Chelsea Manning: Từ nhà tù quân sự tới chạy đua vào Thượng viện

Thứ Năm, 15/11/2018, 20:55
Chelsea Elizabeth Manning đã trở thành "tội đồ" với chính quyền Mỹ, nhưng là người hùng trong mắt nhiều người dân khi vén bức màn bí mật quân sự Mỹ để mọi người hiểu rõ hơn về tính phi nghĩa của cuộc chiến do chính quyền Hoa Kỳ gây ra tại Afghanistan và Iraq.


Muốn thế giới thấy sự thật tàn khốc của cuộc chiến

Chelsea Manning là tên mới sau chuyển giới năm 2014 của Bradley Manning, một cựu chuyên viên phân tích tình báo quân sự Mỹ, từng phục vụ tại căn cứ quân sự ở Iraq. Vào thời điểm năm 2009, chàng binh nhì sinh năm 1987 đã âm thầm sao chép hàng chục nghìn tài liệu mật ngoại giao và quân sự Mỹ vào những chiếc đĩa và chuyển cho Wikileaks với mong muốn kể cho cả thế giới về sự thật những cuộc chiến mà Hoa Kỳ vẫn thường "tô vẽ".

Manning bị bắt ngày 26-5-2010 tại căn cứ quân sự tiền tuyến Hammer, nằm cách Baghdad 35km, sau khi bị Adrian Lamo, một tin tặc làm việc cho cơ quan an ninh Mỹ, tố cáo với Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Trong những phút trải lòng với một người bạn (không hề biết mặt) trên mạng, Manning (với nickname Bradass87) tưởng Lamo là một người vô hại và đã tiết lộ việc anh đã đột nhập được vào hai mạng bí mật là Secret Internet Protocol Router Network và SIPRNET, những hệ thống giúp phân loại các tài liệu mật theo nhiều cấp độ khác nhau của cơ quan tình báo thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ.

Bradass87 khoe rằng khám phá này đã giúp anh biết tới được những điều kỳ lạ, những điều khủng khiếp và không chỉ được lưu trữ ở những máy tính tối mật ở Washington DC. Trong đó, có video các binh lính Mỹ từ trên trực thăng bắn bừa bãi vào một đám thường dân ở Baghdad (Iraq) vào tháng 7-2007, khiến hàng chục người thiệt mạng, trong đó, có 2 phóng viên của hãng tin Reuters.

Bradley Manning hay Chelsea Manning, trước và sau khi chuyển đổi giới tính.

Bradass87 cũng tiết lộ việc đã tải các tài liệu này về, nén lại rồi mã hóa và tải chúng lên mạng. Nickname này còn nói rằng, người nhận tài liệu có tên là Julian Assange (chính là ông chủ của trang mạng WikiLeaks). Cùng thời gian này, Wikileaks cùng 3 tờ báo danh tiếng của thế giới, ngày 25-7-2010, đã công bố hơn 750.000 tài liệu mật ghi lại mọi hoạt động của quân đội Mỹ tại Afghanistan từ tháng 1-2004 tới tháng 12-2009, trở thành một trong những vụ rò rỉ thông tin mật tồi tệ nhất trong lịch sử quân đội Mỹ.

Các tài liệu là bằng chứng về việc các quan chức Mỹ đã liên tục "cường điệu hóa" sự thành công của quân đội trong việc tấn công các mục tiêu, săn lùng các thành viên của tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda và các cuộc truy quét đánh bại Taliban.

Tài liệu bị rò rỉ, với tên gọi Nhật ký Chiến tranh Afghanistan, cũng cho thế giới thấy hàng trăm trận đánh có dân thường thiệt mạng đã bị giấu nhẹm, những chiến dịch truy quét lực lượng phiến quân Taliban bí mật của Mỹ và hồ sơ các cuộc họp giữa quân đội Mỹ với các chính trị gia địa phương mà hầu hết trong số chúng được đánh dấu vào loại tối mật.

Cũng trong tháng 7-2010, binh nhì Bradley Manning bị khởi tố về tội "tải dữ liệu mật vào máy tính cá nhân và chuyển giao thông tin quốc phòng cho một nguồn bất hợp pháp".

Trong khi đó, nhiều người đã tổ chức các cuộc biểu tình kêu gọi chính phủ Mỹ thả Manning và gọi anh là người hùng. Cuộc biểu tình hồi tháng 3-2011 đã thu hút sự tham gia của hơn 400 người. Trong đó, có cựu nhà phân tích quân sự Daniel Ellsberg, người từng tiết lộ 7.000 trang tài liệu tối mật Lầu Năm Góc cho thấy tình hình tuyệt vọng của chính quyền Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam.

Đấu tranh

Bradley Manning là con của ông Brian Manning, phân tích viên thông tin tình báo hải quân Mỹ và bà Susan; sinh ra và lớn lên tại thị trấn Crescent, bang Oklahoma. Từ nhỏ, anh đã có niềm đam mê với máy tính. Manning cũng thổ lộ rằng, anh thấy rõ xu hướng giới tính thứ ba của mình từ nhỏ. Đây cũng là lý do anh hay bị bạn bè bắt nạt và ngày càng trở nên nhạy cảm và cô lập mình trong thế giới của máy tính hơn.

Bradley Manning đam mê máy tính từ nhỏ.

Trong quá trình xét xử, bản sắc giới tính và khuynh hướng tình dục của Manning được đề cập nhiều lần. Các luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng, cuộc đấu tranh với các vấn đề tâm lý là một phần trong quyết định của Manning khi để rò rỉ thông tin mật.

Trước đó, vào tháng 4-2010, trong khi phục vụ như một nhà phân tích tình báo quân đội ở Baghdad (Iraq), Manning đã gửi email với tiêu đề "Vấn đề của tôi" cho cấp trên của mình, ông Paul Adkins. Bức thư mô tả các cuộc đấu tranh tâm lý của Manning với chứng rối loạn nhận dạng giới tính trong một thời gian dài, nhưng những biểu hiện về giới tính thứ ba ngày càng rõ rệt và mất kiểm soát.

Manning còn đính kèm một bức ảnh anh đội tóc giả và trang điểm để minh chứng cho những gì trình bày trong email. Tuy nhiên, bức thư này đã bị lờ đi cho tới sau khi binh nhì này bị bắt.

Đứng trước tòa án, Adkins nói ông vẫn giữ Manning trong hàng ngũ, bất chấp việc nhận được bức thư và nhiều dấu hiệu khác, là vì tình trạng thiếu nhân viên tại căn cứ và kỹ năng của một chuyên viên phân tích tình báo hiện đang rất cần thiết cho nhiệm vụ. Bởi, nếu một người lính được chẩn đoán bị rối loạn nhận dạng giới tính, người lính đó sẽ bị loại khỏi quân đội.

Còn theo tờ Guardian, tờ báo nổi tiếng của Anh công bố các tài liệu mật nêu trên, quá trình "khám nghiệm pháp y" máy tính bàn tại nơi làm việc ở Iraq và chiếc laptop cá nhân của Manning đã giúp sáng tỏ nhiều chi tiết.

Đặc vụ David Shaver, chuyên gia pháp y máy tính của CCIU, đã phát hiện trong thẻ nhớ máy tính gửi về nhà bà dì của Manning 3 tập tin mà ông phải dùng nghiệp vụ riêng để phá mã. Hai tập tin đầu chứa tổng cộng khoảng 491.000 báo cáo chiến sự ở Iraq. Tập tin thứ 3 là một tin nhắn gửi cho Julian Assange, theo đó, Manning bày tỏ quan điểm "đây là những tài liệu có ý nghĩa nhất trong thời đại chúng ta vì nó giúp xóa tan sương mù chiến tranh và vạch trần bản chất cuộc chiến không đối xứng của thế kỷ XXI".

Chuyên gia Shaver cũng phát hiện 10.000 công điện ngoại giao mật của Mỹ định dạng HTML trong máy tính bàn của Manning và một tập tin bị lỗi chứa hơn 100.000 công điện ngoại giao mật khác. Vị chuyên gia pháp y máy tính này cũng thừa nhận, khi đối chiếu một số công điện trong 10.000 công điện nói trên với 250.000 công điện ngoại giao mà WikiLeaks đã phát tán trên mạng thì không thấy công điện nào trùng nhau.

Luật sư David Coombs.

Dựa vào những bằng chứng nêu trên, Luật sư của Manning, ông David Coombs, biện luận rằng, thân chủ của ông chỉ là "một người thổi còi" tung ra những tài liệu mật để tạo ra "những cuộc tranh luận trên toàn cầu nhằm mục đích cải cách". Ông cũng chứng minh rằng những gì Manning làm chỉ khiến chính quyền bối rối chứ không gây thiệt hại lớn cho an ninh quốc gia. Trong khi, quân đội Mỹ lại quản lý tài liệu mật quá lỏng lẻo.

Cuối cùng, tại phiên tòa quân sự Fort Meade ngày 22-8-2013, Bradley Manning bị tuyên án 35 năm tù, thay vì 52 năm tù hoặc thậm chí án chung thân, nếu các tội danh nghiêm trọng được thành lập.

Cũng tại đây, với thân hình bé nhỏ và chiều cao khiêm tốn 1,57m, Manning đã mạnh mẽ tuyên bố anh là nữ giới và muốn chuyển đổi giới tính bằng việc tiến hành liệu pháp hormone. Anh cũng hy vọng mọi người coi anh là "cô Chelsea". Hơn 100.000 người đã ký vào đơn kêu gọi Nhà Trắng trả tự do cho Manning và chiến dịch đòi giảm án cho “cô” được truyền thông rộng rãi.

Bước ngoặt cuộc đời

Chelsea Manning được thả tự do vào sáng ngày 17-5-2017, theo quyết định giảm án được Nhà Trắng công bố 4 tháng trước đó, vào thời điểm trước khi Tổng thống Barack Obama kết thúc nhiệm kỳ.

Quyết định giảm án tù này đã giúp Manning thoát khỏi một tương lai bất ổn khi là một phụ nữ chuyển giới bị giam tại nhà tù quân đội dành cho nam giới ở pháo đài Leavenworth, bang Kansas. Trong những ngày tháng trong tù, phải đối mặt với sự bắt nạt, kỳ thị, Manning đã tự tử hai lần trong năm 2016, nhưng bất thành.

Cô cũng nhiều lần tuyệt thực để yêu cầu quân đội cho phép điều trị hormone chứng rối loạn về giới tính. Với sự giúp đỡ của Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU), cô đã được điều trị nội tiết tố từ năm 2015 và được phép đến gặp một bác sĩ để chỉ định phẫu thuật.

Trong một tuyên bố chính thức liên quan đến việc thả tự do, Chelsea Manning đã cảm ơn Tổng thống Obama và nêu hy vọng được sống đúng với con người mình trong cuộc sống tự do. Hiện, cô sống ở North Bethesda, tiểu bang Maryland, một vùng ngoại ô của thủ đô Washington DC.

Kể từ khi ra tù, Chelsea liên tục trở thành các chủ đề của giới truyền thông, từ việc cô mặc bộ đồ bơi cho tới lời mời làm Giáo sư thỉnh giảng tại Trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy (thuộc Đại học Harvard) để thuyết trình các vấn đề về nhận dạng LGBTQ trong quân đội.

Tuy nhiên, Đại học Harvard đã hủy lời đề nghị này, sau khi Giáo sư Michael Morell, người từng là cựu giám đốc CIA, tuyên bố từ chức vì Chelsea Manning được mời vào trường.

Theo ông Morell, các nhà lãnh đạo cấp cao trong quân đội luôn coi việc để rò rỉ tài liệu mật của Manning đã khiến cuộc sống của binh lính Mỹ gặp nguy hiểm. Vì thế, ông có nghĩa vụ đứng lên chống lại bất kỳ nỗ lực nào để biện minh cho việc rò rỉ thông tin nhạy cảm đối với an ninh quốc gia.

Việc bước chân vào trường đại học như ước mơ thuở còn đôi mươi không thành, Chelsea còn vấp phải sự phản đối từ một số quốc gia khác, trong đó, Canada đã cấm cô nhập cảnh vào nước này sau khi chính phủ Ottawa xác định Chelsea là kẻ phản bội nếu chiếu theo luật pháp nước này.

Cuối cùng, với nền tảng ủng hộ những người thuộc cộng đồng LGBT, cũng như ủng hộ việc xóa bỏ bức tường biên giới, bảo vệ các chính sách đối với người nhập cư và kêu gọi chống lại các nhà tù, Chelsea Manning muốn vận động để trở thành đại diện đảng Dân chủ trong cuộc chạy đua giành một ghế Thượng viện Hoa Kỳ tại bang Maryland năm nay.

Tuy nhiên, việc nổi tiếng trên toàn thế giới lại không giúp ích được Manning trong lần tranh cử này. Vụ làm rò rỉ tài liệu mật của Chelsea Manning đã gây chia rẽ một bộ phận không nhỏ dư luận ở Mỹ, ngay cả trong đảng Dân chủ.

Một số người, kể cả đã đọc những tài liệu tiết lộ về cuộc chiến tại Afghanistan, vẫn kết luận rằng, Manning đã công bố thông tin một cách vô cớ và nguy hiểm, không phù hợp với quyền hạn của "người thổi còi". Trong khi đó, một số người còn coi cô là kẻ phản bội và gây tổn hại cho sự an toàn của binh sĩ Mỹ.

Do vậy, Chelsea đã không nhận được nhiều ủng hộ của cử tri đảng Dân chủ trong kỳ bỏ phiếu của đảng này hồi tháng 6 và bị thua khá xa trước Thượng nghị sĩ kỳ cựu Ben Cardin. Trong một thông điệp đăng tải trên Twitter, dường như Chelsea Manning đã bị một tổn thương tâm lý sau sự việc; và xin lùi bước khỏi chiến dịch tranh cử để ưu tiên cho sức khỏe của mình.

Dù vậy, nếu nhìn lại chia sẻ của Chelsea Manning khi mới ra tù, thì việc tận hưởng cuộc sống giản dị của một người phụ nữ mới chính là ước mơ của cô, chứ không phải một chính trị gia.

Thùy Dương
.
.