Afghanistan - Chống khủng bố hay chống ma túy?

Thứ Sáu, 13/04/2018, 09:27
17 năm trôi qua, tiêu tốn hơn 1.000 tỉ USD nhưng cuộc chinh phạt của Mỹ vẫn chưa kết thúc bởi lẽ trước đó, khi hỗ trợ cho các Mujahideen (chiến binh Hồi giáo) chống lại quân đội Liên Xô ở Afghanistan, dù không muốn nhưng người Mỹ đã khiến quốc gia Trung Á này thành nơi sản xuất heroin hàng đầu thế giới…

Ngày 11-9-2001, hai chiếc máy bay do bọn khủng bố Al-Qaeda chiếm quyền điều khiển đã lao vào tòa tháp đôi, Trung tâm Thương mại thế giới tại thành phố New York, Mỹ, còn một chiếc khác lao vào Lầu Năm góc, là cơ quan đầu não của Bộ Quốc Phòng Mỹ. 26 ngày sau đó, Mỹ đưa quân vào Afghanistan, phát động một cuộc chiến tranh nhằm tiêu diệt cả Taliban lẫn Al-Qaeda.

17 năm trôi qua, tiêu tốn hơn 1.000 tỉ USD nhưng cuộc chinh phạt vẫn chưa kết thúc bởi lẽ trước đó, khi hỗ trợ cho các Mujahideen (chiến binh Hồi giáo) chống lại quân đội Liên Xô ở Afghanistan, dù không muốn nhưng người Mỹ đã khiến quốc gia Trung Á này thành nơi sản xuất heroin hàng đầu thế giới…

Cây thuốc phiện ở Afghanistan

Ngày 25-12-1979, Liên Xô đưa quân vào Afghanistan nhằm mục đích ủng hộ Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Afghanistan do Thủ tướng Babrak Karmal lãnh đạo theo tinh thần Hiệp ước hữu nghị giữa Afghanistan và Liên bang Xô viết bởi lẽ thời điểm này, nhiều phong trào vũ trang nổi dậy - gọi chung là Mujahideen - đã đồng loạt xuất hiện ở Afghanistan, mục tiêu là lật đổ chính quyền của Thủ tướng Babrak Karmal, trong đó đáng kể nhất là nhóm Jamiat-e Islami, nhóm Shura-e Nazar và nhóm Taliban. Tất cả những nhóm này đều được sự hậu thuẫn về quân sự và tài chính từ phía Mỹ.

Thu hoạch thuốc phiện sống ở Afghanistan.

Trong suốt 10 năm, cho đến ngày Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan (15-2-1989), Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã tài trợ cho các chiến binh Hồi giáo Mujahideen một khối lượng vũ khí trị giá khoảng 3 tỷ USD để chống lại quân đội Liên Xô. Bên cạnh đó, CIA cũng làm ngơ cho Mujahideen mở rộng diện tích trồng cây thuốc phiện ở các vùng do họ kiểm soát. 

Khi Taliban nắm quyền cai trị Afghanistan (tháng 3-1989), từ khoảng 20.000 hecta đất trồng cây thuốc phiện lúc Liên Xô còn hiện diện ở nơi này, đã tăng lên 156.000 hecta chỉ trong 2 năm sau đó, sản lượng thuốc phiện cũng tăng từ 4,5 tấn lên 5.700 tấn. Những đoàn xe chở vũ khí của CIA xuất phát từ Pakistan đến những khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của Mujahideen lúc trở về Pakistan thường chất đầy những bánh thuốc phiện sống dưới sự "không biết, không nghe, không thấy" của lực lượng biên phòng Pakistan.

Ông Charles Cogan, cựu Trưởng Chi nhánh CIA phụ trách vấn đề Afghanistan trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ New York Times đã nói thẳng: "Nhiệm vụ chính của chúng tôi là gây thiệt hại cho Liên Xô càng nhiều càng tốt. Chúng tôi thật sự không có nguồn lực hay thời gian để điều tra việc trồng trọt, buôn bán thuốc phiện. Đúng là ở Afghanistan có vấn đề về thuốc phiện nhưng mục tiêu của chúng tôi là đẩy Liên Xô ra khỏi Afghanistan, và chúng tôi đã hoàn thành. Tôi không nghĩ rằng chúng tôi phải xin lỗi thế giới vì cây thuốc phiện...".

Lính Mỹ trò chuyện với người dân tại một cánh đồng trồng cây thuốc phiện ở Afghanistan.

Ngày 7-10-2001, Mỹ đưa quân vào Afganistan rồi nhanh chóng đánh bại Taliban chỉ trong 60 ngày sau khi Taliban từ chối giao nộp Osama bin Laden và trục xuất tổ chức khủng bố Al - Qaeda ra khỏi Afghanistan theo yêu cầu của Tổng thống Mỹ George W. Bush. Đến tháng 12-2001, chính phủ mới của Afghanistan ra đời dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Hamid Karzai.

Và mặc dù bị đánh bại nhưng Taliban, Al -Qaeda vẫn không bị tiêu diệt hoàn toàn. Bằng cách phân chia thành nhiều nhóm nhỏ, các chiến binh Taliban, Al-Qaeda liên tục tổ chức những cuộc tấn công vào các vị trí phòng thủ của quân đội Mỹ lẫn quân đội Afghanistan, cũng như thực hiện những vụ đánh bom tự sát ngay tại thủ đô Kabul cùng các thành phố lớn.

Song song với những việc ấy, tại những vùng do Taliban kiểm soát và những vùng hoang vu, hẻo lánh, nơi tập quán lâu đời và cũng là nguồn thu nhập chính của các bộ tộc là trồng cây thuốc phiện, loại cây này vẫn tiếp tục phát triển. Theo Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm Liên Hiệp Quốc (UNODC), tính đến cuối năm 2017, tổng diện tích trồng cây thuốc phiện ở Afghanistan là 228.000 hecta, phần lớn trồng ở tỉnh Helmand, giáp với Pakistan, cung cấp một sản lượng thuốc phiện lên đến 9.000 tấn. 

Và cứ sau mỗi vụ thu hoạch thì số tiền Taliban kiếm được từ thuốc phiện lại tăng lên, bảo đảm cho việc tuyển mộ thêm các tay súng mới cũng như trả lương cho các chiến binh và mua sắm vũ khí. Chả thế mà một chuyên gia của UNODC đã nói: "Thuốc phiện và heroin (chất ma túy điều chế từ phuốc phiện) giữ vai trò chính trong việc định hình số phận của đất nước này".

Chống khủng bố hay chống thuốc phiện?

Như đã nói ở trên, nhằm đẩy quân đội Liên Xô ra khỏi Afghanistan, người Mỹ - mà cụ thể là CIA đã làm ngơ cho Taliban phát triển cây thuốc phiện. Thế nên sau khi chiếm được thủ đô Kabul và phần lớn đất nước, Taliban khuyến khích người dân trồng cây thuốc phiện, mở xưởng chế biến heroin, còn họ thì chỉ có việc là thu thuế. Các cuộc điều tra của Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm Liên Hiệp Quốc (UNODC) cho thấy trong 3 năm đầu tiên dưới chế độ Taliban (1989 - 1991), Afghanistan chiếm 75% sản lượng thuốc phiện thế giới. Số tiền taliban thu được ước tính vào khoảng  900 triệu USD

Tuy nhiên, đến tháng 7-2000, một trận hạn hán kéo dài đã tàn phá phần lớn diện tích trồng cây thuốc phiện, đồng thời xảy ra một nạn đói khủng khiếp. Để tồn tại, Taliban đột ngột ra lệnh cấm trồng cây thuốc phiện đồng thời kêu gọi sự công nhận của cộng đồng quốc tế về lệnh cấm này. Các khảo sát do UNODC tiến hành ở 10.030 ngôi làng chuyên trồng cây thuốc phiện tại Afghanistan cho thấy lệnh cấm đã làm giảm 94% sản lượng thu hoạch thuốc phiện.

Sau lệnh cấm, nền nông nghiệp Afghanistan coi như sụp đổ vì cây thuốc phiện được xem là loại cây trồng chủ lực, làm mất thu nhập của khoảng 3,3 triệu người, tương đương 15% dân số Afghanistan. Nó cũng khiến Taliban chịu nhiều thiệt hại do thất thu thuế đánh vào các diện tích trồng cây thuốc phiện, vào thuốc phiện sống, vào các lò chế biến heroin và xuất khẩu heroin nhưng những người cầm đầu Taliban đã có một chiến lược khác, có thể gọi là "lùi 1 bước để tiến 3 bước"...

Gần cuối năm 2000, Taliban cử một phái đoàn đến trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York, Mỹ, để công bố về việc cấm trồng cây thuốc phiện. Đổi lại, Liên Hiệp Quốc phải công nhận Taliban là một chính phủ hợp hiến. Kết quả của sự "mặc cả" ấy là một mặt, Liên Hiệp Quốc áp dụng một số chế tài với Taliban vì đã dung dưỡng tổ chức khủng bố Al-Qaeda và ông trùm Osama bin Laden nhưng mặt khác, một khoản viện trợ nhân đạo 43 triệu USD cho Afghanistan lại được Liên Hiệp Quốc chấp thuận.

Một cảnh sát Afghanistan đếm những túi thuốc phiện sống trong một ngôi nhà ở làng Khogyani.

Và thế là cây thuốc phiện ở Afghanistan có cơ hội hồi sinh, kể cả khi người Mỹ đã đánh bại Taliban. Ngay sau khi đất nước Aghanistan giải phóng, Chính phủ Mỹ đã ý thức được sự sống còn của các tổ chức khủng bố ở Afghanistan - trong đó ngoài Taliban thì còn có Al-Qaeda, và sau này là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), chủ yếu dựa vào cây thuốc phiện nên vì vậy, từ giữa năm 2001 đến nay, 8,6 tỷ USD đã được Mỹ chi cho cuộc chiến chống ma tuý ở quốc gia này bởi lẽ 90% lượng cocain tiêu thụ ở Mỹ và các nước phương Tây có xuất xứ từ Mexico, Colombia nhưng 90% heroin bán ở Mỹ, Canada lại có nguồn gốc từ Afghanistan.

Để đẩy mạnh cuộc chiến chống cây thuốc phiện tại Afghanistan, các đặc vụ thuộc Cục Phòng chống ma túy Mỹ (DEA) đã áp dụng nhiều biện pháp, kể cả việc trấn áp nông dân bằng bạo lực như họ từng áp dụng với những người trồng cây coca bất hợp pháp ở Colombia. 

Bên cạnh đó, CIA còn ký hợp đồng với các nhà thầu tư nhân Mỹ nhằm đào tạo những đội công tác đặc biệt người Afghanistan mà mục đích chính chỉ là  triệt hạ cây thuốc phiện. Tuy nhiên, Đại sứ Mỹ tại Afghanistan là Zalmay Khalilzad - cũng như ông Ashraf Ghani Ahmadzai (từ năm 2014 là tổng thống Afghanistan) đã lên tiếng phản đối hình thức này. 

Cả ông Khalilzad lẫn ông Ahmadzai đều cảnh báo rằng việc hủy bỏ cây thuốc phiện một cách triệt để ngay lập tức sẽ dẫn đến hệ quả là tình trạng nghèo đói sẽ lan rộng khắp đất nước Afghanistan nếu không có 20 tỷ USD viện trợ nhằm tạo ra nguồn kinh tế thay thế.

Tương lai mờ mịt

Và mặc dù người Mỹ cùng các đồng minh như Anh, Đức, Đan Mạch…, đã huy động một bộ máy quân sự khổng lồ nhằm tiêu diệt các tổ chức khủng bố cực đoan Taliban, Al Qaeda, IS, ở Afghanistan và đã thu được nhiều thắng lợi quan trọng; và tính đến cuối năm 2017, Chính phủ Afghanistan đã kiểm soát 87% lãnh thổ và 9/10 dân số nhưng cuộc chiến chống ma túy xem ra lại đi theo hướng ngược chiều. 

Ông John Sopko, thanh tra đặc biệt của Chính phủ Mỹ ở Afghanistan giải thích: "Từ năm 2001 đến nay, mặc dù đã chi hàng tỉ USD cho các hoạt động bài trừ ma túy nhưng theo những số liệu mà chúng tôi thu thập được, việc trồng cây thuốc phiện và sản xuất heroin vẫn gia tăng. Điều ấy đồng nghĩa với nguồn ngân sách của Taliban, Al-Qaeda và IS cũng tăng theo…". 

Một đặc vụ ngầm người Afghanistan làm việc cho Cục Phòng chống ma túy Mỹ (DEA), bí danh Malik nói với tờ New York Times: "Taliban quản lý một cách có hệ thống các nông trại trồng cây thuốc phiện. Họ thu thuế đất 5% tính trên tổng diện tích, 10% trên sản lượng thuốc phiện sống. Với các lò chế biến heroin, họ thu 20% - bao gồm cả việc bảo đảm an ninh cho các lò này hoạt động. Riêng việc xuất khẩu heroin, Taliban thu thêm 5% nữa…". 

Như vậy, nếu giá khởi điểm của 1kg heroin tinh chất trên đường vận chuyển đến biên giới Pakistan là 1.000USD thì Taliban kiếm được 400USD. Theo ước tính của các chuyên gia, trong cả năm 2017, tiền thu thuế từ cây thuốc phiện và các sản phẩm của nó đã giúp Taliban kiếm được khoảng 326 triệu USD, đủ để trả lương cho các chiến binh, mua vũ khí và tuyển mộ thêm các tay súng - chủ yếu là  thanh thiếu niên từ những ngôi làng nghèo khó.

Hơn 17 năm qua, Mỹ đã triển khai trên 100.000 quân đến Afghanistan, tiêu tốn hơn 1.000 tỉ USD cho các hoạt động quân sự và hơn 100 tỉ USD để phục hồi nền kinh tế Afghanistan - trong đó bao gồm cả việc đào tạo lực lượng quân sự Afghanistan với 350.000 người và xóa bỏ cây thuốc phiên. 

2.300 quân nhân Mỹ đã chết và hơn 4.000 người bị thương nhưng theo các chuyên gia, chừng nào mà cây thuốc phiện vẫn còn được nhiều nông dân Afghanistan xem là loại cây "xóa đói giảm nghèo" thì chừng đó, cuộc chiến chống khủng bố vẫn loay hoay với bài toán thuốc phiện.

Vũ Cao (theo Global Witness)
.
.