặc "cực cao" trên một nửa lãnh thổ Afghanistan. Bạo lực đã buộc các phái bộ nhân đạo của LHQ phải di tản 4 trong số 13 văn phòng ra  khỏi đất nước Nam Á này.

Tuy nhiên kết quả không chỉ tính bằng sinh mạng, một tấm bản đồ cũng đủ để kiểm chứng sự tiến quân của phiến quân. Bản đồ quan trọng nhất từ năm 2001 là theo tờ New York Times, vốn tiếp cận được một tài liệu chưa được công bố của LHQ: "Ít nhất 1/3 các huyện của Afghanistan đều nằm dưới sự kiểm soát của Taliban" - chuyên gia về Taliban Gilles Dorronsoro cho biết.

Taliban đã chiếm được các khu vực khá xa với căn cứ lâu nay của chúng, đặc biệt là tại miền Bắc, vùng không có người Pastun, bộ tộc chiếm đa số ở miền Nam và Đông Afghanistan, nơi ra đời của phong trào Taliban. Trước khi tấn công chiếm Kunduz, phe Taliban đã kiểm soát 70% tỉnh này - theo nhà báo Pakistan Ahmed Rashid chuyên về phe nổi dậy trong vùng Pakistan-Afghanistan.

"Lúc đầu Taliban là một phong trào Pastun theo chủ nghĩa sắc tộc cho dù họ không phải là sắc tộc trên bình diện lý tưởng" - Gilles Dorronsoro giải thích. Giờ đây đó là một phong trào đa sắc tộc, "một phong trào quốc gia đích thực".

Thủy quân lục chiến Mỹ ở miền Nam Afghanistan.

Với việc NATO rút dần quân lúc cao điểm có đến hơn 140.000 quân vào năm 2011 - không đủ để giải thích cho sự lớn mạnh trở lại của Taliban. "Họ thành công nhờ sự hỗ trợ hầu như hoàn toàn của Pakistan" - Gilles Dorronsoro cho biết. Kế đến là sự thiếu ổn định các định chế chính trị. "Nhiệm kỳ thứ nhì của Tổng thống Hamid Karzai đã là một thảm họa: tham nhũng, gia đình trị, thiếu chiến lược an ninh và kinh tế. Bắt buộc phải chung sống với những kẻ kế nhiệm, Tổng thống Ashraf Ghani và Thủ tướng Abdullah Abdullah không giúp cho đất nước thoát khỏi sự tê liệt.

“Taliban đã biết lợi dụng một cách khéo léo sự yếu kém của chính phủ, nổi dậy chiến đấu như một đạo quân và tạo thành một mối đe dọa lớn dần và đang biến chuyển" - Chủ tịch Kima Kagan của Viện Nghiên cứu Chiến tranh giải thích. "Họ kết hợp một cách thông minh một hệ thống hoạt động tập trung và phương thức hành động uyển chuyển tại địa phương" - Gilles Dorronsoro cho biết.

Một mối đe dọa khác đang hình thành tại Afghanistan. Đó là tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang gia tăng sự hiện diện nước này. Chúng đã chiếm  đóng tại 25 trong số 34 tỉnh, theo một báo cáo của LHQ. Ở giai đoạn này, chỉ có Taliban đối đầu với chúng. Tại miền Nam Djalalabad, Taliban đã đưa hàng trăm chiến binh từ các tỉnh khác đến để chiến đấu chống lại IS.

Quân đội Afghanistan không đủ khả năng. Nếu lực lượng NATO còn tại đấy không thể ngăn chặn sự biến chuyển này thì một số ít binh sĩ Mỹ được giữ lại tại đấy sẽ thay đổi được gì? "Quyết định của Tổng thống Obama không giải quyết được gì cả. Sự duy trì số binh lính đó chỉ giúp cho chính quyền hiện tại sống lâu hơn chút ít chứ không chiến thắng được phe nổi dậy" - Gilles Dorronsoro nhận định.

Hệ quả lôgic của sự suy yếu này là một làn sóng mới những người di dân đã lên đường. Hàng chục ngàn người Afghanistan rời bỏ đất nước, đặc biệt là giới trẻ thuộc tầng lớp trung lưu, những người có thể tạo nên khung sườn của Nhà nước Afghanistan. Họ muốn trốn chạy, trốn sự bất an toàn và một tình trạng kinh tế thảm hại do sự bất an toàn đó.

Nhìn sang Trung Đông, có vẻ như Tổng thống Obama không gặt hái được nhiều thành công tại Syria giống như người tiền nhiệm George Bush tại Iraq. Điểm khác nhau là Tổng thống Bush đã mở một chiến dịch quy mô chống lại Saddam Hussein trong khi Tổng thống Obama làm mọi cách để tránh viễn cảnh đó cho Tổng thống Bashar al-Assad nhưng vẫn luôn đòi hỏi ông này phải ra đi.

Tổng thống Obama đang nằm ở tâm điểm của mọi sự chỉ trích, và kết quả thảm hại hẳn sẽ khơi mào cho chủ đề tranh luận chính của chiến dịch tranh cử tổng thống 2016. Tuy phe Cộng hòa cố yêu cầu tái đầu tư tại Trung Đông, tức trái ngược với chương trình của Obama vốn muốn việc rút quân khỏi Afghanistan và Iraq là điểm chính trong những lời hứa ứng cử của ông.

Thượng nghị sĩ John McCain tóm tắt thất bại của Tổng thống Obama sau 2 nhiệm kỳ: "Đó là hậu quả cho những lời sáo rỗng, các đường vàng bị vượt qua, đạo đức bị hoen ố, và sự thiếu vắng hoàn toàn một lãnh đạo Mỹ cứng rắn". Thật ra mọi khái niệm được soạn thảo kỹ lưỡng trong kỷ nguyên Obama đã sụp đổ như một tòa tháp bằng lá bài. Điểm cốt lõi, lẽ ra sẽ nhắm đến ưu tiên là châu Á, đã vấp phải cuộc khủng hoảng tăng trưởng của Trung Quốc.

Sai lầm lớn tại Kunduz, nơi một bệnh viện của Tổ chức Bác sĩ không biên giới đã bị phá hủy bởi một vụ không kích, cộng thêm vào là các vụ tấn công nhắm vào IS tại Iraq cũng như Syria không hiệu quả. Sự "tương đối hóa" quan hệ giữa Mỹ và châu Âu đã vấp phải cuộc khủng hoảng Ukraine.

Đó là chưa nói đến thất bại của Mỹ trong vấn đề Israel - Palestine cũng như các sai lầm chết người tại Ai Cập, quốc gia mà chính quyền Obama cho là cần phải ủng hộ cựu Tổng thống Mohamed Morsi thuộc phong trào "Huynh đệ Hồi giáo". Chẳng những ông này phải vào tù mà vị tướng đảo chính Al-Sissi cũng hận Mỹ và đã ký kết nhiều thỏa ước quan trọng với Nga.

Cho dù cán cân quyền lực nghiêng về phía Mỹ nhưng Tổng thống Putin đã đạt được điều ông tìm kiếm từ hơn 10 năm qua, đó là sự đối đầu trực diện với Mỹ nhằm chứng tỏ rằng chẳng còn siêu cường nào cả. Đối với Tổng thống Putin, có 2 siêu cường mới lao vào cùng một trận địa là Syria qua trung gian các đồng minh, cho dù chẳng ai bị đánh lừa về trọng lượng thực sự của Nga trong sự toàn cầu hóa cả.

Mục đích của Nga là làm cho Mỹ thất bại, và chỉ có thể tránh được điều đó bằng cách gia tăng sự can thiệp vào Trung Đông, tức là trái với những gì mà Tổng thống Obama đã hứa hẹn.

Minh Luân (tổng hợp)
.
.