Ukraine: Đông – Tây đều loạn

Thứ Hai, 27/07/2015, 14:00
Cuộc khủng hoảng Ukraine mỗi lúc một trầm trọng. Trong khi tình hình miền Đông còn mờ mịt bất chấp những tiến bộ vừa đạt được giữa Chính phủ Kiev và phe ly khai thì một điểm nóng khác lại đang nổi lên. Lực lượng cánh hữu ở miền Tây Ukraine, vốn ủng hộ chính quyền Kiev hiện tại, đang “nổi loạn” đòi giải tán Quốc hội và phế truất Tổng thống Poroshenko. Bản thân ông này cũng đang chịu những sức ép lớn từ phía các đồng minh châu Âu.

Ngày 21/7 vừa qua, Tổ chức OSCE tại Minsk cho biết, Chính phủ Ukraine và các lực lượng ly khai ở miền Đông đã ký kết một bản thỏa thuận sơ bộ về việc rút vũ khí. Theo văn bản này, các loại xe tăng chiến đấu và các loại vũ khí hạng nặng khác sẽ được rút khỏi các khu vực xung đột ở miền Đông Ukraine.

Theo bản thỏa thuận ký kết hồi tháng 2 tại Minsk, thủ đô Belarus, các loại vũ khí có cỡ trên 100 mm lẽ ra đã phải được rút khỏi chiến tuyến, nhưng cả hai phe đều cáo buộc nhau vẫn duy trì vũ khí hạng nặng.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và người đồng cấp Ukraine Poroshenko.

Bản thỏa thuận hôm 21/7 đã được ký trong một buổi họp tại Minsk của Nhóm liên lạc, gồm Ukraine, Nga và các lực lượng ly khai dưới sự bảo trợ của Tổ chức Vì an ninh và hợp tác tại châu Âu (OSCE). Văn bản này trong khi phải chờ được chính thức ký kết thì Giám đốc của OSCE đã yêu cầu các bên tôn trọng các thỏa thuận ngừng bắn.

Nếu như coi bản thỏa thuận trên là một tiến bộ nhỏ thì cũng trong ngày 21/7, chính quyền Kiev lại chịu thêm một vố đau từ phong trào cực hữu ở miền Tây. Trong ngày này, phong trào cực đoan Cánh hữu (Right Sector) ở Ukraine đã tiến hành đại hội ở thủ đô Kiev đồng thời đưa ra một loạt yêu cầu đòi tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân về bất tín nhiệm Quốc hội, Nội các và Tổng thống.

Trên trang Facebook, Right Sector cũng yêu cầu hủy bỏ các thỏa thuận Minsk và hợp pháp hóa các tiểu đoàn tình nguyện. Đại hội cũng quyết định rằng, Right Sector sẽ không tham gia các cuộc bầu cử địa phương tổ chức vào mùa thu tới.

Tại đại hội, thủ lĩnh Right Sector là Dmitry Yarosh cho biết, phong trào sẽ bắt đầu một "giai đoạn mới" của cách mạng ở Ukraine. "Chúng ta thể hiện rằng chúng ta là lực lượng cách mạng có kỷ luật, và tại hội nghị này sẽ bắt đầu giai đoạn mới của cách mạng Ukraine"- Yarosh nói.

Ông cho biết từ ngày 22/7, Right Sector bắt đầu tổ chức các ban lãnh đạo chuẩn bị cho cuộc trưng cầu dân ý về bất tín nhiệm chính phủ. Nhà lãnh đạo Right Sector nói thêm, nếu tổ chức này không thể tiến hành cuộc trưng cầu dân ý, họ sẽ tìm cách thành lập Ủy ban bầu cử trung ương (CEC) của riêng mình để tự tiến hành bỏ phiếu trên toàn lãnh thổ Ukraine.

Ông Yarosh khẳng định: "Chính phủ cần biết nếu họ không đáp ứng được người dân, họ cần phải ra đi".

Phong trào cực đoan Cánh hữu Right Sector ở Ukraine biểu tình tiến hành đại hội ở thủ đô Kiev, ngày 21/7.

Tối 21/7, tại Quảng trường Độc lập ở thủ đô Kiev đã diễn ra cuộc biểu tình "Đả đảo chính quyền phản bội" do Right Sector tổ chức. Trước đó, ngày 17/7, ông Yarosh cho rằng cần thảo luận về khả năng cách chức Tổng thống Poroshenko.

Hãng tin Ria Novosti của Nga dẫn lời ông Yarosh nói: "Tôi thấy Tổng thống Ukraine không ở đúng cương vị của mình - không phải là Tổng tư lệnh, cũng chẳng phải người lãnh đạo đất nước hiệu quả”.

Giữa tháng 7 vừa qua, Right Sector bắt đầu đụng độ với chính quyền Kiev. Hai cảnh sát đã bị thương trong một loạt vụ đánh bom nhằm vào các đồn cảnh sát tại thành phố Lviv, miền Tây Ukraine. Chưa có nhóm nào lên tiếng nhận trách nhiệm, nhưng mọi nghi vấn đổ dồn vào các tổ chức cực hữu ở đây. Vụ việc trên xảy ra chỉ 3 ngày sau khi cảnh sát và các tay súng thuộc tổ chức cánh hữu Right Sector đấu súng dữ dội tại thị trấn Mukacheve, miền Tây Ukraine, khiến ít nhất 3 người thiệt mạng và 13 người bị thương.

Right Sector và lực lượng an ninh thuộc Bộ Nội vụ Ukraine liên tục cáo buộc lẫn nhau nổ súng trước. Hiện Kiev đã phải điều thêm binh sĩ và xe thiết giáp đến Mukacheve giữa lúc căng thẳng đang dâng cao.

Tình hình trên buộc Tổng thống Poroshenko phải mở cuộc họp khẩn với các tướng lĩnh quân đội tại thủ đô Kiev nhằm tìm cách tháo gỡ căng thẳng. Tại cuộc họp, ông Poroshenko ra lệnh các cơ quan an ninh và cảnh sát giải giới các “nhóm vũ trang bất hợp pháp” vì cho rằng những nhóm này đe dọa gây bất ổn thêm cho Ukraine.

Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu căng thẳng sẽ sớm lắng dịu khi Right Sector khẳng định sẽ không từ bỏ vũ khí vì họ “không phải là nhóm vũ trang bất hợp pháp”. Hãng tin Sputnik dẫn lời đại diện của tổ chức này tuyên bố: “Right Sector là quân đoàn tình nguyện có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.

Đáng chú ý, Right Sector là một trong nhiều nhóm vũ trang chống Nga xuất hiện trong đợt bất ổn dẫn tới lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych cách đây hơn một năm và mở đường cho cuộc bầu cử đưa ông Poroshenko lên cầm quyền.

Các nhóm này hiện đang cùng quân chính phủ chống lại phe nổi dậy tại miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, theo giới quan sát, những nhóm vũ trang cánh hữu, nhất là Right Sector, cũng đang khiến chính quyền lo ngại vì ngày càng tỏ ra cực đoan. Miền Tây Ukraine lâu nay tương đối yên ổn và được xem là “bản doanh” của chính quyền Kiev. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra cho thấy chính phủ không thể kiểm soát hoạt động của các nhóm vũ trang tự phát tại đây.

Lãnh đạo tổ chức dân tộc cực đoan Right Sector, Dmitry Yarosh, vừa lên tiếng yêu cầu Tổng thống Poroshenko từ chức.

Chưa hết, chính quyền của Tổng thống Poroshenko còn đang chịu sức ép từ các đồng minh châu Âu. Ngày 17/7, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã có cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo Nga và Ukraine nhằm trao đổi về tình hình ở miền Đông Ukraine. Hồi tháng 2, các nước này đã nhất trí về một gói các biện pháp được gọi là “Minsk 2" nhằm chấm dứt các cuộc xung đột quân sự tại quốc gia thuộc Liên Xô cũ này.

Thông báo của Văn phòng Tổng thống Pháp nêu rõ: “Động lực này cần được duy trì nhằm đảm bảo các biện pháp trong thỏa thuận Minsk có hiệu lực đầy đủ đến cuối năm nay. Các bước đi chính trị này phải đi cùng với việc tôn trọng nghiêm túc những cam kết do tất cả các bên đưa ra liên quan đến vấn đề an ninh".

Trước đó ngày 10/7, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande bất ngờ hối thúc Tổng thống Ukraine Poroshenko phải đảm bảo quyền tự quản cho vùng lãnh thổ đang đòi độc lập ở miền Đông nước này trong hiến pháp sửa đổi.

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Ukraine, Thủ tướng Merkel và Tổng thống Hollande đã yêu cầu ông tiếp tục "cải cách hiến pháp", đặc biệt nhấn mạnh đến việc đưa vào hiến pháp sửa đổi những quy định về quyền tự quản cho một số vùng ở 2 tỉnh Donetsk  và Lugansk.

Văn phòng của Tổng thống Pháp khẳng định ông Hollande và bà Merkel đều coi việc đưa quy chế đặc biệt của những khu vực nói trên vào hiến pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, ngụ ý đến việc thực thi thực tế thỏa thuận Minsk tiến tới chấm dứt xung đột vũ trang kéo dài hơn một năm qua tại Ukraine.

Giải thích cho sự thay đổi thái độ khá bất ngờ của lãnh đạo châu Âu với Ukraine, các chuyên gia đưa ra 2 nguyên nhân. Thứ nhất, tình trạng băng giá của quan hệ EU – Nga là một mối quan ngại đặc biệt đối với Thủ tướng Đức Merkel, trong bối cảnh nữ chính trị gia này đang cố ngăn sóng gió ập xuống các thị trường bấp bênh của châu Âu, và giữ ổn định cho mặt trận phía đông của khối 28 thành viên này.

Thứ hai, trong suốt mấy tuần qua, các nước châu Âu nhất là Đức và Pháp đã quá mệt mỏi với việc phải “đôi co” cùng Chính phủ Hy Lạp về chuyện đi hay ở trong Eurozone và món nợ của nước này. Thành thử ra họ cảm thấy chán nản khi phải tiếp tục nâng đỡ cho Ukraine và đương đầu với Nga. Hối thúc chính quyền Kiev trao quyền tự trị cho miền Đông là cách châu Âu muốn giải quyết “quách” đi cho xong.

Lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga Aleksei Pushkov hôm 22/7 nói rằng việc đảng Right Sector ở Ukraine đòi giải tán Quốc hội nước này đang khiến hàng loạt nước trong EU ngày càng sợ hợp tác với Kiev.

Trước tình hình này, Mỹ lại lên tiếng đổ lỗi cho Nga. Ngày 17/7, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland tuyên bố Washington sẽ gia tăng áp lực với Mocsow nếu Nga để cuộc xung đột ở Ukraine leo thang.

Phát biểu trên truyền hình Ukraine, bà Nuland nêu rõ: "Chúng tôi đã cho thấy rõ rằng lệnh trừng phạt vẫn có hiệu lực chừng nào Thỏa thuận Minsk chưa được thực hiện đầy đủ. Chúng tôi cũng đã nói rõ rằng trong trường hợp có leo thang bạo lực, chúng tôi sẵn sàng tăng sức ép với Nga".

Bà Nuland nhắc lại rằng, Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine viện trợ quân sự và tài chính cho Ukraine. Cụ thể, Mỹ đã cấp cho Ukraine gần 150 triệu USD trong khuôn khổ viện trợ này và huấn luyện quân nhân.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.