Francois Duvalier – “Bác sĩ thần chết”

Thứ Tư, 08/08/2018, 08:46
Ngày nay có lẽ không mấy ai được biết về Haiti - quốc đảo nổi tiếng về những bãi cát trắng và bờ biển xanh tuyệt vời đối với du khách trên toàn thế giới - đã từng có những trang sử hết sức đen tối. Một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới này từng phải nằm dưới quyền cai trị của Francois Duvalier, nhà độc tài đặc biệt nhẫn tâm với chính sách thẳng tay bắt bớ, tra tấn và hành hình hơn 50 ngàn người.

Dưới thời ông ta, nạn buôn người và trẻ em nở rộ hơn bao giờ hết. Duvalier còn sử dụng những nghi lễ phù thủy để kìm nén, dọa nạt người dân, khiến họ phải cam chịu sống trong chế độ độc tài hết sức hà khắc của ông ta...

Bác sĩ làng với tham vọng chính trị

Duvalier sinh ra tại thủ đô Port-au-Prince trong một gia đình có cha mẹ là giáo viên và nhà báo. Sau khi tốt nghiệp đại học với tấm bằng bác sĩ, ông ta có thời gian được cử về làm việc tại nông thôn, trước khi phục vụ cho một sứ mệnh quân sự của Mỹ và thực tập tại Đại học Tổng hợp Michigan. Năm 1939, ông ta cưới một nữ y tá tên là Simone Ovide và họ sinh được 3 người con gái và 1 người con trai, nhân vật sau này kế nhiệm cha tiếp tục duy trì chế độ độc tài tại Haiti.

Francois Duvalier.

Một bác sĩ trẻ từng là niềm tự hào của cả gia đình bất chợt quay sang lĩnh vực hoạt động chính trị. Mọi chuyện bắt đầu vào năm 1946, sau khi tổng thống da đen đầu tiên Dumarsais Estime, bổ nhiệm Duvalier làm Thứ trưởng Bộ Lao động, sau đó làm Bộ trưởng Y tế. Một loạt cuộc đảo chính diễn ra sau đó dù có nhiều lúc khiến Duvalier trở thành tay trắng nhưng cũng không làm nguội lạnh tham vọng chính trị của ông ta.

Cơ hội mới lại đến với Duvalier vào năm 1956, sau khi một cuộc đảo chính tiếp theo nổ ra. Trước sự ngạc nhiên của rất nhiều người, ông ta được đề xuất làm ứng cử viên tổng thống. Những đối thủ nặng ký của Duvalier khi đó - nhà giáo Daniel Fignole và luật sư Clement Jumelle - đều tỏ vẻ coi thường, cười nhạo và coi ông ta chẳng khác gì một “tay thích chơi trội trẻ tuổi”.

Nhưng Duvalier đã không chịu ngồi yên với chiến thuật liên tục gây bất ổn trên chính trường. Ông ta giao cho những người ủng hộ mình nhiệm vụ phải liên tục gây cho dân chúng cảm giác hoảng loạn, bất ổn. Người chiến thắng trở thành tổng thống rốt cục là Fignole, nhưng lại không được hưởng cảm giác chiến thắng lâu - ông ta bị lật đổ và bắt giữ chỉ sau 20 ngày cầm quyền. Cuộc bầu cử mới được tổ chức sau đó với chiến thắng lần này đã gọi tên Francois Duvalier.

Rút kinh nghiệm triệt để từ hàng loạt cuộc đảo chính trước đó, tân tổng thống đã bằng mọi giá “xiết chặt kỷ cương” ngay từ đầu: xử bắn và tống vào tù tất cả đối thủ chính trị, cấm các tổ chức xã hội và đảng phái hoạt động, đóng cửa những tờ báo theo quan điểm tự do, quốc hữu hóa tài sản của những thương gia được đánh giá là không trung thành.

Dưới sức ép thương xuyên của chính quyền, ngay cả nhà thờ Thiên chúa giáo cũng phải thay đổi lễ cầu nguyện, thay vì chúa trời, phải xưng danh đích thân thủ lĩnh của Haiti. Dần dà, sự sùng bái cá nhân Duvalier đã trở thành một tôn giáo chính tại Haiti. 

Duvalier cùng “đội quân xác sống” Tonton Macoute của mình.

“Đội quân xác sống”

Biết rằng người Haiti luôn thích nghĩ ra những biệt danh cho các tổng thống của mình, Duvalier tự gọi mình là “Papa Doc”; về sau còn tự xưng cho mình những cái tên rất kêu kiểu như “thủ lĩnh tuyệt đối của cách mạng”,  “giáo đồ của sự thống nhất dân tộc”, “ân nhân của những người nghèo” v.v... Ông ta cũng không quên tuyên bố mình là hiện thân của tôn giáo Vodun (một tôn giáo có tiếng ở châu Phi), đồng thời thay đổi quốc kỳ có các màu sắc tương đương với biểu tượng của tôn giáo này.

Không quá tin vào quân đội, Duvalier tổ chức một đội quân trung thành của riêng mình. Chỗ dựa chính của nhà độc tài là các nhóm vũ trang gồm các thành viên bán tội phạm gọi là Tonton Macoute, tồn tại không nhờ vào ngân sách mà nhờ vào... cướp bóc người dân địa phương. Đứng đầu những nhóm này là các phù thủy Vodun chuyên reo rắc kinh hoàng cho những người dân mù chữ.

Mặc những chiếc áo choàng trắng và đeo kính râm để người dân không thể nhìn thẳng vào mắt, những tay phù thủy này chuyên tra tấn người bằng mọi thủ đoạn dã man nhất như lột da, dìm nước, thiêu sống v.v... Người dân Haiti khi đó vẫn đồn đại với nhau rằng, các thành viên Tonton Macoute không thể mua chuộc hay sát hại do họ là những “xác sống chỉ phục tùng riêng Duvalier”.

Theo lệ, cứ mỗi sáng, Duvalier đều gặp tay chỉ huy lực lượng cảnh sát mật của mình, kẻ sẽ tâu cho ông ta về những kẻ bất phục đáng bị trừng phạt. Kết quả là tổng thống ngày nào cũng ký vào một danh sách những ai cần bị bắt giữ và kết án tử hình. Dưới thời Duvalier đã mọc lên cả một hệ thống nhà tù và trại tập trung để giam giữ những người bị nghi ngờ là không trung thành.

Những kẻ thù nguy hiểm nhất sẽ bị tống vào một nhà tù đặc biệt nằm ngay dưới dinh tổng thống. Nơi đây có cả một kho tàng các vũ khí tra tấn dã man nhất kể cả từ thời Trung cổ cho tới những phương tiện hiện đại. Báo chí địa phương khi đó cũng thường xuyên cho đăng tải hình ảnh cuối cùng của những kẻ chống đối với cái đầu bị chặt và thi thể tả tơi của họ.

Dinh tổng thống Haiti.

Mặt trái của thiên đường

Trong bầu không khí căng thẳng như vậy, nền kinh tế Haiti đã tụt dốc nhanh chóng. Quốc đảo này khi đó chỉ có 10% dân số là biết chữ, số còn lại không biết đọc biết viết. Gia đình Duvalier đã đút túi hàng triệu đôla và chuyển hết vào các ngân hàng Thụy Sĩ. Trong khi đó, rất nhiều dân thường Haiti đã chết vì đói, buộc phải bán con làm nô lệ với hy vọng chủ nhân sẽ cho chúng thức ăn.

Chưa hết, Duvalier còn làm giàu nhờ... máu của người dân. Các công dân đều bị bắt buộc phải đi hiến máu, trước khi tất cả được chuyển sang bán cho Mỹ. Cứ 2 lần mỗi tháng, các chuyến bay chuyển sang Washington trung bình khoảng 2.500 lít máu. Tất nhiên, số tiền này đều chảy vào túi của nhà độc tài. Tính ra hàng triệu đôla đã được chuyển trực tiếp vào cái gọi là “quỹ của tổng thống”. Davalier còn làm giàu nhờ một chế độ sưu thuế rất hà khắc, tất cả đều phải nộp vào quỹ tổng thống, kể cả đến từng que diêm.

Thật ra, phương Tây cũng theo dõi sát sao tình hình tại đảo quốc Haiti. Người Mỹ chắc chắn cũng thấy rõ những gì đang diễn ra ở Haiti hoàn toàn không phải là một nền dân chủ. Có điều Duvalier lại hành xử rất “ngoan ngoãn” và trung thành với Mỹ. Washington quyết định rằng thà duy trì chế độ độc tài của Duvalier còn hơn để quốc gia này lâm vào bất ổn. Thế là hàng triệu đôla tiếp tục được Mỹ tài trợ cho đảo quốc này, dù biết phần lớn đều rơi vào túi của Duvalier và các quan chức tay sai thân cận.

Di sản 30 năm độc tài của cha con nhà Duvalier đã khiến Haiti chưa thể thoát khỏi danh sách các quốc gia nghèo đói và lạc hậu nhất thế giới.

Sau khi đàn áp thành công vụ nổi dậy năm 1958, Duvalier tự phong cho mình thêm những đặc quyền mới, xua đội quân Tonton Macoute đi khủng bố khắp đất nước. Tính ra trong suốt thời gian cầm quyền của ông ta đã có hơn 50 ngàn người bị tử hình, hơn 300 ngàn người đã phải rời bỏ quê hương chạy ra nước ngoài. 3 năm sau đó, Duvalier cho giải tán quốc hội. Trên các phiếu bầu trong cuộc tổng tuyển cử sau đó chỉ in tên họ duy nhất của ứng cử viên là Duvalier.

Kết quả kiểm phiếu sau đó được tuyên bố rất nhanh chóng chỉ với một kết luận, người dân Haiti “đã tình nguyện bầu cho tổng thống của mình trong nhiệm kỳ mới”.

Tổng thống Kennedy là ông chủ duy nhất của Nhà Trắng đã khước từ sự giúp đỡ tài chính cho Haiti. Tức giận vì chuyện này, Duvalier đáp trả bằng cách cho chuẩn bị một con rối hình Tổng thống Mỹ để tổ chức một loạt các nghi lễ phù thủy nhằm nguyền rủa Kennedy. Nhiều người đã phải cười mỉa khi thấy ông ta công khai cầm con rối dùng kim đâm vào, hứa hẹn nguyên thủ Mỹ sẽ gặp phải một cái chết đáng sợ. Chỉ 6 tuần sau, Kennedy bị ám sát tại Dallas.

Sự kiện này càng làm cho người dân Haiti tin rằng, nguyên thủ của họ là một nhân vật có quyền năng đặc biệt, tiếp tục cam chịu sống trong nỗi sợ hãi và tôn sùng ông ta. Ngay cả những Tổng thống Mỹ tiếp sau có vẻ cũng không dám “thách thức số phận”, tiếp tục đổ nhiều tiền vào Haiti. Để không phải bận tâm với các cuộc bầu cử định kỳ, Duvalier vào năm 1964 đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý, trong đó đặt ra câu hỏi có thừa nhận ông ta làm tổng thống suốt đời hay không.

Jean-Claude Duvalier.

Ngay sau câu hỏi “Bạn có đồng ý hay không?”, trong phiếu thăm dò chỉ in hoa câu trả lời duy nhất là “CÓ”. Những ai muốn trả lời “không” buộc phải viết bằng tay, điều này cũng có nghĩa họ sẽ trở thành nạn nhân bị thanh trừng sau đó.

Chế độ độc tài cực kỳ hà khắc của Duvalier dẫn tới một cuộc nổi dậy tiếp theo vào năm 1970, dù một lần nữa bị ông ta đàn áp dã man nhờ sự trợ giúp của người Mỹ. Những cuộc nổi loạn liên miên đã bào mòn sức lực của nhà độc tài, lúc này cũng đã bị nhiễm bệnh nặng.

Ông ta không còn cách nào khác bèn đưa cậu con trai mới 19 tuổi của mình lên làm người kế nhiệm. Jean-Claude Duvalier, người có biệt danh là “Baby Doc”, đã chính thức thay thế cha mình trong cuộc diễu binh vào tháng 4-1971. Chỉ vài ngày sau, đã có thông tin chính thức về cái chết của tổng thống. Theo báo chí địa phương, trên quan tài của nhà độc tài có đặt cuốn sách “Hồi ký của nhà lãnh đạo” cùng một cây thánh giá.

Jean-Claude tiếp tục duy trì một chế độ độc tài như cha mình. Ông ta có một cuộc sống xa hoa, làm giàu bằng cả việc buôn bán ma túy và nội tạng những người đã chết. Đám cưới của Jean-Claude cũng đã từng đi vào lịch sử với tổng chi phí lên tới 3 triệu đôla. Có điều, cậu con trai đã không thể duy trì chế độ độc tài cho đến cuối đời như cha mình.

Bị lật đổ vào năm 1986, Jean-Claude cùng gia đình nhảy lên máy bay của không quân Mỹ để chạy sang Pháp, mang theo lượng tài sản khổng lồ, khoảng 800 triệu đôla. Phần lớn số tiền này cuối cùng đã được tòa phán quyết trao lại cho bà vợ Michele Bennett, sau khi bà này đệ đơn xin ly dị.

Theo các nhà phân tích, giai đoạn cầm quyền trong gần 30 năm của cha con nhà Duvalier đã đem lại tổn thất về kinh tế chưa thể phục hồi cho tới ngày nay đối với Haiti. Quốc đảo này hiện giờ vẫn nằm trong nhóm các quốc gia nghèo đói và lạc hậu nhất thế giới.

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.