Cuộc chiến dầu lửa Mỹ-Iran có nguy cơ lan rộng

Thứ Ba, 10/07/2018, 15:28
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tìm mọi cách để cấm toàn bộ lượng dầu thô của Iran xuất khẩu ra thị trường thế giới thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015.

Và để kéo giá dầu giảm xuống phục vụ cho mục đích chính trị nội bộ, ông Trump vận động Arập Xêút vào cuộc. Cuộc đối đầu Mỹ-Iran vì dầu lửa đang có nguy cơ lan rộng vì Iran và Arập Xê-út vốn là những đối thủ "không đội trời chung" ở Trung Đông.

Đưa doanh thu dầu mỏ của Iran về 0

Ngày 8-5-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đơn phương rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran mà nước này đã ký kết với các cường quốc khác Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc và Iran hồi năm 2015. Từ khi bước vào Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã muốn xé bỏ thỏa thuận hạt nhân giữa chính quyền Obama tiền nhiệm với Iran về chương trình hạt nhân của nước này vì cho rằng đây là thỏa thuận bất lợi cho nước Mỹ.

Đi kèm với tuyên bố trên là việc tái lập các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ với Iran. Brian Hook, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, ngày 2-7 xác nhận rằng việc khôi phục các lệnh cấm vận của Mỹ đối với lĩnh vực ôtô, vàng và các kim loại quý khác sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 6-8-2018 và với những giao dịch liên quan đến dầu mỏ và với ngân hàng trung ương Iran từ ngày 4-11-2018.

Tổng thống Iran Rouhani (trái) và Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ Alain Berset ngày 3-7 tại Bern.

Trong cuộc trao đổi với báo chí tại Washington ngày 26-6, một quan chức ngoại giao Mỹ khẳng định "vì an ninh quốc gia, Hoa Kỳ cảnh báo các đối tác là phải ngưng nhập khẩu dầu lửa Iran một cách tuyệt đối chậm lắm là vào ngày 4-11 tới". Nhà ngoại giao này cho biết đã đi một vòng châu Âu và châu Á và sẽ trao đổi với Ấn Độ và Trung Quốc để đưa ra yêu cầu tương tự. Thời điểm này là đúng 6 tháng theo kỳ hạn mà Tổng thống Trump tuyên bố khi thông báo quyết định rút khỏi hiệp định hạt nhân được chính quyền Barack Obama ký với Iran vào năm 2015.

Một tuần sau, Mỹ tiếp tục nhắc lại yêu sách trên. Ngày 2-7, ông Brian Hook nói với các phóng viên rằng: "Mục tiêu của chúng tôi là tăng áp lực lên chính quyền Iran bằng cách giảm doanh thu từ việc bán dầu thô về con số 0". Vị quan chức này cũng bác bỏ bất kỳ ý tưởng nào về việc miễn trừ lệnh cấm vận cho các quốc gia nhập khẩu dầu của Iran. "Chúng tôi không tìm cách cấp rộng rãi giấy phép hoặc sự miễn trừ nào" vì điều đó sẽ "làm giảm đáng kể áp lực" đối với Iran, Hook nói.

Tuy nhiên, ông nói rằng Washington sẵn sàng "làm việc với từng nước để xem xét mức giảm nhập khẩu dầu thô của họ từ Iran", Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong số những nước mua dầu lớn nhất của Iran.

Cũng trong thời gian này, Tổng thống Trump liên tục kêu gọi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) làm hạ nhiệt giá dầu bởi lẽ nếu giá dầu tăng cao sẽ kéo theo giá tiêu dùng tăng, điều này chỉ có lợi cho ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ nhưng lại gây bất lợi cho lá phiếu của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ vào tháng 11 tới.

Ngày 4-7, trên trang twitter cá nhân, Tổng thống Trump lần thứ hai đả kích OPEC khi viết rằng:  "Họ đã đẩy giá dầu cao hơn ngay cả khi Mỹ đã bảo vệ nhiều thành viên này trong tổ chức này". Nhưng tại sao ông Trump lại muốn cắt nguồn cung dầu thô của Iran ra thị trường thế giới. Làm thế chẳng khác nào đẩy giá dầu tăng thêm sao? Ngày 4-7, Hossein Kazempour Ardebili, đại diện của Iran tại OPEC nói rằng: "Tổng thống Trump đang áp đặt biện pháp trừng phạt đối với các nhà sản xuất dầu, các thành viên sáng lập OPEC, tức là hạn chế nguồn cung nhưng lại yêu cầu họ giảm giá dầu, thật là mâu thuẫn hết mức!".

Mới nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng dường như ông tỉ phú Trump đã có tính toán kỹ lưỡng. Để bù đắp lượng dầu thiếu hụt của Iran, ông Trump kêu gọi OPEC và các đối tác khác tăng sản lượng. Mới đây, Nga và Arập Xê-út đã quyết định tăng thêm 1 triệu thùng/ngày. "Chúng tôi cũng đang làm việc với những nước sản xuất và tiêu thụ dầu để đảm bảo sự ổn định của thị trường", ông Hook nói thêm, và khẳng định Washington "có đủ năng lực sản xuất để cung cấp nguồn dầu thay thế cho Iran".

Trong bài đăng trên Twitter ngày 30-6, ông Trump cho biết Vua Salman bin Abdulaziz Al Saud của Arập Xê-út đã đồng ý với yêu cầu thúc đẩy sản xuất dầu "có thể lên đến 2 triệu thùng".

"Tôi đã trao đổi với Vua Salman của Arập Xê-út và giải thích với ông ấy rằng, vì tình hình hỗn loạn và bất ổn ở Iran và Venezuela nên tôi đề nghị Arập Xê-út tăng sản lượng dầu, có thể sẽ lên đến 2 triệu thùng, để bù đắp cho sự thiếu hụt… Giá dầu đã lên quá cao! Ông ấy đã đồng ý", trích từ Twitter của ông Trump. Việc Arập Xê-út đồng ý đề nghị của Mỹ là điều thật dễ hiểu.

Một mặt, Arập Xê-út muốn chiếm lĩnh thị phần dầu của Iran, do hai nước là kình địch của nhau cả về vị thế tại Trung Đông lẫn trong OPEC. Mặt khác, bản thân Ryad cũng không muốn giá dầu tăng quá cao vì để còn giữ chân khách hàng. Arập Xê-út muốn dầu ở mức giá gần 70 đôla một thùng và không muốn nó lên tới 90 đôla. Cuối cùng, việc chấp thuận "giúp đỡ" Mỹ đồng nghĩa với việc Arập Xê-út sẽ được "trả ơn" về mặt địa chính trị trong cuộc ganh đua giành vị trí nắm giữ quyền chi phối Trung Đông. Iran đứng thứ tư về trữ lượng dầu mỏ và thứ hai về khí thiên nhiên.

Do đó, một Iran tự do sẽ gây nguy hiểm cho vai trò của Arập Xê-út với tư cách là nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Theo chuyên gia Chris Kanthan, lý do duy nhất mà người Arập Xê-út ngày nay rất giàu là vì Iran đã hầu như bị cô lập kể từ năm 1979 bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ làm tê liệt đất nước.

Trong những thập niên trước, Iran là nhà sản xuất và lọc dầu lớn nhất, nhưng mọi thứ đã thay đổi khi Arập Xê-út hợp tác với các nhà tài chính quốc tế để tạo ra chương trình dầu đổi đôla (petrodollar) vào những năm 1970, thời điểm đồng tiền của Mỹ rơi vào khủng hoảng. Trước đây, Iran sản xuất nhiều dầu hơn Arập Xê-út nhưng vào năm 1980, người Arập Xê-út sản xuất dầu nhiều gấp 6 lần so với người Iran!

Nhưng tính toán của Tổng thống Trump vẫn chưa được như ý khi mà giá dầu vẫn tăng trong mấy ngày qua bất chấp khả năng Nga và Arập Xê-út tăng sản lượng. Bởi lẽ nguồn cung dầu ra thị trường thế giới đang bị những xáo trộn khác chẳng hạn như lượng dầu xuất khẩu từ Libya bị giảm do xung đột vũ trang, năng lực sản xuất của Venezuela bị suy yếu vì khủng hoảng kinh tế, chính trị, rồi bỗng dưng lại xảy ra vụ mất điện tại một mỏ dầu cát ở Canada...

Đây là những sự cố ngoài mong muốn và có thể chỉ mang tính nhất thời cho nên nhiều chuyên gia nhận định chính sách hạn chế Iran xuất khẩu dầu thô của Mỹ về lâu dài sẽ phát huy tác dụng.

Câu hỏi đặt ra tiếp theo là tại sao Tổng thống Trump lại phải vất vả gây áp lực lên Iran? Tất cả cũng là vì lợi ích của nước Mỹ. Một sự hồi sinh của Iran cũng có nghĩa là tạo ra sự cạnh tranh cho các công ty dầu mỏ và khí đá phiến của Mỹ. Họ đã tăng sản lượng kể từ năm 2011, khi Libya bị phá hủy!.

Nếu các nước ở Trung Đông sống yên ổn trong hòa bình thì sẽ không cần các căn cứ quân sự của Mỹ, và Arập Xê-út sẽ không phải mua vũ khí của Mỹ và Anh. Đối với tổ hợp quân sự-công nghiệp Mỹ, Trung Đông đã là một con gà đẻ trứng vàng từ hai thập kỷ qua. Chiến tranh liên miên đồng nghĩa với lợi nhuận chiến tranh khổng lồ cho các tập đoàn quốc phòng.

Đối với tầng lớp chính trị phương Tây, việc kiểm soát các quốc gia và khu vực Trung Đông là điều tối cần thiết. Hiện nay Washington đã bán vũ khí trị giá hơn 200 tỷ USD cho Arập Xê út và các quốc gia Arập vùng Vịnh, ngoài ra là khoản viện trợ quân sự hơn 3 tỷ USD cho Israel hàng năm.

Do đó, vì lợi ích, một số nước phương Tây không muốn dừng cuộc xung đột giữa các nước theo dòng Hồi giáo Sunni, Arập Xê-út và Iran nhưng tránh để xảy ra chiến tranh tổng thể và không để cho các đường ống dẫn dầu và các nhà máy lọc dầu của các công ty phương Tây ở đây bị phá hủy. Trong lý thuyết địa chính trị, chiến lược này được gọi là "hỗn loạn có kiểm soát".

Iran phản công

Ngày 1-7, Iran khẳng định rằng họ sẽ có cách "đánh bại" kế hoạch của Mỹ trong việc ngăn chặn nước này bán dầu ra nước ngoài, và cảnh báo Arập Xê-út về việc nước này đang tìm cách chiếm lĩnh thị phần của Tehran trên thị trường toàn cầu. "Chúng tôi chắc chắn sẽ làm một cái gì đó để đánh bại kế hoạch ngăn chặn dầu của Iran ra thị trường", phó Tổng thống Iran Eshagh Jahangiri cho biết trong một bài phát biểu phát trên truyền hình quốc gia Iran.

Một giàn khoan dầu của Iran ở vùng Vịnh.

"Chính phủ có một kế hoạch [...] và chúng tôi tự tin rằng chúng tôi sẽ có thể bán dầu của mình nhiều như mong muốn", ông Jahangiri nói thêm. "Bất kỳ nước nào [ám chỉ Arập Xê-út] muốn chiếm lấy thị phần của Iran trên thị trường dầu mỏ sẽ bị coi là kẻ thù chống lại quốc gia Iran [...] và chắc chắn một ngày nào đó sẽ phải trả giá cho điều đó", ông quả quyết.

Iran và Arập Xê-út đã cắt đứt quan hệ ngoại giao vào năm 2016 và đang tham gia vào một cuộc đấu tranh ảnh hưởng ở Trung Đông. Cả hai quốc gia đều là thành viên của OPEC. Các thành viên của tổ chức này ngày 22-6 đã đồng ý tăng sản lượng của họ lên 1 triệu thùng một ngày để tránh một thị trường "quá nóng" khi giá vàng đen tăng. Nhưng sự gia tăng đó vẫn nằm trong khung thỏa thuận của OPEC và 10 đối tác khác được ký kết cuối năm 2016.

"Bất kỳ sự gia tăng nào trong việc sản xuất của một nước thành viên OPEC vượt quá những gì được quy định trong các quyết định của OPEC thông qua vào ngày 22-6 sẽ bị coi là vi phạm các thỏa thuận", Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zangeneh viết trong lá thư gửi lãnh đạo OPEC ngày 2-7. Lá thư này được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter rằng Arập Xê-út đã đồng ý tăng sản lượng thêm 2 triệu thùng/ngày.

Trong thư, Bộ Dầu mỏ Iran kêu gọi Chủ tịch OPEC "nhắc nhở" các nước thành viên "tôn trọng cam kết của họ [...] và để tránh bất kỳ biện pháp đơn phương nào làm suy yếu sự thống nhất và độc lập của OPEC. "Các quyết định của OPEC không cho phép bất kỳ quốc gia thành viên nào đáp ứng yêu cầu tăng sản lượng của Mỹ để phục vụ cho một mục đích chính trị rõ ràng là phá hoại Iran", Bộ trưởng Dầu mỏ Iran nói thêm.

Ngày 3-7, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố rằng lời kêu gọi các nước ngừng nhập khẩu dầu Iran của Mỹ là "ngây thơ hết mức" và coi các biện pháp "cấm vận mù quáng" của Mỹ là vi phạm nhân quyền.  Phát biểu trong một cuộc họp báo chung ở Bern với Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ Alain Berset, Tổng thống Rouhani cho rằng lời đe dọa của Mỹ muốn "giảm về 0" doanh thu bán dầu thô của Iran là sự "chém gió" chứ không bao giờ thực hiện được.

"Thật là ngây thơ, vô căn cứ và không công bằng khi chính quyền Mỹ cho phép tất cả các nhà sản xuất dầu mỏ được quyền xuất khẩu ngoại trừ mỗi Iran", ông Rouhani nhận xét. Tổng thống Rohani cũng nói với các phóng viên rằng: "Các biện pháp trừng phạt bừa bãi đối với một quốc gia lớn là vi phạm lớn về quyền con người".

Theo các nhà quan sát, chiến lược của Washington xoay chung quanh bốn trục trong đó "bóp nghẹt kinh tế" bằng cách ngăn chặn nguồn thu từ dầu lửa của Iran chỉ là một, bên cạnh đó còn có vô hiệu hóa tiến công của Iran về biên giới Israel; ủng hộ các phong trào đối lập và thúc đẩy thành lập trục Israel- Arập Xê-út.

Vì theo lập luận của Washington, Iran là thủ phạm gây rối loạn tình hình Trung Đông qua các tổ chức vũ trang thuộc hệ phái Shia như lực lượng dân quân Hồi giáo ở Iraq, tổ chức Hezbollah ở Liban, tổ chức Hamas ở Gaza và trực tiếp tham chiến ở Syria. Cũng chính Iran đòi "xóa sổ" Israel và kêu gọi lật đổ vương triều Arập Xê-út, hai đồng minh của Mỹ trong khu vực.

Chưa có thể dự báo kế hoạch "bóp nghẹt kinh tế" Iran của Mỹ sẽ đạt hiệu quả đến đâu? Theo các chuyên gia, hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran khó có khả năng dừng toàn bộ. "Ấn Độ nhập khẩu một lượng lớn dầu thô của Iran nhưng nước này gần đây ám chỉ rằng sẽ thực hiện theo yêu cầu của Washington", chuyên gia phân tích Sukrit Vijayakar thuộc Trifecta Consultants nói. Tuy nhiên, "Bắc Kinh đã không ngừng mua dầu của Iran, và những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay khó có thể khiến Bắc Kinh thực hiện yêu sách của Washington", chuyên gia Sukrit Vijayakar nhận định.

Cần nhắc lại rằng kể từ ngày 6-7, các biện pháp tăng thuế của Mỹ với hàng nhập khẩu của Trung Quốc và những đòn trả đũa của Bắc Kinh đối với Wahington chính thức có hiệu lực.

M.T. (tổng hợp)
.
.