Có một điệp viên như thế: Người ở thành về

Thứ Bảy, 30/05/2020, 12:22
Tôi bỗng trở thành người thân thiết với anh trong bối cảnh ngặt nghèo của cuộc chiến. Anh, một điệp viên được Cục nghiên cứu Bộ Tổng tham mưu (Cục 2) Bộ Quốc phòng tuyển chọn, đào tạo và “đánh” vào hoạt động tại Sài Gòn.

Tôi bỗng trở thành người thân thiết với anh trong bối cảnh ngặt nghèo của cuộc chiến. Anh, một điệp viên được Cục nghiên cứu Bộ Tổng tham mưu (Cục 2) Bộ Quốc phòng tuyển chọn, đào tạo và “đánh” vào hoạt động tại Sài Gòn. Còn tôi, con đường trở thành lính của Cục nghiên cứu cũng như anh có sớm hơn mấy năm (cuối 1965) nhưng lại được tăng cường cho Cụm Tình báo chiến lược có bí số B48, Công tác trong bộ phận căn cứ bám trụ tại chiến trường Đông Bắc Sài Gòn từ huyện Châu Thành tới Tân Uyên-Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương. 

Một môi trường công tác khác nhau, địa bàn cách biệt cộng với nguyên tắc “cự ly ngăn cách” của nghề Tình báo, vậy mà gặp gỡ để rồi quen thân, há chẳng phải là điều kỳ lạ!

Thông thường các cụm Tình báo chiến lược thời chiến tranh, mô hình tổ chức có 2 bộ phận: Bộ phận hoạt động trong lòng địch gồm các điệp viên và giao thông viên, gọi tắt là cán bộ nội thành; bộ phận công tác trong căn cứ số lượng đông hơn, tập trung nhiều thành phần: Lãnh đạo cụm, tổ trinh sát địa bàn, tổ cơ yếu điện đài, y tế, cấp dưỡng, bảo vệ… 

Một quy định bất biến, khi xây dựng căn cứ bám trụ dù lớn hay nhỏ, đều phải hình thành 2 khu vực: Cho cán bộ chiến sĩ trong căn cứ (khu A) và khu vực cách ly (Khu B) dành để đón “khách” từ Thành về khi có yêu cầu báo cáo trực tiếp hoặc nhận chỉ đạo trực tiếp của Trung tâm. Người ở khu A không có nhiệm vụ không được tiếp cận khách khu B.

Tại căn cứ rừng Vĩnh Lợi, lán làm việc của tôi gần khu  B, nên mỗi khi có khách về là biết, nhưng cũng chỉ thấy loáng thoáng bóng người, không nghe tiếng nói, vì cách một quãng rừng chồi mấy chục mét. Khách về cứ, thường chỉ ở lại một, nhiều lắm là 2 ngày, đề phòng địch càn sẽ không đảm bảo an toàn. Vậy mà lần ấy, có một khách nam về tới 4 ngày chưa đi.

Tác giả cùng bà Võ Thị Thắng - Tổng cục Du lịch (phía trước - bên trái) tới thăm đoàn cán bộ giao thông bí mật J22 tại Trạm 66 Bộ Quốc phòng năm 1997.

Một buổi chiều muộn, tôi đang ngồi uống trà với anh em tổ trinh sát và tổ điện đài thì trinh sát Tư Phòng tới thông báo – “Cụm trưởng kêu anh Ba vô hội ý công việc tại lán cụm trưởng trong khu B”.

Bộ phận căn cứ ngày đó chỉ duy nhất có tôi quê miền Bắc, thi thoảng vẫn được “đặc cách” vào khu B. Ấy là những bữa điệp viên hoặc giao thông viên từ nội thành về vốn là dân Bắc hoặc cán bộ đã từng tập kết trở về mà theo ý đồ của lãnh đạo Cụm là để tôi “bổ túc” tình hình miền Bắc cho họ nhằm giải tỏa những luận điệu tuyên truyền chiến tranh tâm lý của địch xuyên tạc, bôi lem chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

Tôi tới khi Cụm trưởng đang ngồi trầm ngâm trong căn lán nhỏ, với bộ bàn ghế được ghép bằng cây rừng. Cụm trưởng vô đề ngay – “Tôi kêu cậu vô vì có một việc buồn của đơn vị. Một điệp viên từ Hà Nội đánh vô Sài Gòn thuộc biên chế của Cụm ta. Vì có sự cố mà không thể bám trụ trong Thành, phải rút về căn cứ. Đây là một cán bộ kiên trung, được đào tạo cơ bản, sẽ đi vào một lưới điệp báo quan trọng, vậy mà phải đau lòng rời trận địa. Cậu ấy thứ Tư, tên Thủy, chắc hơn cậu mấy tuổi. Thủy đang rất tâm tư, tôi đã làm công tác tư tưởng để cậu ấy yên tâm công tác trong căn cứ, nhưng vẫn cần tới sự hỗ trợ của cậu”. Cụm trưởng đưa cho tôi tập giấy viết tay chừng gần chục trang – “Cậu cầm lấy cái này đêm nay tranh thủ đọc rồi tóm tắt cho tôi một báo cáo ngắn gọn gửi cấp trên. Từ tối mai cậu vô trong này ngủ cùng lán với Thủy. Cứ coi như không biết chuyện gì, chắc rồi Thủy sẽ tâm sự kỹ hơn”.

Đêm hôm ấy, tôi nghiền ngẫm tập giấy Cụm trưởng đưa. Đó là bản tường trình của Thủy tính từ hôm tiếp cận Sài Gòn cho tới ngày âm thần trốn khỏi thành phố.

Hôm sau, cơm chiều xong, tôi đem võng vào khu B, từ xa, tôi đã nhận ra dung mạo chủ lán – cao như người phương tây, da trắng, tóc xoăn, tựa lưng vào cột lán thẫn thờ ngó những đám mây trôi trên bầu trời phía nam rừng chồi xa thẳm, theo hướng ấy là thành phố Sài Gòn. Tôi đánh tiếng trước khi bước vào lán:

- Chào anh Tư! Anh Ba Cụm trưởng biểu tôi vô ngủ cùng lán với anh cho vui. Ở căn cứ thì tôi là cựu binh, còn anh là tân binh, cần gì tôi sẽ hướng dẫn anh.

Khách giật mình quay lại trước màn xã giao tự nhiên của tôi.

- Chào anh!... Vậy anh là…

- Tôi thứ Ba, tên Thái Dương

- Vậy… anh Ba từ ngoài kia vô, quê đâu ta!...

- Chánh hiệu “ta nhớ xứ Đoài mây trắng lắm”

Khánh nhìn tôi, khẽ cười, nối câu tiếp theo trong bài thơ nổi tiếng của thi sĩ Quang Dũng - “Em có bao giờ em nhớ thương”.

Cả 2 cùng cười về sự đồng điệu tâm hồn làm không khí trong lán thêm ấm cúng. Khách hồ hởi bắt tay tôi và giới thiệu:

- Tôi là Thủy - Tư Thủy, so với anh, tuổi chiến trường và tuổi ở cứ của tôi đều là tân binh. Tôi từ ngoài ấy vô chiến trường chưa được 2 tuần và về cứ hôm nay mới là ngày thứ tư.

Lời giới thiệu của Tư Thủy khiến tôi sực nhớ tới bức điện từ trung tâm gửi Cụm trưởng từ hơn 2 tuần trước với nội dung tóm tắt: “Thông báo các đồng chí “K2” sẽ bay từ Hà Nội đi Phnom Pênh lúc … giờ… ngày… rồi chuyển phi cơ đi Sài Gòn. Yêu cầu cử người đón. Ám, tín hiệu và địa chỉ cư trú của “K2” như cũ”. Tôi thầm nghĩ chắc tới 99% “K2” là Tư Thủy.

Tôi chủ động pha nước mời khách. Tàn ấm trà cũng là thời gian tôi tranh thủ tâm sự về mình.

Tôi thuộc lớp nghĩa vụ quân sự đợt 3. Năm 1961 vào lính pháo binh đóng quân ở thảo nguyên Châu Mộc tới 4 năm. Cũng vì Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 10 quý mến nên kéo dài thời gian nghĩa vụ tới hơn 1 năm. Đã được qua lớp đào tạo viết báo do Báo Quân đội Nhân dân mở tại Quân khu Tây Bắc. 

Định đi theo nghề báo, nhưng có một sự kiện bất ngờ diễn ra, số là thời điểm đó Việt Nam mở rộng quan hệ đối ngoại với nhiều quốc gia, văn phòng sứ quán thiếu cán bộ. Văn phòng Trung ương thông báo cho các Tỉnh ủy cử một số đảng viên trẻ tham dự lớp đào tạo của Trung ương để đi công tác nước ngoài. Tôi  may mắn lọt vào danh sách 10 đảng viên thuộc tỉnh Đảng bộ Sơn Tây đi dự khóa học này.

Cũng thời điểm đó, Cục Nghiên cứu (Cục II) Bộ Tổng tham mưu, thực hiện chỉ đạo của Tổng Tư lệnh và được phép của Trung ương, đặc cách tuyển chọn gấp một số cán bộ ở các cơ quan, kể cả các trường của Trung ương quản lý để đào tạo, tăng cường cho các cụm Tình báo chiến lược ở chiến trường miền Nam. Tôi lại may mắn lọt vào số đó. 

Từ trường Kỹ thuật nghiệp vụ Trung ương, tôi vừa dự buổi khai mạc và nghe huấn thị của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ung Văn Khiêm xong, lại tức tốc khăn gói về Hà Nội. 

Tôi được đưa về tại một “nhà mật” ở phố Hàng Bè, với “vai diễn” cán bộ thương vụ chờ đi công tác nước ngoài. Nói tới đây, Tư Thủy ngỡ ngàng nhìn tôi, rồi bỗng dưng đứng dậy, vội sang ôm trầm lấy tôi, khẽ reo lên – “Cha… thiệt không ngờ, thiệt kỳ lạ… hóa ra Ba Dương đã có thời kỳ là “Công dân cùng phố” với tôi. Câu chuyện nối tiếp, tôi nói tóm tắt quá trình ở Hà Nội và thời gian chuẩn bị đi “B” với giấy tờ đầy đủ cho chuyến vào hoạt động hợp pháp tại Sài Gòn. Tên họ, tuổi tác, quê quán đều thay đổi, bởi tôi được tổ chức cho đội lốt một người lính pháo binh Sư đoàn 7 liên hiệp Pháp. 

Năm 1954 tập kết vào miền Nam, đóng quân tại Trà Vinh. Do yếu tim, được giải ngũ, kèm theo giấy miễn quân dịch về cư ngụ tại Lai Khê- Bến Cát-Bình Dương, với nghề nghiệp Giáo sư bậc Trung học (chế độ Sài Gòn thời đó, ngạch Giáo sư có 2 cấp: Cấp Đại học và bậc Trung học – Cấp III của miền Bắc). Năm 1965 Mỹ ồ ạt đưa quân vào chiến trường miền Nam. 

Quân đội Sài Gòn tăng cường đôn quân, bắt lính nhằm quyết tiêu diệt Việt cộng. Với tôi, giấy tờ hợp pháp đều tăng thêm 7 tuổi so với tuổi thực của mình. Vốn là lính pháo binh, sức khỏe A2, yếu tim, giấy miễn quân dịch họ đâu cần xét tới, cứ cho đốc tờ nhà binh kiểm tra là tiếp tục cầm súng như bỡn. Có lẽ vì thế mà cấp trên đưa tôi về công tác trong căn cứ của cụm.

Ấm trà đã 3 lần chế nước, nhạt thếch. Tôi đùa vui – “Nước nhạt rồi không pha mới nữa hén, anh Tư. Ta lên võng nằm, không nỡ tra tấn cái lưng dài của anh nữa”. Lán xây dựng ngoài cái bàn ăn uống, diện tích còn lại vừa đủ căng một cặp võng song song.

Khi đã nằm yên trên võng, một lúc sau, Tư Thủy quay sang phía tôi – “Ba Dương ngủ chưa đó” – “…” “Chưa! Sợ anh mệt nên đi nằm sớm, chớ ở căn cứ ngủ muộn lắm. Họ nhà vạc mà. Làm việc chủ yếu ban đêm. Ngày tập trung xây dựng hầm hào, lán trại. Anh em bộ phận điện đài có khi một giờ sáng chưa xong việc. Mà nè, anh vô đây chị Tư có đi cùng không?” – “Mình đã có vợ đâu, mới yêu thôi. Một cô cùng trường, xinh lắm, hẹn nhau ngày đất nước hòa bình, thống nhất mới mần đám cưới, cha… hôm chia tay cổ khóc sướt mướt, thiệt tội!...”.

Nằm yên một lúc, giọng Thủy trầm buồn – “Con đường công tác của mình và Ba Dương nhiều điểm giống nhau, duy có hoàn cảnh mình bất hạnh lắm!”. Tôi nhỏm dậy, quay về phía Thủy – “là sao… anh Tư!” – Tôi lại nằm xuống, phập phồng lắng nghe lời tâm sự nghẹn ngào của Thủy về cảnh ngộ của mình.

Anh bắt đầu: Tôi may mắn hơn Ba Dương, là học sinh miền Nam ra Bắc, được Đảng, Nhà nước và bà con miền Bắc chăm lo cho ăn học tới hết Đại học. Được Cục tuyển chọn, xong khóa học nghiệp vụ, được cho về quê đánh giặc ngay, lại vào giữa sào huyệt của địch. Tôi đi đường vòng bằng máy bay – Từ sân bay Gia Lâm – qua Campuchia rồi  về Sài Gòn. Vậy là chỉ sau hơn 6 tiếng đồng hồ đã được gặp má tôi. Bà đã ngoài sáu chục tuổi nhưng còn minh mẫn, duy có sức khỏe là hơi yếu, có lẽ vì thương nhớ tới tôi và anh trai tôi (anh Hai Sinh – tên do tác giả tự đổi, khác với tên trong bản tường trình của Thủy) tập kết ra Bắc, đóng quân tại Thanh Hóa. Hai má con gặp nhau mừng rơi nước mắt. Tư tưởng bà rất cách mạng vì hầu hết người thân bên ngoại đều là dân kháng chiến. Ba tôi mất sớm, má tôi ở vậy nuôi con. Cơ ngơi rộng rãi nhưng bà sống một mình, có sự chăm lo của mấy người con gái. Niềm vui của Thủy được nhân đôi khi má nói nhỏ cho biết – “Anh Hai con nó cũng đã vô Sài Gòn từ trước Tết, vì mắc công chuyện thi thoảng nó mới ghé về thăm má”.

Hai ngày đầu, Thủy “cấm cung” tại gia để nghiên cứu địa bàn Sài Gòn qua tấm bản đồ hành chánh và nghe má bổ túc cho một số tình hình chính trị, kinh tế, xã hội đang diễn ra ở thành phố và chờ sự chỉ đạo cụ thể của cấp trên thông qua cơ sở bí mật – người sắm vai “phu nhân” đi đón Thủy tại phi trường Tân Sơn Nhất.

Sang ngày thứ ba thì Hai Sinh về. Hai anh em ôm chầm lấy nhau mừng mừng tủi tủi. Tiếng rằng cũng ở miền Bắc hơn 10 năm mà chỉ được gặp nhau 2 lần. Lần gần nhất cũng đã 5 năm. Năm 1965 Thủy nhận được tin cả đơn vị của anh Hai đã vô chiến trường. Gặp lại anh giữa Sài Thành hoa lệ quả là điều không tưởng. 

Cái dáng thư sinh của Thủy thật tương phản với ông anh – Kính đen, mũ phớt, áo Montagus màu đỏ, tướng mạo oai phong, bệ vệ ra dáng một tay “anh chị” đất Sài Thành. Bữa cơm đoàn tụ gia đình hôm đó bà má chuẩn bị thật to. Toàn những món khoái khẩu của hai đứa con cưng. Hai Sinh lôi ra một chai Remy Martin, loại rượu mà lần đầu Thủy được thưởng thức. 

Tửu lượng có hạn, uống tới ly thứ hai là mặt Thủy tưng bừng. Hai Sinh rót thêm ly nữa khích lệ “uống đi chớ… làm cái nghề bí mật của tụi mình là phải biết nhậu. Nếu không nó sẽ lòi “chất rừng” ra đó. Bà má xong bữa, xuống bếp dọn dẹp để hai anh em thoải mái hàn huyên. Trước khi đi bà còn nhắc nhở - “Em nó hổng uống được, đừng ép nó nghen Hai!”

Bà má đi rồi, giọng nhừa nhựa, Thủy nghiêng người về phía Hai Sinh – “Mà nè! Anh Hai là lính chiến, đánh nhau tối ngày, vô Sài Gòn khi nào mà tửu lượng khá zậy”. Giọng Hai Sinh ngó bộ còn nhựa hơn – “Đánh… đánh mấy trận quyết chiến, chiến công nổi… nổi như cồn. 

Cấp trên biết anh Hai là dân… dân Sài Gòn chánh hiệu liền kêu về hậu cứ, lo giấy tờ hợp pháp vô ém trong thành lo mua sắm khí tài, thuốc… thuốc men cho đơn vị. Đánh nhau với tụi “mẻo” thương vong tùm lum. Nhiều đứa chết vì thiếu thuốc. Anh vô lâu rồi nhưng không cho bà già hay, đợi yên nơi ấm chỗ nên tết vừa rồi mới về thăm má. Vậy còn chú em, hoạt động cánh nào zậy”.

Thủy nhướng cặp mắt lơ mơ sương khói về phía Hai Sinh “Thằng… thằng em này hổng có cánh chi hết. Em là thương gia mừa… thương gia Hồng… Hồng Kông đó” – “xạo vừa thôi thằng nhóc! Ngó bộ bay là thương gia “Trung cộng” thì có, chớ Hồng Kông là thuộc địa của Anh quốc cớ sao lại mướn “Việt cộng” mần cho nó” – “Ủa!” thằng em nói thiệt zậy mà anh Hai hổng tin hả”, Thủy lại nghiêng người về phía anh, hạ thấp giọng đủ cho ông anh nghe – “Hồi du học, em ở cùng với một thằng người Anh gốc Hoa. Cha nó là một ông chủ cỡ bự ở Hồng Kông. Mãn khóa, em bùng theo nó về Hồng Kông. Cha nó mừng hết sẩy vì vớ được em, vì hãng đang cần một người gốc Gài Gòn làm đại diện”. 

Hai Sinh há hốc miệng, ngó thằng em như ngó một người từ hành tinh khác rớt xuống. Rồi Hai Sinh cũng nghiêng người, ghé sát tai em thì thầm – “Chết cha rồi! Vậy là bay trốn ở lại nước ngoài hả? Mà thiệt hôn? Vậy là phải đề phòng, coi chừng “vi ci” (Việt Cộng) không tha cho bay đâu”. Mặt Thủy đỏ nhừ, ngọng nghịu mấy câu rồi chân nam đá chân chiêu nằm xuống đi văng phòng khách khiến Hai Sinh phải dìu lên phòng ngủ, làm một giấc say...

(Còn tiếp)

Hồi ức chiến trường của Thiếu tướng Khổng Minh Dụ
.
.