Nhật Bản có nên từ bỏ năng lượng hạt nhân?

Thứ Hai, 14/03/2016, 13:30
Tròn 5 năm kể từ ngày Nhật Bản hứng chịu thảm họa kép động đất và sóng thần, vùng đất nằm ở phía đông bắc xứ sở Mặt trời mọc dường như vẫn là "vùng đất chết". Nhà máy điện hạt nhân Fukushima vẫn bị coi là "thảm họa" mỗi khi nghĩ đến tác động của nó đối với sự sống. Cựu Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan cho rằng đã đến lúc quốc gia này phải từ bỏ năng lượng hạt nhân.

Thảm họa kép tại Fukushima, dẫn đến cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất tại Nhật Bản, diễn ra khi ông Naoto Kan đang đương chức. Ông nói: "Hãy nhìn vào thực tế những gì đã diễn ra trong suốt 5 năm qua. Nhật Bản đã đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân trong suốt 2 năm liền, và hiện chỉ có một vài lò phản ứng hoạt động. Dĩ nhiên là vẫn còn nhiều lò phản ứng có thể hoạt động tốt… Tuy nhiên, 5 năm vừa qua cho chúng ta thấy Nhật Bản hoàn toàn có thể đảm bảo đủ điện năng phục vụ sinh hoạt và sản xuất mà không cần tới sự đóng góp của các nhà máy điện hạt nhân. Đó là lý do chúng ta nên tránh những rủi ro lớn từ việc sử dụng các nhà máy hạt nhân, và thay vào đó, tập trung hơn vào các nguồn năng lượng tái sinh để thay đổi nguồn cung điện năng".

Ông Kan không phải là người duy nhất phản đối việc sử dụng năng lượng hạt nhân. Nhiều cuộc thăm dò dư luận cho thấy phần lớn người dân Nhật Bản ủng hộ quan điểm này. Cựu Thủ tướng Naoto Kan đã chỉ trích đảng cầm quyền đương nhiệm - đảng Dân chủ tự do (LDP) - vì đã tái khởi động 4 lò phản ứng từng bị đóng cửa sau thảm họa hồi năm 2011.

Ông Kan là thành viên đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ). Ông nói: "LDP, với mục tiêu đưa nước Nhật quay trở lại với năng lượng hạt nhân, đã giành chiến thắng trong các cuộc tổng tuyển cử. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới chiến thắng này là việc chính quyền của ông (Shinzo) Abe thu hút được nhiều cử tri với chính sách kinh tế. Hiện tại, các chính sách kinh tế này đều đang bế tắc, trong khi sự phản đối của dư luận đối với vấn đề hạt nhân ngày càng mạnh mẽ".

Ông Kan ám chỉ chương trình kích thích kinh tế của Thủ tướng Abe - thường được gọi là Abenomics. Trên thực tế các biện pháp nhằm đưa nền kinh tế Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát triền miên của Thủ tướng Abe trong suốt thời gian qua đã có những kết quả trái chiều, và hiện cũng tạo ra nhiều luồng dư luận đối lập.

Ngày 11/3/2011, một trận động đất mạnh 9 độ richte đã làm rung chuyển phía đông bắc Nhật Bản. Đây là trận động đất mạnh nhất trong lịch sử tại quốc gia châu Á này, đồng thời gây ra một cơn sóng thần khổng lồ dọc 700 km đường bờ biển Nhật Bản. Động đất và sóng thần đã phá hủy nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, gây nhiễm độc nghiêm trọng cho các thị trấn và khu vực lân cận. Nhiều người cho rằng đây là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trên thế giới kể từ sau vụ Chernobyl năm 1986.

Các xe cẩu chuyên dụng xúc rác thải bị ô nhiễm phóng xạ tại thị trấn.

Theo số liệu thống kê mới nhất, có tổng cộng 15.894 người đã thiệt mạng trong thảm họa kép năm 2011, trong khi 2.562 người khác vẫn bị coi là mất tích và hơn 450.000 người bị mất nhà cửa.

Năm năm đã trôi qua song công tác khắc phục hậu quả tại Fukushima Daiichi vẫn mới chỉ ở những bước đầu và người ta ước tính sẽ phải mất từ 30-40 năm để hoàn tất khối lượng công việc. Tháng trước, ba cựu giám đốc điều hành của Công ty Điện lực Tokyo (Tepco), công ty chủ quản của Fukushima Daiichi, đã chính thức bị buộc tội thiếu trách nhiệm trong việc đảm bảo các biện pháp an toàn để ngăn chặn thảm họa hạt nhân năm 2011. Đây là các quan chức đầu tiên của Tepco phải chịu trách nhiệm vì vụ bê bối này.

Trong khi đó, trao đổi với kênh truyền hình CNBC, cựu Thủ tướng Naoto Kan cho rằng chính quyền đã ở trong tình trạng bị động và lúng túng khi phản ứng trước thảm họa kép năm 2011. Ông nói: "Thảm họa thiên tai và tai nạn hạt nhân diễn ra cùng lúc, đẩy mọi chuyện tới ngưỡng khó lường. Công tác khắc phục hậu quả có thể sẽ không quá khó khăn như vậy nếu chỉ xảy ra thảm họa thiên tai. Có rất nhiều nạn nhân, song đã từng có rất nhiều vụ việc tương tự và người ta biết cần phải làm gì… Trong khi đó, khi khủng hoảng hạt nhân bùng phát, chúng tôi không thể biết mọi chuyện nghiêm trọng tới cỡ nào. Tình hình ngày càng tồi tệ".

Ông cũng cho rằng thảm họa hạt nhân chưa hề kết thúc: "Nước nhiễm xạ vẫn rò rỉ khỏi các lò phản ứng. Tepco nói rằng họ đã giữ số nước này trong các thùng chứa, song một phần đã chảy ra ngoài đại dương". Theo ông, nhiều nguyên liệu phóng xạ đã bị rò rỉ trong khi các mảnh vụn hạt nhân còn lại trong lò phản ứng đang tan chảy.

Cựu Thủ tướng Nhật Bản nhấn mạnh rằng con người đang tiếp tục hứng chịu những hệ lụy từ thảm họa này: "Hơn 100.000 người dân tại Fukushima không thể trở về nhà. Thậm chí, chính quyền và giới chức Fukushima nói rằng họ có thể trở về, song thành phố này sớm muộn sẽ biến mất" do người dân không thể trồng cây lương thực vì lo rằng ruộng đất vẫn còn nhiễm phóng xạ.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.