Khủng hoảng di cư tàn phá nền móng châu Âu

Thứ Ba, 22/12/2015, 17:45
Từ nhiều năm nay, châu Âu vẫn được coi là "thiên đường" của nhiều người di cư trên thế giới, song việc "lục địa già" phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất kể từ Thế chiến II là điều không tưởng. Nền văn minh của thế giới, vốn đang chật vật để lấy lại phong độ sau thời kỳ suy thoái kinh tế kéo dài, lại một lần nữa rơi vào tình trạng khốn đốn.

Làn sóng người di cư chủ yếu đến từ các nước Trung Đông, Bắc Phi đã tác động mạnh mẽ tới đời sống xã hội, văn hóa và kinh tế, thậm chí đe dọa đẩy châu Âu tới bờ vực tan rã.

Mặc dù nỗ lực hết sức, đến nay, dường như châu Âu vẫn chưa tìm được một phương pháp tổng thể hiệu quả, một giải pháp căn bản nào cho vấn đề người di cư. Các biện pháp được đưa ra vẫn chỉ mang tính tạm thời, đối phó và vá víu. Dòng người tị nạn trên các nẻo đường từ Syria, Iraq, Afghanistan… vẫn không ngừng đổ về châu Âu.

11 tháng qua, số người tới lục địa này đã lên tới hơn 1,3 triệu người. Họ ra đi để tránh chiến tranh, tránh đàn áp và tìm kiếm một "chân trời mới". Nhưng dòng người này cũng sẽ lại mang đến cho chính châu Âu tất cả những nguy cơ từ chính nước họ, từ tình trạng bất ổn, bạo lực không kiểm soát được, đến nguy cơ khủng bố, thậm chí khủng bố với vũ khí giết người hàng loạt.

Châu Âu đang cố gắng để kiểm soát tình hình người tị nạn hiện nay. Vấn đề là từ lâu, châu Âu đã phần nào mất đi văn hóa của tình đoàn kết và thống nhất. Trong nhiều năm qua, các nước Liên minh châu Âu (EU) không muốn nhất thể hóa nhiều hơn và các quốc gia dường như cũng không muốn từ bỏ những giá trị chủ quyền quốc gia truyền thống của mình. Chính vì thế, EU đã rất bối rối trong việc phản ứng với cuộc khủng hoảng người tị nạn.

Nhiều ý kiến cho rằng sự ích kỷ của các quốc gia thành viên đang làm tan vỡ tính nhất quán của cả khối - vốn là giá trị nền tảng của liên minh. Điều đáng lo ngại hơn là sự bất đồng, mâu thuẫn trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn có thể dẫn đến những rạn nứt trong các vấn đề khác nữa.

Sự mất đoàn kết của EU đã từng xảy ra trong cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp khiến EU từng đứng trước kịch bản Grexit với nguy cơ tan rã. Dù cho tới nay, "bóng ma" của kịch bản Grexit đã tạm biến mất nhưng những nguy cơ mâu thuẫn nội tại trong nội bộ EU vẫn còn đó mà hậu quả trước mắt là cả khối chưa đưa ra được một chiến lược đúng đắn cho cuộc khủng hoảng người tị nạn.

Câu hỏi được đặt ra là nếu một EU chia rẽ như vậy thì làm sao có thể đối phó với một cuộc khủng hoảng nợ mới nếu nó xuất phát  từ một trong các quốc gia đang có tỉ lệ nợ công rất cao là Italia, Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha. Vì thế, nếu EU không giải quyết được cuộc khủng hoảng người tị nạn thì sẽ gây ra các vấn đề rắc rối khác.

EU không được chuẩn bị về mặt văn hóa cho các biến động đa chủng tộc. Do đó,  sự gia tăng mạnh mẽ của phong trào cực đoan, chủ nghĩa dân tộc, chống nhất thể hóa châu Âu và bài ngoại đang làm tăng sự bất an và làm xói mòn tính khoan dung và các bản sắc truyền thống. Vì thế, các chính sách của các chính phủ dường như chỉ đặt lợi ích về kinh tế của quốc gia mình mà coi nhẹ các giá trị cơ bản, phổ quát của châu Âu.

Những người tị nạn bật khóc bên bờ biển sau khi đặt chân đến châu Âu.

Châu Âu không thiếu các ý tưởng hoặc kế hoạch cho các tình trạng khẩn cấp, nhưng thiếu các  sức mạnh tâm lý và văn hóa để có thể thoát khỏi tình hình khẩn cấp hiện nay. Trong khi toàn khối chưa có giải pháp đồng bộ thì biện pháp dựng tường và hàng rào ở biên giới không phải là giải pháp hữu hiệu.

Việc EU chọn Thổ Nhĩ Kỳ như một lối thoát cho cuộc khủng hoảng người tị nạn cũng cho thấy một EU đang bối rối? Mặc dù vị trí địa lý của Thổ Nhĩ Kỳ có thể giúp EU giải quyết được tạm thời một phần cuộc khủng hoảng thông qua 6 trung tâm đón tiếp người tị nạn được EU hỗ trợ thiết lập tại đây, nhưng cái giá phải trả là EU đã làm ngơ trước sự tố cáo của dư luận về tình hình ngày càng mất dân chủ mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang áp đặt. Việc thỏa hiệp và hợp tác với chế độ bị dư luận cho là độc tài Erdogan là đi ngược lại tôn chỉ và nguyên tắc tiến bộ của EU.

Áp lực từ làn sóng di cư đến châu Âu cũng khiến bất đồng chính trị trong nội bộ EU ngày càng sâu sắc. Thậm chí, do lo ngại về hiểm họa của chủ nghĩa khủng bố (thông qua con đường nhập cư) có thể buộc các thành viên EU tạm dừng áp dụng Hiệp định Senghen (miễn thị thực giữa các nước thành viên). Việc phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn cho các thành viên cũng như biện pháp cụ thể xử lý cuộc khủng hoảng khiến nội bộ EU chỉ trích lẫn nhau.

Trong khi Hungari buộc phải sử dụng biện pháp cứng rắn để ngăn chặn và giảm bớt sự hỗn loạn do dòng người nhập cư gây ra thì Đức và một số nước lại chỉ trích cách làm này. Phải chăng nền móng của châu Âu đang bị phá hỏng?

Vẫn biết EU là thực thể được gắn kết tương đối chặt chẽ, nhưng với khả năng, tiềm lực kinh tế và nhu cầu tiếp nhận người nhập cư của mỗi thành viên khác nhau, nên việc giải quyết cuộc khủng hoảng cũng theo nhiều hướng khác nhau. Theo các nhà phân tích, nếu EU không có một cơ chế điều hành linh hoạt cả ở trong và ngoài liên minh, không xây dựng một hệ thống pháp lý cho những người tị nạn, thậm chí không giúp các nước khu vực Trung Đông, Bắc Phi ổn định tình hình, cuộc khủng hoảng di cư hiện nay chắc chắn sẽ không được giải quyết một cách căn bản, lâu dài, góp phần ổn định tình hình an ninh, kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân ở châu lục vốn đầy biến động này.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.