“Thiên đường du lịch” chìm trong khủng hoảng

Thứ Sáu, 09/02/2018, 10:15
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 8-2 đã nhóm họp để thảo luận về tình hình Maldives sau khi Tổng thống Abdulla Yameen ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 15 ngày.


Cuộc họp diễn ra sau khi Cơ quan phụ trách các vấn đề chính trị của LHQ đề nghị HĐBA đứng ra giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc đảo Ấn Độ Dương này.

Hôm 7-2, Cao ủy LHQ về nhân quyền Zeid Raad al-Hussein nhấn mạnh, Tổng thống Abdulla Yameen đã tiếm quyền của các cơ quan luật pháp và khả năng làm việc độc lập của nhánh tư pháp đối với nhánh hành pháp. Những diễn biến này là một cuộc tấn công toàn diện vào nền dân chủ của Maldives. Cao ủy al-Hussein kêu gọi Chính phủ Maldives dỡ bỏ ngay lập tức tình trạng khẩn cấp. 

Trước đó, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng đã kêu gọi Chính phủ Maldives “tuân thủ Hiến pháp và pháp quyền, dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp sớm nhất có thể đồng thời áp dụng mọi biện pháp để đảm bảo sự an toàn và an ninh cho người dân trong nước, bao gồm cả thành viên thuộc bộ máy tư pháp”. 

Một cuộc biểu tình của người ủng hộ phe đối lập tại Maldives hồi đầu tháng 2.

Ngoài ra, Tổng Thư ký LHQ cũng vô cùng quan ngại về tình trạng leo thang tại Maldives, đặc biệt là việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp cũng như lực lượng an ninh xông vào trụ sở Tòa án Tối cao. Tổ chức Ân xá quốc tế (AI) thì cho rằng, tình trạng khẩn cấp tại Maldives không thể mở đường cho việc đàn áp.

Nguồn cơn của cuộc khủng hoảng chính trị tại “thiên đường du lịch” là việc, hồi cuối tuần trước, Tòa án Tối cao Maldives đã bác bỏ các cáo buộc đối với 9 chính trị gia đối lập, trong đó có cả ông Mohamed Nasheed - Tổng thống dân bầu đầu tiên của quốc đảo trên Ấn Độ Dương này và hiện đang sống lưu vong ở nước ngoài, đồng thời yêu cầu chính phủ phục chức vụ cho 12 nghị sĩ bị bãi nhiệm vì rời bỏ đảng Tiến bộ Maldives của đương kim Tổng thống Abdullah Yameen. 

Phe đối lập hy vọng phán quyết trên của Tòa án Tối cao sẽ mở đường giúp ông Nasheed có thể về nước, tham gia vào cuộc đua tranh chức tổng thống, dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới. 

Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Yameen đã từ chối tuân thủ phán quyết trên, ra lệnh bắt giữ cựu Tổng thống Maumoon Abdul Gayoom, Chánh án Tòa án Tối cao Abdulla Saeed và thẩm phán của tòa Ali Hameed với cáo buộc các thẩm phán tham gia một âm mưu lật đổ chính quyền. Cùng với đó, ông Abdulla Yameen đã áp đặt lệnh tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Trước tình hình trên, hai cựu Tổng thống của Maldives đã kêu gọi Mỹ và Ấn Độ trợ giúp cách chức Tổng thống Abdulla Yameen, cho rằng ông này đã ban bố tình trạng khẩn cấp “một cách bất hợp pháp”. 

Trong một thông báo được đảng đối lập công bố tại thủ đô Male của Maldives, ông Nasheed nêu rõ: “Tổng thống Yameen đã ban bố tình trạng khẩn cấp một cách bất hợp pháp và vây hãm cả nước. Chúng ta cần phải cách chức ông ta. Người dân Maldives có thỉnh cầu hợp pháp tới chính phủ các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Ấn Độ và Mỹ”. 

Đáp lại lời kêu gọi trên, Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ sự thất vọng trước việc Maldives áp đặt tình trạng khẩn cấp, cũng như việc Tổng thống Yameen, quân đội và cảnh sát không tuân thủ phán quyết của Tòa án Tối cao. 

Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cũng ra tuyên bố đề nghị Chính phủ Maldives và quân đội tuân thủ nguyên tắc luật pháp. Trong khi đó, Ấn Độ đã ra tuyên bố kêu gọi quốc gia láng giềng Maldives tuân thủ luật lệ. Tuyên bố nhấn mạnh: “Với tinh thần dân chủ và pháp quyền, các cơ quan chính phủ Maldives cần tôn trọng và tuân thủ mệnh lệnh từ Tòa án Tối cao”. 

Ngoài ra, tờ The Quint còn dẫn lời Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho hay xe tăng và lực lượng đặc nhiệm đang ở trong tình trạng chuẩn bị, nếu được “bật đèn xanh” thì quân đội nước này sẽ được triển khai bằng các máy bay vận tải quân sự C-17 Globemaster III và C-130J Super Hercules.

Phản ứng trước những động thái này, tờ Thời báo Hoàn Cầu, trực thuộc Nhân dân nhật báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đăng tải bài xã luận mang tiêu đề “Ấn Độ phải dừng can thiệp vào Maldives”. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh: “Cộng đồng quốc tế nên đóng một vai trò mang tính xây dựng trên cơ sở tôn trọng chủ quyền Maldives thay vì có những biện pháp làm phức tạp tình hình. Chúng tôi hy vọng các bên liên quan ở Maldives có thể giải quyết thỏa đáng vấn đề thông qua tham vấn, và khôi phục sự ổn định cùng trật tự xã hội càng sớm càng tốt. Chúng tôi tin họ đủ khôn ngoan và khả năng để tự giải quyết”. 

Người phát ngôn Cảnh Sảng đồng thời bác bỏ cáo buộc Trung Quốc ủng hộ cho Tổng thống Yameen vì lãnh đạo này đã ký thỏa thuận thương mại tự do và phê chuẩn cho một số dự án của Bắc Kinh tại quốc gia Nam Á này.

Có ý kiến cho rằng, dường như Maldives là nơi tranh giành ảnh hưởng giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Chính quyền New Delhi dưới thời Thủ tướng Narendra Modi đã có những động thái quyết đoán hơn nhằm duy trì ưu thế chiến lược về mặt địa lý ở Ấn Độ Dương. Và khi Ấn Độ đang cố tự khẳng định mình là một cường quốc nổi bật ở Ấn Độ Dương, Maldives lại càng trở nên quan trọng hơn.

Khuyến cáo khách du lịch không nên đến Maldives trong dịp Tết

Tổng cục Du lịch vừa ban hành văn bản khuyến cáo việc đi du lịch đến quốc đảo Maldives trong bối cảnh nước này đang khủng hoảng chính trị. Để đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch, Tổng cục Du lịch yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành quốc tế cân nhắc việc tổ chức tour cho khách du lịch đến Maldives trong thời gian này. 

Đồng thời, khuyến cáo khách du lịch đang du lịch tại Maldives nên tránh đến các địa điểm tập trung đông người, nhạy cảm, theo dõi cảnh báo của các cơ quan chức năng địa phương để đảm bảo an toàn; thường xuyên cập nhật tình hình chính trị tại Maldives để tổ chức các chương trình du lịch đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách.

Trước đó, ngày 6-2, Chính phủ quốc đảo Maldives đã ban bố tình trạng khẩn cấp 15 ngày do khủng hoảng chính trị. Lực lượng an ninh Maldives đã được triển khai tại Thủ đô Malé để ứng phó với các diễn biến chính trị. 

Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã khuyến cáo công dân Việt Nam không nên đến Maldives trong thời gian này cho đến khi Chính phủ Maldives gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp (tham khảo tại website: www.lanhsuvietnam.gov.vn). 

(Trân Trân)

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.