Chuyện đua ngựa ở Sài Gòn xưa: Không quản được thì cấm? (bài cuối)

Thứ Ba, 29/11/2016, 22:15
"Còn sống ngày nào tui còn nuôi ngựa ngày nấy, vì thú thật tui đam mê ngựa từ nhỏ". Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Trường (83 tuổi) - người chơi ngựa đua xuyên từ trước 1975 đến nay. Trước khi trường đua Phú Thọ đóng cửa vào đầu tháng 6/ 2011, ông sở hữu 32 con ngựa, nhưng đến giờ không có cục đất chọi chim, cả nhà cùng với mấy con ngựa gầy còm sống lăn lóc trong nghĩa địa Bình Hưng Hòa, Q. Bình Tân, TP. HCM để chờ đợi và hy vọng...

Cú bảo kê lộn nhào

Mùa khô năm 1972, các vùng chiến sự ở Miền Nam bước vào giai đoạn quyết liệt. Nội vùng phụ cận Sài Gòn - Gia Định, chính quyền Sài Gòn liên tục bị lực lượng Mặt trận giải phóng Miền Nam tấn công, gây tổn thất nặng. Từ đây, một áp lực lớn đè lên bàn Hội nghị Paris đang vào giai đoạn chuẩn bị ký kết, đồng nghĩa với việc quân đồng minh sẽ rút ra khỏi Việt Nam.

Đây là điều mà chính quyền Tổng thống Thiệu trước sau không mong đợi. Để đối phó với tình trạng an ninh đang có chiều hướng xấu đi, chính quyền Sài Gòn ban bố lệnh thiết quân luật trên toàn lãnh thổ VNCH, kèm theo đó là lệnh đôn quân và tăng giờ giới nghiêm ở đô thành. Một số trường trung học, đại học, vũ trường, snack bar lần lượt tạm đóng cửa.

Trường đua Phú Thọ khi chưa bị đóng cửa năm 2011.

Giới chơi cá ngựa ở Sài Gòn lúc bấy giờ cứ đinh ninh rằng được chính quyền bảo kê. Ngay cả ông Chánh hội trưởng Hội đua ngựa Sài Gòn Lý Văn Mạnh, trong một lần đăng đàn trước buổi đua đặc biệt ngày 17-2-1972 để lấy tiền gây quỹ xây cất Bệnh viện Vì Dân đã tỏ ra lạc quan khi trấn an các chủ ngựa. Rằng, đua ngựa không phương hại đến an ninh quốc gia. Vì buổi đua được tổ chức trong khoảng thời gian từ 12 giờ đến 18 giờ, cả bên trong lẫn bên ngoài vòng thành được đảm bảo an ninh 100%.

Bất ngờ, ngày 14-5-1972, Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Bộ Nội vụ VNCH Trần Thiện Khiêm ban hành Nghị định 319 "tạm đóng cửa trường đua Phú Thọ cho đến khi có lệnh mới, với lý do an ninh Sài Gòn bất ổn". Hơn 400 chủ ngựa và cả ông Chánh hội trưởng Hội đua ngựa cũng tỏ ra quá đỗi bất ngờ. 

Không chịu nổi sức ép của các chủ ngựa, ngày 28-6-1972, ông Chánh hội trưởng Lý Văn Mạnh có văn thư gởi Tổng trưởng Bộ Nội vụ xin phép mở cửa trường đua trở lại. Trong thư ông Mạnh tha thiết: "… xin được phép tin rằng với số tiền đóng góp mỗi tuần hơn 10 triệu bạc cho chánh phủ, một năm trên nửa tỉ bạc, một số tiền khổng lồ có thể sung vào quỹ cứu trợ nạn nhân chiến cuộc, xây bịnh viện Vì Dân và yểm trợ tuyền tuyến, hơn hẳn các nguồn đóng góp khác mà không gây phí tổn nào cho chánh phủ.

Ngoài ra, hơn 5.000 gia đình sống quanh năm nhờ trường đua: chủ ngựa, nài, người dẫn ngựa, lao công, nhân viên buổi đua… đang trông chờ lịnh của chính phủ cho phép trường đua mở cửa trở lại để sinh sống. Riêng các chủ ngựa đang gặp khó khăn trong tình cảnh kinh tế hiện thời". Đáp lại lời thỉnh cầu trên, ông Trần Thiện Khiêm  có bút phê "lạnh lùng": "Tình hình chiến sự chưa cho phép".

Trong văn thư ngày 16-3-1973, tức khoảng 10 tháng kể từ ngày trường đua tạm đóng cửa, Hội đua ngựa đã có ít nhất 14 đơn, thư thỉnh cầu chính phủ cho phép trường đua hoạt động. Dường như đến lúc này quyền lợi bị thiệt hại nặng, không còn chịu đựng được nữa, ông Mạnh quyết định lật "con bài tẩy" cuối cùng nhằm gây sức ép lên chánh phủ của Thiệu. Trong Văn thư ông Mạnh gởi cho Tổng giám đốc Ngân sách và Ngoại viện, Chánh văn phòng Phủ Tổng thống, Tổng Thơ ký Phủ Thủ tướng, Tổng Thư ký Bộ Tài Chính và Tổng Thư ký Bộ Nội vụ với lời lẽ thiết tha nhưng cũng ngầm đe dọa.

Văn thư viết: "Trong 10 tháng đã qua, Hội đã giảm dần số nhân viên và nhân công của hội, chỉ còn lại vài người hữu ích mà thôi. Mặc dù Hội đang thi hành một chánh sách khắc khổ cũng phải tiêu tốn mỗi tháng ngoài 2.000.000 đồng để bảo tồn các cơ sở của trường đua (canh gác, máy móc, Trung tâm ngựa giống…).

Nguồn lợi duy nhất của Hội lâu nay là số tiền xâu trong các buổi đua. Nay nguồn lợi này không có, tài chánh bị kiệt quệ. Bởi lẽ, giữa Chánh phủ và Hội có mối tương quan đặc biệt lâu nay: Chánh phủ cũng lấy tiền xâu, trong khi Hội phải đài thọ mọi khoản phí. Hội nghĩ rằng đã đến lúc cầu cứu Chánh phủ trợ cấp cho Hội mỗi tháng 2.000.000 đồng, trong vòng 6 tháng, kể từ tháng 4-1973. Nếu ngược lại, đến cuối 10-1973, trường đua chưa được mở cửa, Hội sẽ triệu tập đại hội bất thường để quyết định việc giải tán Hội".

Không biết có phải bị đe dọa đến nguồn thu Ngân sách Quốc gia, hay vì lý do an ninh được vãn hồi, hai ngày sau vấn đề trên được Trần Thiện Khiêm đề nghị đưa ra Hội đồng nội các xem xét. Đến ngày 20-3-1973, trường đua được phép mở cửa trở lại.

Đâu rồi, thời hoàng kim…

Tháng 3-1989, trường đua ngựa Phú Thọ mở cửa trở lại, với tên gọi Câu lạc bộ thể thao Phú Thọ. Giới được cho là phấn khởi nhất trước tin vui này là các chủ ngựa và dân cá ngựa. Niềm vui tiếp tục được nhân đôi khi đến năm 2004, CLB thể thao Phú Thọ ký hợp đồng Liên doanh với Công ty Thiên Mã. Kể từ đây các cuộc chơi được điều hành một cách chuyên nghiệp. Giới chủ ngựa phát triển nhanh đến chóng mặt.

Ông Nguyễn Văn Trường bên con chiến mã một thời, giờ đây sống trong nghĩa địa Bình Hưng Hòa.

Từ con số chưa tới 300 chủ ngựa vào năm 2004, tăng lên con số 800 vào năm 2011, với hơn 1.000 con ngựa tham gia đường đua. Đương lúc tiếng vó ngựa vi vút trên đường đua, mỗi năm mang về cho ngân sách trên dưới 24 tỉ đồng, bất ngờ bị dừng cuộc chơi bằng một thông báo của CLB thể thao Phú Thọ vào ngày 31-5-2011. Điều này đồng nghĩa với việc trường đua chính thức đóng cửa sau 7 năm liên doanh để nhường sân chơi lại cho bộ môn thể thao thành tích cao. Cho đến giờ giới chủ ngựa vẫn còn qui kết thông báo ngày 31-5, khiến cho họ điêu đứng, có nhiều người trong số đó tiêu tan sự nghiệp.

Từ chỗ con ngựa đua phải nuôi ít nhất 3 năm, có giá cả trăm triệu bạc, phút chốc tụt giảm còn 20 triệu, rồi 10 triệu, 8 triệu… cho thương lái mang đi xẻ thịt. Các chủ ngựa chỉ còn biết kêu trời, bởi trường đua đóng cửa bất ngờ và không để lại lời hứa hẹn nào. Một cuộc chơi tiền tỉ bỗng chao đảo.

Các chủ ngựa hầu hết là những người đầu bạc, họ không còn sức lực, thời gian để chờ đợi và hy vọng cuộc chơi có ngày phất cờ trở lại. Ông Huỳnh Văn Trơn (xã Xuân Thới Sơn, Hóc Môn), một chủ ngựa có đến 17 con ngựa lớn, nhỏ vào thời điểm 2011, than thở: Trước một ngày ra thông báo đóng cửa trường đua, BTC còn tổ chức cho các chủ ngựa bỏ thơ xếp lịch đua hai kỳ 41 và 42 vào ngày 4 và 5 tháng 6.

Thế nhưng ngày hôm sau anh em chủ ngựa nhận được thông báo đóng cửa trường đua hỏi sao không khóc? Không riêng ông Trơn, tâm trạng của nhiều chủ ngựa khi biết tin trường đua đóng cửa đều tỏ ra hụt hẫng, bởi không ai lường được một trường đua được đánh giá tổ chức chuyên nghiệp, duy nhất trên cả nước lại đóng cửa đột ngột như vậy.

Ông Baud Ron, một ngoại kiều Pháp (cha Pháp mẹ Việt), theo cha rời Việt Nam trong những ngày đầu tháng 4-1975, năm 1992 quay về vì nghe tin trường đua mở cửa (tạm trú ở xã Tân Xuân, Hóc Môn). Vốn có "máu" chơi ngựa đua từ trước 1975, nên ngay khi vừa đặt chân lên đất Hóc Môn, ông mua ngay con ngựa có tên Mã Trường Chi Bảo, giá 65 triệu đồng, lúc ấy tương đương 10 cây vàng. Con ngựa này sau đó trở thành con chiến mã bất khả chiến bại, mang về cho ông rất nhiều giải thưởng danh giá. Ông kể sau gần 20 năm về Việt Nam chơi ngựa, lúc đầu nuôi chỉ vài con, nhưng con ngựa mỗi tháng chỉ đua được một hoặc hai lần, nên tuần nào không có ngựa đua thấy buồn. Để có ngựa đua thường xuyên, ông thuê 1.300m2 đất ở Hóc Môn để nuôi ngựa.

Từ năm 2000 cho đến lúc trường đua đóng cửa "giàn" ngựa của ông lúc nào cũng có 9, 10 con. Trung bình con rẻ nhất cũng phải 150 triệu đồng, nhưng khi trường đua đóng cửa giá ngựa đua bán bằng giá ngựa thịt. Trước viễn cảnh "thóc cao gạo kém", ông cố giữ chúng đến năm 2013, chịu không nổi đành giao hết cho… thương lái.

Ông Phạm Văn Keo (Đức Hòa, Long An) cũng thuộc tốp người bạc đầu, nuôi ngựa và chơi ngựa đua từ trước 1975, cho biết ngựa của Đức Hòa ở vào thời điểm nào cũng chiếm đến 2/3 số ngựa đến trường đua Phú Thọ. Vì vùng đất này rộng rãi, khí hậu hiền hòa, phù hợp với chăn nuôi. Những năm 1990, nông dân chăn nuôi heo, bò không có lãi nên nhiều người chuyển sang nuôi ngựa.

Trước khi đóng cửa trường đua, bán một con ngựa đua mua được 5 con bò, còn sau đó đổi một con ngựa đua chủ nuôi bò không đổi. Ông cũng cho biết khi trường đua đóng cửa trong chuồng có 5 con, sau 3 năm nuôi dưỡng "chờ thời" không nổi đành bán sạch không chừa con nào.

Không riêng gì ông Keo, thiệt hại nặng nhất ở đây phải kể đến những nông dân sống bằng nghề nuôi ngựa, nhiều năm qua họ dồn hết vốn liếng vào đàn ngựa, có người vay vốn ngân hàng để nuôi ngựa, nên khi đóng cửa trường đua họ phải bán đổ bán tháo đàn ngựa để trả nợ. Bởi lẽ giữ chúng lại làm gì, khi mà xe ngựa cũng không còn, trường đua thì đóng cửa.

Chỉ có đam mê và "liều mạng" như ông Nguyễn Văn Trường đến thời điểm này mới dám giữ lại gần chục con ngựa. Với ông, đua ngựa thắng thua không quá quan trọng, cái chính là có đồng vô đồng ra. Lấy ngựa nuôi ngựa, còn dư ra chút đỉnh nuôi… người. Nghỉ đua, nuôi cầm chừng, không cho ăn lúa, thỉnh thoảng mới bồi bổ thuốc men, chi phí mỗi tháng cũng cả chục triệu đồng.

Thương chúng, tui cố giữ nhưng giờ thì đuối sức. Dãy chuồng ngựa của ông dài chừng 50m, nằm sâu trong khu nghĩa địa Bình Hưng Hòa, ông thuê một triệu rưỡi đồng/ tháng, dựng trại tạm bợ. Ông nói dân chơi ngựa đa phần giống dân du mục, thích rộng rãi, chuộng tự do nên chuyện dựng trại, ở lều được coi là chuyện nhỏ. Lúc mới đến đây ai cũng ngại chuyện ăn ở, giờ thì quen và trở thành cư dân nghĩa địa rồi, ông nói vui.

Theo giới chơi ngựa "thất thời", việc đóng cửa trường đua vội vã gây thiệt hại cho đàn ngựa giống, ngựa đua lúc ấy là rất lớn thế nhưng chưa thấy ai tính đến?

Tội nhất là những người chăn nuôi, phải chi họ biết sớm hơn để tự mình định đoạt cho tương lai những con chiến mã, đồng thời cứu vãn phần nào kinh tế gia đình. Để rồi giờ đây họ không phải ấm ức đổ thừa cho cuộc chơi thiếu minh bạch vì do nạn cá cược "chợ đen" thao túng.

Kể từ khi trường đua ngựa Phú Thọ đóng cửa vào năm 2011, đến nay có ít nhất 6 dự án ở Củ Chi, Long An, Phú Yên, Bình Phước, Bình Dương và Lâm Đồng được cho là chuẩn bị xin chủ trương của địa phương để xây dựng trường đua. Nhưng hầu hết cũng đều dừng lại ở mức "chuẩn bị". Với tình hình kinh tế như hiện nay, đầu tư xây dựng trường đua lúc này có khác gì một canh bạc đầy may rủi.

Bởi, hiện thực của Nghị định cá cược đua ngựa, đua chó và bóng đá chưa biết đến lúc nào mới xong dự thảo, nên đường đua cho đến lúc này vẫn còn mù mịt. Có lẽ vậy mà các nhà đầu tư chưa thể quyết đoán. Ngay như nhà đầu tư được cho là có khả năng tài chính và kinh nghiệm như Việt kiều Nguyễn Ngọc Mỹ, chủ trường đua Thiên Mã (Phú Thọ), từ ngày bị đóng cửa tới giờ vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy ông Mỹ muốn đầu tư đường đua trở lại.

Kỳ Phương
.
.