Giải mã cái chết của Lê Quang Tung và Hồ Tấn Quyền trong vụ đảo chính Ngô Đình Diệm (kỳ cuối)

Thứ Năm, 23/03/2017, 18:05
Với CIA, người thứ hai nằm trong danh sách phải chết của kế hoạch đảo chính Ngô Đình Diệm là Hồ Tấn Quyền - Tư lệnh Hải Quân, một binh chủng hoạt động dưới nước, không liên quan đến vụ đảo chính xảy ra trên bộ. Tuy nhiên, ông ta trực tiếp chỉ huy một lực lượng đặc biệt mà CIA không có cách nào quản lý. Vì vậy, ông ta phải chết.

Kỳ cuối: Cái chết của Hồ Tấn Quyền

Con đường hoạn lộ của viên tư lệnh

Hồ Tấn Quyền sinh ngày 1-01-1927 tại Đà Nẵng, là 1 trong những người Việt Nam được quân đội Pháp đào tạo sỹ quan hải quân bài bản đầu tiên tại miền Nam Việt Nam. Theo hồ sơ lưu trữ thì ông ta học khóa I sỹ quan chỉ huy hải quân tại Nha Trang. Khóa này chỉ đào tạo 9 sinh viên sĩ quan gồm: 6 sỹ quan ngành chỉ huy và 3 sỹ quan ngành cơ khí. Sau khi kết thúc đợt thực tập trên các chiến hạm và hải đoàn Pháp, ngày 01-10-1952, ông ta tốt nghiệp với cấp bậc thiếu úy hải quân. 7 năm sau, ngày 06-08-1959 ông ta đã leo lên vị trí tư lệnh hải quân. Xem ra con đường thăng tiến của ông ta nhanh như vũ bão.

Trước khi cuốn cờ rút quân về nước, theo sự thỏa thuận với Mỹ, ngày 20-08-1955, quân Pháp đã để lại lực lượng hải quân cho chính quyền bù nhìn Bảo Đại. Hồ Tấn Quyền - Sỹ quan hải quân Pháp trở thành Hồ Tấn Quyền - Sỹ quan "Quốc Gia Việt Nam". Khi Diệm hất Bảo Đại văng khỏi chính trường miền Nam Việt Nam, Hồ Tấn Quyền trở thành Phó Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa (VNCH).

2 năm sau, Hồ Tấn Quyền được Diệm giao chức Tư lệnh Hải quân. Mặc dù thể chế chính trị được  thay đổi từ "Quốc Gia Việt Nam" sang "Việt Nam Cộng Hòa" nhưng "quân sử VNCH" vẫn công nhận tiền thân Hải Quân VNCH là Hải Quân "Quốc Gia Việt Nam". Vì vậy Đại tá Lê Quang Mỹ được xem là tư lệnh Hải quân đầu tiên của hải quân VNCH và Hồ Tấn Quyền là viên tư lệnh thứ ba của lực lượng này vào năm 1959.

Kể từ khi được Ngô Đình Diệm trao quyền chỉ huy lực lượng hải quân, ông ta đã cải tổ và thành lập nhiều đơn vị mới cho VNCH. Ông ta được Diệm ca ngợi như một hiện tượng sáng chói của chế độ. Thật ra, để có con đường thăng tiến nhanh, không ít lần ông ta đã phải mọp đầu, gập cổ trước bạo chúa miền Trung Ngô Đình Cẩn để gia nhập đảng "Cần lao".

Nhờ biết "nâng bi" cậu Út Cẩn nên Hồ Tấn Quyền được xem là đảng viên trung kiên của "Cần lao" và là tôi tớ trung thành của gia đình họ Ngô Đình. Sau khi bội ước, tráo trở hất Bảo Đại để leo lên ghế tổng thống, Diệm đã liên tục thăng cấp để trao quyền chỉ huy hải quân cho Hồ Tấn Quyền.

Hồ Tấn Quyền.

Đặc biệt, Hồ Tấn Quyền còn được Diệm trao quyền chỉ huy trực tiếp 1 lực lượng hải quân hoạt động bí mật. Đó là biệt đội người nhái.

Vào tháng 7-1960, Hồ Tấn Quyền đích thân tuyển chọn 8 thuộc hạ đưa sang Đài Loan để thụ huấn nghiệp vụ "thợ lặn" do lực lượng Hải quân Đài Loan huấn luyện. 5 tháng sau, 8 "thợ lặn" này trở thành huấn luyện viên đặc biệt tại Bộ Tham mưu Hải quân Việt Nam Cộng hòa. Nhiệm vụ đầu tiên của toán người này là đi khắp các đơn vị Hải quân tuyển chọn nhân sự để thành lập 1 biệt đội có cái tên rất dân dã: "người nhái".

Biệt đội người nhái này được đưa ra vùng biển Vũng Tàu huấn luyện những kỹ năng đột nhập, ám sát và phá hoại. Kẻ duy nhất nắm rõ mọi hoạt động của biệt đội người nhái là Ngô Đình Nhu và Hồ Tấn Quyền. CIA rất bực bội vì không nắm được hoạt động của toán người nhái này.

Trong thời điểm các lực lượng biệt kích do Lê Quang Tung và Mỹ đưa ra miền Bắc phá hoại, một toán biệt đội người nhái cũng được Ngô Đình Nhu bí mật đưa ra phía Bắc để thử nghiệm. Toán này do Lê Văn Kinh chỉ huy. Nhiệm vụ của nhóm này là đặt mìn phá hủy một số tàu thuyền đánh cá của ngư dân. Xui cho chúng, khi ra đến nơi, chưa kịp hành động gì thì đã bị dân quân của ta bắt gọn.

Nằm ngoài sự kiểm soát của Mỹ nên biệt đội người nhái này sẽ trở thành mối hiểm họa nếu chế độ Ngô Đình Diệm không tồn tại nữa. Đó là lý do cố vấn CIA, đã liệt Hồ Tấn Quyền vào danh sách ưu tiên… chết trong cuộc đảo chính đẫm máu.

Sau khi Diệm bị giết, Mỹ mới cho phép Việt Nam Cộng hòa thành lập chính thức và huấn luyện lực lượng người nhái (biệt đội Hải Kích SEAL - Sea, Air and Land) đầu tiên với 41 người tại Nha Trang vào cuối năm 1963.

Phi vụ ám sát một tư lệnh

Từ trước đến nay, nhiều người truyền tai nhau câu chuyện cái chết của Hồ Tấn Quyền trong cuộc đảo chính 01-11-1963 rất oanh liệt. Theo đó thì, khi cuộc đảo chính nổ ra, đại úy Nguyễn Kim Hương Giang cùng với vài sỹ quan đi xe đến tận tư dinh của đại tá Quyền để bắt sống.

Đại úy Giang vừa đến nơi thì thấy Quyền lái xe Traction ra khỏi cổng. Đại úy Giang đã cho xe jeep rượt đuổi theo. Mặc dù bị truy sát gắt gao nhưng ông Quyền vẫn điềm tĩnh lái xe về hướng một đơn vị quân sự ở Biên Hòa để tập họp lực lượng chống đảo chính. Khi đến Thủ Đức, ông bị Giang đuổi kịp, bắn chết.

Sự thật không đúng như vậy. Khi bị giết, Hồ Tấn Quyền hoàn toàn không hay biết gì về cuộc đảo chính sắp xảy ra. Thậm chí không biết lý do mình bị giết.

Biệt đội người nhái.

Theo tài liệu giải mật của CIA, nhóm sỹ quan đảo chính đã soạn thảo riêng 1 kế hoạch dành cho số phận Hồ Tấn Quyền từ những ngày giữa tháng 10-1963, tức trước khi khởi sự đảo chính 1 tháng. Họ giao cho trung tá Chung Tấn Cang - Chỉ huy trưởng lực lượng Giang thuyền đảm nhận nhiệm vụ tiêu diệt Hồ Tấn Quyền.

Khi được giao nhiệm vụ, Chung Tấn Cang móc nối với thiếu tá Trương Ngọc Lực - Chỉ huy lực lượng Hải quân Vùng  III Sông Ngòi và đại úy Nguyễn Kim Hương Giang - Chỉ huy trưởng Giang đoàn 24. Cả hai đều được Hồ Tấn Quyền xem là thuộc hạ thân tín.

Lực và Giang là kẻ nợ ân nghĩa với Hồ Tấn Quyền rất nhiều. Trương Ngọc Lực vừa được Hồ Tấn Quyền thăng từ hàm đại úy lên thiếu tá trước đó 5 ngày. Còn Nguyễn Kim Hương Giang trước kia là sỹ quan thuộc lực lượng Thủy quân Lục chiến - Vốn là 1 đơn vị "máu lửa" dễ chết - thuộc quyền của Hồ Tấn Quyền.

Vốn sợ chết, Hương Giang luôn tìm cách xin về đơn vị "an toàn". Thời may, vợ của Giang tình cờ quen vợ của Hồ Tấn Quyền trong 1 chuyến làm công tác từ thiện. Vợ của Giang tận dụng cơ hội đút lót một mớ tiền và năn nỉ vợ Hồ Tấn Quyền xin Giang về Hải quân. Nghe lời vợ, Hồ Tấn Quyền "rút" Giang từ Thủy quân Lục chiến về Hải quân.

Nhóm đảo chính tận dụng sự thân tình của Lực và Giang để thực hiện kế "điệu hổ ly sơn", mời Hồ Tấn Quyền ra khỏi Bộ Tư lệnh Hải quân rồi hạ sát.

Sáng sớm ngày 1-11-1963, khi lực lượng đảo chính chưa khai hỏa, thiếu tá Trương Ngọc Lực và đại úy Nguyễn Kim Hương Giang mặc thường phục đến tận sân tenis mời Hồ Tấn Quyền đi Biên Hòa với lý do họ đã tổ chức tiệc mừng sinh nhật lần thứ 36 cho Hồ Tấn Quyền tại đó để trả ơn.

Lúc đầu, Hồ Tấn Quyền từ chối nhưng do có chủ đích nên Lực và Giang cứ cày cục năn nỉ. Thấy đệ tử quá sốt sắng, Hồ Tấn Quyền không đành lòng từ chối. Ông ta lấy chiếc xe du lịch Citroen (không phải Traction như đồn đoán), đích thân cầm lái chở hai kẻ đồ tể đi mà không hề biết đang đi vào tử lộ. Trương Ngọc Lực ngồi cạnh Hồ Tấn Quyền ở ghế trước và Nguyễn Kim Hương Giang ngồi ghế sau.

Xe vừa đến khu vực vắng ở Thủ Đức, Trương Ngọc Lực bất ngờ rút dao đâm thẳng vào ngực đại tá Quyền. Do nhát gan, run tay, con dao đâm sượt cánh tay của Hồ Tấn Quyền. Vốn là con nhà võ, Hồ Tấn Quyền nhanh như cắt đánh mạnh tay lái đồng thời khóa tay thiếu tá Lực đoạt được con dao. Cả hai giằng co nhau ở ghế trước. Ngồi phía sau, đại úy Giang ung dung rút súng ngắn dí sát đầu ông Quyền siết cò. Viên đại tá đầy quyền lực đổ gục xuống, chết ngay tại chỗ. Để chắc ăn, Giang còn bồi thêm 1 phát vào sau lưng nơi vùng tim nạn nhân. Đúng lúc đó, một chiếc xe jeep xuất hiện. Hai sát thủ vất bừa xác đại tá Quyền vào cốp xe Citroen rồi nhanh chóng lên chiếc xe jeep trở về Sài Gòn.

Sau đó, một nhóm quân nhân được lệnh đến hiện trường đưa thi thể Hồ Tấn Quyền về nhà chứa xác Tổng Y viện Cộng hòa (Nay là bệnh viện 175) ở Gò Vấp. Khi Quyền bị giết, người vợ đang đi học giải phẫu thẩm mỹ ở nước ngoài. Người ta chỉ thông báo cho bà biết Quyền "bị thương nặng".

Cuộc “đảo chính” bên trong Bộ tư lệnh Hải quân

Về đến Sài Gòn, Lực và Giang ném bỏ bộ thường phục vấy máu, thay quân phục Hải quân vào rồi đi đón đoàn xe vận tải GMC chở 2 đại đội tân binh do đại tá Đỗ Kiến Nhiễu chỉ huy đang từ trung tâm huấn luyện Quang Trung tiến chiếm Bộ Tư Lệnh Hải quân. Nhờ 2 bộ quân phục sỹ quan Hải quân của Lực và Giang mà đoàn tân binh dễ dàng xâm nhập Bộ Tư lệnh Hải Quân.

Nguyễn Kim Hương Giang (người thứ ba tính từ bên phải).

Ngay khi xâm nhập thành công, Giang chỉ huy đám tân binh bất ngờ và êm thấm chiếm lĩnh các vị trí trọng yếu trong khu vực, chong súng ra lệnh binh sĩ Hải quân hạ súng đầu hàng. Trong khi đó, Lực đến Phòng Tham mưu Tư lệnh Hải quân khống chế trung tá Đặng Cao Thăng - Tham mưu trưởng Hải quân để lục tìm hồ sơ biệt đội người nhái. Tuy nhiên, hồ sơ biệt đội này luôn nằm trong cặp của Ngô Đình Nhu. Và Nhu đã tiêu hủy hồ sơ trước khi rời khỏi phủ tổng thống vào khuya ngày 2-11-1963.

Cuộc đảo chính tại Bộ tư lệnh Hải quân thành công. Lúc 13 giờ 30 phút, Trung tá Chung Tấn Cang đến tiếp nhận vai trò chỉ huy lực lượng Hải quân.

Kết thúc đảo chính, trung tá Cang được thăng đại tá, thiếu tá Lực được thăng trung tá và đại úy Giang được thăng thiếu tá.

Biệt đội người nhái của Hồ Tấn Quyền trở thành bóng ma không hồ sơ.

Ngày đám ma Hồ Tấn Quyền, đám người nhái đến trước quan tài đốt nhang khấn sẽ trả thù cho Hồ Tấn Quyền. Nghe tin, Lực và Giang nháo nhào đến gặp Dương Văn Minh xin được "xử lý" nhóm người nhái này. Tuy nhiên, khi Lực kéo quân đến nơi, nhóm người nhái đã kịp biến mất.

Lo sợ bị tàn quân người nhái trả thù, Lực xin Dương Văn Minh đi làm tùy viên quân sự Đại sứ quán ở Thái Lan. Sau khi cướp quyền lực từ tay Dương Văn Minh, "quốc trưởng" Nguyễn Khánh triệu hồi Lực về Sài Gòn. Sợ bị trả thù, Lực cởi bỏ quân phục, trốn ra ngoài làm Việt kiều lậu. Vẫn lo sợ bị ám hại, Lực trốn qua Campuchia cư trú một thời gian rồi sang Pháp định cư. Nỗi sợ hãi bị ám sát đeo đẳng mãi khiến ông ta bị điên. Ông ta chết đau đớn trong  một viện tâm thần ở Pháp.

 Còn Hương Giang thì xin ra Duyên Khu Hải quân ở đảo Phú Quốc làm cố vấn. Sau năm 1975 ông ta định cư một cách âm thầm ở Califonia.

Cuộc đảo chính "quân Quốc gia chiến thắng quân Việt Nam Cộng hòa" đã khiến 20 người chết và 145 người bị thương (kể cả số thường dân bị vạ lây).

Việc đưa Lê Quang Tung và Hồ Tấn Quyền vào kịch bản đảo chính đã chứng minh rằng, CIA đã quyết tâm xóa sạch tất cả những gì thuộc về Ngô Đình Diệm - Một chính quyền do chính CIA dựng lên.

Nông Huyền Sơn
.
.