Tiếp theo và hết:

Cuộc tập kích quân Pháp ở Trạm Nam Chơn (tiếp theo và hết)

Thứ Năm, 15/01/2015, 15:20
Chắc chắn rằng, cuộc tập kích Nam Chơn của nghĩa quân đã được chuẩn bị một cách rất kỹ lưỡng. Theo đánh giá của viên khâm sứ Trung Kỳ lúc bấy giờ là Baille thì: "Cuộc tập kích trên đã được lệnh từ Bộ Tổng tham mưu của phong trào nghĩa hội do Nguyễn Duy Hiệu làm thủ lĩnh đưa xuống”.

“Cái chết của viên Đại úy Besson”

Có thể là như thế, bởi lẽ từ Tân Tỉnh, Trung Lộc, Quế Sơn là nơi lãnh tụ Nguyễn Duy Hiệu chọn làm đại bản doanh của phong trào Nghĩa hội đến làng Cu Đê (Nam Ô) là điểm xuất phát của nghĩa quân, đã tập kích Nam Chơn, có chiều dài hơn 70 cây số.

Vì vậy, nếu nghĩa quân không được báo trước thì khoảng thời gian chỉ vỏn vẹn có 6 tiếng đồng hồ đoàn công tác của đại úy Besson dừng lại ở Trạm Nam Chơn thì nghĩa quân có xông xáo, nhạy bén đến đâu cũng không dễ tổ chức tập kích một cách ngoạn mục như thế được.

Camille Paris viết: "Hai ngày trước khi diễn ra tấn thảm kịch ở Nam Chơn của người Pháp. Có hơn 200 dân phu do những người cai dẫn đến để xin được làm việc tại công trường. Đại úy Besson vì nôn nóng cho công trình sớm được hoàn tất nên đã nhanh chóng chấp thuận mà không một chút mảy may nghi ngờ. Ông ta nghĩ rằng, đám cu li ấy chỉ đến xin việc làm để kiếm cái ăn cho đỡ đói. Tuy nhiên, chính hơn 200 dân phu ấy đã liên kết với 300 dân phu khác trong đêm 28/2 rạng ngày 1/3/1886".

Liên quan đến con số 300 nghĩa quân này, một tài liệu của ông Lucien Huard đã viết  như sau: "Vào khoảng giữa 11 và 12h đêm, có 300 người An Nam nổi loạn đi bằng thuyền đáp vào Vịnh Tourane. Họ đã yên lặng đổ bộ lên làng Nam Chơn, lúc đó không còn ai thức. Họ đã bao vây 2 cái nhà và tuôn vào nơi ông đại úy Besson ở. Ông này đang làm việc trước một cái bàn. Ông đại úy vừa đủ thời gian đặt bàn tay lên khẩu súng lục mà một phát đạn duy nhất vừa được bắn ra, ông liền bị bắt, quật ngã xuống đất và giữ chặt bởi những kẻ thù hận điên loạn, họ hạ sát ông đại úy ngay và châm lửa đốt nhà.

Thân thể của Besson chỉ còn lại chân tay bị thiêu cháy, người ta đã tìm thấy đầu của Besson ở một cái hố trên bãi biển Nam Ô. Ở ngôi nhà khác thì cuộc mưu sát không hoàn thành được một cách dễ dàng. Bị đánh thức bởi phát súng của viên đại úy và được soi sáng bởi ngọn lửa của ngôi nhà đang cháy, cuộc đánh nhau kéo dài khá lâu.

Những người lính Pháp đã rất kinh hoàng khi họ đang ngủ, không đem lại một chút thành công nào trong việc đẩy lùi bước tấn công của những người An Nam vào ngôi nhà của họ. Những người lính Pháp bèn đặt chướng ngại vật để cản bước tiến của người An Nam, nhưng ngay lập tức những người An Nam ấy đã châm lửa đốt cháy căn nhà. Những người lính đã rất đau khổ vì khói mù, lúc đó họ phải chạy ào ra ngoài và tất cả đều bị giết".
Đồn lũy trên đèo Hải Vân còn đến ngày nay. Ảnh tư liệu.

Viên đội trạm có một ngôi nhà ngói nằm gần đó đã lủi trốn, để lại trong căn nhà ấy một mẹ già và mấy bà vợ đang run rẩy quỳ gối cầu nguyện trước bàn thờ. Những người nghĩa quân tham gia cuộc tập kích đã tha chết cho họ và sau đó chính bà già 85 tuổi mẹ của viên đội là nhân chứng duy nhất kể lại cho Camille Paris cùng các nhà chức trách Pháp khác nghe những gì đã xảy ra trong đêm 28/2 rạng sáng ngày 1/3/1886 ở Nam Chơn.

Cũng trong trận tập kích này, tên tri huyện tay sai Trần Bân thuộc huyện Hòa Vang có nhiệm vụ ứng đón đoàn công tác của đại úy Besson ở Nam Chơn trong đêm ấy, cũng đã bất thần trốn về Nam Ô, nhưng trên đường lẩn trốn đã bị nghĩa quân chặn bắt rồi áp giải về giao cho thủ lĩnh hỏi tội.  

Một tài liệu khác cũng đã được công bố trong BAVH số năm 1925, tác giả Henri Cosserat đã viết: "Chính trung úy Malglaive là người đầu tiên đã cùng với 7 người nữa có mặt ở nơi đã xảy ra thảm kịch, đi theo bên ông ấy là Camille Paris. Họ có bổn phận nặng nề là đến thu dọn những xác chết của những người đồng hương da trắng. Tất cả họ đã được đưa về Tourane, tại đây họ đã được chôn cất trong nghĩa địa cũ.

Thảm kịch ở Nam Chơn được mọi người cho là quá bất ngờ, và qua đó đã thấy được yếu điểm của quân nơi đây. Tướng Prudhomme, tổng chỉ huy quân số Pháp ở Trung Kỳ thời đó, không thể giữ tiếp số quân cần thiết để truy kích toán người khởi loạn được.

Trong ánh lửa đang lụi dần của những ngôi nhà mà đại úy Besson và các thuộc hạ của mình trú đóng, những nghĩa quân đã lần lượt phân tán làm hai cánh. Một rút lên các thác nước nằm phía trên Trạm Nam Chơn, một đi ra biển vòng về phía Nam Ô. Không một dấu vết để lại trên hiện trường...

Trung úy Gimard đã dẫn 30 quân của mình đi đến làng Nam Ô để tìm hiểu về tung tích  của những người tham gia cuộc tập kích. Nhưng tất cả đã hoài công. Những người Pháp lúc đó đã nhìn thấy trên đỉnh Hải Vân phất phới tung bay một lá cờ của nghĩa quân nhưng họ chỉ đứng nhìn trong bất lực...  

Sau tấn thảm kịch ở Nam Chơn, người Pháp vẫn không từ bỏ ý đồ "bình định" tỉnh Quảng Nam, đặc biệt là vùng tây bắc của tỉnh này. Vì thế, mặc dù đoàn công tác cầu đường ưu tú nhất của họ đã bị nghĩa quân xóa sổ nhưng ngay sau đó, một đại úy công binh khác có tên là Nicod đã được bổ nhiệm để tiếp tục công trình mà những người đồng nghiệp của ông ta đang thực hiện dang dở.
Một làng phía nam đèo Hải Vân xưa. Ảnh tư liệu.

Chiến tướng Hồ Học

Có rất ít tài liệu ghi lại danh tính và những hoạt động của nghĩa quân ở vùng tây bắc Hòa Vang thời bấy giờ, tuy nhiên căn cứ trên nhiều nguồn tài liệu có được, nhiều nhà nghiên cứu sử địa phương và ngay cả chúng tôi khi thực hiện bài viết này cũng cùng một nhận định vị chỉ huy cuộc tập kích mà người Pháp đã gọi đây là tấn thảm kịch của họ chính là chiến tướng Hồ Học.

Chiến tướng Hồ Học, quê ở làng Vân Dương, tổng An Hòa, huyện Hòa Vang (nay là huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Ông là một người sớm có tinh thần yêu nước và chống Pháp một cách quyết liệt. Hưởng ứng phong trào Nghĩa hội ở Quảng Nam. Hồ Học đã ra sức chiêu mộ nghĩa binh đến cả nghìn người, tự trang bị các loại vũ khí để phục kích đánh Pháp.

Lúc bấy giờ, trên khắp địa bàn huyện Hòa Vang, quân của Hồ Học đóng ở đâu cũng được nhân dân ủng hộ không những về mặt tinh thần mà còn cả vật chất. Những ngày tham gia phong trào Nghĩa hội, quân sĩ của chiến tướng Hồ Học đã cùng với quân của Tiểu La Nguyễn Thành mở các cuộc tập kích vào các đồn binh của Pháp và Nam triều làm cho quân địch bối rối phải khổ sở phòng thủ.

Vào khoảng cuối năm 1886, quân Pháp và quân Nam triều dưới sự chỉ huy của viên đại tá Braxcini mở cuộc hành quân lên Ái Nghĩa thuộc huyện Đại Lộc (Quảng Nam) để truy lùng quân của Nghĩa hội. Các chiến tướng của Nghĩa hội đã đem quân mai phục ở những địa thế hiểm trở, chờ đến nửa đêm khi quân địch đang mệt mỏi ngủ say thì bất ngờ tấn công.

Bị đánh bất ngờ, địch phải mở đường máu để chạy về Thu Bồn dựa vào quân Pháp đang đồn trú tại đây. Thừa thắng xông lên, quân của Nghĩa hội xông thẳng vào đồn giặc, đánh dồn dập làm địch trở tay không kịp đành phải kéo nhau bỏ Thu Bồn chạy về Đà Nẵng. Quân của chiến tướng Hồ Học đã mở cửa nhà tù để giải phóng cho những người yêu nước bị giặc bắt giam, đa số những người này sau khi thoát khỏi ngục tù đã tham gia vào Nghĩa hội. 

Chiến tướng Hồ Học là người chỉ huy dũng cảm, có tài cầm quân, đánh thắng quân Pháp nhiều trận nên tiếng tăm lẫy lừng. Trong một trận đánh ở Hố Chiếu, quân Pháp đông gấp bốn lần nghĩa quân, lại có quân tiếp viện, nên nghĩa quân chỉ cầm cự được một ngày thì đồn lũy bị đại bác của chúng san phẳng. Hồ Học cùng nhiều tướng lĩnh của ông bị bắt.

Chúng giải ông về Ty Niết (tức Ty Án sát của Nam triều) ở Hội An tra hỏi. Đích thân một viên đại tá Pháp từ Hà Nội vào cùng với viên án sát Quảng Nam hỏi cung Hồ Học. Chúng dụ dỗ ông khai báo nơi ở của thủ lĩnh Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến và các bí mật của Nghĩa hội. Hồ Học đã giận dữ quăng cả chiếc ghế vào mặt viên đại tá Pháp. Và bọn chúng đã bắn chết ông.

Giặc Pháp còn giết các ông Tán Bùi, Đốc Lãnh, Lãnh Trinh, Cai Á, Cai Cải. Chúng chặt đầu các ông bỏ vào giỏ tra để "bêu đầu thị chúng" trên bờ sông của làng Lai Nghi (gần Hội An) để uy hiếp tinh thần dân chúng. Phải đến 10 ngày sau, những nghĩa binh thân tín của ông mới lấy được xác mang về giao cho người nhà chôn cất tại làng Vân Dương.

Do chiến tướng Hồ Học là người bị triều đình nhà Nguyễn khép vào tội "phản nghịch" vì vậy ngôi mộ của ông đã bị chính quyền đương thời xiềng lại bằng một sợi xích. Phải đến sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, sợi xích oan nghiệt trên ngôi mộ của chiến tướng Hồ Học mới được cởi bỏ. Hiện tại, mộ của ông đã được đưa về nghĩa trang xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) để hương khói, chăm sóc...

Phan Bùi Bảo Thy
.
.