Bí mật kế hoạch “Ông Trùm” (tiếp theo và hết)

Thứ Hai, 28/09/2015, 15:00
Fred Dick gửi báo cáo về Trung tâm Bài trừ Ma túy Đông Nam Á của Mỹ tại Thái Lan. So sánh với những tài liệu thu thập được của các bộ phận từ Đông Nam Á, Trung tâm Bài trừ Ma túy Đông Nam Á xác nhận, có một đường dây vận chuyển ma túy lớn được đưa từ vùng Tam Giác Vàng vào nước Mỹ bởi một nhân vật mafia quốc tế Và Việt Nam là điểm trung chuyển chặng cuối của đường dây này.
>> Bí mật kế hoạch “Ông Trùm” (kỳ 1)

Căn cứ vào những dữ liệu đó, Trung tâm Bài trừ Ma túy Đông Nam Á soạn thảo một chiến dịch tấn công tổng lực để chặt đứt đường dây vận chuyển ma túy quốc tế này. Đó chính là kế hoạch “Ông Trùm”.

Thời điểm đó, Ủy ban Bài trừ Ma túy Mỹ cắt cử đại tá William Wanzeck chỉ huy hệ thống Bài trừ Ma túy Đông Nam Á bay thẳng sang Thái Lan.

Ông Huỳnh Bá Thành, tức họa sĩ Ớt (thứ hai từ phải sang) và đồng chí Mai Chí Thọ. Ảnh tư liệu.

Tại đây, William Wanzeck tiếp xúc với đại tá Pramual Vangibandhu - Chỉ huy trưởng Cục Ma túy Trung ương Thái Lan đề nghị tham gia chiến dịch "Mr Big". Đại tá Pramual Vangibandhu đồng ý tham gia và cắt cử 2 sĩ quan tình báo trực tiếp phá án: 1 sĩ quan xâm nhập hẳn vào đường đây hải vận trung chuyển ma túy tại Thái Lan với vai trò là tài công (lái tàu). Viên sĩ quan kia có nhiệm vụ liên lạc, tiếp nhận thông tin và hỗ trợ khẩn cấp cho đồng đội khi cần thiết.

Vài tháng sau, 2 viên sĩ quan này đã vẽ được sơ đồ ma túy xâm nhập từ Thái Lan sang Việt Nam bằng hải vận.

Đường thứ nhất: Tại vùng Tam Giác Vàng ở Lào, ma túy được giấu trong những kiện hàng đưa lên tàu theo đường sông chở thẳng về Phnôm Pênh bàn giao cho Hải quân VNCH. Sau khi tiếp nhận, Hải quân VNCH hóa trang những gói ma túy thành những kiện hàng thực phẩm rồi dùng tàu quân sự theo đường sông chở thẳng vào Việt Nam qua cửa khẩu Tân Châu (nay là Châu Đốc), xuôi về Long Xuyên rồi tiến thẳng vào Sài Gòn. Tuy nhiên, tuyến thủy vận ma túy này kết thúc sau khi chiến dịch xâm nhập Campuchia của quân Mỹ và VNCH kết thúc vào đầu tháng 7/1970.

Đường thứ hai: Từ Tam Giác Vàng, ma túy được đóng gói nguyên kiện đưa xuống hầm muối hải sản trên những chiếc tàu đánh cá xa bờ loại 200 mã lực chở thẳng ra bãi tàu đánh cá ở Pattaya thuộc vịnh Thái Lan, cách Bangkok 149km về hướng “5 giờ”. Từ Pattaya, các tàu đánh cá chở ma túy đến thẳng hòn đảo Củ Tron thuộc quần đảo Phú Quốc.

Tại đây, một chiếc tàu chiến hải quân VNCH do đại úy Tăng Hải sẽ cặp mạn tàu Thái Lan để chuyển nhận ma túy. Những kiện ma túy được Tăng Hải cho thuộc hạ chất công khai trên boong tàu chiến rồi quay mũi về hướng Rạch Giá.

Chiếc tàu chiến sẽ cất giấu ma túy tại một bãi rừng chồi hoang ven biển Rạch Giá về hướng chính Nam, cạnh cửa sông Cái Lớn. Một nhóm công nhân sẽ được bí mật chở đến thực hiện công đoạn nhét ma túy vào những quả dừa khô rồi đưa lên những chiếc ghe tam bản (một loại tàu vận tải đường sông).

Những chiếc ghe tam bản chở "dừa khô" sẽ được tàu chiến hải quân áp tải đi theo đường sông, xâm nhập vào bến tàu Kinh Tàu Hủ, Chợ Lớn (nay là quận 5, TP HCM). Những quả "dừa khô" được công nhân bốc lên những chiếc xe tải chở thẳng đến kho chứa hàng của hãng sản xuất đồ nhựa gia dụng do ông Trần Minh làm chủ.

Trong báo cáo của mình, 2 viên sĩ quan điệp viên người Thái Lan nằm nội tuyến trong đường dây ma túy “Ông Trùm” khẳng định, tuyến trung chuyển ma túy Nam Việt Nam đã được Đặng Văn Quang - Cố vấn an ninh Phủ Tổng thống - và Tư lệnh Hải quân Vùng 4 Chiến thuật bảo kê. Họ còn cho biết căn cứ hải quân của VNCH gồm Rạch Sỏi, Long Xuyên và Tân Châu đều trở thành lực lượng yểm trợ đặc biệt cho các ghe, tàu trong đường dây của “Ông Trùm”.

Sau khi nhận được báo cáo và sơ đồ tuyến thủy vận ma túy từ 2 điệp viên xâm nhập, William Wanzeck bay thẳng đến Sài Gòn tiếp xúc bí mật với LKH là sĩ quan đặc trách Bài trừ Ma túy VNCH. Yêu cầu đầu tiên và khẩn thiết của William Wanzeck dành cho LKH là: Tuyệt đối giữ bí mật chiến dịch tấn công đường dây trung chuyển ma túy của "Mr Big" tại Nam Việt Nam đối với tất cả các thành viên "Ủy ban Bài trừ Ma túy VNCH". LKH đồng ý.

Kế hoạch tấn công được William Wanzeck và LKH lên kế hoạch chi tiết. Theo đó, vào ngày giờ ấn định sẵn, LKH dùng tư cách sĩ quan đặc trách Bài trừ Ma túy yêu cầu lực lượng cảnh sát dã chiến khu vực quận 6 mai phục bắt quả tang chiếc ghe tam bản chở "dừa khô" và đoàn tàu chiến đang chuyển "hàng" vào kho chứa hàng của Hãng nhựa Trần Minh. Việc bắt quả tang bất ngờ như thế sẽ vô hiệu hóa quyền lực của Chủ tịch Ủy ban Bài trừ Ma túy quốc gia Đặng Văn Quang và vây cánh của y trong lực lượng hải quân.

Cụm Điệp báo A10 họp mặt truyền thống ngày 30/4/2015.

Bất ngờ kế hoạch phải dừng lại do William Wanzeck nhận được báo cáo mới của 2 điệp viên đang nằm trong đường dây trung chuyển ma túy Thái Lan. Báo cáo này cho biết, "Ông Trùm" tại Thái Lan đang nghi ngờ đại úy Tăng Hải "ăn gian" ma túy.

Báo cáo cho biết: Đầu tháng 7/1971, đại úy Tăng Hải - chỉ huy chiến đoàn Tiền doanh Yểm trợ Rạch Sỏi nhận vận chuyển một chuyến ma túy từ hòn Củ Tron đưa về Rạch Giá. Do tham lam, Tăng Hải không đưa ma túy đến Rạch Giá mà cho các tàu chiến chuyển hướng về cánh rừng hoang ở Bãi Sao, Phú Quốc ẩn nấp. Sau đó, Tăng Hải báo cáo với Trần Minh là chuyến hàng đã bị lực lượng Bài trừ Ma túy Hải quân phát hiện, câu lưu tại Phú Quốc. Tăng Hải đề nghị Trần Minh phải chi 25.000 USD để Tăng Hải hối lộ với người chỉ huy cuộc truy quét. Nhận tiền xong, Tăng Hải cho đoàn tàu chiến chở ma túy ung dung vào bãi Rạch Giá hóa trang thành dừa khô đưa lên đoàn ghe tam bản.

Không ngờ, khi đang bốc xếp "dừa khô" thì một toán lính thuộc Giang đoàn 71, Liên đoàn 1 Thủy quân Lục chiến đóng quân tại cửa sông Cái Lớn, Rạch Giá phát hiện. Toán lính này dùng súng uy hiếp và cướp trắng hàng chục kilôgam "dừa khô".

Trần Minh báo cáo với ông trùm Bangkok về 2 vụ "xui xẻo". Ông trùm Bangkok quyết định tạm dừng chuyển ma túy vào Việt Nam bằng đường biển, đồng thời yêu cầu Trần Minh và Tăng Hải chuyển tạm số ma túy ở kho chứa sông Cái Lớn về một cánh rừng chồi ở Rạch Sỏi.

Căn cứ vào báo cáo của 2 điệp viên, William Wanzeck quyết định vẫn tiếp tục thực hiện chiến dịch vì tang vật vẫn còn ở Rạch Sỏi. Đại tá Pramual Vangibandhu - Chỉ huy trưởng Cơ quan Bài trừ Ma túy Thái Lan bay đến Sài Gòn để cùng thực hiện chiến dịch “Ông Trùm”.

9 giờ 30 phút ngày 25/7/1971, một tiểu đoàn cảnh sát dã chiến bất ngờ đột kích vào kho hàng của Hãng nhựa thu giữ 400kg á phiện và 60kg tinh chất ma túy mang nhãn hiệu "Song tử hý cầu" tức Double U 0 Globe. Trần Minh bị còng tay tại văn phòng làm việc.

Cùng thời điểm đó, William Wanzeck, Fred Dick, Pramual Vangibandhu và LKH đi trực thăng đến Rạch Giá. Nhóm đánh án đã nhờ một tiểu đội cảnh sát dã chiến Tiểu khu Rạch Giá hỗ trợ.

Chờ cho Tăng Hải rời khỏi nhà, một mình LKH vào gặp vợ của Tăng Hải. LKH vào vai của Trần Minh để khai thác thông tin từ vợ của Tăng Hải. LKH giả vờ trách Tăng Hải đã "ăn gian" một số ma túy.

Không đề phòng, vợ Tăng Hải "khai" thành thật mọi hoạt động vận chuyển ma túy của chồng. Khi đã ghi âm mọi "lời khai" của vợ Tăng Hải, LKH tiếp tục đến một nhà hàng ven biển Rạch Sỏi để gặp Tăng Hải. Lúc này, Tăng Hải đang nhậu cùng với hơn 20 sĩ quan hải quân khác. LKH đã dùng kế "điệu hổ ly sơn" mời Tăng Hải rời khỏi tiệc nhậu để bắt.

LKH phải bịa rằng, Trần Minh muốn gặp Tăng Hải ở bên ngoài cửa nhà hàng để hỏi cho ra lẽ về "những chuyến hàng xui xẻo". Tăng Hải vừa bước ra khỏi nhà hàng đã bị cảnh sát dã chiến trói gô lại ném lên xe bít bùng.

Nhóm sĩ quan hải quân thấy Tăng Hải bị cảnh sát bắt đã xách súng ào ra toan giải vây. Thấy tình hình bất lợi, LKH và bộ ba William Wanzeck, Fred Dick và Pramual Vangibandhu cùng đám cảnh sát dã chiến chở Tăng Hải đào tẩu nhanh. Nhóm sĩ quan hải quân vẫn kiên quyết đuổi theo giải cứu đồng bọn.

Bị đám sĩ quan hải quân bắn đuổi theo xối xả, nhóm Bài trừ Ma túy quốc tế chở Tăng Hải chui đại vào một nhà dân ven đường cố thủ. Nhóm sĩ quan hải quân lăm lăm súng bao vây ngôi nhà.

Nhóm cảnh sát dã chiến phải mượn điện thoại bàn của chủ nhà để cầu viện. Nhận được lời cầu viện, Tiểu đoàn Cảnh sát dã chiến Rạch Giá được điều đến bằng hàng chục chiếc vận tải bộ binh bao vây lấy toàn bộ khu vực.

Thấy tình hình không ổn, toán sĩ quan hải quân vừa bắn hù dọa vừa rút khỏi khu vực. Vẫn không yên tâm, LKH và nhóm Bài trừ Ma túy quốc tế nhờ Tiểu đoàn Cảnh sát dã chiến hộ tống ra sân bay để đi Phú Quốc. William Wanzeck phải dùng "sự vụ lệnh đặc biệt" để trưng dụng phòng giam của nhà tù Phú Quốc.

Sau một đêm "ăn" đủ các kiểu tra tấn, Trần Minh khai tuốt tuột tất cả.

Tại Bãi Sao thuộc Phú Quốc, nhóm Bài trừ Ma túy khai quật được 112kg thuốc phiện thô và 3,9kg ma túy tinh chất có logo "Song tử hý cầu". Tại cửa sông Cái Lớn, nhóm Bài trừ Ma túy khai quật được 35kg ma túy thô và gần 33kg ma túy tinh chất "Song tử hý cầu". Tại chiếc hầm bí mật trong khuôn viên nhà Tăng Hải, nhóm Bài trừ Ma túy thu được 88kg ma túy thô và 7kg "Song tử hý cầu".

Trong khi William Wanzeck chờ đợi ý kiến từ Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn thì đại tá Pramual Vangibandhu hồ hởi thông báo kết quả cho Tư lệnh Cảnh sát Thái Lan là Nitya Bhanumas. Vị tướng này lập tức tổ chức họp báo công bố chiến công vào ngày 29/7/1971. Đến lúc đó, Nguyễn Văn Thiệu và Đặng Văn Quang mới biết tin về chiến dịch “Ông Trùm” thông qua báo chí Thái Lan.

Ngay trong ngày 30/7/1971, Nguyễn Văn Thiệu ban hành một chỉ thị kiểm tra nghiêm ngặt và thu hồi toàn bộ các ấn phẩm báo chí nước ngoài có đưa tin về vụ ma túy “Ông Trùm”. Đồng thời, Đặng Văn Quang lệnh cho Việt Tấn xã liên tục loan tin cải chính. Thời điểm đó, Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn đang "dụ ngọt" Nguyễn Văn Thiệu ngồi vào bàn đàm phán Paris nên chấp nhận ém nhẹm vụ án đồng thời yêu cầu William Wanzeck "im lặng rút về Mỹ". Nhiều phóng viên phát hiện vụ hải quân và cảnh sát dã chiến tại Rạch Sỏi đấu súng nhưng không biết đó là vụ ma túy động trời. 

Trần Minh - một Mạnh thường quân tài chính của Nguyễn Văn Thiệu bị bắt và mất tích. Đại úy Tăng Hải ra tòa án binh xét xử bí mật và nhận án tù 5 năm. Năm 1974, Tăng Hải được ân xá trả tự do trước hạn. Trên đường từ nhà tù trở về nhà, Tăng Hải bị một chiếc xe du lịch cán chết một cách bí ẩn.

LKH không được khen thưởng mà còn bị điều chuyển về một trường huấn luyện sĩ quan cho đến ngày 30/4/1975.

Mãi đến đầu năm 1974, họa sĩ Ớt, tức Huỳnh Bá Thành - Cụm phó Cụm Điệp báo A10 (sau này là Tổng Biên tập Báo Công an TP HCM) mới thu được toàn bộ hồ sơ về chiến dịch “Ông Trùm”. Thời điểm đó, họa sĩ Ớt được ông Mười Hương - Trưởng ban An ninh T4 - giao nhiệm vụ tấn công chính trị trực diện vào chính phủ Nguyễn Văn Thiệu với khẩu hiệu “Đấu tranh dân sinh dân chủ vạch mặt tội ác Mỹ -  ngụy".

Sau 3 năm bị ém nhẹm, hồ sơ vụ án ma túy được các phóng viên thi nhau tung hê lên mặt báo.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy - Giám đốc Trung tâm Cai nghiện ma túy Thanh Đa, nguyên Cụm phó Cụm Điệp báo A10, khẳng định: "Với vai trò Giám đốc kỹ thuật, kiêm Thư ký tòa soạn báo Điện Tín, họa sĩ Ớt đã tác động lực lượng báo chí tẩy chay Nguyễn Văn Thiệu và Trần Văn Hương, tạo điều kiện cho ông Dương Văn Minh lên làm Tổng thống VNCH.

Nông Huyền Sơn
.
.