Chuyện về nhà văn tướng cướp Sơn Vương (bài 3)

Chủ Nhật, 06/09/2015, 20:40
Đang nghèo khó, túng thiếu, được chia món tiền lớn, chủ lại vắng nhà, Năm Đường vùi đầu vào những cuộc trác táng ở sòng bài và các động "Bình Khang" (tiếng lóng ám chỉ động chứa gái bán dâm). Khi đang lim dim mắt tận hưởng lạc thú tại một động Bình Khang ở khu Cây Điệp (nay thuộc khu phố 1, phường 2, quận 10) Năm Đường bị lính ập vào trói gô lại…

Giang hồ Pháp gặp hiệp khách xứ Việt

Năm Đường bị tống vào nhà giam mà không nhận được một lời giải thích nào của cò cảnh sát. Sau một   đêm mất ngủ vì muỗi cắn, Năm Đường được Chánh Sở Mật thám là cò Bazin trực tiếp hỏi cung. Thay cho màn chào hỏi, viên chánh Sở Mật thám có máu giang hồ cầm chiếc roi pín ngựa vụt vun vút vào không khí khiến Năm Đường run lẩy bẩy.

Chờ cho đối phương mất hết thần hồn, Bazin cười khẩy hỏi: "Tiền ăn cướp xài rất sướng, hả mông-xừ sốp-phơ (ông tài xế)? Nếu còn chút thông minh, mày nên kể chi tiết vụ đánh cướp, đừng để chiếc roi này khó chịu". Dứt câu hỏi, Bazin "vuốt" một roi ngang lưng Năm Đường.

Ông Sáu Xiềm và kỷ vật của Sơn Vương.

Năm Đường quì sụp xuống chân Bazin vừa lạy như tế sao vừa hứa kể hết mọi điều. Năm Đường mới gặp Nguyễn Phương Thảo lần đầu hôm đi cướp nên giấu nhẹm không khai. Trong cơn sợ hãi, Năm Đường vẫn đủ trí khôn để khai rằng mình chỉ là kẻ được Sơn Vương thuê lái xe, hoàn toàn không biết trước kế hoạch cướp.

Sáng hôm đó, Sơn Vương đang lúi húi dọn sách ra vỉa hè như thường lệ thì một chiếc xe "cây" (tiếng lóng có nghĩa là xe bắt phạm) thắng kịt sát bên. Ông chưa kịp phản ứng gì thì đã bị 2 viên cò khóa tay đẩy lên xe "cây". Biết là vụ cướp bị "bể ổ", nhà văn giang hồ lẳng lặng lên xe.

Sơn Vương bước vào phòng hỏi cung thì gặp René Gaillard đã ngồi sẵn ở bàn buy rô. Vì mối quan hệ thân tình, Bazin ưu tiên cho René Gaillard khởi cung Sơn Vương. Vừa gặp Sơn Vương, nhớ đến khẩu súng giả trong vụ cướp, lòng tự ái của tên giang hồ đảo Corse nổi lên bừng bừng.

René Gaillard có dáng cao to, hầm hố của dân đảo Corse, đồng hương của Napoléon Bonaparte. Corse là một hòn đảo thuộc Pháp nằm ở Địa Trung Hải. Người đảo Corse vạm vỡ, khỏe mạnh, ăn to nói lớn và tính khí giang hồ mã thượng chất ngất. Hầu hết người gốc đảo Corse đến Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ XX chỉ có 2 loại, nếu không làm mật thám chỉ điểm thì làm… giang hồ.

Gã cũng từng là dân giang hồ chính hiệu và cũng từng cùng một đồng bọn tên Charlles Gaillard đánh cướp bằng súng một chuyến xe chuyển tiền của ngân hàng ở thành đô Paris tráng lệ. Chuyến cướp đó, gã cũng dùng chiêu thức chặn chiếc xe chở tiền giống như Sơn Vương, chỉ có điều gã dùng súng thật chứ không gan dạ dùng súng giả như Sơn Vương. Xui cho gã, đồng bọn Charlles Gaillard quá nhát gan.

Khi chiếc xe chuyển tiền đã được chặn lại, tay gạc-đờ-co áp tải đã giơ hai tay úp mặt vào thành xe chịu trận cho Charlles Gaillard dí súng vào gáy. René Gaillard đang chuyển tiền từ chiếc xe chuyển tiền sang xe mình thì… Charlles Gaillard bị viên gạc đờ co tước súng. Gã gạc đờ co cảm nhận họng súng của Charlles Gaillard run lẩy bẩy sau gáy mình. Thế là bằng một thao tác nhanh gọn, gã gạc đờ co xoay người tước khẩu súng trên tay Charlles Gaillard như lấy từ trong túi áo. Gã gạc đờ co lẩy cò, Charlles Gaillard đổ xuống như cây chuối rồi giẫy đành đạch trước khi xuôi tay đi thẳng xuống địa ngục. Trước tình thế đó, René Gaillard chỉ còn biết đưa thẳng 2 tay lên trời chịu thúc thủ.

René Gaillard ra tòa với tội danh cướp có vũ khí, thụ án 5 năm tại nhà tù La Santé thủ đô Paris. Ngồi khám được hơn một năm, René Gaillard vượt ngục.

Sau một thời gian im hơi lặng tiếng, René Gaillard đi tìm gã gạc đờ co bắn chết Charlles Gaillard để đòi lại món nợ máu. René Gaillard gặp Charlles Gaillard tại một quán rượu. Không hiểu vì run hay vì lý do nào khác, René Gaillard nhắm súng vào đầu đối thủ siết cò nhưng viên đạn lại găm vào… chân. Gã gạc đờ co ôm chầm lấy René Gaillard và… la làng. René Gaillard nghiến răng kề khẩu súng vào mang tai gã gạc đờ co siết cò. Lần này khẩu súng phản chủ đã không chịu nổ. René Gaillard bị thực khách nhiệt tình trong quán rượu xúm nhau "đánh hội đồng" đến mềm nhũn. 

Lần này, René Gaillard lãnh án chung thân, lao động khổ sai ở nhà tù La Cayen. Cayen là một vùng nông nghiệp nổi tiếng với các sản vật khóm, mía và nho của Pháp. Gã đã dùng sức vóc của mình góp phần tạo nên thương hiệu khóm Cayen trong những ngày lao động khổ sai.

Trong một chuyến đeo cùm đi lao động, René Gaillard cùng một số bạn tù tước súng lính cai rồi đào thoát. Lần vượt ngục này, vì mang án chung thân, René Gaillard không dám tìm kẻ cựu thù đòi nợ máu nữa.

Một ngày đông lạnh lẽo, René Gaillard bất ngờ gặp đại ca đồng hương đảo Corse. Đó là Franchini (không phải Mathiew Franchini - chủ khách sạn Contineltal Palace ở quận 1, Sài Gòn).

Franchini là một đại ca giang hồ gác kiếm sau khi tích lũy được một số vốn kha khá từ những vụ cướp. Y dùng số vốn đó đầu tư một số đồn điền cao su ở Tân Đảo. Tân Đảo có tên hành chính là New Hebrides. Ngày nay Tân Đảo có tên chính thức là Cộng hòa Vanuatu. Đó là quần đảo thuộc địa của Pháp và Anh ở Tây nam Thái Bình Dương từ thế kỷ XIX. Chính quyền Pháp đang khuyến khích các nhà đầu tư trồng cao su ở vùng thuộc địa này. Sau khi nghe René Gaillard kể khổ Franchini tuyển dụng ngay gã đàn em đang tơi tả làm vệ sĩ riêng.

Ngoài ra, Franchini còn đầu tư cao su ở Hóc Môn, Gò Vấp (Sài Gòn), Cầu Khởi (Tây Ninh) và Mimot (Chup, Campuchia). Theo các sử liệu kháng chiến chống Pháp thì vào những năm thập niên 30 thế kỷ XX, Franchini là một tên chủ đồn điền cao su rất tàn ác đối với công nhân.

Sau này, thấy đầu tư ở Tân Đảo xa xôi, Franchini bán các sở cao su ở đó rồi đặt trụ sở chính tại Gò Vấp. Tất nhiên, Franchini lôi thằng vệ sĩ đàn em René Gaillard đi theo. Để tạo quyền lực riêng, Franchini ký gửi René Gaillard cho Bazin để có chân trong Sở Mật thám. Tuy là một gạc đờ co nhưng René Gaillard được đại ca tin tưởng giao cho quản lý tất cả mọi công việc cũng như mọi giao dịch liên quan đến cao su. Đáp ơn cứu mạng, René Gaillard trung thành với Franchini còn hơn chó nuôi từ lúc mới đẻ.

Gã giang hồ đảo Corse bị khuất phục

Tưởng mình là một con cọp uy lực, vừa gặp Sơn Vương, René Gaillard khoái trá chuẩn bị một trận vờn mồi. René Gaillard phóng chiếc roi pín ngựa vun vút vào không khí trước mặt Sơn Vương để uy hiếp tinh thần rồi dọa: "Mày cướp 50.000 đồng, tao đánh đủ 50.000 roi". Không ngờ, Sơn Vương không những không sợ mà còn nhìn hắn trừng trừng như thách thức. Nổi cáu, René Gaillard hùng hục quất roi vào người Sơn Vương.

Những năm 30 thế kỷ XX, cả Nam kỳ chỉ có 5 chiếc Clément-Bayard.

Chiếc roi pín ngựa xé rách bươm quần áo nhưng Sơn Vương vẫn không thay đổi sắc mặc, lại còn cất tiếng cười cợt. Đánh đến vã mồ hôi, bải hoải tay chân vẫn không khuất phục được Sơn Vương, gã giang hồ đảo Corse đành xuôi tay: "Tao mệt rồi, cho mày nợ đó". Sơn Vương cười từng tràng dài: "Tôi không có thói quen mang nợ lại thích sòng phẳng. Đánh cho đủ số nợ đi".

Trước sự cứng đầu của gã giang hồ xứ Việt, nhớ lại thời mình đi "hát" bị "rớt" ở Paris mấy năm trước, René Gaillard ngầm thán phục. Gã ném roi, thốt: "Mẹc-xà-lù! Tao xóa nợ cho mày luôn đó".

Trong buổi cung đầu tiên, uy dũng của Sơn Vương đã khiến tay giang hồ thứ thiệt như René Gaillard cảm phục. Để tỏ lòng mã thượng, dân chơi đảo Corse quyết định… bãi nại cho Sơn Vương. Tuy nhiên, vụ án đã được các báo giật tít ra trang nhất nên không thể để chìm xuồng. Thế là Bazin chỉ truy cứu một mình Sơn Vương ra tòa đại hình. Trong những ngày tạm giam hầu tra tại Maison Centrale de Saigon (Khám Lớn Sài Gòn) ở số 69, đường La Grandière (nay là Thư viện Tổng hợp TPHCM) René Gillard lại là người duy nhất đi thăm nuôi Sơn Vương. Gã còn đưa cả vợ đến ra mắt tay văn sĩ tướng cướp và hứa rằng, sẽ đề nghị bị hại là ông chủ Franchini không đến dự tòa, xem như đó là hình thức bãi nại gián tiếp.

Một người là C.V.D. - trước năm 1975 là điệp báo viên của ta ẩn trong vai Phó chi Cảnh sát quận 1 của chế độ Việt Nam Cộng hòa, kể rằng ông đã từng có dịp xem hồ sơ của Sơn Vương vào năm 1972 tại Tổng Nha Cảnh sát trong chiến dịch "bài trừ tệ nạn xã hội". Vì chiến dịch huy động tổng lực nên rất nhiều cảnh sát ở các chi được trưng dụng về Tổng Nha để phân loại, lập hồ sơ đối tượng. Vì nghe danh Sơn Vương đã lâu nên khi gặp hồ sơ, ông háo hức đọc. Trong hồ sơ của tòa đại hình thời Pháp chỉ có vỏn vẹn 2 trang khẩu cung.

Lời cung của Sơn Vương rất đơn giản: "Tôi mướn chiếc xe, mướn luôn sốp-phơ Năm Đường. Tôi không nói với Năm Đường thuê đặng mần gì. Chạy tới chiếc cầu sắt, tôi biểu Năm Đường dừng xe cho tôi tiểu tiện. Chiếc xe chở bạc vừa trờ tới, tôi rút súng giả ra tra vào đầu gạc đờ co biểu đưa vali. Lấy vali bạc xong, tôi chĩa súng vô đầu Năm Đường biểu chạy hết ga. Về tới Sài Gòn, tôi hăm he Năm Đường khai ra với người khác, tôi giết chết cả gia đình. Trong vụ này chỉ mình tôi chủ mưu. Năm Đường vô can. Tôi chỉ trả công sốp-phơ và mướn xe tổng cộng 10 đồng. Mình tôi làm tôi chịu lãnh đủ, đừng truy cứu người vô can".

Phiên tòa đại hình cũng diễn ra chóng vánh khiến cánh nhà báo thất vọng tràn trề. Bị hại là Franchini không đến dự. Không có luật sư bào chữa cho bị cáo lẫn bị hại. Suốt 30 phút diễn ra phiên tòa, hầu như các quan tòa chỉ làm thủ tục. Sơn Vương chỉ phải trả lời 3 câu thẩm vấn của chủ tọa. 3 câu hỏi cũng chỉ lặp lại nội dung bản khẩu cung. Khi chánh án cho phép tự biện hộ, Sơn Vương nói gọn: "Có vay, có trả. Tòa cứ tuyên, bao nhiêu năm tù, xin chung đủ". Không còn gì để hỏi, chánh án tuyên luôn án 10 năm tù biệt xứ.

Vụ đánh cướp được các báo viết tường thuật cả trang giấy. Sau khi phiên tòa diễn ra, các báo chỉ đưa một góc tin nhỏ xíu.

Nhận án xong, Sơn Vương được đưa trở lại Khám Lớn Sài Gòn chờ chuyến đi dài.

Trong vụ này, Năm Đường được miễn tố. Chỉ có điều, khi người chủ biết chuyện đã đuổi việc Năm Đường. Ông ta trở lại nghề xà ích xe ngựa. Cảm nghĩa Sơn Vương đã bao che cho mình nên Năm Đường cũng thường xuyên đến thăm.

Kể từ khi hành hiệp, vì không muốn liên lụy đến người thân, Sơn Vương cắt đứt mọi liên lạc. Vì vậy, khi ông đi tù, cha mẹ ông cũng không hay biết.

Vào những năm đó, Maison Centrale de Saigon là nhà tù lớn nhất miền Nam, giam giữ tù nhân đại hình (trọng án) và tù nhân chính trị. Mỗi dãy phòng giam dài 30m và chiều ngang 6m. Ở giữa 2 dãy phòng giam là hành lang có chiều ngang 2m được phân cách với phòng giam bằng chấn song sắt phi 12. Tường phòng giam sơn màu đen. Cửa sổ song sắt trổ trên cao gần mái nhà. Giai đoạn này, do tù nhân chính trị nhiều nên bọn cai ngục dồn tù đại hình vào mỗi buồng hơn 50 người. 2 dãy phòng giam chứa hơn 100 người. Tất cả đều nằm dưới nền xi măng và 1 chân phải bị khóa vào 1 chiếc cùm dài suốt dọc phòng giam.

Để quản lý số tù nhân đông đúc, chen chúc ấy, bọn cai nghĩ ra chiêu dùng "dây đậu nấu đậu", có nghĩa là chúng chọn trong số tù những tay có máu lưu manh, có sức khỏe làm caporal (người quản lý). Đọc theo âm trại là cặp rằn hoặc cọp rằn. Giang hồ thời nay gọi là "đại bàng" hoặc "đầu gấu".

Cách chọn cặp rằn của bọn cai ngục rất… lưu manh. Chúng cho các tù nhân thách đấu võ với nhau để xem và bắt độ cá cược. Kẻ nào mạnh nhất phòng giam sẽ được làm cặp rằn. Khi một tù nhân thách đấu và đánh gục cặp rằn "đương nhiệm" thì sẽ được làm cặp rằn mới. Để bảo vệ "ngôi", cặp rằn thường đánh phủ đầu những tù nhân mới.

Sơn Vương cũng không ngoại lệ. Trong thời gian hầu tra, ngày đầu tiên bị chuyển từ bót Catinat sang Maison Centrale de Saigon, khi cánh cửa ngục vừa khép sau lưng, Sơn Vương đã bị cặp rằn Ba Nhỏ - một côn đồ chợ Cầu Muối - túm cổ đánh dằn mặt. Ba Nhỏ không ngờ Sơn Vương xoay người nhanh như chớp khiến gã mất đà té dúi vào chân tường. Biết gặp cao thủ võ nghệ, cặp rằn Ba Nhỏ nhịn nhục chờ thời cơ trả đũa.

(Còn tiếp)

Nông Huyền Sơn
.
.