Cuba muốn Mỹ sớm chấm dứt cấm vận

Thứ Sáu, 02/10/2015, 19:30
Cuba và Mỹ đang nỗ lực cùng nhau khép lại một chương đen tối trong lịch sử quan hệ song phương. Sự kiện Chủ tịch Cuba Raul Castro, lần đầu tiên trong 56 năm tới Mỹ để tham dự Hội nghị thượng đỉnh về phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc (LHQ) và tiến hành cuộc gặp lần thứ hai với Tổng thống Barack Obama trong vòng 5 tháng, được coi là những diễn biến tích cực tiếp theo sau khi hai nước đạt được thỏa thuận bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào tháng 12/2014.

Dư luận quốc tế đã đặc biệt quan tâm đến bài phát biểu tại New York của Chủ tịch Raul Castro, theo đó khẳng định việc tái lập quan hệ với Mỹ là một "tiến bộ quan trọng". Ghi nhận việc khôi phục quan hệ ngoại giao giữa Cuba và Mỹ cũng như việc mở cửa trở lại đại sứ quán của hai nước cùng với những thay đổi chính sách mà Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thực hiện liên quan đến Cuba là những tiến bộ quan trọng và nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế, song ông Castro tuyên bố đã đến lúc Mỹ phải chấm dứt lệnh cấm vận kinh tế đối với Cuba, cho rằng đây là vấn đề dang dở, cần được giải quyết trong thời gian tới.

Đề cập một nghị quyết của LHQ kêu gọi chấm dứt lệnh cấm vận kéo dài hàng thập niên qua đối với Cuba, Chủ tịch Raul Castro nhấn mạnh: "Một chính sách, vốn bị 188 nước thành viên LHQ phản đối, cần phải được dỡ bỏ".

Giới phân tích nhận định việc hai nước nhanh chóng triển khai hàng loạt bước đi nhằm đẩy nhanh quá trình bình thường hóa quan hệ, Mỹ - Cuba tiến hành 4 vòng đàm phán lần lượt tại thủ đô của hai nước với những tiến triển trong nhiều vấn đề quan trọng và đặc biệt trung tuần tháng 7 vừa qua, Washington và La Habana chính thức mở đại sứ quán tại mỗi nước càng khẳng định xu thế hòa giải giữa hai nước cựu thù thời Chiến tranh lạnh này.

Việc Mỹ dần dỡ bỏ các rào cản trong quan hệ thương mại hai nước như nới lỏng các hạn chế về đi lại và thương mại cũng là yếu tố tích cực giúp mở ra những lĩnh vực hợp tác song phương mới.

Tại phiên họp lần thứ 70 của Đại hội đồng LHQ đang diễn ra tại New York, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có bài phát biểu quan trọng trước giới chức lãnh đạo các nước trên thế giới, trong đó kêu gọi chấm dứt lệnh cấm vận của Washington nhằm vào La Havana kéo dài suốt nhiều thập niên qua.

Chủ tịch Cuba Raul Castro lần đầu đến Mỹ ở cương vị người đứng đầu nhà nước.

Ông bày tỏ sự tin tưởng Quốc hội Mỹ "chắc chắn sẽ dỡ bỏ lệnh cấm vận vốn không nên kéo dài thêm nữa". Ông thừa nhận chính sách của Mỹ đối với Cuba "đã thất bại trong việc cải thiện đời sống của người dân Cuba".

Từ trước thềm chuyến thăm của Chủ tịch Raul Castro, chính quyền của ông Obama cũng thông báo cân nhắc việc bỏ phiếu trắng đối với Nghị quyết hàng năm của LHQ chỉ trích các biện pháp bao vây cấm vận Cuba. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử quan hệ hai nước. Nếu bỏ phiếu trắng, đây sẽ là lần đầu tiên chính quyền Washington không phản đối một nghị quyết trực tiếp chỉ trích và yêu cầu chấm dứt lệnh cấm vận do chính nước Mỹ áp đặt chống Cuba cách đây 54 năm, đẩy Quốc hội nước này vào một cuộc đối đầu với chính quyền của Tổng thống Obama và phần còn lại của thế giới.

Kể từ lúc hai nước thông báo quyết định bình thường hóa quan hệ cho tới khi chính thức thông báo mở lại đại sứ quán chỉ vỏn vẹn 7 tháng. Chỉ trong vòng 5 tháng, ông Raul Castro và ông Barack Obama đã tiến hành hai cuộc gặp để thảo luận về vấn đề phá bỏ lệnh cấm vận. Tiến triển nhanh, mạnh mẽ của tiến trình này cho thấy quyết tâm và ý chí chính trị thực sự trong lực lượng lãnh đạo cả ở Mỹ và Cuba đối với nhu cầu phải cởi trói mối quan hệ đã lạnh giá quá lâu này.

Có thể nhận thấy lệnh bao vây cấm vận là rào cản cuối cùng trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ -  Cuba. Trong hơn nửa thế kỷ qua, "bức tường" mà Mỹ dựng lên nhằm cô lập Cuba với thế giới bên ngoài đã gây thiệt hại to lớn cho La Habana. Lệnh phong tỏa của Mỹ đã gây tổn thất hơn ­ 1.000 tỉ USD cho Cuba. Tuy nhiên, bất chấp sự chống phá và sức ép của lệnh bao vây cấm vận,   Cuba   vẫn đứng vững và tiếp tục phát triển.

Trong khi đó, chính nước Mỹ cũng phải trả giá đắt vì cuộc cấm vận này. Các công ty Mỹ bị thiệt hại hàng tỉ USD vì không làm ăn được với Cuba, chưa kể những cơ hội kinh doanh lớn ở đảo quốc xinh đẹp này trong tương lai, đặc biệt là lĩnh vực dầu khí. Ngoài ra, xét về mặt chính trị, chính sách cấm vận chống Cuba cũng khiến Washington mất vị trí ngay tại khu vực từng được coi là "sân sau" của Mỹ, là chướng ngại vật lớn nhất trên con đường cải thiện quan hệ giữa Mỹ với các nước Mỹ Latinh.

Chính vì vậy, dỡ bỏ lệnh cấm vận phi lý này là điều tất yếu để khép lại một chương đen tối trong lịch sử quan hệ Mỹ-Cuba, mang lại lợi ích cho cả hai nước. Dù còn tồn tại những khác biệt về một số vấn đề, nhưng các nhà lãnh đạo của hai cựu thù thời Chiến tranh lạnh đều chia sẻ nhận thức chung rằng trong các quan hệ quốc tế ngày nay, xu thế đối đầu đã trở nên lỗi thời và cần được thay thế bằng xu thế hòa giải nhằm mang lại lợi ích cho người dân của mỗi nước, thay vì phục vụ ý chí chính trị của một bộ phận chính khách bảo thủ tại các nước lớn.

Những nỗ lực thực tế cùng tuyên bố gợi mở của chính quyền Tổng thống Obama về lệnh cấm vận Cuba và sự có mặt lần đầu tiên của nhà lãnh đạo La Habana tại quốc gia đối địch trong hơn nửa thế kỷ qua đã khẳng định xu thế tất yếu này. Hơn thế nữa, Tổng thống Barack Obama sẽ hết nhiệm kỳ vào cuối năm 2016, còn Đảng Cộng sản Cuba đã ấn định lịch trình tổ chức Đại hội VII vào tháng 4-2016 và bầu cử toàn quốc vào năm 2018, việc hai bên đạt được những tiến triển mới trước các cột mốc đổi thay trên lại càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.