Tướng Phạm Phú Thái, hiện thân về một thế hệ phi công huyền thoại

Cả đời hiến dâng sức trẻ và trí tuệ cho Không quân Nhân dân Việt Nam (kỳ cuối)

Thứ Tư, 27/07/2016, 19:00
Trong chiến tranh, ông đã xuất kích hơn 200 lần trong hàng chục nhiệm vụ khác nhau. Ông đã gặp địch, tìm địch và đánh hơn hai chục trận, 7 lần nổ súng và trực tiếp bắn rơi 4 chiếc F-4 của Không quân và Hải quân Mỹ. Ông tham gia chiến đấu bảo vệ an toàn tuyến đường giao thông huyết mạch ở Khu 4 cũ, là đoạn khởi đầu của đường 559 - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Ông và các đồng đội đã từng nhiều lần xuất kích để hướng mục tiêu của địch về phía mình, khiến cho kẻ địch mất tập trung vào mục tiêu chúng  cần tìm. Với người lính phi công chiến đấu của chúng ta, họ  không  chỉ làm nhiệm vụ ngắm địch rồi nổ súng. Họ còn phải thật thông minh, tìm mọi cách "vít cổ" máy bay địch, buộc chúng phải hạ độ cao xuống cho lực lượng Phòng không mặt đất nã đạn. Nếu chúng ta không làm vậy thì làm sao Không quân Việt Nam đủ sức chiến đấu với lực lượng quá hùng hậu của Không quân Mỹ?

Trung tướng Phạm Phú Thái, nguyên Phó Tư lệnh thứ nhất Quân chủng PK-KQ.

Ông cũng tham gia yểm hộ trên không cho một số chiến dịch tại Lào và đánh trả Không quân Mỹ bảo vệ miền Bắc năm 1972 trong chiến dịch không kích của địch  mang tên Linebacker- 1...

Khi còn ở cương vị chỉ huy cấp chiến thuật, chiến dịch, các đơn vị mà ông lãnh đạo đều có giờ bay trung bình hàng năm rất cao và đặc biệt không một đơn vị nào do ông chỉ huy lại để xảy ra mất an toàn bay, một việc mà không phải vị chỉ huy Không quân nào cũng làm được.

Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, phi công,  anh  hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND), thuộc lớp đàn anh nhưng cũng đã một thời bay cùng phi đội với ông Phú Thái (ông Ngân nguyên là Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) đã nhận xét: "AHLLVTND Phạm Phú Thái là một phi công tiêm kích dũng cảm, bay giỏi. Đó có thể  được xem là một phi công huyền thoại của Không quân nhân dân Việt Nam”.

Có những chuyện cứ tưởng đùa mà hoá thật với chàng phi công trẻ nhất Đoàn bay Mig-21 khoá 3 ngày ấy. Phạm Phú Thái học xong và tốt nghiệp rồi nhưng hoá ra lại chưa được là đoàn viên Thanh niên Lao động Việt Nam. Lý do cũng đơn giản, lúc ở nhà rồi vào quân đội, anh chưa đủ tuổi kết nạp. Lúc sang Nga một thời gian thì anh lại không dám thắc mắc vì nơi học không có người theo dõi nên xem ra để lọt lưới anh?. Vậy là tổ chức đã nhanh chóng "khắc phục" bằng cách kết nạp Phạm Phú Thái vào Đoàn Thanh niên ngay khi anh vừa bay xong chuyến cuối trong chương trình đào tạo và chuẩn bị làm lễ tốt nghiệp Trường Sỹ quan Không quân Liên Xô để trở về Tổ quốc chiến đấu.

Biên đội (trái qua) Thái - Liêm - Soát - Thư tham gia đánh trận 27-6-1972 bắn rơi 4 chiếc F-4.

Về nước, anh đã được gần gũi và được nhìn tận mắt những thần tượng của mình như Phạm Thanh Ngân, như Trần Hanh, như Nguyễn Văn Cốc và nhiều đàn anh khác... Anh cũng đã lắng nghe và tiếp thu những kinh nghiệm của các thế hệ đi trước để sớm hoàn thiện mình hơn về mọi mặt để trưởng thành qua năm tháng chiến đấu và công tác.

Hôm ra mắt cuốn hồi ký, Trung tướng Trần Hanh, phi công, AHLLVTDN, một trong những vị chỉ huy Không quân thời kì đầu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã từng chỉ huy đánh mở màn "Mặt trận trên không" thắng lợi.

Ông từng giữ những cương vị chủ chốt của Quân chủng Không quân, của Bộ Tổng tham mưu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam thì nhận xét: "Thật không ngờ cuốn Hồi kí đã thể hiện đúng con người Phạm Phú Thái với những tính cách của một người lính phi công mà tôi hay nhắc với anh em, "Hào hoa dưới mặt đất nhưng rất hào hùng ở trên không...". Cuốn “Lính bay" của anh Phú Thái có chất hài hước nhưng rất chân thật và chân thành. Anh đã nói thay được nhiều điều cho các thế hệ phi công của Không quân Việt Nam anh hùng trong chiến tranh chống Mỹ..." - ông nói.

Tuy nhiên, suốt chặng đường binh nghiệp của mình, ông cũng gặp nhiều "vất vả" chỉ vì tính bộc trực , nói gì là cứ thẳng tưng. Chính vì điều này khiến ông tuy là một chỉ huy Không quân cao cấp, rất tài năng và dũng cảm, nhưng rồi vẫn đì đẹt và chậm hơn nhiều người...

Tôi được một người bà con cũng là phi công, AHLLVTND và sau này là cấp Tướng trong Bộ Quốc phòng kể cho nghe rằng: cha của ông Phú Thái và cha của một vị lãnh đạo cao cấp của Đảng (vị này đã từng đảm trách cương vị Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng), là chỗ đồng hương, cùng hoạt động bí mật và là bạn tù chí cốt sống chết có nhau năm xưa nên khi vị Trưởng ban quan trọng ấy nhắn cậu em "đến nhà chơi để anh hỏi thăm tình hình gia đình và công tác của thằng em ra sao ?". Ông Thái từ chối tức thì rồi nhờ nhắn lại: "Em không đến đâu ! Đến chơi rồi có người lại nghĩ em đi xin chức thì sao?".

Câu chuyện này, nghe sao lạ tai đến thế! Nhất là thời buổi ngày nay thì có lẽ càng không thể tin nổi. Nhưng ngày xưa, cán bộ chúng ta cũng có những người như vậy thật đấy!

Phong cách thể hiện cuốn hồi ký nói trên cũng không theo lối trình tự của thời gian xảy ra trong cuộc đời người anh hùng huyền thoại mà theo từng nội dung, từng vấn đề mà tác giả muốn đưa ra.

Đọc nó, người ta còn thấy ở đây rất nhiều nhân vật huyền thoại khác nữa trong lực lượng Không quân Việt Nam đã một thời làm lay động trái tim mỗi người dân yêu nước, yêu chuộng hoà bình về khí phách của những người lính bảo vệ bầu trời của Tổ quốc, họ có thể  hy sinh và luôn ở tư thế sẵn sàng hy sinh, dù bất cứ lúc nào. (Trong lịch sử Không quân Nhân dân Việt Nam, Nhà nước ta đã từng phong và truy phong danh hiệu AHLLVTND cho hơn 40 phi công. Điều đó đã phần nào nói lên tất cả).

Trung tướng Nguyễn Đức Soát, phi công, AHLLVTND, nguyên Tư lệnh Quân chủng PQ-KQ, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND VN, người cùng nhập ngũ và học một khoá (Đoàn bay số 3 Mig- 21 giai đoạn 1965-1968) với tướng Phú Thái đã  nhận xét về đồng đội của mình: "Anh Thái là lính phi công ít tuổi nhất của Đoàn bay số 3 Mig- 21 được nước bạn và Quân chủng tuyển chọn đưa về nước sớm hơn dự định cùng 3 người nữa để tham gia chiến đấu  trong số 33 phi công được đào tạo khoá đó. Thực tế đã cho thấy sự lựa chọn đó là rất đúng và rất trúng...".

Sau nhiều năm trực tiếp chiến đấu và chỉ huy huấn luyện, đào tạo phi công, tôi được biết, tướng Phạm Phú Thái đã được cánh "Lính bay" của nhiều thế hệ suy tôn bằng câu cửa miệng: "Bay như Thái ..." có lẽ không sai!

Như Trung tướng AHLLVTND, phi công Nguyễn Văn Cốc, một nhân vật huyền thoại của Không quân ta, người đã bắn hạ 9 máy bay Mỹ và từng được xem là "phi công chiến đấu thành công nhất thế giới khi sử dụng Mig-21" đã viết: "Đọc hồi ký" "Lính bay" của Trung tướng Phạm Phú Thái, một trong những phi công tài hoa của không quân nhân dân Việt Nam, người đã từng bay và chiến đấu với tôi từ chiến tranh chống Mỹ, tôi thấy thật bất ngờ. Bất ngờ về khả năng lưu giữ sự kiện, bất ngờ về ý tưởng làm sống lại những ký ức của thế hệ phi công Mig- 21 chúng tôi trong chiến tranh bằng những trang viết rất chân thực nhưng cuốn hút như tiểu thuyết! Tôi có cảm tưởng như mình cũng đang bay, đang cầm lái cùng biên đội với phi công Phạm Phú Thái quần nhau với máy bay Mỹ năm nào. Mong rằng cuốn hồi ký sẽ là một trong những tài liệu quý giá giúp các thế hệ phi công trẻ Việt Nam học tập và vận dụng”.

Nhớ lại chuyện xảy ra vô cùng đau xót và tang thương gần đây của lực lượng Không quân Nhân dân Việt Nam trước "thảm hoạ kép", máy bay Su 30 - MK2  luyện tập chiến đấu và bị rơi ngoài biển, rồi sau đó là máy bay tuần thám Casa 212  đi tìm đồng đội lại bị rơi tiếp mà thấy nhói đau tận trong tim. Nỗi đau của những người lính thời bình là thế! Mà nếu còn luyện tập thì vẫn còn có những rủi ro xảy ra. Song việc huấn  luyện chiến đấu thuần thục lại là điều hiển nhiên phải làm.

Trong quân đội ta thường có câu: "Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu!" là vậy. Để hạn chế tổn thất, những kinh nghiệm quý báu của các bậc cha anh họ để lại, nếu được ghi chép, tổng kết tốt, nó sẽ là những tài sản vô cùng quý báu. Ngay cả ở khía cạnh giáo dục truyền thống oanh liệt của lớp người đi trước cũng vẫn có thể giúp ích rất nhiều cho thế hệ trẻ hôm nay nếu họ được giao nhiệm vụ canh giữ biển trời cho Tổ quốc được mãi mãi bình yên.

Theo Trung tướng Phạm Phú Thái, ông đang tiếp tục thực hiện tập 2 cuốn hồi ký  và dự kiến sẽ cho ra mắt vào cuối năm 2017 với những chuyện mà đến giờ có thể vẫn chưa tiện công bố. Song, như ông nói thì "Tôi cũng sẽ cố !".

Chúng ta hy vọng và hãy đón đọc...

Quốc Phong
.
.