Chuyến bay cuối cùng của Air America ở miền Nam Việt Nam: Hoảng loạn

Thứ Năm, 30/04/2015, 09:15
Năm 1965, cùng với việc quân viễn chinh Mỹ đến miền Nam Việt Nam, mở đầu cho một cuộc xâm lược bằng quân sự, hoạt động của Air America (AA) cũng theo đó tăng lên. Dưới vỏ bọc vận tải dân sự, máy bay của AA bay đến tất cả các tỉnh, thành miền Nam Việt Nam - kể cả đảo Thổ Chu - một hòn đảo nhỏ, hẻo lánh, nằm ở phía tây nam tỉnh Rạch Giá, nay là tỉnh Kiên Giang, AA cũng có bãi đáp trực thăng là một mảnh đất rộng chừng 100m2, lót vỉ sắt để thực hiện các chiến dịch chẳng hạn như Thiên Nga, Phượng Hoàng, hoặc chở tù binh từ các trại giam ra đảo Phú Quốc.

Đôi khi, AA cũng tham gia các chuyến bay thả biệt kích xuống vùng phi quân sự (DMZ) thuộc tỉnh Quảng Trị. Charlie Weitz, phi công AA từ năm 1960 đến năm 1973, đã từng điều khiển các loại trực thăng như H-34, Bell 204, Bell 205, Twin Pack và Chinnook kể: "Một ngày làm việc bình thường của chúng tôi là bay đến một nơi nào đó để nhận, giao hàng nhưng chưa bao giờ chúng tôi biết trong số các kiện hàng đó có chứa thuốc phiện, hoặc đưa đón những người Mỹ dân sự đến một buôn của người dân tộc Ê đê ở Tây Nguyên hay một làng chài ven bờ sông Cửu Long. Đôi khi, chúng tôi cũng bay cho Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), bay tải thương hoặc bay SAR - tìm kiếm và giải cứu các phi công quân sự bị bắn rơi".

Tháng 8/1966, CIA tiến hành xây dựng trạm rađa TACAN - Tactical Air Naviagtion - trên đỉnh ngọn núi Phou Pha Thi thuộc tỉnh Sầm Nưa, Lào, giáp với tỉnh Sơn La, miền Bắc Việt Nam để dẫn đường cho máy bay Mỹ ném bom miền Bắc. Trạm rađa này được CIA đặt bí danh là Lima Site 85. Willie Parker, Phi đội trưởng của AA nhớ lại: "Mỗi tuần 2 lần, trực thăng Chinnook của chúng tôi chở theo thực phẩm, nước uống, xăng dầu, thiết bị thay thế và các vật phẩm khác, hạ cánh xuống một mảnh đất bé tí trên đỉnh núi. Lúc bay lên, thường thì chúng tôi phải bay ngược hướng gió để tránh khỏi bị những luồng gió mạnh kéo máy bay va vào núi".

Tháng 7/1967, chiếc Chinnook của Willie Parker bị Lực lượng Pathet Lào bắn rơi. Cả chuyến bay chỉ có Parker và một hành khách nữa sống sót, hơn 10 người thiệt mạng. Paker kể: "Chúng tôi bị bắn rơi lúc 9 giờ sáng rồi được quân Vàng Pao cứu. Bị bỏng 58% diện tích cơ thể, tôi phải chịu sự đau đớn trong suốt 6 tiếng đồng hồ cho tới khi máy bay của AA hạ cánh, đưa tôi vào bệnh viện".

Ngày 12/1/1968, một biên đội gồm 4 máy bay An-2 của Không quân nhân dân Việt Nam do phi công Phan Như Cẩn dẫn đầu, xuất phát từ sân bay Gia Lâm và bay ở độ cao thấp, không dùng radio dẫn đường để bảo đảm bí mật, đã oanh kích trạm rađa này bằng rốckét và pháo cối.

Ngày 9/3/1968, một đơn vị đặc công Quân đội nhân dân Việt Nam với sự hỗ trợ của Lực lượng Cách mạng Pathet Lào mở cuộc tiến công trạm hoa tiêu Lima Site 85. Quân đội Hoàng gia Lào và lực lượng bán quân sự người Mông của Vàng Pao - là những đơn vị bảo vệ trạm Lima Site 85 bỏ chạy. Trước nguy cơ vị bộ đội đặc công Việt Nam tràn ngập, nhân viên CIA ở trạm gọi Không quân Mỹ đánh bom yểm trợ để phi công AA đưa trực thăng vào, di tản những người sống sót.

Theo phi công Laitz thì đó là những chuyến bay kinh hoàng. Có những lần hạ cánh, trực thăng UH chỉ gác được một càng vào vách đá, còn càng bên kia chơi vơi ngoài khoảng không. Phi công nghiến răng ghì chặt cần lái, giữ cho máy bay khỏi chòng chành do lực tác động của nhân viên CIA lúc hấp tấp trèo lên.

Thomas Johnson, phi công AA và nhóm Fulro ở Tây Nguyên năm 1966.

Từ ngày 12 đến 18/1/1968, Không quân Mỹ liên tục bắn phá trạm Lima Site 85. Đến ngày 19, họ ném bom phá hủy hoàn toàn. Việc dẫn đường cho máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc được chuyển sang một trạm khác nằm thụt lùi xuống phía dưới, ngang với tỉnh Thanh Hóa miền Bắc Việt Nam.

Đối đầu với hoảng loạn

Tháng 1/1973, Hiệp định Paris ký kết, AA chuyển căn cứ về lại Udon Thani, Thái Lan nhưng vẫn tiếp tục thực hiện các chuyến bay cho CIA tại miền Nam Việt Nam. Phần lớn những phi vụ này chở nhân viên Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn, nhân viên các lãnh sự quán Mỹ ở Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang - mà thực chất là người của CIA đội lốt ngoại giao đi gặp gỡ, tiếp xúc với các điệp viên hoặc kiểm tra mạng lưới tình báo.

Ngày 6/1/1975, Quân Giải phóng chiếm Phước Long. Ngày 10/3/1975, Quân Giải phóng nổ súng tấn công thị xã Ban Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk (theo cách gọi của chính quyền Sài Gòn) và trưa ngày 11/3, đã làm chủ hoàn toàn thị xã này. Trong số những sĩ quan thuộc Tiểu khu Đắk Lắk và Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh bị Quân Giải phóng bắt sống, có một người Mỹ tên là Struharris.

Trước đó, khi cuộc tấn công vừa nổ ra, Strucharris đã gọi cho trạm CIA ở Nha Trang, rằng anh ta sẽ chạy xuống quận Phước An - nay là huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, cách Ban Mê Thuột khoảng 35km về hướng Đông, nơi có một sân bay trực thăng và yêu cầu AA đến cứu. Ed Adams, người lái chiếc UH-1A từ Nha Trang lên Phước An kể lại: "Tôi gọi Manny DeGusman, sĩ quan cơ khí phi hành rồi bảo anh ta khởi động máy. Sau khi thông báo đường bay cho Trạm kiểm soát không lưu VTB-18 - là trạm riêng của AA, tôi cất cánh ngay lập tức. Chỉ mất 30 phút, tôi đã đến khu vực mà Strucharris đã thông báo. Tuy nhiên, qua radio, Strucharris cho biết anh ta vẫn ở trong căn nhà của mình tại thị xã Ban Mê Thuột nhưng bị Việt Cộng vây kín.

Vào tới Ban Mê Thuột, tôi thấy đường phố vắng lặng. Ngoại trừ vài xác xe cháy đen, không có dấu hiệu gì chứng tỏ Việt Cộng đã làm chủ thị xã. Lượn một vòng rồi hạ thấp độ cao, tôi bất ngờ khi thấy một chiếc xe tăng T-54 ở ngay khu vực nhà Strucharris, nòng pháo chĩa thẳng về phía trước. Đột ngột, đạn cao xạ 37mm nổ rền vang quanh máy bay nên tôi cho nó lên cao 5.000 mét".

Vẫn theo Ed Adams, suốt gần 2 tiếng đồng hồ sau đó, trực thăng của anh ta lảng vảng trên bầu trời Ban Mê Thuột với hy vọng sẽ cứu được Strucharris. Khi gần hết xăng, Adams quay về Nha Trang lấy thêm nhiên liệu rồi lại tiếp tục bay: "Ngày 14/3, radio của Strucharris ngừng liên lạc, có lẽ là hết pin hoặc anh ta đã gặp chuyện gì đó. Sau này tôi mới biết Strucharris bị bắt làm tù binh".

Những ngày đầu tháng 4/1975, Huế, rồi Đà Nẵng thất thủ, CIA nhận định khả năng Quân Giải phóng đánh chiếm Sài Gòn là điều không thể tránh khỏi nên tại Washington, Chính phủ Mỹ cùng các tướng lĩnh bắt đầu thảo luận về một chiến dịch di tản người Mỹ bằng trực thăng ra khỏi Sài Gòn nếu sân bay Tân Sơn Nhất bị pháo kích. Mật danh của chiến dịch này là "Gió cuốn - Frequent Wind" và sẽ do AA đóng vai trò chủ chốt bởi lẽ chỉ có loại trực thăng UH của AA mới có khả năng đáp xuống một số sân thượng của các tòa cao ốc ở trung tâm Sài Gòn.

Ngày 7/4/1975, phi công kỳ cựu Nikki A. Fillipi, đại diện cho AA đã lập xong "Nhóm hoạch định đặc biệt" trực thuộc "Trung tâm kiểm soát di tản" trụ sở đặt tại Văn phòng Tùy viên quân sự Mỹ (DAO) trong căn cứ không quân Tân Sơn Nhất. Trách nhiệm của nhóm này là khảo sát 37 nóc nhà ở trung tâm Sài Gòn để xem có thể sử dụng làm bãi đáp trực thăng được không. Cuối cùng, Fillipi chọn ra 15 nhà, làm điểm đón người di tản.

Trong các cuộc họp với Nhóm hoạch định đặc biệt, Fillipi nhấn mạnh nếu muốn AA hoàn thành nhiệm vụ di tản thì giới quân sự Mỹ phải đáp ứng ba yêu cầu: Một là bảo đảm an toàn cho điểm đáp máy bay. Hai là bảo đảm an toàn tại nơi tiếp nhiên liệu và ba là thiết lập một mạng lưới liên lạc riêng cho máy bay trực thăng của AA.

Sau này, trong bản tường trình khi ra điều trần trước Quốc hội Mỹ,  một phi công của AA là Israel Freeman viết: "Rút kinh nghiệm các cuộc di tản ở Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, tôi thấy chúng ta chưa chuẩn bị đầy đủ cho việc đi khỏi Sài Gòn. Vấn đề đáng lo nhất là nhiên liệu, kế đến là an ninh ở bãi đậu máy bay. Tại Huế và Đà Nẵng, do thiếu xăng, AA đã mất không dưới 3 trực thăng mà nguyên nhân là chúng ta không thể bảo đảm an ninh cho các trạm xăng và các bãi đậu. Việc không thể bảo đảm an ninh không phải vì đối phương đang đến mà vì binh lính Sài Gòn quá hoảng loạn. Họ bám chặt vào máy bay khi chúng ta hạ cánh, và bắn vào máy bay khi chúng ta bay lên mà họ không được lên…".

Vẫn trong bản tường trình, Israel Freeman viết tiếp: "Tôi đã thảo luận điều này với Phi đội trưởng Winston. Tôi đề nghị tìm các khu vực an toàn ở ngoại ô Sài Gòn làm điểm tiếp nhiên liệu và nếu cần thiết thì bố trí người của chúng ta ở đó để chắc chắn rằng xăng dầu không bị mất cắp. Ý của tôi là dân cư, binh lính ở các khu vực ngoại ô sẽ không biết những gì đang xảy ra trong thành phố. Vì vậy, trong trường hợp có sự hoảng loạn hoặc đối phương tấn công vào thành phố, máy bay chúng ta vẫn có những điểm an toàn để lấy thêm xăng".

Tuy nhiên, Phi đội trưởng Winston cho rằng dù sao chăng nữa, lính thủy đánh bộ Mỹ cũng sẽ bảo vệ cho AA bất luận tình hình thế nào. Israel Freeman ngán ngẩm: "Nghe xong, tôi chỉ còn biết ngậm miệng. Ngay từ đầu của cuộc tháo chạy, chúng tôi đã ở trong tình thế vô cùng bất lợi bởi đội ngũ quản lý thiển cận, không rút ra được bài học tại Huế, Đà Nẵng và Nha Trang".

Để thực hiện việc di tản người Mỹ và những người Việt Nam cộng tác chặt chẽ với Mỹ, AA đã cam kết với Đại sứ quán Mỹ rằng lúc nào cũng có 25 trong tổng số 28 trực thăng sẵn sàng cất cánh. Phi công Victor Carpenter cho biết: "Tuy nhiên, có một điều mà những nhà lãnh đạo AA không nói ra với Đại sứ quán. Ấy là do thiếu phi công nên chúng tôi được lệnh mỗi người bay một chiếc. Điều này rất nguy hiểm vì không có lái phụ làm nhiệm vụ dẫn đường".

Xuất tướng

Ngày 9/4/1975, Paul Velte, Giám đốc điều hành AA từ Washington đến Sài Gòn. Sau khi hỏi ý kiến phi công Fillipi về kế hoạch di tản bằng trực thăng, Velte liên lạc với chuẩn tướng Không quân Richard Baughn và Thiếu tướng Phó tùy viên quân sự Homer D. Smith. Trong buổi gặp gỡ, ông ta cho biết mối lo lắng nhất là Sở chỉ huy của AA trong sân bay Tân Sơn Nhất sẽ tanh bành nếu Quân Giải phóng tấn công bằng tên lửa và trọng pháo. Vì vậy, Paul Velte gợi ý với Richard Baughn, rằng Hải quân Mỹ cho AA mượn một tàu sân bay làm căn cứ điều hành. Tàu sân bay này ngoài việc cung cấp nhiên liệu cho các chuyến bay, nó còn phải có chuyên viên và thiết bị cần thiết để sửa chữa trực thăng UH.

Đồng cảm với yêu cầu của Paul Velte nhưng chuẩn tướng Richard Baughn nói không thể giao tàu sân bay cho AA, mà chỉ cho mượn 30 phi công để mỗi trực thăng của AA có đủ hai người điều khiển. Tin tức của buổi gặp gỡ ấy đến tai Đại sứ Mỹ Graham Martin. Rất tức giận, Martin gửi công điện  đình chỉ chức trách của Baughn và ra lệnh cho Baughn phải rời khỏi Sài Gòn ngay lập tức vì Martin tin rằng Sài Gòn không thể sụp đổ. Việc vội vã tháo chạy chỉ làm xấu đi hình ảnh của nước Mỹ trong mắt các đồng minh.

Máy bay Pilatus của AA hạ cánh xuống một đường băng dã chiến ở tỉnh Quảng Đức (nay là tỉnh Đắk Nông).

Ngày 12/4/1975, Lữ đoàn 9 lính thủy đánh bộ Mỹ chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh cho chiến dịch di tản cử đại diện đến tham vấn Đại sứ Graham Martin.  Martin nói nên xem xét kế hoạch di tản một cách thận trọng đến mức tối đa vì ông sẽ không tha thứ bất kỳ một biểu hiện nào cho thấy người Mỹ có ý định bỏ rơi miền Nam Việt Nam.

Hôm sau, đích thân Tư lệnh Lữ đoàn 9 là chuẩn tướng Richard E. Carey từ Guam bay sang Sài Gòn gặp Đại sứ Martin. Cuộc gặp rất lạnh nhạt trong sự cáu kỉnh của Đại sứ Martin và dĩ nhiên, không có kết quả bởi  Martin còn lưỡng lự, chưa muốn di tản vì sự hoảng sợ sẽ làm bộ máy chính quyền Sài Gòn tan rã nhanh chóng hơn.

(Còn tiếp)

Cao Trí (theo Air America - The Secrets in Vietnam War)
.
.