Rắc rối thỏa thuận tương trợ tư pháp Anh – EU

Thứ Hai, 30/11/2020, 14:23
Trong tổng thể đàm phán về mối quan hệ tương lai giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) hậu Brexit, bên cạnh chủ đề chính về đàm phán thỏa thuận thương mại tự do song phương, vấn đề tương trợ tự pháp cũng có vai trò quan trọng đối với cả hai bên nhằm tiếp tục duy trì hợp tác, đảm bảo an ninh trong bối cảnh châu Âu đang phải đối mặt với chủ nghĩa khủng bố ngày càng tăng.

EU và Anh sẽ tìm kiếm một thỏa thuận về dẫn độ và hợp tác trong Cơ quan Cảnh sát Liên minh châu Âu (Europol) nhưng việc cả hai bên đạt được đồng thuận về bảo mật dữ liệu dường như vẫn là điều xa vời. Truyền tải dữ liệu sẽ là một vấn đề quan trọng trong mối quan hệ tương lai. Vài năm trước, Trung tâm Đổi mới châu Âu đã có bài viết đầu tiên trong một loạt các bài viết về Brexit và các vấn đề tư pháp và nội bộ của EU (JHA). Tuy nhiên, khi đó vấn đề hợp tác về JHA hậu Brexit đã bị bỏ qua.

Các cuộc tranh luận chính trị và trên truyền thông hầu như chỉ tập trung vào việc liệu EU và Anh có nhất trí về một thỏa thuận thương mại vào cuối năm nay hay không. Giữa tất cả các cuộc thảo luận về thuế quan, quy tắc nguồn gốc xuất xứ, rất ít người để ý đến điều gì sẽ xảy ra nếu Anh và EU không thể đồng ý về vấn đề hợp tác trong lĩnh vực cảnh sát và tư pháp.

Anh và EU đang vướng mắc thỏa thuận dẫn độ và hợp tác trong Europol.

Có nhiều lý do cho việc này và đơn giản nhất là bởi tư pháp và các vấn đề nội bộ là một lĩnh vực kỹ thuật phức tạp. Nhưng điều đó cũng đúng với chính sách thương mại. Vì thế, cách giải thích thuyết phục hơn đó là lập trường của cả 2 bên về vấn đề hợp tác JHA ít có thay đổi. Trong khi Quốc hội Anh cân nhắc mối quan hệ kinh tế mà họ muốn có với EU, ranh giới của Anh về hợp tác cảnh sát và tư pháp hầu như không thay đổi kể từ bài phát biểu của Thủ tướng Anh Theresa May tại Lancaster House năm 2017. Và EU cũng vậy.

Thứ nhất, Anh muốn có một thỏa thuận riêng với EU nhưng lại bác bỏ thẩm quyền của Tòa án Công lý châu Âu (ECJ). Thứ hai, các nhà đàm phán của EU kiên định lập trường rằng một quốc gia không thuộc EU, dù là một đối tác an ninh quan trọng đến đâu, không thể có nhiều quyền và ít nghĩa vụ hơn một quốc gia thành viên (hay một quốc gia nằm trong khu vực Schengen nhưng không thuộc EU). Thứ ba, cả hai bên đều muốn có một thỏa thuận bao gồm những ưu tiên như tiếp cận cơ sở dữ liệu, dẫn độ và hợp tác với các cơ quan EU như Europol. Và từ năm 2017 đến nay, mọi việc này vẫn đang diễn ra.

Lý do khác khiến vấn đề JHA ít được quan tâm trong các cuộc đàm phán xuất phát từ chính các nhà đàm phán. Cả hai bên đều khai thác sự thiếu quan tâm về JHA của đối phương để ngầm đạt được tiến triển. Lệnh không tiết lộ thông tin về nội dung đàm phán do các nhà đàm phán đặt ra đã được dỡ bỏ vào tháng 10-2020.

Sau phiên họp của Hội đồng châu Âu ngày 15-10, Michel Barnier, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, đã nói với với Nghị viện châu Âu rằng hai bên đã đạt được tiến bộ về vấn đề Công ước châu Âu về nhân quyền, về bảo vệ dữ liệu, Europol, Eurojust (Cơ quan tư pháp liên minh châu Âu) và dẫn độ tội phạm. Tuy nhiên, vài ngày trước đó, khi báo cáo với Hạ viện Anh về khả năng không có thỏa thuận nào, Bộ trưởng Văn phòng Nội các Michael Gove dường như gợi ý rằng các cuộc đàm phán JHA đã bị đình trệ, vì EU đang khăng khăng yêu cầu Anh chấp nhận quyền tài phán của ECJ để đổi lấy quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu.

Việc công nhận thẩm quyền của Tòa án Công lý châu ÂU (ECJ) là một trong những khúc mắc của thỏa thuận hậu Brexit.

Ông Gove cũng tuyên bố rằng thà không có thỏa thuận an ninh nào còn tốt hơn cố sức cho một thỏa thuận tồi, vì có “rất nhiều lĩnh vực mà chúng ta có thể hợp tác hiệu quả để bảo vệ biên giới của chúng ta khi ở bên ngoài EU hơn là khi vẫn thuộc EU”.

Liệu có phải các bên đang trên bờ vực kết thúc đàm phán mà không có thỏa thuận về an ninh? Hay còn ẩn chứa điều gì đó bên trong các ý tưởng? Và quan trọng nhất, điều gì sẽ xảy ra vào ngày 1-1-2021 nếu Anh và EU thực sự không thống nhất được về vấn đề tư pháp và an ninh?

Chỉ có điều, dù các bên có ký thỏa thuận an ninh hay không, thì theo Thỏa thuận rút khỏi EU, các vụ việc và cuộc điều tra đang diễn ra vào cuối giai đoạn thực hiện sẽ được đảm bảo bởi các thỏa thuận hiện có cho đến khi kết thúc điều tra. Những kẻ tình nghi trong các cuộc điều tra sẽ không thể đón năm mới bằng cách di chuyển qua biên giới Anh/EU mà không bị ngăn chặn.

Theo các quan chức hai bên, bước đột phá chính về JHA xuất hiện khi Vương quốc Anh miễn cưỡng tái khẳng định cam kết của mình đối với Công ước châu Âu về nhân quyền của Hội đồng châu Âu (ECHR). Mặc dù nhiều nhóm trong đảng Bảo thủ không ung hộ ECHR, Anh hiện có vẻ chấp nhận rằng cam kết đó là cần thiết nếu Anh muốn đạt được thỏa thuận về JHA với EU.

Tuy nhiên, có thể sẽ có một khoảng trống giữa lúc kết thúc giai đoạn chuyển tiếp và khi bất kỳ thỏa thuận nào về JHA giữa EU và Anh có hiệu lực. Bất kỳ thỏa thuận nào về dẫn độ tội phạm và Europol đều cần phải được cả Anh và Nghị viện châu Âu phê chuẩn. Trong khi đó, Nghị viện châu Âu đã có tiếng hay hoài nghi về các thỏa thuận quốc tế về hợp tác cảnh sát và tình báo.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.