Chương trình tàn sát người khuyết tật của Đức Quốc xã

Thứ Hai, 23/12/2019, 10:42
Cả trước và trong thời kỳ Holocaust (tàn sát người Do Thái), chính quyền Đức Quốc xã thực hiện một chương trình giết người hàng loạt nhưng ít được biết đến nhằm vào một số người dễ bị tổn thương nhất - đó là những người khuyết tật. Và, đây là câu chuyện bên trong Aktion T4 - chương trình "trợ tử" (euthanasia) tàn ác của Đức Quốc xã sát hại 300.000 người khuyết tật.

Bắt đầu như một chương trình trợ tử nhằm mục đích "loại bỏ" trẻ sơ sinh và trẻ em khuyết tật được coi là "không hội đủ tiêu chuẩn để sống" và sau đó mở rộng đến đối tượng người lớn và người già khuyết tật, năm 1941, chương trình vô nhân đạo này kết thúc trong bối cảnh diễn ra hàng loạt cuộc biểu tình tại nhiều khu vực của xã hội Đức lúc bấy giờ. 

Điều đáng sợ nhất là chương trình "trợ tử" mở đường cho Đức Quốc xã lập ra các phương pháp để thực hiện cuộc tàn sát hàng loạt người Do Thái gọi là Holocaust.

Chương trình Aktion T4 ra đời từ một lá thư kỳ lạ

Trong cuốn "Mein Kampf" (Con đường đấu tranh của tôi), Adolf Hitler đề cập đến khái niệm của Đức Quốc xã về "thanh lọc chủng tộc" và cho rằng chỉ những đứa trẻ khỏe mạnh mới đủ tiêu chuẩn tham gia lực lượng lao động, nghĩa vụ quân sự… 

Thuyết tộc thượng đẳng Aryan vốn là một trong những học thuyết quan trọng của Hitler. Trong thuyết Aryan, Hitler muốn cải tạo và thanh lọc dân Đức trở thành một chủng tộc hoàn hảo và trong sạch nhất với các thuộc tính như: mắt xanh, tóc vàng, vóc người cao lớn, sức khỏe mạnh, tuyệt đối trung thành với nước Đức và hiếu chiến. 

Để đạt được điều này thì việc tiên quyết là trục xuất hết tất cả dân Do Thái và người Gypsy (dân tộc du mục) khỏi nước Đức.

Ảnh chụp một số cậu bé mắc Hội chứng Down bị giam giữ tại nhà điều dưỡng Heilanstalt Schonbrunn gần trại tập trung Dachau vào ngày 16-2-1934. Những đứa trẻ như thế này sẽ sớm trở thành nạn nhân của chương trình trợ tử Aktion T4.

Sau khi chiếm Ba Lan thì từ "trục xuất" đổi thành kế hoạch "tiêu diệt" hết dân Do Thái - nói cách khác là chương trình diệt chủng người Do Thái gọi là Holocaust. Ngoài ra, kế hoạch việc thanh tẩy nội bộ cũng cần được tiến hành. Đối với Đức Quốc xã, thanh tẩy nội bộ nghĩa là những người Đức mang trong mình những bệnh tật như tàn tật, các bệnh thần kinh, bệnh di truyền và thậm chí là lệch lạc giới tính (gay, lesbian) đều cần phải bị giết để những gen lặn, gen xấu không có cơ hội phát triển. 

Và ngay khi lên nắm quyền vào năm 1933, phát xít Đức đã thực thi luật bắt buộc triệt sản đối với người khuyết tật về thể chất và tinh thần. Hầu hết các nạn nhân bị bắt buộc triệt sản sau khi trải qua cuộc xét nghiệm chẩn đoán mơ hồ về bệnh suy nhược cơ thể. Trong khi đó những người mù, điếc, động kinh và nghiện rượu cũng bị gửi đi triệt sản. Nói chung, Đức quốc xã đã triệt sản khoảng 400.000 người. Khi chiến tranh nổ ra vào năm 1939, kế hoạch của Đức Quốc xã đối với người khuyết tật càng trở nên đen tối hơn.

Đầu năm 1939, một lá thư kỳ lạ được gửi đến văn phòng Thủ tướng Đảng Quốc xã từ một người đàn ông Đức tuyệt đối trung thành với đảng Quốc xã tên là Richard Kretschmar. Anh ta cố gắng liên lạc trực tiếp với Hitler với hy vọng được cho phép thực hiện "trợ tử" một cách hợp pháp đối với đứa con trai của mình là Gerhard. 

Đứa bé vừa mới chào đời vài tháng trước đó với những khuyết tật về thể chất và tinh thần nghiêm trọng bao gồm mất chân tay, mù lòa và co giật. Nói tóm lại, Kretschmar đề nghị Hitler cho phép loại bỏ khỏi cuộc sống một cách hợp pháp "quái vật" này.

Sau đó, Hitler giao cho bác sĩ riêng của mình là Karl Brandt trách nhiệm xem xét vụ việc. Sau khi kiểm tra, Brandt kết luận những gì mà Kretschmar nói là chính xác và dĩ nhiên đứa bé "không có hy vọng cải thiện". Cuối cùng, đứa bé Gerhard bị giết chết bằng cách tiêm thuốc độc vào ngày 25-7-1939. Giấy chứng tử cho biết nguyên nhân cái chết là do "yếu tim". Kể từ đó, Hitler lập tức đưa ra một kế hoạch giết chết hàng loạt những người bị chẩn đoán là khuyết tật về thể chất và tinh thần ở Đức. 

Trong vòng ba tuần sau khi Gerhard Kretschmar bị giết chết, một bộ máy quan liêu hoàn toàn bắt đầu hình thành để cấp giấy tờ cho các bác sĩ và nữ hộ sinh trên khắp nước Đức. Tiếp đến, Hitler ký quyết định thành lập tổ chức quái quỷ gọi là "Ủy ban Quốc xã về Đăng ký khoa học về bệnh di truyền và bệnh bẩm sinh" nằm dưới sự chỉ đạo của Karl Brandt và Chánh Văn phòng Thủ tướng Quốc xã Philipp Bouhler, cùng với những người khác.

Ngay sau đó, những người này tiến hành xây dựng một hệ thống giết người. Sau mỗi ca sinh nở của sản phụ, một quan chức Quốc xã sẽ phải điền vào một mẫu bao gồm một phần để mô tả các khiếm khuyết về thể chất hoặc quan sát khác mà đứa trẻ có thể mắc phải. 

Một tổ đặc biệt gồm 3 bác sĩ Quốc xã sau đó sẽ xem xét các mẫu đơn - mà không có ai trong số họ thực sự tự kiểm tra bệnh nhân - rồi đánh dấu thập nếu họ cho rằng đứa trẻ nên bị giết chết theo chương trình "trợ tử"! Hai trong số ba dấu thập là đủ để đảm bảo việc đưa đứa trẻ ra khỏi căn nhà gia đình một cách hợp pháp dưới vỏ bọc giúp chăm sóc y tế nhưng sự thật là sau đó giết chết chúng.

Karl Brandt, người đầu tiên thực hiện Aktion T4 và Philipp Bouhler, người đứng đầu Aktion T4.

Hàng trăm trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị đưa ra khỏi căn nhà gia đình và các cơ sở chăm sóc sức khỏe trên khắp nước Đức để chuyển đến 1 trong 6 bệnh viện tâm thần: Bernburg, Brandenburg, Grafeneck, Hadamar, Hartheim và Sonnenstein. Nhìn từ bên ngoài thì việc đưa những đứa trẻ đến những nơi này không có gì là bất thường. 

Nhưng, những bệnh nhân nhi mắc các bệnh như: đần độn, bệnh Down, mù bẩm sinh, điếc bẩm sinh, bệnh nhỏ đầu (microephaly), não úng thủy, dị tật chân tay, bại liệt, kinh phong… đều bị giết bằng cách tiêm thuốc độc (phenol). Tuy nhiên, đôi khi, phương thức giết chết trẻ em lại không hề nhẹ nhàng và "êm ái" như thế.

Ví dụ như một bác sĩ tên là Hermann Pfannmüller thực hiện một phương pháp cực kỳ tàn độc là dần dần bỏ đói những đứa trẻ cho đến chết vì kiệt sức. Theo hắn ta, đó là một cách giúp trẻ nhỏ ra đi một cách "tự nhiên và yên bình" hơn là tiêm hóa chất làm tim ngừng đập. 

Năm 1940, khi cơ sở của Hermann Pfannmuller ở đất nước Ba Lan bị chiếm đóng được các thành viên của giới báo chí Đức đến thăm, hắn nhẫn tâm nhấc bổng một đứa trẻ đang bị bỏ đói lên trên đầu mà tuyên bố: "Đứa bé này sẽ chỉ sống thêm 2 hoặc 3 ngày nữa thôi! Một thành viên đoàn báo chí trong chuyến viếng thăm đó về sau nhớ lại: "Hình ảnh người đàn ông mập mạp, cười toe toét, nhấc bổng bộ xương thút thít trong bàn tay đầy thịt và xung quanh là những đứa trẻ đói khát khác, như vẫn còn hiện rõ trước mắt tôi".

Cũng trong chuyến thăm này, Pfannmüller lên tiếng phàn nàn về những tin tức xấu xa "từ những người kích động nước ngoài và một số quý ông từ Thụy Sĩ" - hàm ý là Hội Chữ thập đỏ, tổ chức cố gắng kiểm tra bệnh viện của "bác sĩ" trong gần một năm tại thời điểm đó.

Sau những ngày đầu tiên của chương trình, Aktion T4 mở rộng phạm vi hơn nữa hướng đến đối tượng trẻ em lớn hơn và người lớn bị khuyết tật không thể tự chăm sóc bản thân. Dần dần, tấm lưới bẫy người khuyết tật ngày càng rộng hơn và các phương thức giết người cũng trở nên tàn độc hơn. Cuối cùng, các nạn nhân được gửi trực tiếp đến một trung tâm giết người để "điều trị đặc biệt", mà lúc đó thường liên quan đến các buồng chứa khí carbon monoxide được ngụy trang dưới dạng vòi hoa sen. 

Người phát minh ra "bồn tắm và khử trùng" này chính là Bouhler, cho rằng đây là phương tiện để giữ cho các nạn nhân im lặng cho đến khi biết mình sắp bị giết chết thì đã… quá muộn. Các sĩ quan Quốc xã cấp cao đặc biệt chú ý đến phương pháp giết người hiệu quả này và sau đó đưa nó vào sử dụng rộng rãi hơn.

Sự phản kháng quyết liệt

Đảng Quốc xã luôn có mối quan hệ không thuận hòa với cộng đồng tôn giáo nước Đức. Dĩ nhiên sẽ là sai lầm khi nói rằng họ mãi mãi bất hòa, nhưng nhà thờ đại diện cho một hệ thống quyền lực riêng biệt và phần lớn độc lập trong trung tâm của những gì nhanh chóng trở thành một chế độ độc tài. 

Ngay từ sớm, sự phản kháng của Công giáo đối với Đức Quốc xã đã dẫn đến quyết định trao quyền giáo dục trẻ em Đức tại các quốc gia Công giáo cho Giáo hội, trong khi các giáo phái Tin lành dần dần làm hòa với Hitler.

Bác sĩ Hermann Pfannmuller trong phiên tòa xét xử tội ác trợ tử ở Munich, năm  1949.

Năm 1940, chương trình Aktion T4 bị phát hiện. Những tiết lộ về những gì đang diễn ra trong các trung tâm giết người bắt đầu được lan truyền. Gia đình của các nạn nhân đều có trải nghiệm gần như giống hệt nhau: con của họ hoặc người lớn bị khuyết tật được một dịch vụ từ thiện chở đi đâu đó. 

Cuối cùng, gia đình sẽ nhận được một vài lá thư nếu bệnh nhân có thể viết được, và sau đó có một thông báo rằng người thân của họ đã chết do bệnh sởi nên phải được hỏa táng như một biện pháp phòng ngừa lây lan! 

Không một cuộc điều tra nào được tiến hành và cũng không có chuyến thăm nào được phép diễn ra. Điều không thể tránh khỏi là một số gia đình cuối cùng sẽ nghe câu chuyện tương tự từ những người khác và đặc biệt là sự việc xảy ra giống nhau trong tất cả 6 bệnh viện tâm thần của chính quyền Quốc xã.

Khi người dân trở nên sáng suốt hơn, giới lãnh đạo nhà thờ bắt đầu lãnh đạo cuộc phản kháng quyết liệt với chương trình Aktion T4 bằng cách nâng cao nhận thức, lên tiếng và thậm chí phát tờ rơi khiến nhiều người Đức chú ý lần đầu tiên. Báo chí nước ngoài thậm chí còn gay gắt hơn về chương trình Aktion T4.

Sau khi cuốn sách "Nhật ký Berlin" của nhà báo Mỹ William L. Shirer mô tả chương trình Aktion T4 xuất bản năm 1941, các nhà báo Mỹ và Anh khác đã làm những gì họ có thể để đưa vụ việc ra ánh sáng.

Kết thúc chương trình Aktion T4

Cuối cùng, để xoa dịu sự phản kháng ngày càng tăng, Hitler đồng ý kết thúc chương trình vào tháng 8-1941, sau khi khoảng 300.000 người đã bị sát hại. Hầu như tất cả các nạn nhân là người Đức hoặc người Áo, và gần một nửa trong số đó là trẻ em. 

Nhưng ngay cả sau khi ngừng các vụ giết người khuyết tật hàng loạt vào năm 1941, Đức Quốc xã vẫn tiếp tục tiến hành chương trình thảm sát quy mô hơn gọi là Holocaust mới thành lập. Các ý thức hệ, kỹ thuật, máy móc và nhân sự được sử dụng trong chương trình Aktion T4 đã chứng tỏ là vô giá đối với Đức Quốc xã tại các trại tập trung của chương trình diệt chủng Holocaust.

Theo tư liệu của Bảo tàng và Đài tưởng niệm Holocaust Mỹ: Chương trình "trợ tử" (euthanasia) thực sự là cuộc diễn tập cho các chính sách diệt chủng sau đó của Đức Quốc xã. Cuối cùng, giống như trường hợp của Holocaust, chỉ một số tội phạm phát xít Đức chịu trách nhiệm về chương trình Aktion T4 phải đối mặt với công lý. 

Ngay sau chiến tranh, Philipp Bouhler đã tự sát sau khi bị bắt. Trong khi đó, cùng với phiên tòa được gọi là Phiên tòa các bác sĩ năm 1946-1947, Tòa án quân sự quốc tế kết án tử hình đối với một số bác sĩ Đức Quốc xã vì vai trò của họ trong chương trình Aktion T4 (trong số các tội danh khác), bao gồm cả bác sĩ Karl Brandt.

Tiến sĩ Pfannmuller cuối cùng bị buộc tội vì vai trò của hắn ta trong hàng loạt vụ giết người vào năm 1951 nhưng chỉ bị kết án 5 năm tù giam. Sau đó, Pfannmuller đã kháng cáo thành công để giảm xuống còn 4 năm. Pfannmuller được thả ra vào năm 1955 và chết lặng lẽ tại nhà riêng ở Munich năm 1961. Ngày nay, một đài tưởng niệm được dựng lên gần địa điểm cũ của trụ sở chương trình Aktion T4 tại Berlin, nơi các quan chức Đức Quốc xã đã tổ chức một vụ giết người hàng loạt.

Duy Minh (tổng hợp)
.
.