Hành trình của một bác sĩ quân giải phóng: Định mệnh khắc nghiệt

Thứ Sáu, 26/06/2015, 11:20
...Đêm hôm đó, bác sĩ Đài không đọc thư vì bận nói chuyện với bạn bè, những người sắp sửa bước chân vào nơi lửa đạn, nơi sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Mãi đến sáng hôm sau, khi bạn bè ông chia tay để tiếp tục cuộc hành quân thì ông mới lấy mấy lá thư ra: "Tôi rất ngạc nhiên vì không thấy thư vợ tôi, chỉ toàn thư bạn bè. Mở lá thư của anh Lý, Chính ủy Viện Quân y 108, bắt đầu bằng một câu làm tôi sửng sốt: "Chắc anh đã nhận được thư của chị về tin cháu mất. Chúng tôi đã ra chia buồn với chị...".

1. Trong suốt 8 năm ở Tây Nguyên, bác sĩ Lê Cao Đài chỉ ra Bắc một lần vào tháng 7/1971 để tham dự một hội nghị chuyên đề về phẫu thuật cho thương binh ở chiến trường. Cùng đi với ông còn có 7 người nữa. Ông kể: "Chúng tôi đi bộ mất khoảng 4 tháng cho cả lượt đi lẫn lượt về".

Để tạo thuận lợi và an toàn cho việc di chuyển, trên suốt tuyến "đường mòn Hồ Chí Minh", các binh trạm được thành lập và bố trí cách nhau chừng 6 hoặc 8 giờ đi bộ. Tùy theo vị trí, tính chất của từng tuyến đường, mỗi binh trạm có thể chứa được vài chục người đến vài trăm người.

Bác sĩ Đài nói: "Ở mỗi nơi đều có giao liên làm nhiệm vụ đưa khách từ binh trạm này đến binh trạm khác. Tại mỗi binh trạm, khách được cấp gạo, thức ăn, nước uống…".

Sau gần hai tháng đi bộ, đoàn bác sĩ Đài đã ra đến Quảng Bình rồi được xe tải đưa về Hà Nội. Ông nói: "Lúc bắt đầu đi, tôi đã có một linh cảm không lành. Gần đến Hà Nội, tôi gặp một nhóm đi theo hướng ngược lại để vào chiến trường miền Nam, trong đó có vài người quen tôi.  Nhìn thấy tôi, họ rất mừng rồi đưa cho tôi mấy lá thư đề tên người nhận là tôi".

Đêm hôm đó, bác sĩ Đài không đọc thư vì bận nói chuyện với bạn bè, những người sắp sửa bước chân vào nơi lửa đạn, nơi sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Mãi đến sáng hôm sau, khi bạn bè ông chia tay để tiếp tục cuộc hành quân thì ông mới lấy mấy lá thư ra: "Tôi rất ngạc nhiên vì không thấy thư vợ tôi, chỉ toàn thư bạn bè. Mở lá thư của anh Lý, Chính ủy Viện Quân y 108, bắt đầu bằng một câu làm tôi sửng sốt: "Chắc anh đã nhận được thư của chị về tin cháu mất. Chúng tôi đã ra chia buồn với chị...". 

Bác sĩ Lê Cao Đài (người đứng thứ hai, hàng sau, bên phải) với các đồng đội tại Viện Quân y 211, chiến trường Tây Nguyên năm 1970.

Hấp tấp đuổi theo những người vừa đi khỏi, bác sĩ Đài hỏi họ chuyện gì đã xảy ra với con gái ông? Nghe ông hỏi, mấy người bạn ông mới hiểu rằng ông chưa đọc hết những lá thư đó: "Mãi một lúc, bác sĩ Bùi Đại, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm mới  cho tôi biết rằng con tôi lên sân thượng phơi quần áo rồi trượt chân. Nó mới 14 tuổi và nó là con duy nhất của vợ chồng tôi".

Vợ bác sĩ Lê Cao Đài là họa sĩ Vũ Giáng Hương, con nhà văn Vũ Ngọc Phan và nữ sĩ Hằng Phương. Họ quen nhau năm 1951 khi Trung đoàn 88, Đại đoàn 308 - nơi Lê Cao Đài công tác, về dưỡng quân ở Quần Tín, thuộc tỉnh Thanh Hóa; còn gia đình bà Vũ Giáng Hương thì đi sơ tán tại đây.

Bà Vũ Giáng Hương kể: "Lễ cưới chúng tôi rất đơn giản, quần áo cưới của tôi chỉ là  một cái áo vest mới may bằng vải kaki, còn chú rể mặc bộ quân phục mượn của người bạn. Chúng tôi đăng ký ở Ủy ban nhân dân xã nơi tản cư với sự chứng kiến của cha mẹ tôi, cậu tôi là Phan Khôi và nhà văn Tô Hoài. Tiệc cưới có hai con gà, còn giường cưới là một chiếc giường tre ọp ẹp trong gian nhà tranh của gia đình tôi".

Sau ngày cưới, Lê Cao Đài đưa vợ về chào gia đình mình đang tản cư ở Thanh Cù, Phú Thọ. Bà Vũ Giáng Hương kể tiếp: "Đường dài, trời nắng, đến trưa chúng tôi ngồi nghỉ trên một sườn đồi thông rồi đi tiếp xuống đò xuôi Đoan Hùng. Thuyền đỗ lại lúc trời đã khuya, chúng tôi nghỉ trong một điếm canh đê gần bến đò. Trong điếm có sẵn rơm của những người gác trải ra để nằm. Còn nhớ anh thì thầm với tôi: "Nếu chúng mình có con trai, sẽ đặt tên là Quán em nhé…". Tôi cảm thấy mình rất hạnh phúc nhưng không ngờ cuộc đời còn nhiều chuyện không may đến với chúng tôi sau này".

Vào thời điểm ấy, chẳng có gì lạ khi những tin tức về đứa con gái không kịp thời đến với bác sĩ Đài vì việc vận chuyển thư tín chủ yếu dựa vào đường dây giao liên, hoặc ở miền Bắc nếu gia đình nào có người quen vào Nam thì nhờ họ cầm giúp, hoặc  trong Nam có người ra Bắc an dưỡng, đi học, đi hội nghị thì cũng nhờ họ mang thư ra giùm. Một lá thư chuyển từ Nam ra Bắc hoặc ngược lại có khi phải mất 5, 6 tháng vì các cuộc ném bom dọc đường, hoặc người mang thư đau ốm, thương tật. Cũng có khi thư đến nơi nhưng đơn vị người nhận đã hành quân sang một chiến trường khác.

Lợi dụng yếu tố này, hệ thống tâm lý chiến của CIA và của quân đội Sài Gòn đã thực hiện những chiến dịch nhằm gây hoang mang cho những gia đình có con em đi chiến đấu ở miền Nam. Sau mỗi trận đánh hoặc những cuộc ném bom càn quét, nếu thu nhặt được những lá thư của Quân Giải phóng gửi về nhà, CIA, quân đội Sài Gòn chuyển nó cho các đài phát thanh do họ dựng lên như Đài Gươm thiêng ái quốc, Đài Mẹ Việt Nam… để những đài này phát ra miền Bắc, rằng ngày đó tháng đó, anh đó chị đó đã chết ở chỗ này, chỗ kia, hoặc đã bị bắt làm tù binh, hoặc đã đầu hàng.

James G. Zumwalt viết thư cho mẹ khi tham chiến tại Việt Nam.

Bác sĩ Đài kể: "Trong chuyến ra Bắc năm 1971, tôi mang một lá thư của bạn tôi là bác sĩ Minh về cho vợ anh ấy. Nhận được thư, vợ anh ấy vui lắm nhưng một tháng sau, cô tìm gặp tôi, khóc nức nở và bảo tôi: "Anh cứ nói thật đi, anh Minh nhà em vẫn ở bệnh viện an toàn đúng không?". Tôi khẳng định là đúng nhưng cô ấy nói: "Em nghe trên Đài Phát thanh Sài Gòn, họ nói anh Minh bị bắt làm tù binh. Họ đọc lá thư anh Minh gửi cho nhân dân miền Bắc, trong đó đề rõ tên anh ấy và những người bị bắt khác"...

Nếu bác sĩ Minh bị bắt thì chắc chắn địch phải đánh vào Viện Quân y 211. Ngay lập tức, bác sĩ Đài sang Cục Quân y hỏi thăm tình hình nhưng Cục khẳng định không có báo cáo nào nói về Viện Quân y 211 bị tấn công hoặc cán bộ của Viện bị bắt làm tù binh. Sau đó mới rõ là trên đường chuyển thư ra Bắc, một giao liên đã gặp biệt kích.

Để thoát thân, người giao liên này phải vứt bỏ balô - trong đó ngoài tư trang thì còn có khá nhiều thư từ. Khi thu được, nhóm biệt kích đã chuyển toàn bộ số thư cho bộ phận tâm lý chiến. Sử dụng họ tên, số hiệu hòm thư, các đài phát thanh tâm lý chiến của chính quyền Sài Gòn đã tung tin bác sĩ Minh bị bắt.

2. Trở lại cuộc sống nơi chiến trường, việc săn bắn thú rừng cũng như đánh cá chỉ mang tính chất tạm thời, còn về lâu về dài, trồng trọt vẫn là biện pháp chủ yếu. Bác sĩ Đài nói: "Chúng tôi có một quy định là mỗi khoa, phòng đều phải tìm đất trồng sắn (khoai mì), trồng lúa để có đủ lương thực cho đơn vị. Tất cả đều làm bằng tay. Có nơi, chúng tôi trồng hơn 100 hecta sắn".

Để đảm bảo an ninh, khu vực trồng sắn, trồng lúa thường nằm cách xa bệnh viện  khoảng 20 hoặc 30km để khi đốt rừng dọn đất, máy bay trinh sát hoặc biệt kích sẽ tưởng lầm rằng đó là nương rẫy của người dân tộc. Tuy nhiên, nhiều lúc nghi ngờ, quân đội Mỹ cho máy bay rải chất dioxin làm rụng lá cây. Những lúc đó, nếu củ khoai mì đã lớn, lúa đã chín, bác sĩ Đài cùng đồng đội phải gấp rút thu hoạch mà không hề nghĩ đến những di hại của chất dioxin, kéo dài mãi hàng vài chục năm về sau này, trong đó có cả bản thân ông..

Trực tiếp giải quyết cho hàng nghìn thương bệnh binh, bác sĩ Đài nhận ra có nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu để tìm hướng giải quyết: "Trong các năm từ 1966 đến 1968, hầu như bộ đội hoạt động ở Tây Nguyên đều bị nhiễm ký sinh trùng gây bệnh sốt rét, trong đó có nhiều trường hợp sốt rét ác tính. Một bác sĩ là chuyên gia về loại bệnh này được điều từ miền Bắc vào để tìm kiếm phương cách phòng ngừa, thế nhưng trước khi hoàn tất công trình nghiên cứu, ông cũng đã chết vì bệnh sốt rét".

Các bệnh về đường tiêu hóa - trong đó có bệnh tiêu chảy cũng là vấn đề nghiêm trọng. Rất nhiều bệnh nhân tử vong vì mất nước, trụy tim mạch do tiêu chảy cấp tính. Khám nghiệm tử thi, bác sĩ Đài nhận thấy niêm mạc ruột của họ rất mỏng, hậu quả của độc tố tiết ra từ vi khuẩn tiêu chảy. Bên cạnh đó, lại còn có nhiều bệnh gây ra bởi chứng thiếu vitamin, chẳng hạn như mù do thiếu vitamin A.

Theo bác sĩ Đài, phải mất một thời gian ông mới nhận ra rằng chất diệt cỏ dioxin là tác nhân chính gây nên một số bệnh. Người phơi nhiễm dioxin sẽ bị suy giảm hệ thống miễn dịch, dẫn đến cơ thể không còn sức đề kháng với vi khuẩn. Chưa kể những kẻ thù khác - là các loại côn trùng luôn thường trực ở những khu rừng xung quanh Viện Quân y 211.  Bác sĩ Đài nói: "Có những cánh rừng là nơi sinh sôi của cả triệu con vét (hay còn gọi là ve, là một loại bọ, sống bằng cách hút máu động vật máu nóng). Khi bị nó chích, nếu không biết cách thì chỉ lấy được thân mình nó ra, còn cái đầu - nơi có vòi chích vẫn cắm sâu vào da thịt và gây ngứa, gây sốt. Nhiều loại vét sống ở dưới đất, trong những thân gỗ mục. Có loại sống ở trên cây và có loại chui ra từ bộ lông của những xác thú rừng đã chết”.

Thoạt đầu, bác sĩ Đài chưa có khái niệm gì về loài hút máu này. Cho đến một hôm, có một bệnh nhân tìm gặp ông vì bị chảy máu mũi. Chuyển người bệnh ấy sang khoa Tai Mũi Họng thì phát hiện trong hốc mũi anh ta có một con vét. Nó bám chặt vào niêm mạc mũi, hút máu rồi cứ thế lớn lên. Và mặc dù loài vét không chịu được môi trường ngập nước nên nếu phải đi qua những khu rừng có nhiều vét, bộ đội thường tìm những dòng suối để đi nhưng dưới suối lại có nhiều đỉa. Hóa ra, chẳng cách nào tốt hơn cách nào! 

Ba cha con Đô đốc Elmo Zumwalt trong chiến tranh Việt Nam. Người bên phải là Đô đốc Elmo Zumwalt, người bên trái là trung tá James G. Zumwalt.

3. Làm việc trong điều kiện vừa thiếu thốn nhiều mặt, lại vừa bị kẻ thù săn đuổi ngày đêm nhưng không vì thế mà đội ngũ chuyên môn của Viện Quân y 211 dao động tư tưởng. Trong nhật ký của mình, bác sĩ Đài viết: “…Tháng 7, chữa khỏi, cho ra Viện 1.200 người đủ sức khỏe để chiến đấu nhưng do thương, bệnh binh vào nhiều nên số nằm điều trị hằng ngày vẫn xấp xỉ 1.300 đến 1.400 người. Nhiều trường hợp điều trị thành công như 13 ca sốt rét ác tính, 4 ca mổ phình động mạch…”.

Một trong những ca mổ để đời của bác sĩ Đài là vào một buổi chiều năm 1969. Lúc ấy, ông đang mổ trong phòng mổ dựng trên mặt đất thì nghe tiếng trực thăng rất gần. Có lẽ viên phi công đã nhìn thấy những dãy nhà, những căn hầm và đã báo về căn cứ nên chỉ một thoáng sau, là tiếng máy bay phản lực gầm rú. Tiếp theo, chiếc trực thăng bắn một trái khói, chỉ điểm mục tiêu. 

Trước khi quả bom đầu tiên rơi xuống, bác sĩ Đài ra lệnh chuyển bệnh nhân xuống hầm. Ông kể: "Dây truyền máu, truyền dịch và thiết bị gây mê tạm thời được khóa lại. Hộ lý khiêng bệnh nhân trên cáng, vượt qua một giao thông hào vào hầm mổ. Tôi và bác sĩ phụ mổ chạy theo, tay vẫn đeo găng nhưng cố gắng không đụng vào bất cứ cái gì để đảm bảo điều kiện vô trùng. Vào tới hầm, tôi lại tiếp tục mổ và khi gần kết thúc, một quả tên lửa phóng từ máy bay phản lực đã phá tan phòng mổ dựng trên mặt đất của chúng tôi".

Trong số những người bị thương mà Viện Quân y 211 tiếp nhận điều trị, có cả tù binh Mỹ. Theo bác sĩ Đài, khoảng năm 1968 hay 1969 gì đó, 2 tù binh Mỹ bị thương được đưa đến vì Viện Quân y 211 là bệnh viện lớn nhất ở mặt trận Tây Nguyên lúc bấy giờ. Ông nói: "Không may là cả hai người Mỹ ấy đều chết. Người đầu chết sau một hoặc hai ngày điều trị do vết thương ở lưng quá nặng, mất hoàn toàn xương cùng. Lúc mới vào, anh ta còn tỉnh táo nhưng tôi cũng như anh em, chẳng ai nói được tiếng Anh nên chúng tôi không thể giao tiếp với anh ta và cũng chẳng hiểu anh ta nói gì trước khi chết.

Người thứ hai được chuyển đến gần như cùng lúc với một vết thương vùng bụng. Anh ta chết sau đó mấy  ngày, có thể là 5 ngày. Cả hai đều được chôn gần bệnh viện".

Mặc dù họ tên và nơi chôn 2 tù binh Mỹ được bác sĩ Đài ghi chép cẩn thận nhưng trong một lần vội vã di chuyển bệnh viện vì bị máy bay trinh sát phát hiện, một người lính khi thu dọn hồ sơ bệnh án đã vô tình bỏ sót tờ giấy có những ghi chú nói trên. Sau này, khi chương trình tìm kiếm hài cốt lính Mỹ chết trong chiến tranh Việt Nam (MIA) được tiến hành, bằng trí nhớ của mình, bác sĩ Đài đã mô tả lại vị trí của Viện Quân y 211 cùng nơi chôn 2 tù binh Mỹ: Nghĩa tử là nghĩa tận.

Cao Trí (lược dịch từ “Bare Feet, Iron Will” và các tài liệu liên quan)
.
.