Chuyện về nhà văn tướng cướp Sơn Vương (bài 2)
Cùng thời điểm đó, tuy bị đàn áp đẫm máu nhưng tiếng vang của phong trào Hội Kín Phan Xích Long vẫn lan tỏa khắp Nam Kỳ. Cậu bé Trương Văn Thoại nuôi dưỡng trong lòng một tư tưởng nghĩa hiệp pha trộn giữa hai nền văn hóa Đông và Tây.
Vì lẽ đó, thay vì đi theo con đường cách mạng, ông lại chống Pháp theo cách "hiệp khách giang hồ".
Những ngày làm cách mạng
Năm 1925, 16 tuổi ông bỏ nhà đi theo một đại lão sư phụ ẩn cư học đạo, tu luyện võ công trên núi Thị Vãi và Mây Tàu.
Nơi ông ẩn cư tu luyện trên núi Thị Vãi là ngôi chùa cổ Linh Sơn Bửu Thiền Cổ Tự thuộc xã Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngôi chùa này được xây cất tre lá, không tên từ thời Vua Gia Long bôn tẩu lánh nạn Tây Sơn. Các thư tịch cổ cho biết, người dựng chùa là ni sư Diệu Thiện có tên trần tục là Lê Thị Nữ.
Bà đã có công nuôi dưỡng, che giấu Vua Gia Long trong thời gian nguy khốn nên sau khi khôi phục ngai rồng, ông đã phong thánh cho ni sư là Linh Sơn Thánh Mẫu và sắc ấn cho ngôi chùa với tên mới là Linh Sơn Bửu Thiền Tự. Ngôi Linh Sơn Bửu Thiền Tự từng là nơi tụ họp của nghĩa quân Phan Xích Long trong thời gian mới khởi phát. Phải chăng, đại lão sư phụ của Sơn Vương là một trong những thành viên Hội Kín Phan Xích Long còn sống sót?
Ông Sáu Xiêm tìm năm sinh của Sơn Vương trong sổ ghi chép của gia đình. |
Học võ được 1 năm thì sư phụ viên tịch, Trương Văn Thoại trở về Sài Gòn. Ông đi thẳng đến tòa soạn tờ Đông Pháp Thời báo xin làm việc miễn lương. Năm 1925, luật sư Phan Văn Trường phối hợp với Nguyễn An Ninh cho tái lập tờ báo Tiếng Chuông Rè, Trương Văn Thoại đến xin làm cộng sự.
Buổi chiều ngày 21/3/1926, Trương Văn Thoại phụ giúp ông Trương Văn Kỉnh tổ chức quy tựu quần chúng để Nguyễn An Ninh diễn thuyết bài xích thực dân Pháp.
3 ngày sau, ông Nguyễn An Ninh, Trương Văn Thoại, Trương Văn Kỉnh và hàng trăm người khác bị mật thám bắt nguội đưa về giam ở bót Catinat Sài Gòn.
Tại bót Catinat, Chánh thanh tra mật thám Đông Dương là cò Bazin buộc những người bị bắt giữ phải ký tên vào một tờ khai ghi sẵn có nội dung buộc tội Nguyễn An Ninh lập đảng cướp làm phản, quấy nhiễu dân chúng, mưu toan cướp chính quyền. Ai chấp nhận ký sẽ thả ngay và cấp tiền xe về quê.
Hai anh em họ Trương cùng với hơn 60 người khác cương quyết không ký nên tiếp tục bị giam giữ. Đích thân tên cò mật thám Bazin khét tiếng tàn ác vào tận phòng giam dùng ba trắc "pín ngựa" đánh đập từng người để buộc họ ký tên.
Bằng uy tín của mình, luật sư Phan Văn Trường đã viết một bài tố cáo bót Catinat giam giữ người dân vô cớ, trái luật. Bài tố cáo vừa đăng trên báo Tiếng Chuông Rè vừa được gửi thẳng đến tay Thống đốc Nam Kỳ là Cognacq. Trước lý luận sắc bén của bài báo tố cáo, Thống đốc Nam Kỳ Cognacq đành ra lệnh cho Bazin thả hết những người bị giam giữ.
Thoát tù, Trương Văn Thoại tiếp tục tìm nơi ẩn cư. Bộc bạch trong hồi ký, thời gian này ông vào núi tu luyện thêm võ công.
Ngồi vỉa hè tự bán sách của mình sáng tác
Năm 1931, ông trở lại Sài Gòn và bắt đầu viết một loạt tiểu thuyết xã hội với bút danh Sơn Vương.
Có thể nói, ông là một văn sĩ có tài thu hút độc giả bằng những tiểu thuyết kỳ tình xã hội lúc bấy giờ. Ông mô tả những tướng cướp lãng tử, giàu lòng nghĩa hiệp, chuyên cướp của nhà giàu để chia cho người nghèo.
Nhà may Nam Hưng trên đường Lefebvre thời Pháp thuộc (nay là đường Nguyễn Công Trứ, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, TP HCM) - Nơi Sơn Vương từng tá túc cùng Nguyễn Phương Thảo - Tướng Nguyễn Bình. |
Trong hồi ký, ông tự bạch rằng tác phẩm của ông luôn nhắm vào 5 mục tiêu: 1/ Cốt truyện lấy đề tài thường xảy ra trong tầng lớp bình dân; 2/ Giải trí, giáo dục, răn đời, làm ác gặp ác, làm lành gặp lành; 3/ Đả phá chính sách thực dân, gợi lòng yêu nước; 4/ Tả chân bình dị, bênh vực kẻ cô thế, bài xích quan liêu; 5/ Đất nước Việt Nam là của người Việt Nam.
Sau 3 năm viết tiểu thuyết, bút danh Sơn Vương bắt đầu có vị trí trong lòng độc giả thợ thuyền bình dân khắp các tỉnh thành Nam Kỳ.
Kể từ đầu năm 1931, người dân Sài Gòn thường trông thấy một thanh niên cao, gầy, ăn nói mềm mỏng, mặc bộ đồ xá xẩu (thường phục của người Hoa), trải chiếu trên vỉa hè đường De La Some (Nay là đường Hàm Nghi) bán sách do chính mình sáng tác và ấn hành. Ông hòa nhập vào cuộc sống vỉa hè của giới cạo gió giác hơi, chiêm tinh gia đường phố và phu xe.
Thời gian này ông bày bán hơn 20 đầu sách như: “Bạc trắng lòng đen”, “Lỗi hẹn quên thề”, “Ngọc lầm với đá”, “May nhờ rủi chịu”, “Làm ơn mắc oán”, “Kẻ thù dân tộc”, “Thà được làm chó hơn được làm người”, “Làm nhơn được vợ, Phản bạn vì tình”, “Chén cơm lạt của người thất nghiệp”, “Sâu bọ nổi lên làm người”… Hầu hết những quyển sách của ông được in khổ nhỏ (15,5 x 12cm) và mỏng khoảng vài chục trang để giới thợ thuyền, giới lao động bình dân có thể nhét vào túi áo dành đọc trong những giờ giải lao. Trong số sách có xin giấy cò xuất bản (1 loại giấy phép thời đó), ông chen vào những quyển tiểu thuyết in thủ công có nội dung kêu gọi nhân dân chống thực dân Pháp.
Thỉnh thoảng, ông gom góp số tiền lãi từ việc bán sách mua gạo chia thành những bao nhỏ rồi lén ném vào những ngôi nhà nghèo khó ở ngoại thành.
Mỗi khi vắng khách, ông ngồi tại vỉa hè sáng tác hoặc giao du kết bạn với những phu xe ngựa Malabar.
Xe ngựa Malabar là một loại "xe ngựa taxi " phổ biến ở Sài Gòn giai đoạn đó. Thời đó, giới phu xe ngựa đa phần là người Ấn Độ di cư từ vùng biển Malabar, Pondichéry (Ấn Độ) hay từ Singapore đến Sài Gòn kiếm cơm. Vì vậy, người ta gọi chung loại "xe ngựa taxi" này là xe malabar. Người Ấn Malabar có tính cẩn thận cao nên một số được tuyển dụng làm gác-dan (bảo vệ cổng) và hành nghề đổi tiền. Họ đặt chiếc thùng to như chiếc bàn trên vỉa hè rồi treo những cọc tiền lủng lẳng để đổi tiền lẻ cho khách qua đường. Từ giới xe ngựa Malabar, Sơn Vương lan rộng mối quan hệ của mình với giới phu bốc vác Malabar, gác dan Malabar và giới đổi tiền để bổ sung kiến thức… cướp cho mình.
Với giới phu xe, Sơn Vương tìm hiểu thói quen đi chợ, mua sắm và địa chỉ của giới nhà giàu. Với giới gác-dan, ông tìm hiểu công thức bảo vệ. Với giới đổi tiền, ông tìm hiểu những địa chỉ giàu có. Ông tự lập cho mình một loạt những kế hoạch cướp táo bạo.
Trong thời gian ngồi vỉa hè bán sách, khi đêm xuống, ông cuốn chiếu về tá túc trong căn gác trọ của tiệm may Nam Hưng ở số 2, đường Lefebvre (nay là đường Nguyễn Công Trứ, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, TP HCM). Ông Tư Chiêu - chủ tiệm may Nam Hưng - là bạn đồng liêu của ông Trương Đình Cung Anh (thân phụ của Sơn Vương) từ thuở tóc còn để chỏm ở quê Gò Công.
Giữa năm 1933, đám lính cò không cho giới hàng rong bám vỉa hè đường De La Some, Sơn Vương dời địa điểm bán sách sang lề đường Charner (Nguyễn Huệ). Tại đó, ông gặp gỡ với một thanh niên lang bạt tên là Nguyễn Phương Thảo, sau này trở thành Trung tướng độc nhãn Nguyễn Bình - Tư lệnh các lực lượng quân sự Nam Bộ những năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954).
Từ cuộc hội ngộ kết tâm giao này, Sơn Vương đã quyết định đánh cướp để giúp bạn có tiền mở tiệm giặt ủi, đồng thời cứu trợ người nghèo.
Cướp kiểu… tiểu thuyết
Sau khi thành công vụ cướp tiền của René Gaillard, nghĩ mình đã nằm ngoài tầm điều tra của cảnh sát, Sơn Vương còn tiếp tục đi "hát" thêm 4 phi vụ đậm chất hiệp khách giang hồ nữa. Đặc trưng nhất là vụ cướp tiền của giang hồ Sáu Ngọ.
Người thứ 2 từ trái sang, được cho là Sáu Ngọ. Ảnh Internet. |
Tại Chợ Lớn những năm đó, có 2 ông vua đầu tư sòng bạc lớn, đó là Tư Nhiều và Sáu Ngọ. Sáu Ngọ có tên Tây là Paul Daron. Sáu Ngọ là chồng của nghệ sĩ sân khấu cải lương tài danh Bảy Nam. Ông là người bỏ tiền cho nghệ sĩ Bảy Nam lập gánh cải lương Nam Hưng Ban. Sau khi chia tay nghệ sỹ Bảy Nam, ông đã gặp và kết bạn tình với mỹ nữ Trần Ngọc Trà, tức Ba Trà - một nhan sắc lừng danh Sài Gòn.
Khi mới quen, để lấy lòng người đẹp, Sáu Ngọ đặt may tặng cho Ba Trà 365 bộ đồ để thay đổi mỗi ngày. Dưới trướng Sáu Ngọ là hàng chục sòng bài có giấy phép của chính quyền Pháp. Chỉ riêng sòng ở vườn Bureau (nay là Công viên Tao Đàn), mỗi ngày Sáu Ngọ thu 2 bao tiền.
Hằng ngày, Sáu Ngọ thường sai gạc-đờ-co của mình là Sáu Maniven đi cùng tài xế đến từng sòng thu tiền. Sáu Maniven xuất thân là giang hồ bến xe Cái Vồn, Cần Thơ, dưới trướng của đại ca giang hồ Năm Lửa, tức Trần Văn Soái. Sau này, Năm Lửa trở thành tướng lĩnh quân đội Hòa Hảo. Trong một lần giành khách bán cho xe đò đường dài Cái Vồn - Chợ Lớn, Sáu dùng cây ma-ni-ven (tay quay khởi động xe) đánh chết đối thủ rồi trốn về Sài Gòn ẩn náu. Vì vậy, Sáu có hỗn danh là Sáu Maniven. Sáu Ngọ thu tuyển Sáu Maniven làm gạc-đờ-co cho mình. Là dân gốc giang hồ có án nên Sáu Maniven không dám xài súng mà chỉ lận trong lưng con dao dâu.
Sau khi điều nghiên, Sơn Vương nhận thấy hằng ngày cứ đến tầm 19 giờ là Sáu Maniven cùng tài xế lái xe hơi đến sòng ở vườn Bureau thu tiền rồi tiếp tục chạy về hướng Thị Nghè. Ông quyết định hành động một mình. "Canh me" lúc Sáu Maniven vừa rời xe hơi bước vào sòng, ông leo lên ghế sau xe chĩa súng vào đầu tài xế khống chế. Sáu Maniven ôm bao tiền trở ra, mở cửa xe, ông tiếp tục chĩa súng vào đầu. Sáu Maniven chỉ còn biết riu ríu ôm bọc tiền ngồi vào xe cạnh Sơn Vương.
Sơn Vương buộc tài xế chạy tiếp về hướng cầu Thị Nghè. Khi đến chỗ vắng, Sơn Vương đẩy tài xế lẫn Sáu Maniven ra khỏi xe rồi cầm lái phóng xe biến vào đêm tối.
Sáu Ngọ bị cướp tiền thu sòng bài rất đau nhưng không dám tố cáo với cò Pháp. Nếu làm rùm beng, chính Sáu Ngọ bị bể nồi cơm. Sáu Ngọ lệnh cho Maniven: "Đi tìm hung thủ, gặp đâu giết đó". Maniven chưa tìm ra hung thủ là ai thì Sơn Vương bị bắt bởi vụ cướp xe chuyển tiền lương của Sở cao su.
Trong vụ cướp xe chuyển tiền lương của Sở cao su, Sơn Vương bị hở sườn một chi tiết không đáng có. Đó là ông đã sử dụng chiếc xe hơi đắt tiền Clément Bayard của Năm Đường mượn. Vì là xe hơi đắt tiền nên khắp Sài Gòn chỉ có 5 chiếc.
Không hổ danh là trùm mật thám Sài Gòn, qua mô tả của gã gạc-đờ-co René Gaillard, cò Bazin - Chánh sở Mật thám ra lệnh cho lính tra bộ tìm địa chỉ của 5 chiếc Clément Bayard hiện có tại Sài Gòn. Sau khi sàng lọc, cò Bazin nhận thấy ngày xảy ra vụ cướp, chủ nhân của 4 chiếc kia đều có chứng cứ ngoại phạm. Chỉ có chiếc của tên công chức Pháp mà Năm Đường làm tài xế có nhiều dấu hiệu nghi vấn.
Tra hồ sơ, cò Bazin biết được chủ nhân của chiếc xe đang đi nghỉ hè cùng vợ con ở Pháp. Trước khi đi nghỉ hè, ông ta giao chiếc xe cho tài xế riêng tên thường gọi là Năm Đường chăm sóc.
Không chần chờ, Bazin cho lính đi lùng bắt Năm Đường.
(Còn tiếp)