Thượng đỉnh Trung - Ấn: “Vũ điệu rồng và voi”

Thứ Năm, 17/10/2019, 11:05
Ngày 14-10, chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Ấn Độ đã kết thúc với việc hai bên nhất trí gạt bỏ những bất đồng để tìm kiếm một kỷ nguyên mới cho sự hợp tác.

Theo thông cáo báo chí sau hội nghị, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận trong bầu không khí thân thiện về các vấn đề bao trùm, dài hạn và chiến lược, có tầm quan trọng đối với khu vực và toàn cầu. Khởi động hội nghị thượng đỉnh không chính thức lần thứ hai, Thủ tướng Modi trong trang phục veshti của người Tamil với áo sơ mi trắng và khăn choàng (angavasthram) đã đưa vị khách đến từ Trung Quốc tham quan các di sản thế giới nổi tiếng gồm Arjuna's Penance, Krishna's Butterball, Pancha Ratha và đền Shore. Năm ngoái, trong chuyến thăm của Thủ tướng Modi tới Vũ Hán, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ông Modi tham quan Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc.

Hai lãnh đạo cũng nhất trí rằng cả Trung Quốc và Ấn Độ đều nhiệt tâm với việc xây dựng một thế giới hòa bình, an ninh và thịnh vượng, trong đó tất cả các quốc gia đều có thể nỗ lực phát triển trong một trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế. Cả Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Modi đều đồng ý rằng một hệ thống thương mại đa phương dựa trên các quy tắc nên được ủng hộ và củng cố, hai nước sẽ tiếp tục hợp tác để tiến tới những sự dàn xếp thương mại cởi mở và toàn diện có thể mang lại lợi ích cho tất cả các nước.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc La Chiến Huy cho biết năm 2020 được hai nhà lãnh đạo ấn định là năm của sự trao đổi văn hóa và con người giữa Trung Quốc và Ấn Độ, hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ tổ chức 70 sự kiện trong năm này để mừng 70 năm quan hệ ngoại giao Trung-Ấn.

Hai nhà lãnh đạo cùng hướng tới kỷ nguyên mới trong quan hệ song phương.

Tránh “ngòi nổ”, tìm đến sự đồng điệu

Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh rằng, thúc đẩy hợp tác Trung-Ấn là lựa chọn đúng đắn. Nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh “vũ điệu rồng và voi” (Trung Quốc và Ấn Độ) chắc chắn sẽ hiệu quả hơn là sự đối đầu.

Vốn tồn tại nhiều cạnh tranh và mâu thuẫn, nhưng lần này, hai nhà lãnh đạo đã cố gắng gạt bỏ các bất đồng, giải quyết khác biệt và tạo nền tảng cần thiết cho mối quan hệ cùng có lợi. Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên đã nhất trí cần xem xét cách thức tăng cường tương tác song phương để phản ánh vai trò gia tăng của hai nước này trên trường quốc tế. Sự hợp tác Trung-Ấn tập trung phần lớn vào lĩnh vực kinh tế, thương mại và né tránh những vấn đề nhạy cảm có thể trở thành những “ngòi nổ” trong quan hệ hai nước.

Có thể thấy rằng, trong bối cảnh Trung Quốc đang phải đối mặt với cuộc chiến tranh thương mại khốc liệt với Mỹ, làn sóng biểu tình kéo dài nhiều tháng qua ở Hong Kong, kinh tế suy thoái cũng như hàng loạt vấn đề trong nước khác, việc ổn định được mối quan hệ với một láng giềng lớn như Ấn Độ là điều quan trọng để Bắc Kinh có thể tập trung xử lý các vấn đề cấp bách hơn.

Đối với Ấn Độ, quốc gia này cũng đang nỗ lực vực dậy nền kinh tế suy yếu. Cải thiện quan hệ với Bắc Kinh có thể giúp New Delhi tháo gỡ những khó khăn nội tại nhờ có sự tiếp cận lớn hơn thị trường khổng lồ của Trung Quốc. Điều này cũng thể hiện New Dehli duy trì chính sách "tự chủ chiến lược," tránh bị chi phối bởi các mối quan hệ khác, đặc biệt với Mỹ dưới thời một Tổng thống Donald Trump khó đoán định.

Có lẽ, kết quả rõ ràng nhất mà hội nghị thượng đỉnh Trung-Ấn lần thứ hai đạt được là nhận thức ranh giới của mỗi bên và nỗ lực giữ mối quan hệ song phương ổn định, ít nhất là trong tương lai gần.

Sự im lặng về Kashmir

Ông Tập Cận Bình và ông Modi đã có gần 6 giờ thảo luận với mục tiêu phá vỡ sự hoài nghi xung quanh các vấn đề tranh chấp biên giới, những khó khăn thương mại và mối quan hệ quân sự thân thiết của Trung Quốc với kẻ thù "không đội trời chung" của Ấn Độ là Pakistan.

Tuy nhiên, theo thông tin từ Ngoại trưởng Ấn Độ Vijay Gokhale, vấn đề Kashimir đã không được đưa ra thảo luận trong suốt cuộc gặp thượng đỉnh ngày 12-10, thay vào đó là các vấn đề về thương mại và đầu tư.

Chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra sau khi hai bên có màn đấu khẩu mạnh mẽ liên quan đến vấn đề Kashmir. Ngày 9-10, Bắc Kinh cho biết ông Tập Cận Bình đã đảm bảo sự ủng hộ đối với Pakistan trong các vấn đề liên quan đến “lợi ích cốt lõi” của nước này.

Tuyên bố chung sau hội đàm giữa ông Tập và Thủ tướng Pakistan Imran nói rằng Jammu và Kashmir nên được ”giải quyết đúng đắn và hòa bình dựa trên Hiến chương Liên Hiệp Quốc, các nghị quyết của Hội đồng Bảo an và các hiệp định song phương".

Đáp lại, New Delhi nhấn mạnh, "lập trường của Ấn Độ là nhất quán và rõ ràng rằng Jammu và Kashmir là một phần không thể thiếu của Ấn Độ. Trung Quốc nhận thức rõ về quan điểm của chúng tôi. Các vấn đề nội bộ của Ấn Độ không phải là chủ đề cho các nước khác bình luận". Chính quyền New Delhi cũng cho rằng quyết định phân chia Jammu và Kashmir và đưa Ladakh thành lãnh thổ liên minh là một vấn đề nội bộ của Ấn Độ.

Do vậy, chắc chắn, nếu như đưa Kashmir vào chương trình thảo luận trong khuôn khổ thượng đỉnh lần này, hai bên sẽ chỉ tiếp tục khắc sâu mâu thuẫn thay vì có những cái bắt tay đồng thuận trên nhiều vấn đề khác. Việc vấn đề Kashmir không được nhắc đến trong 2 ngày đối thoại vì vậy cũng trở nên dễ hiểu.

Thay vào đó,  theo tuyên bố của phía Ấn Độ, ông Modi và ông Tập Cận Bình “đã nhắc lại sự nhất trí của hai nước rằng các nỗ lực cần được tiếp tục thực hiện nhằm duy trì hòa bình và yên ổn tại các khu vực biên giới”. Ông Tập Cận Bình được Tân Hoa Xã dẫn lời cũng nhấn mạnh hai nước nên tìm kiếm một giải pháp về biên giới “công bằng, hợp lý và được hai bên chấp nhận”.

Mamallapuram là một trong những địa danh đẹp nhất ở Ấn Độ, tràn đầy sức sống. Nơi đây gắn với thương mại, tâm linh và hiện là một trung tâm du lịch nổi tiếng. Có lẽ, với những gì đạt được, những nỗi niềm “giấu đi” đã có thể thỏa lòng hai nhà lãnh đạo. “Tôi rất vui khi Chủ tịch Tập Cận Bình và tôi đang dành thời gian ở địa điểm tuyệt đẹp này, và cũng là một di sản UNESCO”, Thủ tướng Modi đã có những dòng tweet sau bữa ăn tối với ông Tập Cận Bình.

Hà Phương (tổng hợp)
.
.