Công tố viên cuối cùng của Tòa án Nuremberg

Thứ Ba, 31/03/2020, 21:38
Dường như có một sự trùng hợp khi vị công tố viên cuối cùng còn sống của Tòa án Nuremberg, Benjamin Ferencz, người sẽ tròn 100 tuổi vào năm nay, lại ra đời đúng vào năm Hội Quốc liên được thành lập và Hiệp ước Versailles chính thức có hiệu lực.

Hội Quốc liên chính là định hướng lớn trong suốt cuộc đời lao động của Ferencz, đó là xây dựng một khung pháp lý bền vững cho hòa bình và công lý quốc tế. Trong khi đó Hiệp ước Versailles đã dẫn tới sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít. Tội ác của nó sau này bị Frenecz truy tố tại các phiên tòa ở Nuremberg.

Ferencz sinh ngày 11/3/1920 trong một túp lều của cặp vợ chồng nghèo người Do Thái. Chỉ mới hai năm trước đó, nơi sinh ra cậu bé còn là một phần lãnh thổ của Hungary, nơi những người Do Thái sống hòa hợp với những cộng đồng dân tộc khác. Nhưng sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất (1914-1918), Hungary đã phải nhượng lại vùng lãnh thổ này cho Rumania, nơi trào lưu bài Do Thái đang nở rộ.

Những tháng năm ở Hells Kitchen

Trước khi Ferencz được một tuổi, gia đình cậu đã phải sang Mỹ, chạy trốn khỏi tình trạng bài Do Thái tại Rumania. Khi gia đình nghèo khó của cậu cập bến thành phố New York, cha của Ferencz, một người tàn tật chỉ còn một mắt, gặp nhiều khó khăn khi tìm việc. Gia đình cậu phải chuyển đến sống trong một gian phòng tồi tàn tại khu vực Hells Kitchen, nơi nghèo nhất và có tỷ lệ tội phạm cao nhất nước Mỹ. 

Sống cả thời kỳ niên thiếu trong một môi trường đầy rẫy trộm cắp, băng đảng tội phạm, Ferencz đã định hướng cuộc đời mình theo nghề thực thi pháp luật. Và cuối cùng ông đã trở thành một con người mà như Trưởng Công tố của Tòa án hình sự Liên hợp quốc về Liên bang Nam Tư cũ và Rwanda, Richard Goldstone, đã gọi là “khối óc và trái tim của công lý hình sự quốc tế”. Tuy nhiên, con đường trở thành một công tố viên về tội ác chiến tranh, ủng hộ hòa bình của ông không hề bằng phẳng.

Công tố viên Benjamin Ferencz tại phiên tòa xét xử Einsatzgruppen ở Nuremberg.

Ở trường tiểu học, Ferencz có thể hình nhỏ bé đến mức nhà trường không nghĩ rằng ông có thể đủ điều kiện theo học. Ngoài ra, ngôn ngữ duy nhất mà ông có thể sử dụng là tiếng Yddish và tiếng Hungary. Nhưng cuối cùng ông vẫn được nhập học và trở thành một học sinh xuất sắc. Ông đã chuyển đến học tại trường dành cho các học sinh xuất sắc, trước khi vào học xã hội học và tư pháp hình sự tại trường Cao đẳng thành phố New York. Tại đây ông đã được nhận học bổng vào học tại Đại học Harvard từ mùa Thu năm 1940. 

Tại Đại học Harvard, ông tình nguyện làm phụ tá nghiên cứu cho Giáo sư Sheldon Glueck, người khi đó đang viết một cuốn sách có nhan đề “Tội phạm chiến tranh: Truy tố và Trừng phạt” (1944) về những tội ác chiến tranh do các cường quốc phe Trục gây ra trong Chiến tranh Thế giới thứ hai (1939-1945) - cuộc chiến khi đó đang tàn phá châu Âu. Có ý kiến cho rằng chính từ tác phẩm này mà Frencz bắt đầu phát triển chuyên môn sâu trong lĩnh vực luật pháp về tội ác chiến tranh. 

Sau vụ Nhật Bản ném bom Trân Châu Cảng ngày 7/12/1941 và việc Mỹ cuối cùng đã bị lôi kéo vào cuộc chiến tranh này, Ferencz đã đăng ký tham gia Không quân Mỹ. Ông bị từ chối do không đủ chiều cao. Nỗ lực của ông để được gia nhập các quân chủng khác của quân đội Mỹ cũng không thành công.

Nhân chứng của Nạn diệt chủng người Do Thái

Ferencz tốt nghiệp Đại học Harvad năm 1943 và cuối cùng cũng được gia nhập một đơn vị pháo binh của quân đội Mỹ. Ông đến châu Âu tháng 12/1943 và được tham gia những trận chiến quan trọng nhất của nước Mỹ trong cuộc chiến tranh này, bao gồm cả chiến dịch đổ bộ bằng đường biển vào Normandy, trận chiến tại Bulge, phòng tuyến Siegfied.

Cuối năm 1944, các bằng chứng cho thấy người Đức đã phạm phải những tội ác chiến tranh kinh hoàng trên quy mô lớn. Khi Quân đoàn 3 của Tướng Goerge Patton thiết lập đơn vị điều tra tội ác chiến tranh, Ferencz đã được chuyển đến đơn vị này.

Là một thành viên của đơn vị, Ferencz đã tham gia giải phóng và điều tra các trại tập trung tại Buchenwald, Mauthausen cùng Flossenburg và nhiều trại khác. Ông đã chứng kiến những cảnh tượng đã ám ảnh ông trong suốt phần đời còn lại: các thi thể chất đống trước khi bị đem đi hỏa thiêu, những con người chỉ còn da bọc xương đang cố giành giật sự sống.

Các tù nhân nằm trên giường tầng tại trại tập trung Auschwitz - Birkenau (Ba Lan) sau khi được giải phóng khỏi Đức Quốc xã.

Ferencz đã kể lại trong phim tài liệu “Truy tố Quỷ dữ” năm 2018: “Không có thời gian cho xúc cảm. Không có thời gian để sốc, để rơi nước mắt đối với bất kỳ điều gì tương tự như vậy”. 

Con trai ông, Don Ferencz, cho biết sự kinh hoàng của các trại tập trung đã ám ảnh suốt cuộc đời ông. Don kể lại với các nhà làm phim tài liệu rằng “cha tôi là một người bị ám ảnh bởi những gì ông đã chứng kiến, đã ngửi thấy, đã cảm thấy bằng chính đôi mắt, đôi tai và đôi bàn tay của mình”.

Don nói thêm: “Tôi đã đọc nhiều bức thư ông viết khi tham gia giải phóng các trại tập trung về những gì ông đã chứng kiến và cảm nhận được. Điều này đã kích hoạt một lò phản ứng hạt nhân bên trong con người ông và đây cũng chính là điều mà ông vẫn đang thực hiện hàng ngày”.

Ferncz rời quân ngũ trong vinh quang tháng 12/1945 với 5 huân chương trong chiến đấu và trở về New York, nơi ông kết hôn với bà Gertrude ngày 31/3/1946.

Cơ hội của cuộc đời

Không lâu trước khi rời quân ngũ, phe Đồng Minh đã bắt đầu truy tố các tội phạm chiến tranh chủ chốt của phe phát xít trước Toàn án binh quốc tế tại Nuremberg. Đây là những phiên tòa đầu tiên tại Nuremberg xét xử các trùm phát xít, diễn ra trước khi có các phiên tòa khác của quân đội Mỹ.

Ngay sau khi trở về từ châu Âu, Ferencz đã tình cờ gặp lại Murray Gartner, một bạn học tại Trường luật Harvad trên một góc phố New York. Gartner khi đó đang là thư ký luật cho Thẩm phán Robert Jackson tại Tòa án Tối cao Mỹ. Thẩm phán Jackson vừa được chỉ định làm Tư vấn trưởng của Mỹ tại Tòa án binh quốc tế ở Nuremberg. Chính cơ hội gặp lại Gartner đã dẫn dắt Ferencz đến với Nuremberg, nơi ông làm việc dưới sự lãnh đạo của Tướng Telford Taylor. Tướng Taylor khi đó đang chuẩn bị cho các phiên tòa tiếp theo tại Nuremberg. 

Các phiên tòa này diễn ra cùng địa điểm với các phiên tòa của Tòa án binh quốc tế tại Điện Công lý ở Nuremberg, thành phố được chọn làm nơi đặt tòa án này một phần vì tính biểu tượng của nó. Đây chính là nơi phát xít Đức tổ chức các cuộc biểu dương lực lượng hàng năm và cũng là nơi Quốc hội của nước Đức phát xít thông qua đạo luật chống Do Thái và các đạo luật phân biệt chủng tộc khác được biết đến như các Đạo luật Nuremberg năm 1935. 

Vào mùa xuân năm 1947, tại Berlin, nơi Ferencz được cử đến phụ trách chi nhánh Berlin để thẩm tra các văn phòng và tài liệu lưu trữ của phát xít Đức, nhóm của ông đã tìm thấy gần như toàn bộ các báo cáo mật mô tả hoạt động của Einsatzgruppen - các nhóm sát thủ cơ động của Đức Quốc xã.

Các nhóm này chủ yếu tiến hành các vụ giết người hàng loạt, thường là bắn các nạn nhân và đẩy vào các huyệt được đào sẵn. Được thành lập năm 1939, theo ước tính trong giai đoạn từ năm 1941 đến 1945, nhóm này đã sát hại trên 2 triệu người, trong đó có khoảng 1,3 triệu người Do Thái, 250.000 người di-gan, cũng như thành viên các nhóm kháng chiến, người đồng tính, các tăng lữ và người tàn tật.

Khi phát hiện ra các báo cáo mật, Ferencz bay đến Nuremberg đề nghị mở các phiên tòa mới. Tướng Taylor lưỡng lự vì văn phòng của ông thiếu các nguồn lực để phục vụ cho các phiên tòa như vậy. Tuy nhiên, Ferencz vẫn kiên trì thuyết phục. Cuối cùng tướng Taylor đã bị thuyết phục.

Ông chỉ định Ferencz làm công tố viên trong phiên tòa xét xử các Einsatzgruppen. Đây là phiên tòa thứ 9 trong 12 phiên tòa tiếp theo tại Nuremberg. Tại đây, 24 chỉ huy của Einsatzgruppen đã phải đối diện với các cáo buộc phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người. Hai trong số đó đã không thể hầu tòa vì lý do y tế. Một người khác đã tự tử.

Lời kêu gọi nhân loại hướng đến luật pháp

Hãng tin AP của Mỹ đã gọi phiên tòa trên là phiên tòa xét xử những kẻ sát nhân lớn nhất trong lịch sử. Những bị cáo đứng trước vành móng ngựa bao gồm những tội phạm khét tiếng như Tư lệnh binh đoàn SS (Schutzstaffel – tổ chức vũ trang của Đức Quốc xã) Otto Ohlendorf, một nhà kinh tế với tấm bằng tiến sỹ là chỉ huy của Einsatzgruppen D, đơn vị đã sát hại ít nhất 100.000 người tại miền Nam Ukraine và khu vực Caucasus trong những năm 1941-1942. Khi đó Ferencz 27 tuổi và đây là phiên tòa đầu tiên của ông.

Ông bắt đầu phiên tòa với một trong những lời mở đầu mạnh mẽ nhất tại các phiên tòa ở Nuremberg: “Với sự đau buồn và hy vọng, tại đây chúng ta sẽ lột trần hành vi sát hại có chủ ý hàng triệu nam giới, nữ giới, trẻ em vô tội và không có khả năng kháng cự. Trả thù không phải là mục tiêu của chúng ta, chúng ta cũng không chỉ đơn giản đòi hỏi sự đền tội.

Chúng ta kêu gọi phiên tòa này, bằng một hành động pháp lý quốc tế, khẳng định quyền của con người được sống trong hòa bình và nhân phẩm, bất kể họ thuộc chủng tộc hay nguồn gốc nào. Phiên tòa của chúng ta là sự kêu gọi nhân loại hướng về luật pháp.

Chúng ta sẽ thiết lập những sự thật mà trước bóng tối của Đế chế thứ 3 của chế độ phát xít dường như là điều không thể tin nổi”. Ông đã đưa ra những chứng cứ buộc tội, tranh tụng và thẩm tra chéo một số bị cáo chính. Tháng 4/1948, tất cả 22 bị cáo còn lại đều bị xác định có tội.

Sau thắng lợi này, Tướng Taylor đã cất nhắc Ferencz lên vị trí tư vấn chính, quản lý việc kết luận các phiên tòa còn lại tại Nuremberg.

Năm 1948, khi vẫn còn làm việc tại văn phòng công tố Nuremberg, Ferencz trở thành người đứng đầu Tổ chức những người kế thừa của cộng đồng Do Thái, một thực thể kết nối giữa việc truy tố tội phạm diệt chủng với việc đền bù cho cộng đồng Do Thái. Ông ngay lập tức đã đưa ra 163.000 yêu cầu bồi thường.

Ông có đóng góp nổi bật trong việc đàm phán thành công Thỏa thuận đền bù giữa Israel và Tây Đức, một thỏa thuận chưa từng có ở cấp chính phủ về đền bù cho các tội ác chiến tranh gây ra. Ngay sau đó, ông đã thúc đẩy thành lập Tổ chức phục hồi thống nhất, một cơ chế hỗ trợ những người sống sót giành được phần của mình trong thỏa thuận đền bù nêu trên. 

Luật pháp, không phải chiến tranh

Ferencz nổi tiếng với câu nói: “Chiến tranh biến những con người lương thiện thành những kẻ sát nhân”. Trao đổi với kênh truyền hình Al Jazeera trước ngày sinh nhật của mình, ông đã trải lòng về câu nói này: “Chúng ta phải chấm dứt ca ngợi chiến tranh. Tôi chưa bao giờ nghe nói về một cuộc chiến tranh nào mà không sát hại những con người lương thiện”.

Sau khi nghỉ hưu, Ferencz tiếp tục theo đuổi mục tiêu thúc đẩy hòa bình, không bao giờ mệt mỏi trong việc nhắc lại thông điệp tiêu biểu của mình: “Luật pháp, không phải chiến tranh”. Ông đã được trao Giải thưởng Erasmus, giải thưởng dân sự cao quý nhất của Chính phủ Đức và được Chính phủ Hungary ghi nhận những đóng góp trong suốt cuộc đời ông.

Tuy nhiên, như Don, con trai ông đã chỉ ra, ông chưa bao giờ chính thức được Chính phủ Mỹ ghi nhận. Theo Don, “có lẽ việc không được những người đại diện cho pháp trị ghi nhận phản ánh thực tiễn chính trị của thời đại chúng ta”.

Những mẩu xương trong bụi cỏ

Khi thăm trại tập trung Auschwitz lần đầu tiên ngay sau chiến tranh, Ferencz đã nhặt được một mẩu xương nhỏ trong bụi cỏ. Đó chính là khi ông tự nhủ với bản thân mình: “Tôi không muốn quên tôi đến nước Đức để làm gì”.

Giáo sư Drumbl đã nói: “Chúng tôi nghĩ rằng sự tiến bộ dựa trên thể chế. Nhưng đôi khi một cá nhân đơn lẻ, những xu thế nổi trội cũng có thể tạo ra ảnh hưởng vô cùng to lớn. Phẩm chất cá nhân, sự ngoan cường của Ferencz có ý nghĩa quan trọng khi chúng ta đối diện với những thách thức của thế hệ mình”.

Trước ngày sinh nhật lần thứ 100 của cha mình, Don chia sẻ một câu chuyện về ông. “Hầu hết mọi người không biết rằng cho đến khi 95 tuổi, cha tôi vẫn trồng cây chuối 5 phút mỗi ngày”.

Đây có lẽ là cách để một con người đã dành cả cuộc đời cố gắng sửa chữa một thế giới đảo lộn bởi chiến tranh, biến sự vô nhân tính trong con người trở lại làm người.

Khánh An (Theo Al Jazeera)
.
.